Người nghèo, người cận nghèo là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch COVID-19. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các cấp chính quyền, đoàn thể và tổ chức từ thiện đã chung tay hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nhiều hình thức hỗ trợ
Gia đình chị Trần Thị Thu Cúc, ngụ tại Phường 7, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) có 4 người: Hai vợ chồng làm lao động tự do đã thất nghiệp từ đầu mùa dịch, có 2 con thì có 1 cháu bị khuyết tật. Chồng chị Cúc làm bảo vệ với mức lương ba cọc ba đồng, chị Cúc thì làm nghề kinh doanh tự do từ việc bán bánh mì bằng xe đẩy, do kinh tế khó khăn nên con gái lớn của chị Cúc cũng phải nghỉ học giữa chừng để đi làm công nhân nhằm phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống. Mấy tháng vừa qua, nhà có 3 lao động thì thất nghiệp cả ba, gia đình chị Cúc phải chật vật xoay xở mọi cách để duy trì cuộc sống.
“Nhờ chính quyền địa phương quan tâm mà gia đình tôi đã được nhận nhiều khoản trợ cấp kịp thời. Những khoản tiền trợ cấp này là điểm tựa chính giúp gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong mùa dịch”, chị Cúc nói.
Theo đó, ngoài khoản trợ cấp 760.000 đồng hàng tháng từ chính sách dành cho các hộ nghèo, đợt 1, gia đình chị Cúc đã nhận 1,5 triệu đồng, đợt 2 cả nhà chị cũng nhận được 1,2 triệu đồng tiền mặt và 1 túi an sinh trị giá 300.000 đồng. Gần đây nhất, cả 4 người trong gia đình chị Cúc cũng đã nhận được gói hỗ trợ đợt 3 với tổng số tiền 4 triệu đồng/4 người. Ngoài các khoản trợ cấp bằng tiền mặt từ chính quyền địa phương và thành phố, gia đình chị Cúc còn nhận được sự chăm lo của các đoàn thể, đơn vị với các phần quà là đủ loại thực phẩm thiết yếu từ đầu mùa dịch đến nay bao gồm: gạo, rau củ, nước mắm, dầu ăn, thịt cá…
Chị Cúc vui vẻ kể lại: “Sáng 17/10, gia đình tôi được quận tặng cho một chiếc xe bánh mì mới để thay thế chiếc xe bánh mì đã cũ của gia đình. Chiếc xe bánh mì mới này lớn và sạch sẽ hơn chiếc xe cũ nên tôi hy vọng thu nhập của gia đình sẽ được cả thiện hơn khi thành phố trở lại cuộc sống bình thường mới”.
“Tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương và TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ kịp thời cho gia đình tôi trong cả mùa dịch và hôm nay còn trao cả phương tiện sinh kế “cần câu cơm” để chúng tôi có thêm điều kiện chăm lo cuộc sống gia đình tốt hơn", chị Cúc nói.
Tại nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch lần thứ 4 vừa qua là TP Hồ Chí Minh, cũng như gia đình chị Cúc, hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được chính quyền địa phương và đoàn thể, doanh nghiệp, đơn vị… chung tay chăm lo để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong mùa dịch.
Cũng là người dân có hoàn cảnh khó khăn được nhận tiền trợ cấp đợt 3, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, ngụ tại phường 15, quận Tân Bình cho biết, chị là phụ nữ đơn thân lại đang sống trong phòng trọ trên địa bàn Phường 15, quận Tân Bình. Trong đợt dịch bệnh bùng phát vừa qua, chị Nhung phải tạm ngưng công việc lao động tự do để ở nhà chăm sóc con, mọi thu nhập chính đều không còn nhưng chị may mắn khi chính quyền địa phương tạo điều kiện cho nhận cả 3 đợt trợ cấp.
“Tôi rất mừng khi cả 3 lần đều được nhận trợ cấp, lần đầu là 1,5 triệu, lần thứ 2 là 1,2 triệu cùng quà an sinh và đợt 3 tôi đã được hỗ trợ 1 triệu đồng. Số tiền các lần hỗ trợ không nhiều nhưng đó gần như là “phao cứu sinh” cho hai mẹ con tôi trong suốt 4 tháng ở nhà chống dịch. Ngoài ra, thấy gia đình tôi khó khăn nên chị chủ phòng trọ nơi tôi đang thuê cũng đã giảm giá thuê nhà mỗi tháng 500.000 đồng từ khi dịch bệnh bùng phát (giá phòng chị Nhung đang thuê là 2 triệu đồng/tháng)”, chị Nhung cho biết thêm.
