Trung Quốc công bố lộ trình phát triển kinh tế trong năm mới 2025

Trong bài viết đăng trên tờ “Nhân dân Nhật báo” mới đây, ông Hàn Văn Tú, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc, đã cung cấp thông tin chi tiết về lộ trình kinh tế của Trung Quốc cho năm 2025.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất ô tô xuất khẩu của Công ty TNHH Kaiyi Auto, thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ảnh: Công Tuyên/PV TTXVN tại Trung Quốc

Theo bài viết, năm 2024, kinh tế Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng phục hồi và tiến triển đáng kể trước những thách thức phức tạp trong nước và quốc tế. Một số thành tựu quan trọng tạo tiền đề cho tăng trưởng trong tương lai.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới dự kiến tăng trưởng khoảng 5%, đóng góp gần 30% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu và duy trì vị thế của Trung Quốc là động lực chính của kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc đạt những bước tiến đáng kể trong việc phát triển các lực lượng sản xuất chất lượng mới, đẩy mạnh các biện pháp cải cách và mở cửa và khả năng xuất khẩu phục hồi rõ ràng.  

Bài viết cũng thừa nhận những thách thức mà kinh tế Trung Quốc phải đối mặt. Nhu cầu trong nước, đặc biệt là chi tiêu của người tiêu dùng, vẫn chưa mạnh và một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động. Áp lực việc làm tiếp diễn và rủi ro trong một số lĩnh vực tiếp tục là mối quan tâm. Trên bình diện quốc tế, các xung đột địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu gia tăng đã làm tăng thêm sự phức tạp mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt.

Bất chấp những thách thức này, bài viết cho rằng nền tảng kinh tế của Trung Quốc vẫn vững mạnh, với những lợi thế đáng kể, khả năng phục hồi và tiềm năng tăng trưởng. Các xu hướng tích cực dài hạn hỗ trợ sự phát triển của Trung Quốc vẫn không thay đổi.

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc gần đây đã vạch ra một số biện pháp và nhiệm vụ chính cho nền kinh tế nước này năm 2025. Trong đó, các nỗ lực sẽ tập trung vào việc hợp lý hóa cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ, duy trì tăng trưởng tương đối mạnh mẽ về cung tiền và tín dụng, đồng thời giảm tổng chi phí tài chính xã hội.

Các biện pháp này nhằm giải quyết hiệu quả các thách thức tài chính mà các doanh nghiệp phải đối mặt, đặc biệt là các vấn đề dai dẳng về khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế và chi phí vay cao. Chính phủ Trung Quốc sẽ có hành động thúc đẩy mạnh mẽ việc tích hợp đổi mới công nghệ và công nghiệp, tập trung vào việc xây dựng nền công nghiệp hiện đại.

Trung Quốc cũng có kế hoạch tăng đáng kể hỗ trợ cho sự phát triển của nhiều doanh nghiệp "kỳ lân" và "linh dương". Nhà chức trách sẽ nỗ lực điều chỉnh các thuật toán và tăng cường giám sát để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của kinh tế nền tảng. Trong bối cảnh nỗ lực ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro hiệu quả ở các lĩnh vực then chốt, chính phủ đặt trọng tâm vào thị trường bất động sản, nợ chính quyền địa phương và các tổ chức tài chính vừa và nhỏ.

Nguyễn Hằng - Bích Ngọc (TTXVN)
Dõi theo đà phục hồi kinh tế Trung Quốc, giá dầu châu Á đi lên 
Dõi theo đà phục hồi kinh tế Trung Quốc, giá dầu châu Á đi lên 

Trong phiên giao dịch chiều 2/1, giá dầu tại thị trường châu Á đi lên, khi các nhà đầu tư theo dõi đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và nhu cầu nhiên liệu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN