Sau một thời gian xem xét và đánh giá quá trình lây bệnh của đậu mùa khỉ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức kích hoạt cảnh báo cao nhất và tuyên bố virus này là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Với việc ban bố này, đồng nghĩa WHO coi sự bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ là mối đe dọa đến sức khỏe của mọi người dân và các nước cần phối hợp để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu để ngăn chặn bệnh lây lan.
Trước sự lây lan nhanh của bệnh đậu mùa khỉ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Adhanom Ghebreyesus ngày 23/7 vừa qua đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ (PHEIC) - mức cảnh báo cao nhất của WHO. Việc WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ sẽ giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và tài trợ để ngăn chặn bệnh dịch. Tổng Giám đốc WHO hy vọng: "Với những công cụ chúng ta có hiện nay, chúng ta có thể kiểm soát dịch bệnh bùng phát và ngăn chặn sự lây nhiễm".
Ngày 27/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo ghi nhận trên 18.000 ca bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới tại 78 quốc gia, trong đó có 5 ca tử vong ở châu Phi. Đáng lưu ý, hầu hết các ca bệnh được ghi nhận kể từ tháng 5/2022 cho tới nay đều là ở châu Âu (bao gồm Anh, Thụy Sĩ, Bỉ, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Italy, Pháp…), đặc biệt là trong nhóm nam giới có quan hệ đồng tính. Ngoài ra, bệnh còn xuất hiện ở Israel, UAE, hay một số quốc gia ở vùng châu Mỹ như Mỹ, Argentina, Canada…
Hiện các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến đợt bùng phát dịch diện rộng này và điều quan trọng là áp dụng phương pháp phòng bệnh hiệu quả, thường xuyên cập nhật những tin tức mới nhất về căn bệnh đậu mùa khỉ.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nguy cơ do bệnh đậu mùa khỉ gây ra hiện nay trên toàn cầu là vừa phải, nhưng mối đe dọa cho châu Âu ở mức cao.
WHO cũng lo ngại về số ca bệnh có thể "ẩn mình" ở nhiều nước, do năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ toàn cầu còn rất hạn chế. Đó cũng là nguyên nhân WHO nhấn mạnh vai trò của các quốc gia có năng lực sản xuất thiết bị chẩn đoán, vaccine và thuốc điều trị san sẻ nguồn lực, hỗ trợ các quốc gia khác "dựa trên nhu cầu sức khỏe cộng đồng, sự đoàn kết".
PHEIC là mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra cho một đợt bùng phát dịch bệnh, có thể mở đường cho một chuỗi hành động phối hợp toàn cầu và là cơ sở để ngành y tế các quốc gia, vùng lãnh thổ đưa ra các quy định và biện pháp ứng phó phù hợp, dựa trên khuyến nghị từ WHO.
Khi WHO ban bố mức cảnh báo PHEIC, các quốc gia thành viên được khuyến nghị chi tiết các biện pháp cần làm tùy vào tình hình dịch tễ: Lập kế hoạch ứng phó cho từng mức độ bùng phát, kiện toàn hệ thống sàng lọc phát hiện ca bệnh, giám sát dịch tễ, cách ly kiểm dịch, đào tạo nhân lực để sẵn sàng cho các chiến dịch tiêm chủng, xét nghiệm... là những mục tiêu trọng tâm, bên cạnh truyền thông cho cộng đồng và bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh nặng (người suy giảm miễn dịch, trẻ em và thai phụ).
Ông Mike Ryan, Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh rằng, vaccine cần thời gian để phát huy tác dụng và có thể mất đến 3 tuần. Do đó, việc tiêm phòng không mang lại cho người được tiêm sự bảo vệ tức thì, cách tốt nhất để tránh nhiễm bệnh là tránh tiếp xúc với virus.
Khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, WHO cũng đưa ra các khuyến nghị liên quan đến chiến lược tiêm chủng, điều này thúc đẩy các quốc gia phối hợp để tăng nguồn cung cấp vaccine cho các nước nghèo.
Theo WHO, thế giới cần rút ra bài học từ đại dịch COVID-19 về tầm quan trọng của sự phối hợp toàn cầu nhằm bảo đảm phân phối vaccine được nhanh chóng và công bằng. Tình trạng khẩn cấp của đậu mùa khỉ được coi như hồi chuông cảnh báo, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hành động để những sai lầm tương tự không lặp lại. WHO hy vọng sự phối hợp toàn cầu sẽ ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ lan ra ngoài cộng đồng.
