Nuôi trẻ mồ côi xuất phát từ tình yêu thương, tạo mọi điều kiện cho các bé khi lớn lên biết tìm mẹ và mẹ cũng dễ tìm các con; dạy trẻ trở thành người tốt, người có ích cho xã hội… Đó chính là tâm huyết và tấm lòng của ông Bùi Công Hiệp, ngụ ở đường số 1, phường Long Trường, quận 9, TP Hồ Chí Minh.
Ông Hiệp có vợ là bà Phạm Hoàng Lan cùng hai người con. Người con gái đầu của ông Hiệp là Bùi Lan Hoanh (sinh năm 1988) và con trai là Bùi Quang Huy (sinh năm 1993). Gia đình ông Hiệp có xưởng sản xuất cơ khí hoạt động hơn 20 năm qua tại quận Bình Thạnh. Đây chính là nguồn thu lớn của gia đình trong hàng chục năm qua để nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 88 trẻ mồ côi trong mái ấm Thiên Thần.
Tiếng lành đồn xa, thông tin ông Bùi Công Hiệp, ngụ ở phường Long Trường, quận 9, TP Hồ Chí Minh cùng gia đình làm giấy trao tặng 2.500 m2 đất và căn nhà 3 tầng trị giá hơn 100 tỷ đồng để làm mái ấm cho trẻ mồ côi tại TP Hồ Chí Minh đang khiến dư luận xã hội rất quan tâm. Chúng tôi tìm đến mái ấm do ông Hiệp thành lập ở đường số 1, phường Long Trường, quận 9. Đón chúng tôi trong căn nhà 3 tầng thoáng mát là một người đàn ông ngoài tuổi tứ tuần, đôi mắt ông nhanh nhẹn, nụ cười hiền lành khiến chúng tôi có cảm giác dễ gần, dễ mến. Nhìn mảnh đất rộng thênh thang, chúng tôi càng thấy trân trọng tấm lòng của ông khi quyết định tặng nó cho các bé mồ côi.
Ông Bùi Công Hiệp nhớ lại, gần 10 năm trước, sau khi về hưu, ông tích lũy được một số tiền để mua một khu đất rộng hơn 2.500 m2 ở quận 9 để thực hiện ước nguyện xây một căn nhà bé bé để hai vợ chồng về nghỉ ngơi, trồng rau nuôi gà, vui thú tuổi già… Tuy nhiên, chứng kiến cảnh các em bé không có mái ấm, ông Hiệp bàn với vợ thay vì xây nhà cho mình thì xây căn nhà 3 tầng để làm mái ấm cho các trẻ em mồ côi nương tựa.
Để cho các con có mái ấm chính thức, năm 2010, ông Hiệp đã lên UBND quận 9 xin phép mở mái ấm có tên "Thiên Thần". Từ năm đó đến nay, vợ chồng ông đã đưa nhiều trẻ mồ côi về chăm sóc, nuôi dưỡng, với số lượng đã lên đến 88 cháu bé mồ côi. Trong đó, bé nhỏ nhất mới vài ngày tuổi và bé lớn nhất mới 7 tuổi.
Ông Hiệp cho biết, ông rất bất ngờ là người vợ và hai đứa con mình đều đồng ý mà không chút đắn đo, suy nghĩ. “Trước đó, tôi nghĩ sẽ phải thuyết phục các con và vợ mình trong vài ngày, thậm chí phải mất cả tháng. Tuy nhiên, khi tôi vừa hỏi thì tất cả vợ và hai con đều đồng ý mà không chút đắn đo, lưỡng lự. Tôi còn chia sẻ muốn hiến mảnh đất này một cách cụ thể, bằng giấy trắng mực đen và cả gia đình đều đồng ý. Thậm chí, hai người con của tôi còn tỏ ý, sau này nếu ba và mẹ không còn sức khỏe lo cho mái ấm thì chính hai con sẽ hợp sức thay ba mẹ tiếp tục lo cho các em bé trong mái ấm Thiên Thần”, ông Hiệp nói.
Trước khi thành lập mái ấm, ông Hiệp cũng đi dò la khắp nơi về cách nuôi dạy trẻ, tuy nhiên ai gặp ông cũng cản ông và nói: “Nuôi trẻ con cực trăm bề, phụ nữ họ nuôi là điều bình thường còn ông đàn ông làm sao nuôi được” hoặc: “Nuôi trẻ sơ sinh, ông không được ngủ đêm, bỏ hết các cuộc vui chơi với bạn bè, bỏ nhậu, chắc chắn ông không làm được"… Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm làm, bởi theo ông, nuôi trẻ con là niềm đam mê, chứ không còn là trách nhiệm với xã hội hoặc nuôi để được vinh danh.
