Ngày 3/6 đánh dấu 100 ngày xảy ra cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Cuộc chiến này gây tác động sâu rộng tới toàn thế giới không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài.
Vào ngày 24/2, Nga đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đánh dấu mốc leo thang mạnh mẽ trong xung đột giữa hai quốc gia láng giềng. Chiến sự đã gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn gia tăng nhanh nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, khi có trên 6,8 triệu người Ukraine chạy khỏi đất nước và một phần ba dân số nước này phải bỏ nhà cửa.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc rằng quá trình mở rộng về phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đe dọa an ninh quốc gia của Nga, điều mà NATO đã bác bỏ. Nga yêu cầu NATO ngừng mở rộng và cấm vĩnh viễn Ukraine tham gia liên minh. Moskva cũng cáo buộc Chính phủ Ukraine cố tình không thực thi các điều khoản trong Thỏa thuận Minsk đối với miền đông Ukraine.
Bước ngoặt diễn ra vào ngày 21/2, khi Nga công nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng ở Donbass, Ukraine. Tổng thống Putin giải thích lý do ông công nhận Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng là xuất phát từ chính việc Ukraine không tuân thủ các thỏa thuận hòa bình Minsk. Đối với các đề xuất an ninh của Nga, Tổng thống Putin nêu rõ ông thất vọng với phản ứng từ Mỹ và NATO khi họ phớt lờ những quan ngại và yêu cầu chính đáng của Nga.
Sau khi công nhận độc lập, Tổng thống Putin chỉ thị Bộ Ngoại giao Nga thiết lập quan hệ ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga sử dụng các lực lượng vũ trang Nga để bảo đảm hòa bình trên lãnh thổ của hai nước cộng hòa trên. Đến ngày 23/2, chính quyền Donetsk và Luhansk đã đề nghị Nga hỗ trợ đảm bảo an ninh.
Ngày hôm sau, Hội đồng Liên bang Nga cho phép sử dụng lực lượng quân sự ở nước ngoài và quân đội Nga đã tiến vào cả hai vùng lãnh thổ trên. Moskva tuyên bố mục tiêu chiến dịch là phi quân sự hóa Ukraine. Vài phút sau, tên lửa và các cuộc không kích ồ ạt dội xuống khắp Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev. Tiếp đó là cuộc tấn công trên bộ từ nhiều hướng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban hành thiết quân luật và tổng động viên tất cả nam công dân Ukraine từ 18 đến 60 tuổi - nhóm người bị cấm rời khỏi đất nước.
Với lợi thế áp đảo về phương tiện, các cuộc tấn công của Nga được phát động trên mặt trận phía bắc từ Belarus đến Kiev, mặt trận đông bắc hướng tới Kharkiv, mặt trận phía nam từ Crimea, và mặt trận đông nam từ các thành phố Luhansk và Donetsk. Tuy nhiên, đà tiến quân của các lực lượng Nga không diễn biến nhanh như đồn đoán. Ngày 8/4, Nga rút một số đơn vị khỏi miền bắc Ukraine và tái triển khai đến Donbass.
Video cận cảnh lựu pháo Msta-B 152 mm Nga nã vào mục tiêu Ukraine (nguồn: Bộ Quốc phòng Nga):
Vào ngày 19/4, Nga tiến hành cuộc tấn công mới trên mặt trận dài 500km kéo dài từ Kharkiv đến Donetsk và Luhansk, với các cuộc tấn công tên lửa đồng thời nhắm vào Kiev ở phía bắc và Lviv ở phía tây Ukraine. Đến ngày 13/5, các lực lượng Nga gần Kharkiv đã rút lui sau một cuộc phản công của Ukraine. Ngày 20/5 ghi nhân một cột mốc quan trọng khác của cuộc chiến, khi lực lượng Nga giành toàn quyền kiểm soát nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol, “pháo đài” phòng thủ kiên cường nhất của quân đội Ukraine.
Trước đó, tại cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định Các lực lượng vũ trang liên bang Nga sẽ tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, bất chấp sức ép và sự hỗ trợ mà Kiev nhận được từ các nước phương Tây.