Chia sẻ về các khoản trợ cấp dành cho các hộ nghèo và người dân có hoàn cảnh khó khăn, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, trong đợt 3, Thành phố đã hỗ trợ cho gần 2 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và 5,3 triệu lao động có hoàn cảnh khó khăn và người đang lưu trú tại TP Hồ Chí Minh thật sự khó khăn được nhận trợ cấp từ ngân sách của thành phố. Đến nay, trong đợt hỗ trợ thứ 3, có địa phương gần như hoàn tất việc chi hỗ trợ với tỉ lệ đạt trên 97% như các Quận 1, 5 và Phú Nhuận. Một số khác cũng đạt tỉ lệ chi cao hơn 90% như Quận 3 (91%), Quận 6 (94%) và Quận 10 (95%), quận Tân Bình (92%), quận Gò Vấp (90%) và Quận 4 (85%)…
Theo ông Lê Minh Tấn, TP Hồ Chí Minh đã ban hành chính sách hỗ trợ 3 đợt cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong đó các hộ nghèo và hộ cận nghèo, theo chủ trương "chính sách nào, đối tượng đó" và tùy theo từng thời điểm để có chính sách phù hợp. Cụ thể, tương ứng với mỗi thời điểm khác nhau của từng đợt dịch, thành phố mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ nhưng đợt nào các hộ nghèo, cận nghèo đều được nhận trợ cấp. Ngoài ra, các địa phương cũng đã xem xét, xác minh có đúng đối tượng thực sự khó khăn được nhận hỗ trợ hay không.
Cũng trong đợt dịch COVID-19 thứ 4, tại Hà Nội, việc thực hiện giãn cách xã hội từ 24/7 đến 21/9 đã tác động lớn đến cuộc sống người dân, trong đó có người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, nhìn lại quãng thời gian từ khi Hà Nội toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVD-19, cũng thấy rõ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm từ nhiều người, nhiều ngành, nhiều phía bằng nhiều hình thức khác nhau.
Trong khó khăn, tinh thần nhân ái, sẻ chia của người dân Thủ đô càng được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ. Người có của góp của, người có công góp công, cứ thế, cộng đồng đã cùng các cơ quan chức năng quan tâm, chăm lo cho đời sống của người dân nghèo. Cách thức quan tâm, trợ giúp người nghèo được triển khai đa dạng, phong phú, linh hoạt.
Bà Bùi Thị Nhung, hộ cận nghèo trên địa bàn phường Láng Hạ làm tạp vụ khu ký túc và bán hàng ăn trong khu vực. “Do dịch bệnh, nghỉ làm từ đầu năm đến nay nên thu nhập của tôi giảm khá nhiều. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của phường và các đoàn thể, tôi cũng giảm khó khăn. Ngoài việc được hỗ trợ 1 triệu đồng từ ngân sách theo tiêu chuẩn hộ nghèo, cận nghèo, tôi còn được một số tổ chức đoàn thể của phường hỗ trợ về nhu yếu phẩm và của các đơn vị tổ chức trên địa bàn như MTTQ quận, phường Ban Chỉ quân sự quận, trường THCS Phan Huy Chú…", bà Nhung cho biết.
Tương tự, từ nguồn hỗ trợ bằng ngân sách, việc hỗ trợ từ xã hội hóa cũng được quan tâm. Vợ chồng anh Đỗ Văn Kiêm và chị Đỗ Thị Hiên, tổ dân phố 1, phường Phú La (quận Hà Đông) cho hay, gia đình anh, chị thường mưu sinh bằng công việc thu gom phế liệu. Do dịch bệnh, thành phố thực hiện giãn cách nên thu nhập của vợ chồng anh không ổn định, cuộc sống ngày càng khó khăn. Việc hỗ trợ túi an sinh xã hội gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu đã giúp gia đình anh chị vượt qua khó khăn.
Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Hà Nội cho biết: Để nhiều người dân được tiếp cận với nguồn lực hỗ trợ, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn đưa các mô hình trợ giúp đến gần dân. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thiết lập đường dây nóng, trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin cần trợ giúp của nhân dân. Cứ khi nào tiếp nhận được thông tin, Ủy ban MTTQ các cấp sẽ khảo sát và hỗ trợ lương thực, thực phẩm kịp thời. Mô hình hỗ trợ được nhiều đơn vị, địa phương triển khai, đó là bố trí hỗ trợ người nghèo tại các địa phương như xây dựng “kho gạo miễn phí”, “gian hàng 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng”...
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến ngày 16/10/2021, các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chính sách của Trung ương, đặc thù của thành phố Hà Nội, huy động xã hội hoá để hỗ trợ cho các đối tượng với tổng kinh phí gần 1.644 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách nhà nước triển khai thực hiện Nghị quyết /NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là gần 1.250 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 394,13 tỷ đồng. Các tổ chức chính trị, xã hội của Thành phố và một số quận, huyện, thị xã cũng đã huy động nhiều nguồn lực xã hội và quà của các nhà hảo tâm để cùng chung sức hỗ trợ cho 1,06 triệu lượt người, hộ gia đình còn khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với số tiền gần 305 tỷ đồng.
