Kỷ niệm một thời trai trẻ của những chiến sĩ lái xe Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX nay là Thông tấn xã Việt Nam - TTXVN) sát cánh cùng các phóng viên, kỹ thuật viên bám sát các mặt trận, đưa tin quân giải phóng tiến vào Sài Gòn giải phóng miền Nam thống nhất đất nước,  và sau này là làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, lại ùa về.

 

Ông Trương Đại Chiến năm nay đã ở tuổi 70 nhưng vẫn rất tinh tường. Nhắc lại câu chuyện hơn 40 năm về trước, khi cầm lái đưa đoàn phóng viên VNTTX vào chiến trường, đôi mắt ông bừng sáng. 

 

Ông Chiến nhớ lại: Thu Đông năm 1971, VNTTX cử nhóm cán bộ chi viện cho miền Nam. Ngày ấy ông Chiến là lái xe đưa phóng viên, biên tập viên, trang thiết bị, máy móc tăng cường cho mặt trận B5. Trong đoàn có phóng viên tin Trương Đức Anh (Phó Tổng Giám đốc TTXVN giai đoạn 1998-2006), phóng viên ảnh Vũ Tín, kỹ sư vô tuyến điện Thái Nguyệt Ánh; kỹ thuật moóc, teletip có bác Phạm Lộc và bác Phúc; kỹ thuật điện Nguyễn Quang San; kỹ thuật ảnh buồng tối Trịnh Văn Quốc.

Nhóm phóng viên VNTTX kết hợp cùng nhóm của Phòng Thông tấn Quân sự thuộc Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị do Thượng uý Đoàn Tý làm trưởng đoàn; phóng viên ảnh Hồng Thụ, lái xe Đình Ân và Quang Tự; 2 cấp dưỡng là Hằng và Hoa. Nhóm biệt phái tăng cường cho Bộ Tư lệnh B5 mặt trận Quảng Trị đóng ở miền tây Vĩnh Linh. Nhiệm vụ của ông Chiến là kết nối giữa Bộ Tư lệnh B5 (Phân xã Vĩnh Linh) với Tổng xã ở Hà Nội. Tuy thuộc quân số của tổ biệt phái ở Bộ Tư lệnh B5, hưởng chế độ phụ cấp, quân trang quân dụng của lính, nhưng ông Chiến lại thường trú ở Phân xã Vĩnh Linh; khi nào có việc ông Chiến mới lên đơn vị. 

 

Nói là "lên đơn vị" nhưng thực ra ông Chiến không tiếp cận được với đơn vị. Theo ông, lý do có thể là không có đường ô tô vào và cũng có thể vì công việc bảo mật cho nên mỗi lần lên nhận nhiệm vụ ông Chiến cho xe đỗ ở bìa rừng.

Ông Chiến nhớ lại: Có lần phải ngủ đêm ở bìa rừng, xung quanh có 3 ngôi mộ nhỏ vun bằng cát; đêm lũ sóc rừng cùng lũ tắc kè, thằn lằn… nhũng nhiễu.  Điều đó không làm ông Chiến phiền lòng. Điều làm ông bất an nhất là biệt kích, thám báo nên những đêm nằm ven rừng, khẩu AK lúc nào cũng được ông lên đạn, sẵn sàng chiến đấu.

“Một lần tôi lên nhận nhiệm vụ do anh Trương Đức Anh giao tháp tùng một người tuổi trạc trung niên, trông rất phong độ. Anh Trương Đức Anh dặn tôi đi theo yêu cầu của người ấy. Lần đó, tôi đưa ông này đi khắp các cánh rừng. Khi xe chạy trên một trảng rừng bằng, lô nhô các ổ đất tổ mối với những bụi sim, mua, cây dành dành cằn cỗi, tôi chủ quan thả tốc độ. Xe đang lao nhanh bỗng dưng khựng lại, đầu xe nhảy chồm lên cao hơn nửa mét làm tôi và vị khách cũng bật lên cao, tôi cố vành vô lăng giữ lại, may mắn vị khách cũng cầm chắc được tay nắm phía trước nên cả 2 chúng tôi không bị hất văng ra ngoài”, ông Chiến kể lại.