Bộ trưởng Shoigu tuyên bố Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt cho đến khi hoàn thành tất cả các nhiệm vụ. Theo ông Shoigu, lực lượng của NATO đang tiến gần hơn đến biên giới Nga, mở rộng hơn nữa về phía Đông - điều Nga luôn phản đối do lo ngại đây là mối đe dọa đối với an ninh nước này. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cho rằng nước phương Tây đang cố tình làm suy yếu các mối quan hệ đồng minh giữa các nước thành viên CSTO. Ông Shogui cho biết Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ cần thiết cho các đồng minh trong việc vô hiệu hóa các mối đe dọa đang nổi lên và giữ vững chủ quyền.
Về phần mình, Ukraine bác bỏ thông tin cho rằng mình định chiếm lại Donetsk và Luhansk bằng vũ lực và coi cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ.
Ngày 24/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nước này đã cắt quan hệ ngoại giao với Nga. Thông tin trên đã được Tổng thống Zelenskiy đưa ra trong một thông điệp bằng video. Đây là lần đầu tiên quan hệ Nga và Ukraine gián đoạn kể từ khi Liên Xô giải thể vào năm 1991.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày 1/3, tại phiên họp đặc biệt do Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức về tình hình Ukraine, hơn 100 nước và các tổ chức đã phát biểu ý kiến, bày tỏ quan điểm về vấn đề quan trọng này.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt tình trạng xung đột, chú trọng bảo vệ dân thường và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế.
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Abdullah Shahid kêu gọi các bên ngừng bắn, quay trở lại đàm phán ngoại giao và bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của cuộc xung đột đối với người tị nạn, người di cư và kêu gọi các nước thành viên LHQ tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và ủng hộ các sáng kiến nhân đạo.
Các nước thành viên LHQ đã bày tỏ quan ngại trước tình hình trên thực địa và cho rằng cần sớm nối lại đối thoại, tránh để tình hình xấu đi, chú trọng tìm kiếm giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Tại phiên họp đặc biệt này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ - khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Về tình hình Ukraine, Đại sứ bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng. Bên cạnh đó, Đại sứ nhấn mạnh cần bảo đảm an ninh, an toàn của người dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế và đề nghị cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho dân thường.
Đại sứ đề nghị các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống ở Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán các công dân Việt Nam đến nơi an toàn.
Mặc dù cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang ngày thứ 100 và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc, nhưng các bên vẫn không ngừng nỗ lực tổ chức hòa đàm. Tới nay, đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã diễn ra theo hai giai đoạn tương ứng với hai giai đoạn của cuộc xung đột.
Giai đoạn đầu là từ ngày 24/2 đến 7/4. Vào ngày 28/2, các nhà đàm phán Ukraine và Nga đã bắt đầu các cuộc đàm phán tại Belarus nhằm mục đích ngừng bắn và đảm bảo hành lang nhân đạo cho việc sơ tán dân thường. Sau ba vòng đàm phán, hai bên không đạt được thỏa thuận lớn nào. Vào ngày 5/3, Nga tuyên bố ngừng bắn kéo dài 5 tiếng rưỡi ở Mariupol và Volnovakha, nhằm mở ra các hành lang nhân đạo cho dân thường sơ tán.
Ukraine đổ lỗi cho các lực lượng Nga đã liên tục phá bỏ lệnh ngừng bắn bằng cách pháo kích vào hai thành phố này. Còn Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng vụ nổ súng xuất phát từ bên trong cả hai thành phố nhằm vào các vị trí của Nga. Khi đó, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế tuyên bố rằng nỗ lực sơ tán dân thường đã thất bại.
Vào ngày 7/3, theo điều kiện để chấm dứt cuộc xâm lược, Điện Kremlin yêu cầu Ukraine trung lập, công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và công nhận các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk là các quốc gia độc lập. Cùng ngày, Nga tuyên bố ngừng bắn tạm thời ở Kiev, Sumy và hai thành phố khác.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky đề nghị tổ chức cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Putin để chấm dứt cuộc chiến và bày tỏ sẵn sàng thảo luận về các yêu cầu của ông Putin. Khi đó, ông Zelensky nói rằng ông đã sẵn sàng đối thoại, nhưng không phải để đầu hàng. Ông đã đề xuất một thỏa thuận an ninh tập thể mới cho Ukraine với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Đức và Nga, coi đây là một giải pháp thay thế cho việc nước này gia nhập NATO.
