Ngay sau vụ tai nạn thương tâm ở trường THCS Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh), ngành giáo dục đã nhanh chóng vào cuộc. Toàn bộ các trường được yêu cầu rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên và các điều kiện cơ sở vật chất nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên trong mùa mưa bão.
Mặc dù, những thông tin về ngôi trường xuống cấp ngay giữa Thủ đô đã được báo chí nhắc đến nhiều năm trước đây, nhưng diện mạo Trường THPT Trương Định vẫn chưa có gì đổi thay. Sân trường nổi gồ ghề những gạch đá, cây cổ thụ nghiêng ngả. Để lên được lớp học các em học sinh phải rón rén qua những bậc cầu thang xuống cấp. Mới đây, một trận mưa đầu mùa hạ đã khiến sân trường bị ngập sâu khoảng 1 mét.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trương Định cho biết: “Trường nằm trong khu vực Tân Mai - là vùng trũng của thành phố nên thường xuyên xảy ra ngập úng. Tình trạng này càng rõ hơn khi hệ thống mương cống, nước thải cốt cống cao hơn sân trường, nên dù mưa nhỏ nước chảy về cống nhưng tiêu thoát chậm cũng dễ gây ngập. Cả năm, sân trường chỉ khô trên bề mặt, còn dưới móng luôn ẩm ướt. Năm 2018, Ban dự án xây trường đào cổ móng để khảo sát, khi đào xuống gần 1m là nước. Đấy cũng là một trong những lý do khiến công trình xuống cấp. Thêm vào đó, trường xây dựng đã lâu theo kiểu kết cấu lắp ghép cũ, nên đến nay, các dãy nhà của trường đã xuống cấp nghiêm trọng”.
Việc cơ sở vật chất trường THPT Trương Đinh xuống cấp nghiêm trọng đã được Ban giám hiệu nhà trường xây dựng đề án xin tu sửa từ những năm 2010. Gần nhất vào năm 2019, Ban dự án, Sở GD&ĐT và UBND TP Hà Nội phê duyệt đề án để xây lại toàn bộ những hạng mục của trường THPT Trương Định.
Đến thời điểm này, thầy và trò Trường THPT Trương Định cũng đã tìm được địa điểm học tập trong thời gian trường tiến hành xây dựng, cải tạo. Địa điểm học tập mới của trường là Trường Trung cấp nhà trẻ mẫu giáo Khương Hạ, nơi được Ban giám hiệu Trường THPT Trương Định đánh giá là đảm bảo tan toàn, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Theo ông Đặng Văn Dũng, ngay khi tìm được nơi học tạm trong thời gian xây dựng trường, từ 31/5 đến 7/6, Trường THPT Trương Định phối hợp với Ban Dự án Thành phố tiến hành hoàn thiện những vấn đề cơ sở vật chất, tu sửa trang bị để có được 24 phòng học, 2 ca đủ 46 lớp, cùng với phòng hành chính để di chuyển. Sau 1 tuần ổn định, sẵn sàng đảm bảo cơ sở vật chất thì trường sẽ di chuyển.
Những hàng cây là một phần không thể thiếu trong khuôn viên các nhà trường. Tại Hà Nội, một số trường học có số lượng cây cổ thụ khá nhiều, với tuổi đời hàng trăm năm như cây xà cừ, cây sấu, cây phượng vĩ… gắn bó với kỷ niệm của nhiều thế hệ học sinh.
Trường THPT Việt Đức (quận Ba Đình, Hà Nội) là một trong những ngôi trường có bề dày lịch sử 65 năm. Nhưng 14 cây cổ thụ trong khuôn viên trường còn có tuổi đời nhiều hơn thế, lên đến cả 100 tuổi.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng THPT Việt Đức cho biết: Cơ sở vật chất đảm bảo cho điều kiện học tập luôn được nhà trường chú trọng, trong đó có việc bảo đảm hệ thống cây xanh sao cho an toàn với các em học sinh. Hàng năm, Trường THPT Việt Đức đều xây dựng kế hoạch gửi tới Công ty Công viên Cây xanh thành phố khảo sát và cắt tỉa. Theo định kỳ, cuối tháng 6, đầu tháng 7 sẽ tiến hành cắt, tỉa. Nhưng năm học này các em vẫn tới trường dịp tháng 7 nên nhà trường sẽ chọn thời điểm phù hợp để thực hiện.
“Từ nhiều năm nay, trường luôn chú trọng chăm sóc các cây xanh trong khuôn viên. Từ những tán cây rủ, cành khô, cành cong… nếu không thường xuyên kiểm tra, chặt bỏ sẽ rất nguy hiểm”, bà Nguyễn Bội Quỳnh chia sẻ.