Ông Chiến giải thích: “Thì ra xe bị sập hố tăng xê bởi một bụi sim còi che lấp. Tôi liếc nhìn trộm vị khách, ông ta vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Tôi yên tâm và chú ý lái cẩn trọng hơn. Sau chuyến đi đó, tôi nghe nói vị khách có dáng dấp phong trần ấy là Trung tá, Chính uỷ Bộ Tư lệnh B5. Hình như ông đi kiểm tra địa hình trận địa để chuẩn bị cho một trận đánh đánh lớn”.

Cũng theo ông Chiến, vào khoảng trung tuần tháng 10 năm 1972, sau khi kết thúc chiến dịch "Mùa hè đỏ lửa", Tổng xã rút toàn bộ đoàn biệt phái ở Bộ Tư lệnh B5 ra Hà Nội. Đêm đầu tiên xuất phát từ căn cứ “81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị”, khi 2 xe đang chạy trên một trảng trống, bất ngờ 1 chiếc OV10 của địch xuất hiện trên đầu. Tức thì một loạt pháo sáng bung lụa đúng đỉnh đầu. Ánh sáng trắng soi rõ như ban ngày. Ông Chiến chột dạ tưởng rằng máy bay địch đã phát hiện ra mục tiêu 2 xe chạy vì lỗi để lộ ánh sáng đèn gầm, hoặc chúng bắt được sự tỏa nhiệt của xe.

“Tất cả ngồi im không nhúc nhích, căng thẳng đếm thời gian từng giây, chờ hứng chịu những trận bom... May mắn là điều tồi tệ đã không xảy ra, pháo sáng tắt, máy bay cũng bay xa. Thoát hiểm, cả đoàn toát mồ hôi”, ông Chiến nhớ lại.

 

Vào những năm 70, cánh lái xe mới về như ông Phí Văn Sửu được coi là thế hệ thứ ba của Tổ xe VNTTX. Ngày ấy, cũng như ông Sửu, nhiều anh em khác được tín cử, xông pha trận mạc đều còn rất trẻ, tuổi đời chỉ mới đôi mươi.

Đầu tháng 4/1975 do diễn biến tình hình chiến sự toàn miền Nam thuận lợi, bộ đội ta tiến quân như vũ bão, lái xe Phí Văn Sửu được cử làm Tổ trưởng của tổ lái xe gồm ba người cùng Đào Trọng Vĩnh và Phạm Văn Thu với nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) do đồng chí Đào Tùng, Tổng biên tập dẫn đầu vào chiến trường. Xác định đây là đoàn cán bộ cốt cán, thực hiện những nhiệm vụ chiến lược nên ngay từ đầu, những chiến sĩ lái xe VNTTX đã ý thức được tính chất cấp bách của chuyến đi.

Đoàn xuất phát từ Hà Nội qua Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Pleiku và dừng chân tại căn cứ R-Tây Ninh. Khi vào đến Đà Nẵng, tại Tổng xã, đoàn thứ hai cũng bắt đầu lên đường do lái xe Ngô Văn Bình dẫn đường đưa một số phóng viên vào phía Nam, trong đó có nhà báo Trần Mai Hưởng (sau này là Tổng giám đốc TTXVN) Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành… thẳng Quốc lộ 1, bám theo bộ đội chủ lực vào tới Sài Gòn đúng ngày 30/4.

 

Trong trí nhớ của “người lái già” Phí Văn Sửu, nguyên Đội trưởng Đội xe TTXVN thì chiến tranh ác liệt là vậy nhưng “những người cầm lái vĩ đại” đã rút ra những kinh nghiệm quý báu khi hành quân. Ông Sửu kể lại, để tránh máy bay địch, cứ khoảng 5 giờ sáng hàng ngày là đoàn lại hành quân, chạy hết tốc lực đưa phóng viên tới những nơi cần đến. Những chiếc u-oát lầm lì vượt qua bao đèo dốc, ngầm sâu.

“Trên con đường ấy, chúng tôi chỉ có một hướng tiến thẳng, không ai được phép lùi”, ông Phí Văn Sửu kể lại. Đường từ Hà Nội vào Quảng Trị với anh em lái xe đã khá quen thuộc. Nhưng từ Quảng Trị vào tới Tây Ninh thì quả là nhọc nhằn và gian khổ.