Vào ngày 10/3, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba đã hội đàm tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong đó, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu là người trung gian trong phạm vi của Diễn đàn Ngoại giao Antalya. Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai bên kể từ bắt đầu cuộc chiến.
Trong vòng đàm phán thứ tư, Tổng thống Zelensky đề xuất rằng Ukraine sẽ chấp nhận không theo đuổi con đường gia nhập NATO. Vào ngày 17/3, xuất hiện một kế hoạch 15 điểm được đàm phán với Nga, đưa ra khả năng thực tế hơn để kết thúc chiến tranh so với các cuộc đàm phán trước đó.
Ông Mykhailo Podolyak, Trưởng đoàn đàm phán của phái đoàn hòa bình Ukraine, chỉ ra rằng các cuộc đàm phán hòa bình theo kế hoạch 15 điểm liên quan đến việc rút các lực lượng Nga khỏi các vị trí ở Ukraine, đảm bảo quốc tế về hỗ trợ quân sự và liên minh trong trường hợp Nga nối lại hành động quân sự, đổi lại Ukraine không theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO.
Ngày 20/3, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ İbrahim Kalın cho biết hai bên đang tiến triển trong 4 vấn đề chính. Ông nói lại yêu cầu của Nga đối với Ukraine là từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, phi quân sự hóa, bảo vệ ngôn ngữ Nga ở Ukraine, trong đó vấn đề Crimea và Donbass là cấp bách nhất trong các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết không đạt được tiến triển đáng kể nào trong các cuộc đàm phán hòa bình, cáo buộc Ukraine đã làm đình trệ cuộc đàm phán bằng cách đưa ra các đề xuất không thể chấp nhận được đối với Nga. Đáp lại, Ukraine nhắc lại sẵn sàng đàm phán nhưng tuyên bố sẽ không chấp nhận các tối hậu thư của Nga.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nói rằng các bên đang xem xét một số vấn đề quan trọng và có thể ngừng bắn ngay lập tức. Ông kêu gọi các bên liên quan chấm dứt các hành động thù địch ngay và tham gia vào các cuộc đàm phán nghiêm túc.
Cuộc đàm phán hòa bình mới giữa Ukraine và Nga bắt đầu tại Istanbul vào ngày 29/3 để thảo luận về quy chế trung lập của Ukraine. Tại hòa đàm, phía Nga cho biết họ sẽ giảm đáng kể quy mô hoạt động quân sự xung quanh Kiev và Chernihiv ở miền bắc Ukraine. Các quan chức Nga gọi đây là hoạt động xây dựng lòng tin để giảm leo thang và sau đó chỉ rõ điều này không có nghĩa là ngừng bắn. Các nhà đàm phán Nga cũng đề xuất các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Nga và Ukraine, có thể diễn ra khi cả hai bên đồng ý với một dự thảo thỏa thuận hòa bình.
Ukraine đã đưa ra đề xuất chấp nhận quy chế trung lập và phi hạt nhân hóa, bao gồm cả kế hoạch không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Ukraine. Yêu cầu chính của Ukraine là các quốc gia khác phải đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý cho quốc gia này.
Trong giai đoạn thứ hai của cuộc chiến (từ 8/4 đến nay), các bên liên quan tiếp tục đàm phán để đạt hòa bình tại Ukraine. Tuy nhiên, quan điểm của hai bên vẫn còn khá xa nhau. Tổng thống Zelensky bác bỏ đề xuất rằng Ukraine nên nhường quyền kiểm soát Crimea và Donbass cho Nga để đổi lấy hòa bình. Ông tuyên bố Ukraine sẽ không đồng ý hòa bình cho đến khi Nga đồng ý trao trả Crimea và vùng Donbass cho Ukraine.
Tuy vậy, trong cuộc điện đàm ngày 30/5 với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Zelensky bày tỏ mong muốn gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Trước đó, dù khi đàm phán giữa hai bên đang bế tắc, ông Zelensky vẫn tuyên bố cuộc chiến ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua giải pháp ngoại giao. Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky tuyên bố Moskva sẵn sàng nối lại tiến trình đàm phán, song cần có được sự nhất trí từ phía Kiev.
