Chiến tranh đã lùi xa nhưng bao năm nay, thương binh Đào Duy Cử (ở thôn Giếng, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn miệt mài đi tìm mộ đồng đội cũ, lặn lội đến các vùng quê tìm thân nhân của họ dù nhiều liệt sĩ đã chẳng còn người thân thích. Ông coi đó như nhiệm vụ, trách nhiệm của người may mắn còn được trở về sau cuộc chiến, tự tay ông đã đưa được 9 liệt sĩ trở về quê hương, vận động xây dựng 3 ngôi nhà tình nghĩa, giúp đỡ các gia đình thân nhân liệt sĩ...
Ông miệt mài, có lẽ bởi ông không thể nào quên được ký ức về những trận đánh vô cùng khốc liệt, và cũng bởi những tình cảm gắn bó với đồng đội trong gian khổ chiến tranh khiến ông luôn đau đáu về họ.
Bạn bè không mấy ai còn nữa
Ông ngồi giữa thời gian vây bủa
Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình
Đôi bàn chân qua những cuộc quân hành
Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy
Hai bàn tay nhăn nheo run rẩy
Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù…
Ngồi ngâm nga bài thơ “Người lính già” tự sáng tác, ông Đào Duy Cử trầm ngâm như hồi tưởng lại những ngày tháng chiến đấu khốc liệt nơi chiến trường khi xưa.
Ông Cử kể: “Năm 1973, trường cấp 3 Thường Tín nơi tôi đang theo học được đón anh hùng Trịnh Tố Tâm về nói chuyện với học sinh. Lúc đó tôi đang học lớp 10, ngồi nghe những câu chuyện anh Trịnh Tố Tâm kể, chúng tôi như vỡ ra được nhiều điều, nhưng hơn hết là vô cùng háo hức, sôi sục lòng yêu nước, quyết tâm muốn đăng ký để được ra chiến trường ngay, được cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. Ngay hôm ấy về nhà, tôi đã muốn đăng ký xin đi bộ đội, nhưng khi đó mới 17 tuổi, bố mẹ lại thấy tôi còn nhỏ nên chưa đồng ý cho đi ngay. Thế là tôi mất gần 1 năm chờ đợi, vì sinh cuối năm 1956, nên năm sau tôi cũng vẫn chưa đủ tuổi. Cuối cùng tôi phải lên xã xin khai lại năm sinh là 1955, mới được nhập ngũ”.
Sau khoảng 5 tháng huấn luyện, chàng thanh niên thuộc Trung đoàn 320, Quân khu 8 bắt đầu những tháng hành quân vất vả, gian nan; đơn vị đi thẳng vào chiến trường miền Nam, đóng quân ở Đồng Tháp Mười, rồi Long An, Kiến Tường (cũ), Mỹ Tho…
Vào chiến trường khi cuộc chiến tranh Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã đi đến những ngày sắp kết thúc, Đào Duy Cử cùng đồng đội của mình đã trải qua những trận chiến đấu vô cùng ác liệt và cũng chiến thắng lẫy lừng. Chỉ tiếc, trong một trận đánh như thế, đồng đội của ông đã nằm lại gần hết, chỉ còn mình ông được lành lặn trở về.
Nhớ lại những ngày tháng chiến đấu năm ấy, ông Cử vẫn còn thấy sục sôi khí thế tiến công: “Đó là trận đánh tại cánh đồng xã Hậu Mỹ Nam, Mỹ Thiện (quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho cũ, nay là tỉnh Tiền Giang) diễn ra ngày 10-11/3/1975, một trận đấu oanh liệt, nhiều chiến công của Trung đoàn 320 nói riêng và Quân khu 8 nói chung. Đây cũng được đánh giá là trận đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam phục kích, xuất kích trên Đồng Tháp Mười. Trước đó ta đã từng đánh kiểu phục kích, xuất kích ở đồng bằng, trung du nhưng ở Đồng Tháp Mười thì trận này là trận đầu tiên và đã thành công lớn. Lúc đó tôi thuộc C6, D2, Trung đoàn 320. Cho đến bây giờ, trong ký ức của tôi, chỉ cần nhắc đến, trận đánh đã như hiện ra trước mắt, không bao giờ quên được. Trong trận này, Trung đoàn đã diệt gọn Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 10, Sư đoàn 7 của Nguỵ; tiêu diệt 250/321 tên, bắt sống 52 tên... Quân ta hy sinh 19 chiến sĩ và rất đau xót là mũi tiến công của tôi thiệt hại nặng nhất, gồm 13 đồng chí thì 12 đồng chí đã hy sinh, chỉ còn mình tôi may mắn sống sót”.