Trường THPT Phan Đình Phùng cũng là một trong những trường có số lượng cây cổ thụ lớn lên tới 51 cây. Để bảo đảm an toàn cho cây xanh như hiện nay, trường THPT Phan Đình Phùng đã phối hợp cùng với Công ty Công viên Cây xanh Thành phố có phương án chăm sóc và cắt tỉa định kỳ.
Bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: Nói đến trường THPT Phan Đình Phùng là gắn với hệ thống cây xanh cổ thụ có từ hàng trăm năm. Chính vì thế, đội ngũ giáo viên, sinh học luôn chăm sóc, phát hiện bệnh của cây để báo với Công ty Công viên Cây xanh Thành phố duy trì công tác chữa “bệnh” cho cây. Những cây cổ thụ nghiêng thì có phương án cắt bớt ngọn và chống đỡ để đảm bảo cho cây sống.
Theo bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Trường Phan Đình Phùng có hệ thống cây xanh gắn với bao thế hệ học sinh, giáo viên trong trường. Nhớ đến trường là nhớ đến cây xanh. Nên việc duy trì không gian xanh, chăm sóc và bảo vệ cây là nhiệm vụ của trường.
Trước trào lưu chặt cây phượng vĩ trong trường học, một số hiệu trưởng cho rằng cần xem xét lại việc này. “Rất cần những khảo sát về quá trình sinh trưởng, tình trạng của cây, làm sao để vừa duy trì bóng mát trong sân trường, vừa đảm bảo an toàn cho các con. Phá đi rất nhanh nhưng để trồng được một cây mới có bóng mát cần rất nhiều năm tháng”, bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền nhấn mạnh.
Theo quan sát, những gốc cây xà cừ hàng trăm năm tuổi đều được các trường quét vôi quanh gốc, phun thuốc. Xà cừ với đặc điểm rễ nổi và bám nông nên càng cần những khảo sát chi tiết. Vừa qua, Công ty Công viên Cây xanh thành phố Hà Nội đã cho rà soát hàng loạt cây xanh trường học cho thấy với những cây được trồng từ nhỏ có bộ rễ bám chắc, sâu bảo đảm điều kiện an toàn.
Ngay khi sự việc học sinh bị tử vong vì cây phượng vĩ ở Trường THCS Bạch Đằng, TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các địa phương, nhà trường cần quan tâm, tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm an toàn trường học.
Bộ trưởng đề nghị Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh, các Sở GD&ĐT trên cả nước cần chỉ đạo các nhà trường khẩn trương liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn tiến hành kiểm tra, cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ… nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.
Bên cạnh đó, các địa phương, nhà trường cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn; Các nội dung chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về vấn đề bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Sở đã đề nghị các trường chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn để triển khai việc rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên các trường để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, cán bộ nhà trường trong mùa mưa bão.
“Đã 1 tháng kể từ khi các trường đi học trở lại sau dịch COVID-19, tình hình học tập, giảng dạy trên địa bàn thành phố diễn ra bình thường. Sở đã yêu cầu các trường học đẩy mạnh kiểm tra công trình trường học như tường, trần trước, trong và sau mùa mưa bão”, ông Chử Xuân Dũng cho biết.
Nhận định về công tác đảm bảo an toàn cho học sinh, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết: “Việc bảo đảm các cây xanh đủ điều kiện để nuôi trồng chỉ là một trong nhiều nội dung mà Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường phải triển khai để tạo môi trường giáo dục an toàn. Mỗi trường công lập đều có khoản kinh phí từ ngân sách để bảo đảm an toàn trong môi trường giáo dục. Khó có thể yêu cầu các giáo viên đánh giá sức khỏe của các cây xanh trong nhà trường, nhưng việc thường xuyên kiểm tra, rà soát định kỳ cây xanh là một hoạt động không thể lơ là”.
Bên cạnh việc dạy và học, thì đảm bảo an toàn cho học sinh trong trường là nhiệm vụ mà ngành giáo dục coi đây là trọng tâm. Với đặc thù của năm học 2019-2020, khi học sinh phải học cả kỳ hè trong điều kiện có thể có những trận giông bão thì việc đảm bảo cho các em càng được sát sao kỹ lưỡng. Hy vọng rằng sẽ không còn những vụ việc đau lòng như tai nạn thương tâm xảy ra vừa qua ở TP Hồ Chí Minh, để mỗi trẻ em đến trường đều được học tập, vui chơi trong một không gian an toàn, thân thiện.
Bài: Lê Vân
Ảnh, clip: Lê Phú
Trình bày: Lê Phú
03/06/2020 06:17