Riêng nhóm đối tượng là hộ nghèo với trên 4.400 hộ được hỗ trợ với kinh phí trên 4,4 tỷ đồng (1 triệu đồng/hộ); hộ cận nghèo là trên 31.000 hộ với số tiền hỗ trợ trên 31 tỷ đồng (1 triệu đồng/hộ). Bên cạnh đó, nhóm đối tượng hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng, với gần 183.000 người với số tiền hỗ trợ gần 183 tỷ đồng.
“Cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách, các hộ nghèo, cận nghèo, nhóm người yếu thế cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, xã hội, các mạnh thường quân tại địa phương. Mục tiêu hỗ trợ để không ai bị đứt bữa và khi chuyển sang trạng thái bình thường mới sẽ tạo điều kiện sinh kế cho người nghèo, cận nghèo”, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết.
Các tỉnh thành khác tùy theo từng địa phương cũng có những hình thức hỗ trợ người nghèo, lao động khó khăn tùy theo điều kiện của từng tỉnh. Triển khai Nghị Quyết , tỉnh Lâm Đồng cũng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo 1,5 triệu đồng. Nhận hỗ trợ, các hộ bày tỏ sự vui mừng vì đã có thể trang trải cuộc sống, có thêm nguồn lực tiếp tục lao động sản xuất.
Là một hộ nghèo, gia đình anh Cil Mup Ha Ri Gơl ở tổ dân phố Đănggia Dềt B (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) gặp không ít khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát. Do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được nên thu nhập của gia đình anh từ sản xuất rất bấp bênh, bản thân anh có nghề chở hàng thuê nhưng công việc cũng không được thường xuyên vì dịch COVID-19. Nay được nhà nước hỗ trợ 1,5 triệu đồng, anh Gơl rất xúc động; số tiền tuy không lớn nhưng sẽ giúp gia đình anh vơi đi phần nào khó khăn trước mắt. Anh Cil Mup Ha Ri Gơl phấn khởi nói: “Nhận được số tiền hỗ trợ, tôi sẽ dành số tiền này để trang trải sinh hoạt và mua giống, phân bón phục vụ sản xuất”.
Clip ‘ATM gạo’ hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn trong dịch COVID-19:
Tương tự như gia đình anh Gơl, gia đình chị Đỗ Thị Thảo ở tổ dân phố B’Nơr A cũng là hộ nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào việc đi làm thuê cho các nhà vườn để kiếm sống. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hơn một tháng nay chị không có việc làm, cuộc sống của gia đình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Cầm trên tay số tiền hỗ trợ của Nhà nước, chị Thảo cảm thấy vui mừng và phấn khởi khi nhận được sự quan tâm đúng lúc, kịp thời. Chị cho biết sẽ dùng số tiền hỗ trợ để mua sắm lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho gia đình.
“Có thể thấy, nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, bằng việc huy đông từ ngân sách và nguồn lực hỗ trợ từ xã hội, các nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn đã được chăm lo trong đại dịch. Tuy nhiên, về lâu dài, nhóm đối tượng này cần được quan tâm về vấn đề sinh kế, việc làm để không tái nghèo và thoát nghèo bền vững”, ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết.
Huy động thêm nguồn lực
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Nhìn trên bình diện chung thì diện bao phủ của chính sách cơ bản đã tới với người dân, trong đó có nhóm lao động yếu thế, người nghèo, cận nghèo. Nghị quyết , Nghị quyết 116 và mới đây là Nghị quyết 126 sửa đổi đã đi vào cuộc sống, được nhân dân ghi nhận, giúp người dân khắc phục một phần khó khăn trong cuộc sống. Để phù hợp với thực tế, Nghị quyết 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết cũng đã mở rộng nhóm đối tượng được hỗ trợ yếu thế đã được chăm lo như người già, trẻ em mồ côi, người khuyết tật…
Theo ông Lê Văn Thanh, tính đến trung tuần tháng 10, số người được hỗ trợ theo Nghị quyết hỗ trợ là 24,26 triệu lượt đối tượng với trên 21,8 nghìn tỷ đồng. Tại 23 tỉnh, thành phố phía Nam, đã hỗ trợ 16,8 triệu đối tượng (chiếm 69,5% toàn quốc) với tổng số tiền 17,75 nghìn tỷ đồng (chiếm 80% toàn quốc).