Quan điểm của hai bên cho thấy vẫn có hy vọng đạt được hòa đàm để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine. Chiến tranh còn kéo dài thì người thiệt hại nặng nề nhất vẫn luôn là dân thường. Cộng đồng quốc tế mong đợi các bên sớm ngồi lại với nhau, nỗ lực gạt bỏ khác biệt, tìm được tiếng nói chung để chấm dứt cuộc chiến này.
Chiến dịch quân sự ở Ukraine gây phản ứng khắp thế giới, khiến Nga bị các nước áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có, gây ra những ảnh hưởng kinh tế lan rộng đối với nền kinh tế Nga và toàn cầu. Các nước phương Tây và những nước khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích làm tê liệt nền kinh tế Nga. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào các cá nhân, ngân hàng, doanh nghiệp, hoạt động trao đổi tiền tệ, chuyển khoản ngân hàng, xuất khẩu và nhập khẩu.
Các lệnh trừng phạt đã loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi SWIFT (mạng nhắn tin toàn cầu về thanh toán quốc tế), chỉ cho phép các ngân hàng Nga tiếp cận hạn chế để đảm bảo khả năng tiếp tục thanh toán cho khí đốt. Các biện pháp trừng phạt cũng bao gồm đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga - ngân hàng nắm giữ 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối, đóng băng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Đến ngày 1/3, tổng tài sản của Nga bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt lên tới 1.000 tỷ USD.
Các lệnh trừng phạt kinh tế đã ảnh hưởng đến Nga ngay từ ngày đầu tiên diễn ra cuộc chiến ở Ukraine. Thị trường chứng khoán của nước này giảm tới 39%. Ngày 26/2, hãng S&P Global Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Chính phủ Nga xuống mức "rủi ro cao", khiến các quỹ bán phá giá nợ của Nga, làm cho quá trình vay nợ của Nga trở nên rất khó khăn. Vào ngày 11/4, S&P Global đã đặt Nga vào tình trạng "vỡ nợ một phần" đối với nợ nước ngoài vì Nga muốn thanh toán nợ bằng đồng ruble.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành một lệnh hành pháp, cấm bán vàng dự trữ của Nga trên thị trường quốc tế. Vàng là một trong những con đường chính của Nga để bảo vệ nền kinh tế khỏi tác động của các lệnh trừng phạt được áp đặt kể từ khi sáp nhập Crimea năm 2014.
EU thì tìm mọi cách để cấm dầu khí của Nga. Khí đốt Nga chiếm tới 45% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU, giúp Nga thu về 900 triệu USD mỗi ngày (theo số liệu tháng 4). Vào tháng 5, Ủy ban châu Âu đề xuất lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Đến ngày 30/5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết các nhà lãnh đạo EU đã ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu hơn 2/3 (tương đương 90%) lượng dầu mỏ từ Nga. Theo quan chức này, đây là quyết định nhằm gây sức ép tối đa lên Moskva và cũng là gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào Nga. 10% lượng nhập khẩu còn lại sẽ tạm thời được miễn cấm vận để Hungary cùng với Slovakia và CH Séc vẫn nhập khẩu được dầu thông qua tuyến đường ống dẫn.
Ngoài lĩnh vực kinh tế, Nga còn bị tẩy chay rộng rãi trong các lĩnh vực giải trí, truyền thông, kinh doanh và thể thao. Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Ukraine gây ra rủi ro kinh tế đáng kể ở cả khu vực và quốc tế. Ông David Malpass, chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, cũng cảnh báo về những ảnh hưởng sâu rộng về kinh tế và xã hội.
Cuộc chiến ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt Nga sau đó đã tác động mạnh tới toàn thế giới, gây ra tình trạng giá nhiên liệu tăng vọt, thiếu hụt thực phẩm, lạm phát cao chưa từng có ở nhiều quốc gia. Điều này xảy ra sau khi thế giới đã hứng chịu thiệt hại nặng nề vì đại dịch COVID-19.
Có thể nói một trong những hy vọng lớn nhất của thế giới hiện nay là cuộc chiến Ukraine sớm kết thúc, không phải trải qua thêm dấu mốc 200 ngày, 300 ngày... nào nữa.
Bài: Thùy Dương
Trình bày: Hồng Hạnh
03/06/2022 06:30