Ông Hiệp cho biết, việc gì càng khó khăn ông càng muốn làm, nhất là việc liên quan đến trẻ em. Còn nhớ, khi lập ra mái ấm, ông bắt đầu nhận nuôi 5 trẻ. Hàng ngày, ông dậy từ 4 giờ sáng, lo quần áo, sữa nước cho các bé. Có hôm cả 5 bé đều thức dậy sớm và thi nhau đòi ông “phục vụ”, có đứa đói đòi sữa, đứa đi vệ sinh ra khắp nhà, đứa chưa tỉnh ngủ cũng khóc thét… nhìn cảnh tượng nếu ai tâm lý yếu sẽ muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, ông Hiệp vẫn hoàn thành tốt các yêu cầu của các bé: Tay phải ông ẵm đứa nhỏ dỗ nó nín, tay kia ông lại pha sữa cho đứa khác… Dần dần, mọi chuyện cũng đi vào ổn định và thuần thục. Đến nay, ông trở thành người đàn ông chăm sóc trẻ khéo léo số một của mái ấm Thiên Thần.
Theo ông Hiệp, ông nuôi các bé mồ côi và chỉ mong ước các con lớn lên khỏe mạnh và trở thành một công dân tốt chứ không mong các con lớn lên, thành đạt mà tâm hồn không bao dung, không sống tốt với mọi người xung quanh. "Bởi, nếu nuôi chúng mà cứ bắt chúng phải đi theo hướng này hay đi theo hướng kia sẽ rất khó và tội nghiệp, đặc biệt lại là những đứa trẻ thiếu đi tình thương của cha và mẹ". Do đó, phương pháp giáo dục của ông Hiệp là giáo dục và dạy dỗ các con phát triển theo năng khiếu và sở thích của bản thân mình.
Trong những lần nói chuyện với các bé lớn, ông Hiệp luôn nói: “Vùng trời này rộng lắm, nếu đủ sức và đủ lông, đủ cánh các con cứ bay đi theo ý thích của mình. Khi nào thấy mệt mỏi, chùn chân mỏi gối hãy về mái ấm này nghỉ ngơi và có thể ở lại bất cứ lúc nào và ở bao lâu tùy thích bởi đó là nhà của các con”.
Một công việc khác khiến ông Hiệp "đau đầu" khi nhận nuôi các bé là lo giấy khai sinh và đặt tên cho các con. Theo đó, khi làm giấy khai sinh tên cho các con, ông Hiệp luôn ưu tiên lấy họ các con theo mẹ đẻ hoặc bố đẻ để sau này các bé lớn lên có thể nhận lại cha mẹ hoặc dễ dàng đi tìm cha mẹ mình, thậm chí có thể tự hào khoe với các bạn: “Trong giấy khai sinh mình cũng có tên mẹ, tên ba, dù mình là trẻ bị bỏ rơi”…
Đối với những em bé bị bỏ lại trước cổng trung tâm, ông Hiệp cũng tìm những dấu vết và đồ vật trên người bé và cất giữ cẩn thận để sau này bé lớn lên muốn tìm lại mẹ có thể dựa vào những dấu vết, đồ vật mà mẹ các bé để lại để đi tìm mẹ. Trong trường hợp các bé không có thông tin gì về bố hoặc mẹ, khi đó ông Hiệp mới lấy họ của mình đặt tên cho các con.
Ông Hiệp tâm sự, khi đặt tên cho các con ông nghiên cứu rất kỹ. Nghĩa là đặt tên các con cũng phải có nguyên tắc và có ý nghĩa. Ví dụ như đứa “đầu đàn” lớn nhất ông Hiệp chọn cái tên Kim Giáp, nghĩa là tấm chắn cho các em còn lại. Bởi sau này lớn lên con sẽ là anh cả để bảo vệ những đứa em sau mình. Đứa thứ hai đặt tên là Kim Anh, đại diện cho trí tuệ, sự thông minh nhanh nhẹn… Các bé sau này đặt tên theo mùa các bé được sinh ra như: Kim Đào, Kim Mai, Kim Thu…
Theo ông Hiệp, chính quyền địa phương khi biết đến mai ấm Thiên Thần chuyên nhận nuôi các bé mồ côi cũng đã tạo điều kiện để hầu hết 88 bé ở đây được cấp giấy khai sinh. Hiện chỉ còn 5 bé hồ sơ chưa hoàn chỉnh, do đang vướng mắc thủ tục theo quy định mới.