Trong trận đánh ấy, mũi tiến công số 2 có nhiệm vụ tiến đánh vào khu vực đầm sen cạnh gò đất của vị trí kênh Bằng Lăng. Đây là mũi quan trọng có nhiệm vụ chặn đầu, chốt giữ, cắt đuôi địch để tiêu diệt.
“Sáng 11/3/1975, lúc ấy chúng tôi đã tiêu diệt gần hết quân địch, chỉ còn khoảng hơn chục tên vẫn cố thủ trên gò; lúc này địch dội bom, pháo làm màn chắn không cho mũi tiến công của chúng tôi tiếp cận. Lúc đó các đồng đội của tôi đã lần lượt hy sinh, chỉ còn lại đồng chí Hoàng Văn Tương- Trung đội trưởng và tôi. Trong lúc chúng tôi đang dồn hết sức tập trung diệt nốt bọn lính trên gò đất thì bỗng nhiên một quả đạn cối nổ giữa hai người, bọn địch tràn qua bãi lau sậy chạy thoát, rất may chúng không nhìn thấy tôi... Khi tôi tỉnh dậy, xung quanh đã im tiếng súng, anh Tương thì đã hy sinh ngay bên cạnh. Tôi đau đớn quá nhìn đồng đội tôi đã hy sinh hết; còn lại một mình tôi cố xách súng trở về sở chỉ huy tiểu đoàn để báo cáo về mũi tiến công... Sau đó tôi vì tôi bị thương, phải đi viện điều trị mất hơn 1 năm nên nhiều người không biết, cứ nghĩ là tôi cũng hy sinh luôn trong trận ấy”.
Trong suốt cuộc chiến đến khi hòa bình lập lại, dù tham gia nhiều trận đánh khác, nhưng trận đánh đó luôn là một dấu mốc trong tâm trí ông, bởi vừa bước chân vào chiến trường đã gặp trận đánh quá ác liệt, và cũng bởi ở nơi đó đồng đội ông nằm lại nhiều quá.
Hòa bình lập lại, ông Cử được cử đi học ngành điện, sang Cộng hòa Séc rồi về công tác tại Công ty Điện lực Phú Xuyên (Hà Nội). Những năm đầu, sau khi giải ngũ, dù bận đi học, bận công tác nhưng ông luôn đau đáu, ấp ủ tâm nguyện phải đưa được hết các đồng đội đã ngã xuống trong chiến trường trở về quê hương.
“Giống như một sự linh thiêng nào đó, trước đây khi tôi chưa thực hiện được ý nguyện của mình, nhiều đêm đang ngủ tôi lại nghe thấy tiếng gọi: “Cử ơi… Cử ơi” như tiếng gọi của đồng đội nhắn nhủ tôi đi tìm họ về”, ông Cử xúc động.
Mãi đến năm 2000, khi đang công tác tại Công ty Điện lực huyện Phú Xuyên, ông Cử có chuyến đi công tác vào Cà Mau. Khi nghỉ chân tại một quán ăn ở huyện Cái Bè, ông vô tình để quên chiếc máy ảnh ở đó. Lúc đó, đoàn công tác đã đi đến Cao Lãnh, Đồng Tháp, ông mới sực mới nhớ ra, vội gọi điện về quán và được biết chiếc máy ảnh vẫn còn nên quay trở lại lấy. Trên đường quay lại, đoàn vòng qua Long An, Mỹ Tho thì tình cờ đi qua vùng đất xã Hậu Mỹ Nam xưa và ông Cử đã nhận ngay ra chiến trường xưa.
“Lúc đó tôi mừng lắm, như là cơ duyên vậy, tôi liền bảo lái xe dừng lại, vì đó đang vội nên tôi chỉ kịp xuống chụp mấy bức ảnh lưu niệm rồi lên xe tiếp. Từ hôm đó về, tôi cứ trăn trở mãi, tôi tự hứa sẽ quyết tâm phải thu xếp để vào lại nơi đó lần nữa và tìm lại những nơi đồng đội đã hi sinh, ai chưa được tìm thấy thì tôi sẽ tìm cách đưa họ về”, ông Cử chia sẻ.
Sau đó ít lâu, ông Cử và một người bạn cùng chiến đấu quyết tâm trở lại Long An để tìm kiếm. Lúc bấy giờ, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, khiến ông phải dò hỏi mãi.