Khi triển khai, tại các tỉnh, thành, bên cạnh thực hiện chính sách chung, một số địa phương cũng đã ban hành chính sách đặc thù như: Hà Nội hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo 1 triệu đồng/hộ. Đà Năng hỗ trợ nhóm người khó khăn (người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em mồ côi) với mức 1 triệu đồng/người/lần; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố mức 500.000 đồng/người/lần; tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo mức 500.000 đồng/hộ….
“Do đó, ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương, để có thêm nguồn hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và công nhân lao động nhằm bảo đảm cho người dân duy trì cuộc sống”, ông Lê Văn Thanh cho biết.
Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong 2 năm trở lại đây, những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ nhiều phía nhưng với tinh thần “tương thân tương ái”, các đơn vị, Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm vẫn luôn đồng hành ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, trong 9 tháng của năm 2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 2.570 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” trên 619 tỷ đồng, an sinh xã hội trên 1.951 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 13.250 căn nhà Đại đoàn kết, giúp đỡ người nghèo các địa phương không phải thực hiện giãn cách xã hội phát triển sản xuất và các cháu học sinh về học tập trực tuyến; hàng triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được khám chữa bệnh, được tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19; xây dựng công trình dân sinh cầu đường, lớp học, trạm xá, khám chữa bệnh...
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, hàng năm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động vận động ủng hộ giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tháng cao điểm “Vì người nghèo” từ 17/10 đến 18/11 và đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Để tổ chức hoạt động nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2021 đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết “Tương thân, tương ái” của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp, các các nhà hảo tâm, toàn xã hội cùng giúp đỡ người nghèo cải thiện cuộc sống. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành kế hoạch để triển khai chung trong toàn hệ thống. Mục tiêu đặt ra nhằm tạo nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Đối với việc tổ chức vận động, tinh thần chung mà Trung ương đặt ra là ở những nơi nào đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh COVID-19 thì kết hợp với công tác vận động nguồn lực cho Quỹ “Vì người nghèo” cũng là đợt vận động cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức vận động các doanh nhân, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân... đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” theo hướng: Đối với các tỉnh, thành phố trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 phải thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh (tính từ ngày 27/4/2021) thì tiếp tục vận động ủng hộ phòng, chống dịch. Ưu tiên các hộ nghèo, vùng nghèo bị ảnh hưởng COVID-19; hỗ trợ trong dịp Tết nguyên đán đảm bảo mọi nhà đều có Tết. Đối với các tỉnh, thành phố trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 chưa phải thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, thành phố (tính từ ngày 27/4/2021) thì tổ chức vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” để có thêm nguồn lực chăm lo cho người nghèo.
Việc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, bị ảnh hưởng COVID-19, có trẻ em và phụ nữ thuộc hộ nghèo; Ưu tiên hỗ trợ xây dựng nhà, hỗ trợ nhân dịp Tết nguyên đán; đồng thời công khai, dân chủ nguồn đóng góp của các tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm.
Từ nguồn lực vận động được, Mặt trận sẽ tổ chức, đánh giá, sơ kết hoạt động vì người nghèo, biểu dương gia đình nghèo, cộng đồng nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững và cấp huyện, cấp xã có nhiều cố gắng trong việc phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo (tổ chức ở cấp tỉnh) kết hợp sơ kết với đợt vận động ủng hộ, phòng chống dịch COVID-19. Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân ái, tặng quà cho các hộ nghèo, cận nghèo người gặp thiên tai hoạn nạn bằng hiện vật (tặng lương thực, thực phẩm, cây, con giống, vật tư sản xuất, vật liệu sửa chữa nhà ở, sách giáo khoa, thiết bị học tập trực tuyến, quần áo ấm...).
“Thông qua đó cũng góp phần để làm ấm lòng những hộ gia đình khó khăn đã nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19 tiếp thêm cho họ động lực, niềm tin để vươn lên cùng góp phần thực hiện mục tiêu khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch” bà Trương Thị Ngọc Ánh cho biết.
Cùng với hoạt động tiếp nhận, phân bổ ủng hộ, những ngày qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã và đang tập trung nắm tình hình nhân dân, tổ chức nhiều hoạt động cụ thể như: Phối hợp giúp đỡ, hỗ trợ người dân trở về quê từ các vùng dịch; phối hợp rà soát các đối tượng cần hỗ trợ an sinh xã hội; vận động ủng hộ và phân bổ kinh phí, vật chất; trao tặng túi quà an sinh cho các đối tượng gặp khói khăn, yếu thế; hỗ trợ vận chuyển, tiêu thụ nông sản; tham gia các tổ phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng; thăm hỏi, tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả.
Bài: Xuân Minh – Hoàng Tuyết
Trình bày: Xuân Minh
Ảnh bìa: Lê Phú
17/10/2021 08:29