Phản ứng trước quyết định của WHO, cơ quan y tế các nước đã nhanh chóng có các biện pháp ứng phó với đậu mùa khỉ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết, cơ quan này ủng hộ tuyên bố của WHO và hy vọng tuyên bố này sẽ thúc đẩy những nỗ lực chung của quốc tế để đẩy lùi dịch bệnh. Hiện Mỹ đã tiến hành tiêm vaccine cho những người đã tiếp xúc gần với các ca bệnh đậu mùa khỉ. Có 2 loại vaccine được Mỹ cấp phép là: ACAM2000 và JYNNEOS - những loại vaccine này ban đầu được phát triển để chống bệnh đậu mùa.
Tại Pháp, Cơ quan Y tế quốc gia nước này đã phát động chiến lược tiêm chủng phòng bệnh đậu mùa khỉ. Chương trình tiêm chủng này phục vụ những người trưởng thành có nguy cơ nhiễm virus gây bệnh, trong đó có cả nhân viên y tế. Chương trình tiêm chủng gồm 2 hoặc 3 mũi đối với các bệnh nhân không có khả năng miễn dịch, với mỗi mũi tiêm cách nhau 28 ngày.
Còn tại Đức, theo những "khuyến cáo khẩn cấp" liên quan tới bệnh đậu mùa khỉ, những người mắc bệnh này nên cách ly ít nhất 21 ngày và bệnh nhân phải hết mọi triệu chứng trước khi hết thời gian cách ly. Khuyến cáo cách ly 21 ngày cũng được áp dụng với các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
Trong khi đó, Cơ quan An ninh y tế Anh đã đưa ra hướng dẫn chính thức về những biện pháp người dân cần làm khi có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ hoặc nghi đã tiếp xúc với người bệnh. Những người mắc bệnh hiện nay sẽ được cách ly tại nhà hoặc tại một khu cách ly riêng trong bệnh viện. Công tác truy vết tiếp xúc cũng sẽ được triển khai.
Tại Canada, Chính phủ nước này đã có kế hoạch tài trợ 1 triệu CAD (khoảng 777.000 USD) cho các tổ chức cộng đồng trên khắp đất nước để cung cấp cho những người đồng tính nam và song tính thông tin về bệnh đậu mùa ở khỉ và chống lại sự kỳ thị xung quanh căn bệnh này. Bộ trưởng Môi trường Steven Guilbeault cho biết tổ chức cộng đồng REZO ở Montreal sẽ nhận được 150.000 CAD, Ủy ban phòng chống AIDS của Toronto và MAX Ottawa mỗi tổ chức sẽ nhận được 100.000 CAD. Tính đến ngày 20/7, đã có 604 trường hợp được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Canada, với phần lớn số ca ở Quebec và Ontario.
Đại diện Cơ quan y tế quốc gia Bồ Đào Nha (DGS) thông báo nước này đã bắt đầu tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những người từng tiếp xúc với người mắc căn bệnh này. Với 73 ca phát hiện vào tuần trước, tính đến ngày 21/7, Bồ Đào Nha ghi nhận 588 ca bệnh đậu mùa khỉ kể từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở nước này ngày 3/5. DGS cho biết sẽ tiếp tục truy vết những người từng tiếp xúc với người mắc bệnh ở nhiều địa phương của nước này để tiêm vaccine phòng bệnh.
Để ứng phó với dịch bệnh, Israel cũng đã mua 10.000 liều vaccine ngừa đậu mùa khỉ do hãng dược Đan Mạch Bavarian Nordic sản xuất và sẽ bắt đầu phân phối ngay khi lô vaccine đầu tiên, gồm khoảng 5.000 liều, được chuyển đến.
Thủ tướng Yair Lapid cho biết như trên trong cuộc họp nội các hàng tuần ngày 24/7. Ông nói: “Ngay sau khi nhận được vaccine, Quỹ Y tế Israel sẽ bắt đầu tiến hành tiêm chủng cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh”. Theo Thủ tướng Lapid, đến nay Israel ghi nhận ít nhất 105 ca bệnh. Ông cho biết Văn phòng Thủ tướng và Bộ Y tế Israel đang theo dõi thông tin toàn cầu liên quan đến căn bệnh này cũng như giữ liên lạc với giới chức y tế các nước.
Tại châu Á, Bộ Y tế Ấn Độ phối hợp các cơ quan soạn thảo hướng dẫn về điều trị và phòng ngừa bệnh đầu mùa khỉ. Còn tại Malaysia, việc kiểm tra sức khỏe đã được thắt chặt ở tất cả các điểm nhập cảnh, đặc biệt là đối với du khách quốc tế đến từ các quốc gia có các ca bệnh nhằm để hạn chế sự lây lan của bệnh tại đây.
Trong bối cảnh bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu, ngày 25/7, Chính phủ Nhật Bản đã ban bố cảnh báo cấp 1 đối với căn bệnh này. Các quan chức chính phủ yêu cầu công dân Nhật Bản trên khắp thế giới thực hiện các biện pháp tăng cường phòng ngừa để phòng tránh lây nhiễm. Chính quyền cũng khuyến cáo những người có kế hoạch đi du lịch nước ngoài hoặc đang ở ngoài Nhật Bản cần đặc biệt thận trọng. Cảnh báo cấp độ 1 trong "Thông tin về nguy cơ mắc bệnh bệnh truyền nhiễm" là mức thấp nhất trong thang 4 cấp của Nhật Bản.