“Trong ký ức, tôi chỉ nhớ trận tiến công của mũi 2; khi đó, có 9 người hi sinh cùng lúc đều được chôn ở nhà đồng chí xã đội phó; rất may, ông ấy còn sống. Chuyến đầu tiên tôi vào tìm gặp, ông cho biết ông nhớ được từng người, trong đợt chuyển mộ ra nghĩa trang ông dùng phấn đánh dấu, ghi tên từng người cẩn thận nhưng trong quá trình tập hợp, di chuyển đi chôn bị mất dấu gần hết; vì vậy, chỉ 2 người có bia, còn lại chưa được ghi danh tính. Đó cũng là câu chuyện khiến chúng tôi rất đau lòng. Sau đó tôi đã tìm cách liên lạc với từng gia đình để vào nhận hài cốt các anh. Một số gia đình đã vào nhận. Nhưng nhiều gia đình vì bố mẹ, người thân ruột thịt không còn ai, hoặc đã tha hương hết nên chưa thể liên lạc để đưa các anh về. Đây cũng là điều mà tôi luôn đau đáu”, ông Cử tâm sự.
Còn trường hợp liệt sĩ Hoàng Văn Tương, ngay từ khi từ chiến trường trở về, ông đã nung nấu ý định sẽ đưa hài cốt bạn về quê hương, đã từng nhiều lần tìm về nhà anh. Nhưng thông tin mà ông Cử biết quá ít ỏi, khi còn sống anh Tương chỉ kể nhà ở Thanh Hà, Hải Dương; nên mãi chưa tìm được. Vì vậy, ông đã đặt tên con gái là Thanh Hà, như một quyết tâm phải tìm bằng được gia đình để đưa liệt sĩ Tương về.
Mãi sau này, khi là Giám đốc Công ty điện lực Phú Xuyên, ông Cử đã nghĩ ra cách thông qua hoạt động thu tiền điện tại địa phương để lần tìm. Nghĩ vậy ông đã liên hệ cả với Giám đốc Sở Điện lực tỉnh Hải Dương, nhờ họ và may mắn đã tìm được.
“Khi tôi tìm đến, mẹ anh Tương còn sống, bà cụ gặp tôi thì mừng lắm, bà vừa khóc vừa tha thiết bảo: “Con ơi, trời cho con còn sống thì con cố gắng tìm được anh về”, chỉ nói bấy nhiêu câu và lấy ra 40 triệu đưa cho tôi. Cụ bảo : “Từ lúc anh con hi sinh, bác đã dành dụm từng đồng, tiết kiệm được số tiền này, con cầm lấy rồi đi mang anh về đây con nhé!”. Lúc đó tôi cảm động quá liền bảo cụ: “Thôi con không cầm tiền của bác, đưa anh con về là việc của con”, ông Cử xúc động.
Cũng may việc tìm mộ liệt sĩ Tương cũng không quá khó khăn vì năm 1976, một năm sau ngày liệt sĩ Tương hi sinh; em trai anh đã từng tìm đến chiến trường xưa, được người dân ở đây chỉ vị trí mộ và định đưa anh về nhưng vì lúc đó mới chôn được khoảng 1 năm, người ta lại chỉ cho bốc 1 lần và phải chuyển đi luôn. Trong khi đó, người em trai lại phải theo quân đoàn sang Campuchia chiến đấu, nên bẵng đi nhiều năm, gia đình chưa có điều kiện để đưa hài cốt về quê hương. Khi gặp được ông Cử, gia đình vui mừng ngỏ ý muốn kết hợp để đưa hài cốt liệt sĩ Tương về và cũng giúp ông hoàn thành tâm nguyện.
Tuy nhiên, việc tìm mộ không phải ai cũng dễ xác định như liệt sĩ Tương. Một trong số đó là chuyến đi tìm kiếm những đồng đội nằm lại ở vị trí kênh 7 Ngàn (Xã Hậu Mỹ Nam, Mỹ Thiện, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho cũ). Sau khi được các gia đình cho xem giấy báo tử, ông Cử vào tận nơi liên hệ thì người dân ở đây chỉ đến gặp một người trước đây là dân công đã trực tiếp chôn các chiến sĩ. Ông đã chỉ vị trí ông chôn hai chiến sĩ hi sinh ở đầu kênh 7 Ngàn, giáp kênh Bằng Lăng, ông Cử đánh dấu và yên tâm quay ra Bắc để chuẩn bị. Tuy nhiên nơi chôn cất hai chiến sĩ lại đang nằm trên mảnh đất thổ cư của người dân.