Sau bảy năm hoạt động, ban đầu chỉ với hai cô bảo mẫu, đến nay mái ấm Thiên Thần đã có tới 10 cô bảo mẫu được ông Hiệp thuê về thay phiên chăm sóc cho các bé. Còn những công việc như nội trợ, nấu ăn, đưa đón các con đi học đều do tự tay ông Hiệp làm mỗi ngày, ròng rã suốt 7 năm qua.
Cô Võ Dung Hạnh, quản lý mái ấm Thiên Thần cho biết: “Công việc hàng ngày của chú Hiệp là 4 giờ sáng thức dậy nấu ăn cho các con, đối với các bé đi học tiểu học ông nấu cơm, miến, mỳ, nui… cho các bé ăn đổi món hàng ngày. Đối với các bé nhỏ từ 2 đến 5 tuổi chú nấu cháo thay đổi theo từng thực đơn riêng. Sau khi cho các bé ăn xong, bé nào phải đi học thì chú Hiệp tận tay lái xe đưa các con đến trường. Sau đó chú về lại và xuống bếp tiếp tục dọn rửa, chuẩn bị bữa trưa cho các bé đi học về. Miệt mài chăm sóc các bé đến nay cũng đã được 7 năm nhưng chưa lúc nào thấy chú nghỉ tay và than vãn mệt mỏi khi lo cho các bé”.
Ngoài mong muốn các con khỏe mạnh, thành người có ích, ông Hiệp cũng quan tâm việc khi lớn lên, rời khỏi mái ấm các con phải biết bơi lội, thể thao, âm nhạc, hội họa… và đặc biệt là biết ngoại ngữ và tin học để hội nhập.
Ông Hiệp cho biết, ông không đặt nặng vào kiến thức học ở trường. Cái ông quan tâm là các kỹ năng để con sinh tồn, bảo vệ bản thân mình. Còn ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc cho tương lai sau này, các con lớn lên phát triển, hòa nhập với thế giới. Bởi các con muốn có những kiến thức mới mẻ, được hiểu biết rộng mở phải có ngoại ngữ để đọc sách báo, tài liệu nước ngoài, tự trau dồi kiến thức để sau này kiếm kế sinh nhai, phát triển bản thân…
Để nuôi dạy tâm hồn các con tốt nhất, cô Hoàng Lan, vợ chú Hiệp cho biết, mỗi khi nghỉ tay là ông thường đem sách ra đọc, vừa đọc sách tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Buổi tối, sau khi các con ngủ, ông lại lên mạng học tiếng Anh, đọc tài liệu thêm đến tận khuya mới nghỉ. Bởi ông Hiệp muốn mình phải đọc nhiều, hiểu biết nhiều để tiếp thu thêm nhiều kiến thức tốt trong và ngoài nước sau này áp dụng dạy dỗ các con và giúp các con hội nhập, trở thành công dân thế giới.
Không chỉ lo chuyện ăn ngủ, học hành cho các con, ông còn tiếp tục lo chỗ học tập trong tương lai và khu nhà ở riêng cho các bé trai, bé gái. Ông đã bàn tính với gia đình đầu năm 2020 sẽ khởi công xây dựng một ngôi nhà mới 5 tầng trên khu đất 2.500m2 mà ông vừa tặng cho các bé với tổng kinh phí xây dựng dự kiến là 5 tỉ đồng bằng nguồn tài chính tích lũy của gia đình. Còn khu học tập dự kiến sẽ được xây ở quận Bình Thạnh với diện tích 4.000 m2 – một khu đất có giá trị hơn cả khu đất 2.500m2 mà ông mới tặng cho các con để làm nơi trú chân khi mệt mỏi.
"Dự tính tại đây tôi sẽ xây dựng trung tâm cho các con học hành, mở trường lớp riêng cho các bé và cả khu vui chơi sinh hoạt cho các bé lớn nữa. Tương lai, nếu ở đây hoạt động trơn tru, thì tôi sẽ mở thêm một trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh bỏ rơi. Bởi các bé sơ sinh bị bỏ rơi thường chịu nhiều thiệt thòi nhất”, ông Hiệp tâm sự:
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
Cip: Mạnh Linh
25/09/2019 01:57