Ngày 24/7, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã triệu tập ngay cuộc họp khẩn với các cơ quan y tế công cộng để thảo luận về các biện pháp đối phó bệnh đậu mùa khỉ. Bộ trưởng Y tế Thái Lan cho biết cuộc họp này là cần thiết sau hành động của WHO, đồng thời nhấn mạnh ông sẽ thảo luận các biện pháp ngăn chặn cũng như những phương án điều trị với các cục trưởng của Cục Kiểm soát Dịch bệnh, Cục Dịch vụ Y tế, Cục Y khoa và Cục Hỗ trợ Dịch vụ Y tế cùng các chuyên gia y tế.
Ông Anutin Charnvirakul nói thêm Thái Lan đã thực hiện các bước đối phó với bệnh đậu mùa khỉ kể từ tháng 5, mặc dù trường hợp đầu tiên chỉ được xác nhận vào tuần trước. Kể từ tháng 5, các bệnh viện đã được yêu cầu sàng lọc các trường hợp có thể mắc bệnh này và ngay lập tức thực hiện xét nghiệm đối với những bệnh nhân nghi nhiễm.
Nhằm ứng phó sau khi WHO ban bố PHEIC đối với bệnh đậu mùa khỉ, chiều 24/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã chủ trì họp trực tuyến để bàn các biện pháp ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ. Tại cuộc họp, các chuyên gia cho biết hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh này song nguy cơ bệnh này xâm nhập nước ta là rất lớn do dịch bệnh đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Để chủ động phát hiện, ngăn chặn các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành có hoạt động kiểm dịch y tế thực hiện nghiêm, đầy đủ các hoạt động kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện và hàng hóa... theo quy định. Việc kiểm tra, xử lý y tế, khử khuẩn phương tiện, hàng hóa phải đúng quy trình kiểm dịch y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với bệnh truyền nhiễm tại từng cửa khẩu với sự phối hợp, tham gia của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế địa phương để xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng.
Sau đó, chiều 26/7, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức cuộc họp Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế nghiệm thu "Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người". Tại cuộc họp, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn nhận định: "Nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập Việt Nam là rất cao". Việt Nam dù chưa ghi nhận ca bệnh nhưng cần nghiên cứu, ban hành ngay hướng dẫn chẩn đoán, điều trị để phát hiện sớm những ca đầu tiên, sẵn sàng phương án điều trị, ngăn chặn nguy cơ bệnh diễn biến thành dịch.
Theo đó, các chuyên gia trong cuộc họp xác định có 4 giai đoạn trong diễn biến bệnh đậu mùa khỉ.
Ở giai đoạn ủ bệnh kéo dài từ 6 - 13 ngày, (dao động từ 5 - 21 ngày), người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.
Ở giai đoạn khởi phát (từ 1 - 5 ngày), các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo, người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.
Ở giai đoạn toàn phát, đặc trưng là sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 - 3 ngày. Phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.
Ban tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao) rồi thành mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong) và mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng). Mụn này sẽ đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo.
Kích thước tổn thương da được xác định trung bình từ 0,5 - 1 cm. Số lượng tổn thương da có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.
Trong giai đoạn hồi phục, các triệu chứng có thể kéo dài từ 2 - 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Các chuyên gia cũng thống nhất chia các thể lâm sàng của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thành 3 thể: Không triệu chứng, nhẹ và nặng.
Ở thể nhẹ, các triệu chứng thường hết sau 2 - 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.
Ở thể nặng, bệnh thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,…), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.
Bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn da, với biểu hiện có sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục. Xét nghiệm các markers nhiễm trùng tăng cao; cấy dịch nốt phỏng có vi khuẩn.
Bệnh nhân cũng có thể bị viêm phổi với các triệu chứng như ho, tức ngực, khó thở... chụp phim phổi thấy rõ tổn thương; Viêm não: ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, dịch não tủy biến đổi. PCR dịch não tủy dương tính với virus đậu mùa khỉ hay nhiễm khuẩn huyết biểu hiện sốt kéo dài, tổn thương các cơ quan phủ tạng, cấy máu mọc vi khuẩn.
Liên quan đến những hỗ trợ của WHO dành cho Việt Nam trong phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, Tiến sỹ Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, tương tự như việc đáp ứng các dịch bệnh đã xảy ra, WHO đã và sẽ tiếp tục chia sẻ các thông tin cập nhập tình hình.