Ông Cử kể: “Sau khi tìm hiểu và liên hệ với chủ nhà, rất may họ đồng ý cho chúng tôi đào lên tìm hài cốt, sau đó họ sẽ làm lại nhà. Sau khi xác định ngày xong, đúng lúc tôi bận công tác, quá nhiều việc không thể thu xếp vào trực tiếp được nên phải bàn bạc với gia đình họ để tôi bỏ tiền thuê người làm giúp. Chúng tôi bắt đầu cho đào hai ngày liền, hết hơn 4 triệu tiền công, nhưng vẫn không thấy gì. Tuy nhiên tôi quyết không bỏ cuộc, nên gọi điện vào nhờ chủ nhà thuê giúp máy xúc để đào được sâu hơn, đến ngày thứ 4 thì tôi nhận được điện thoại gọi ra báo là đã tìm thấy. Tôi lại nhờ họ ra xã làm thủ tục, đặt hài cốt vào nghĩa trang để sau đó thông báo cho các gia đình tới nhận”.
Cứ như vậy, trong suốt gần 20 năm qua, ông Cử đã tự tay đi tìm được hài cốt 9 đồng đội đưa về an nghỉ tại quê hương. Còn những liệt sĩ đã tìm được hài cốt nhưng chưa được gia đình nhận về hoặc chưa xác định được danh tính vẫn đành để họ nằm lại nghĩa trang chiến trường, cứ có dịp ông Cử lại tổ chức cùng các gia đình, đồng đội cũ về thắp hương để yên ủi họ phần nào.
Ban Lao động Thương binh Xã hội của xã Nghiêm Xuyên cho biết, từ khi về quê hương ông Cử luôn là người mẫu mực trong xây dựng kinh tế, phát triển quê hương. Không chỉ tham gia đi tìm mộ liệt sĩ, ông còn có nhiều thành tích trong phong trào Đền ơn đáp nghĩa, đã đứng ra vận động bạn bè, đồng nghiệp quyên góp sửa chữa, xây dựng được 3 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách.
Ông Cử cho biết từ năm 2010, ông đã đứng ra vận động anh em trong công ty Điện lực tham gia hoạt động xây dựng nhà tình nghĩa. Để xây dựng quỹ, cán bộ, nhân viên của công ty hưởng ứng rất nhiệt tình bằng cách đóng góp ngày lương hoặc đóng góp tùy tâm. Bên cạnh đó, ông Cử còn vận động thêm bạn bè, đồng đội, các đơn vị ở ngoài đóng góp thêm. Nhờ đó đến nay đơn vị đã đóng góp với địa phương xây dựng được 4 căn nhà tình nghĩa mỗi căn khoảng 80 triệu đồng.
Chia sẻ về dự định của mình ông Cử cho biết ông vẫn tiếp tục mong muốn được đóng góp chăm lo cho các gia đình chính sách có thể qua việc xây nhà tình nghĩa, tặng quà… Ông muốn làm được thật nhiều việc đền ơn đáp nghĩa để tri ân những đồng đội ngã xuống cho cuộc sống tự do hôm nay.
“Đầu tháng 8 tới, tôi lại tiếp tục vào xã Điềm Hy (Châu Thành, Tiền Giang) để tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Tuyến (quê ở xã Tự nhiên, huyện Thường Tín Hà Nội). Gia đình anh ấy chẳng còn ai, chỉ còn một người cháu đang muốn đưa anh ấy về quê. Trước đây tôi đã từng dẫn cháu anh Tuyến đi tìm nhưng vẫn chưa tìm thấy, gần đây, gặp lại anh bạn cùng chiến đấu cũ, anh khẳng định vẫn còn một ngôi mộ được chôn bên cạnh rìa cánh đồng có thể là đúng. Chỉ cần có thông tin, tôi sẽ tiếp tục đi tìm, tôi nghĩ mình sống sót để trở về trong trận đấu ấy là sự may mắn hiếm hoi. Vì thế sau này tôi luôn mong mỏi đưa được hết các đồng đội đã hi sinh của mình trở về quê hương”.
“Từ khi tìm và đưa được đồng đội trong đơn vị trở về quê hương, được chăm sóc mộ phần cho họ, tôi như nhẹ lòng hẳn; cũng từ đó đêm đêm tôi còn nghe thấy tiếng gọi của các anh nữa. Có lẽ các anh đã yên lòng nơi chín suối, còn tôi cũng mãn nguyện phần nào”, ông Cử chia sẻ.
Bài: Tạ Nguyên
Ảnh, video: Nguyên Phú
Trình bày: Trần Thắng
21/07/2018 09:00