Con đường Trường Sơn đầy bùn và bụi. Những chiến sĩ lái xe Thông tấn phải luồn lách qua những tuyến đường thuộc tỉnh lộ (đường địa phương) để tránh bom rơi, đạn lạc. Ở những vùng mới giải phóng, dân sống thưa thớt và tiềm ẩn nguy hiểm bởi tàn quân địch vẫn âm mưu đánh chiếm lại nên quá trình hành quân của đoàn phóng viên Thông tấn càng gian lao.

Trong đoàn cán bộ tăng cường năm ấy, với anh em lái xe, không thể không nhắc đến một người dẫn đường tin cậy. Đó là đồng chí Nguyễn Hữu Chí, phóng viên Phân xã Quân đội. Khi đi cùng với đoàn, anh gần như một cán bộ tác chiến với đầy đủ súng ống, bản đồ… đi đến đâu giở bản đồ đến đó. Vì thế, công việc của những chiến sỹ lái xe cũng thuận lợi hơn.  

Video về ký ức của "những chiến sĩ lái xe" Thông tấn:

Mọi người trong đoàn năm ấy vẫn còn nhớ câu chuyện ghép thuyền thành phà cho xe qua sông theo sáng kiến của đồng chí Đào Tùng. Lái xe Phí Văn Sửu mỗi khi kể lại vẫn còn thấy tự hào khi đưa xe xuống “phà” một cách nhẹ nhàng, an toàn mà không phải lái xe nào cũng làm được.

Chiếc cầu bị địch đánh sập khi tháo chạy, đường giao thông bị chia cắt, tất cả các lái xe từ Bắc vào Nam buộc phải dừng lại chờ đợi trong khi tình hình chiến sự đang căng thẳng. Tổng biên tập Đào Tùng đã nghĩ ra cách mượn hai chiếc thuyền của dân ghép lại, sau đó dùng ván bắc ngang để làm “phà”cho xe qua sông.

Ván để ghép thuyền được lấy từ gỗ lát mặt cầu gần đấy bị địch đánh sập. Thời gian ghép phà để xe qua sông khoảng hơn hai tiếng, ngày ấy chỉ có xe tăng và xe lội nước của quân đội ta có thể vượt sông, còn các xe khác đi qua chỗ cầu bị sập đều phải dừng lại. Khó nhất là lái xe phải khéo léo, nhẹ nhàng đưa được xe xuống hai chiếc thuyền đang chòng chành, dập dềnh. Tất cả bắt tay vào việc, người ghép phà, người lái, người chỉnh hướng. Cuối cùng, hai chiếc xe cũng được đưa qua sông trước sự chứng kiến và nể phục của cánh lái xe trên bờ.

Ông Phí Văn Sửu kể rằng: “Để đảm bảo an toàn, chiếc xe gát 69 qua trước, 2 xe đoàn Thông tấn qua sau, có người làm chân xi nhan cho các xe lên xuống. Chỉ sợ chệch một chút xe rơi xuống sông, nhưng may tất cả đều qua sông an toàn”.

 

Ông Ngô Văn Bình ngày đó là người lái xe đưa tổ phóng viên mũi nhọn gồm  nhà báo Trần Mai Hưởng, Vũ Tạo, Hứa Kiểm… suốt từ Huế, Đà Nẵng rồi chạy dọc miền Trung trong chiến dịch Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.

Kể chuyện đi chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Ngô Văn Bình nhắc lại thời khắc lái xe vào Sài Gòn sáng 30/4/1975, khi ấy ông phải lái xe áp vào sườn xe tăng của Quân giải phóng để tránh đạn bắn từ hai bên xa lộ Biên Hoà. Ông cũng còn nhớ cả chuyện mình tặng lá cờ giải phóng cho người dẫn đường đưa đoàn phóng viên vào Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975. Tất cả sống động như vừa xảy ra.

 

Đặc biệt, trong chuyến công tác này, lái xe Ngô Văn Bình đã gặp cha mình (nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn pháo binh Biên Hòa) ngay trên Thành phố Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng.

Ông Bình kể lại: Ngày tôi đi vào Nam, có người nói là cha tôi đã hy sinh năm 1972, nhưng tôi không tin. Suốt 10 ngày sau khi đất nước được giải phóng, hàng ngày tôi lặn lội qua các con phố, lùng sục đi tìm đơn vị mang tên Trung đoàn pháo binh Biên Hòa để tìm cha.  Sau khi biết tin chú ruột của mình làm ở Ủy ban thống nhất, tôi đã gặp chú và nhờ ông đưa đi tìm đơn vị của cha mình. "Cảm động vô cùng khi cha con gặp lại trong niềm hạnh phúc dâng trào"- ông Bình rưng rưng kể lại.