“Chúng tôi đã hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng các hướng dẫn tạm thời về chuyên môn trong lĩnh vực giám sát, xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, trong đó có hoạt động tăng cường năng lực hệ thống giám sát, xét nghiệm; hỗ trợ các hoạt động liên quan đến đáp ứng nhanh tạm thời, quản lý lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn đối với bệnh đậu mùa khỉ”, bà Socorro Escalante chia sẻ.
Cũng theo bà Socorro Escalante, WHO hỗ trợ Việt Nam xây dựng và thực hiện các hoạt động truyền thông về nguy cơ của bệnh với sự tham gia của cộng đồng; hướng dẫn việc tiêm phòng vaccine dựa trên hướng dẫn tạm thời của WHO… Bên cạnh đó, WHO sẽ tiếp tục chia sẻ các hướng dẫn cập nhật của WHO, các văn bản hướng dẫn tạm thời quốc gia (tùy theo diễn biến của bệnh) để Việt Nam có thể thích ứng; đồng thời, đang tổ chức hỗ trợ các sinh phẩm xét nghiệm để cung cấp cho các cơ sở xét nghiệm y tế công cộng và hệ thống bệnh viện trên toàn quốc.
Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết thêm, khi công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, WHO dựa trên một số kịch bản mà các quốc gia có thể gặp phải; phân loại các kịch bản theo từng nhóm quốc gia tùy theo tình trạng thực tế. Trước hết, với những nước chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ như Việt Nam, WHO đã đưa ra các khuyến cáo tạm thời để có thể xử trí, ứng phó. Cụ thể, phải kích hoạt cơ chế phối hợp liên ngành, cùng với ngành Y tế để tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ, ngăn chặn tình trạng lây lan. Hoạt động của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng của Bộ Y tế cần phải có sự kích hoạt, khi cần thiết có sự tham gia của liên ngành.
“Chúng ta cũng cần điều chỉnh và tăng cường hệ thống giám sát, năng lực chẩn đoán trong phòng thí nghiệm, bao gồm xét nghiệm, quy trình vận chuyển mẫu; tăng cường hoạt động truyền thông nguy cơ; cập nhật hướng dẫn, quản lý các ca lâm sàng; nâng cao nhận thức về sự lây truyền của bệnh đậu mùa khỉ để có biện pháp bảo vệ cộng đồng, nhận diện dấu hiện, triệu chứng ở những cộng đồng có nguy cơ cao…”, bà Socorro Escalante nhấn mạnh.
Cùng với tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh, WHO khuyến cáo Việt Nam tích cực cập nhật, chia sẻ thông tin cho người dân về các biện pháp phòng bệnh cũng như cách bảo vệ sức khỏe trong trường hợp bệnh đậu mùa khỉ có khả năng xâm nhập vào Việt Nam.
Bà Socorro Escalante cũng khuyến cáo, không cần áp dụng các biện pháp liên quan đến đi lại quốc tế của những nhóm cụ thể hoặc dân số nói chung. WHO khuyến khích các quốc gia tuân thủ một số khuyến cáo tạm thời.
Cụ thể, sẵn sàng và đáp ứng các biện pháp giám sát, xét nghiệm, phát hiện, đào tạo, nâng cao nhận thức, trong đó có sự tham gia của cộng đồng. Khi áp dụng các biện pháp này, cộng với các công cụ hiện có, sự phối hợp nhịp nhàng của các bên ở giai đoạn này, dịch bệnh đậu mùa khỉ hoàn toàn có thể được kiểm soát, đồng thời hạn chế sự gián đoạn của các hoạt động kinh tế - xã hội.
Hiện nay, WHO không khuyến cáo việc tổ chức tiêm chủng đại trà cho người dân đối với bệnh đậu mùa khỉ. Một số vaccine phòng bệnh cũng đã được đăng ký lại để sử dụng trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, WHO đưa ra khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng bệnh có thể được thực hiện với một số nhóm đối tượng. Ví dụ, người đã tiếp xúc với người mắc bệnh có thể tiêm phòng sau phơi nhiễm; người hỗ trợ người bị mắc bệnh có thể tiêm để chủ động phòng ngừa lây lan như nhân viên y tế, người làm xét nghiệm…
Dựa trên đánh giá về rủi ro và lợi ích cũng như thực tế virus gây bệnh đậu mùa khỉ (không lây lan dễ dàng, bệnh có thể tự khỏi) nên WHO khuyến cáo chưa thực hiện tiêm chủng đại trà. Các quy định về tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ phải được đưa ra dựa trên đặc điểm về lâm sàng, đánh giá giữa lợi ích và rủi ro, giữa các cơ sở y tế, đặc điểm loại vaccine và trong từng trường hợp cụ thể.
Bài: Nhóm phóng viên TTXVN
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát - Bộ Y tế
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn
28/07/2022 07:55