Theo dự thảo Báo cáo kết quả giám sát về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018”, thời gian qua, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã triển khai đúng trình tự, thủ tục, cơ bản đúng thẩm quyền về nội dung và hình thức, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy.
Tuy nhiên, việc rà soát, bổ sung, chỉnh sửa hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, nhất là các văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn điều chỉnh đối với một số loại hình cơ sở mới xuất hiện như chung cư mini, nhà ở chuyển đổi công năng, khách sạn, văn phòng cho thuê, quán karaoke, nhà dân kết hợp để ở và sản xuất, kinh doanh xen cài trong khu dân cư, nhà máy lọc hóa dầu, công trình nhiều tầng hầm, hầm đường bộ, hầm đường sắt, công trình siêu cao tầng (cao trên 75m)… Một số dự án, công trình đặc thù phải áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật của nước ngoài nhưng nội dung lại chưa phù hợp với điều kiện, đặc điểm hạ tầng kỹ thuật của nước ta nên khó thực hiện.
Giai đoạn 2014-2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng mới 96.792 phương án chữa cháy, tổ chức thực tập 52.032 phương án. Trong 4 năm, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy đã tham gia và phối hợp với các lực lượng dập tắt được gần 10 nghìn vụ cháy (chiếm 73,1% số vụ cháy); lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ xử lý được trên 3 nghìn vụ cháy từ khi phát sinh.
Tuy nhiên, việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy ở một số cơ sở còn mang tính hình thức, đối phó. Việc xây dựng, bố trí các điều kiện chữa cháy (như giao thông, nguồn nước, phương tiện…) chưa được quan tâm, chưa đáp ứng được yêu cầu chữa cháy. Nhiều vụ cháy do không được dập tắt kịp thời đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng phòng cháy, chữa cháy chưa thực sự chặt chẽ.
Qua giám sát cũng cho thấy, hầu hết các địa phương chưa ban hành quy định việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực theo quy định. Việc xử lý các cơ sở này còn gặp khó khăn, kết quả còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do chưa đưa ra được các giải pháp phù hợp để xử lý dứt điểm như chưa bố trí được địa điểm di dời, vấn đề đền bù, an sinh xã hội. Việc bố trí chỗ ở, sinh hoạt cho người dân, nhất là tại các khu tập thể cũ… Đa số địa phương cũng chưa ban hành quy định mức chi ngân sách địa phương cho phòng cháy, chữa cháy như mức hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó dân phòng và phòng cháy, chữa cháy cơ sở không chuyên trách.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng cháy, chữa cháy còn mang tính hình thức, chưa thực sự quyết liệt, chưa có hiệu quả thực chất. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy chưa đạt hiệu quả, nhận thức, ý thức của một số bộ phận người dân về phòng cháy, chữa cháy còn nhiều mặt hạn chế…
Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu đánh giá cao dự thảo Báo cáo giám sát, cho rằng, dự thảo Báo cáo tương đối đầy đủ và khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, để tăng tính thuyết phục của Báo cáo cần đưa thêm số liệu minh chứng, biểu đồ và bảng biểu vào phụ lục; chỉ rõ những địa phương, đơn vị nào làm tốt, địa phương, đơn vị nào chưa làm tốt để có hướng khắc phục.
Về quy định mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, các đại biểu cũng cho rằng việc thực hiện chưa thực sự nghiêm túc; chính sách bảo hiểm cháy, nổ còn nhiều bất cập; chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe...
Kết luận buổi làm việc, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dự thảo Báo cáo cần rà soát lại kiến nghị theo đúng chức năng và chủ thể, bảo đảm tính khả thi. Trong lần trình Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây, Đoàn giám sát sẽ trình chiếu video clip minh họa cho báo cáo bằng văn bản. Video clip phải ngắn gọn, bổ sung nhiều lời bình và những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy, bám sát nội dung của báo cáo văn bản. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Tổ giúp việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36.