“Hai cha con gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, lại đúng dịp đất nước hoàn toàn được giải phóng, tay bắt mặt mừng, ai cũng vui. Ngay đêm ấy, tôi ngủ lại cùng cha. Vài ngày sau thì tôi được lệnh lên đường đưa cả xe ô tô và cùng đoàn công tác xuống tàu vượt biển ra Bắc”, ông Bình kể lại.  

Ngày nay gặp lại, những người “cầm lái của một thời hoa lửa” đều có chung một cảm nhận hạnh phúc. Và, ẩn chứa trong mỗi người chiến sĩ lái xe năm xưa là biết bao câu chuyện cảm động của tình nghĩa đồng đội, những kỷ niệm tươi đẹp vẫn đi cùng năm tháng.  

 

Trong chặng đường hình thành và phát triển cùng TTXVN, các thế hệ cán bộ, nhân viên, lái xe thuộc Đội xe Thông tấn đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, phục vụ chu đáo công tác thông tin và các công tác khác, góp phần đáng kể vào thành tích chung của toàn ngành.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lái xe Thông tấn cùng các phóng viên, kỹ thuật viên TTXVN vượt mọi hiểm nguy, sát cánh cùng các chiến sỹ Quân giải phóng xông pha trên các chiến trường ác liệt. Sau năm 1975, Đội xe Thông tấn tiếp tục đưa hàng chục đoàn cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên sang giúp nước bạn Lào, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, phục vụ chiến trường biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc.  

Anh Phạm Duy Cương, Đội trưởng Đội xe TTXVN cho biết: Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, cán bộ, nhân viên, lái xe Đội xe Thông tấn luôn đồng hành cùng đội ngũ phóng viên TTXVN tác nghiệp trên mọi vùng miền của Tổ quốc. 5 năm trở lại đây, Đội xe đã phục vụ hàng trăm ngàn chuyến xe với hàng triệu km/năm tuyệt đối an toàn; trong đó có nhiều chuyến xe xuyên qua tâm bão, băng qua hiểm nguy, vượt qua lũ lụt đi tới vùng sâu, vùng xa, vùng rừng núi hiểm trở, lao vào tâm dịch COVID-19… để phục vụ công tác thông tin. 

Bên cạnh đó, Đội xe Thông tấn cũng là đơn vị thực hiện tốt công tác “giữ tốt, dùng bền”, chống lãng phí tài sản của đơn vị. Vận động 100% lái xe đăng ký giảm định mức tiêu thụ nhiên liệu, thực hiện nghiêm chế độ bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ các xe ô tô.

Việc lồng ghép các chuyến xe đi công tác hợp lý cũng giúp Đội xe mỗi năm tiết giảm được hàng ngàn lít xăng dầu. Cán bộ, lái xe và kỹ thuật của Đội xe đã tự bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ và rửa xe ngay tại xưởng của Đội, thực hành tiết kiệm trong mua sắm vật tư, phụ tùng, sửa chữa xe nên hàng năm đã tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho ngân sách nhà nước.

“Cán bộ, lái xe Đội xe Thông tấn luôn xác định công việc của mình “Quanh năm đột xuất, bốn mùa khẩn trương”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt theo phương châm “An toàn - Tiết kiệm - Trách nhiệm - Văn minh”, duy trì nề nếp và hiệu quả công việc. Hầu hết lái xe Thông tấn đều đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến, lái xe an toàn” do Tổng Giám đốc TTXVN trao tặng”, anh Phạm Duy Cương cho biết.

 

Ghi nhận những đóng góp không nhỏ của đơn vị, năm 1973 Tổ xe VNTTX đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, năm 2012 Đội xe Thông tấn được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều năm liền được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Tiếp nối truyền thống Anh hùng của TTXVN, 37 cán bộ, lái xe Đội xe Thông tấn đang nỗ lực cố gắng hơn nữa phục vụ tốt nhiệm vụ thông tin toàn ngành, đảm bảo những chuyến xe an toàn, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị của TTXVN.

Bài: Nguyễn Viết Tôn

Ảnh: Viết Tôn và TTXVN - Video: Thái Bình

Trình bày: Chí Bình

13/09/2020 12:01