Xu hướng chung của báo chí thế giới hiện nay là lấy công nghệ làm trụ cột để từ đó cho ra đời những tác phẩm báo chí đa dạng, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Theo đó, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain), vũ trụ ảo (Metaverse)… được coi là những công nghệ đã, đang và sẽ tác động mạnh tới báo chí, tạo môi trường để báo chí phát triển.
Báo chí đã trải qua một loạt thay đổi lớn, nhiều mặt và cùng với sự phát triển của công nghệ, toàn bộ hệ sinh thái thông tin cũng thay đổi. Điều này được thể hiện qua ba xu hướng đáng chú ý. Đầu tiên, đó là xu hướng chuyển sang trực tuyến cách đây hơn 20 năm khi hầu hết các tổ chức tin tức đều có trang web. Thứ hai là giai đoạn chuyển sang mạng xã hội, dẫn đến thay đổi về loại hình báo chí được sản xuất và tương tác với độc giả. Thứ ba là xu hướng phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông, dẫn đến thay đổi của các phương tiện truyền thông, thói quen tiêu dùng thông tin và các quy trình sản xuất, phân phối, tiếp cận thông tin.
Các cơ quan báo chí lớn trên thế giới luôn coi công nghệ là yếu tố không thể thiếu đối với sự phát triển của tòa soạn và luôn quan tâm tới công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới. Điều này cũng là hướng đi cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đọc và nhìn ngày càng cao, đa dạng của độc giả. Tiêu biểu trong các công nghệ mới là trí tuệ nhân tạo (AI). Đây được xem là một trong những bước tiến lớn, hứa hẹn sẽ đem lại thay đổi rõ rệt đối với các cơ quan báo chí.
AI là một công nghệ quan trọng và đang dần thay đổi cơ bản hoạt động của các cơ quan báo chí. Một trong sản phẩm tiêu biểu của AI là ChatGPT. Ứng dụng này là công cụ rất thích hợp để trở thành trợ lý cho biên tập viên trong mỗi tòa soạn. ChatGPT phát huy rất tốt tác dụng đối với những công việc như lên ý tưởng cho một chủ đề báo chí bất kỳ, tóm tắt cũng như tối ưu hóa bài viết... Với khoảng thời gian được tiết kiệm nhờ ChatGPT, phóng viên hay biên tập viên có thể sử dụng nhằm nghiên cứu các tin, bài có chất lượng hơn. AI cũng có thể giúp các tòa soạn kiểm duyệt nội dung bình luận của độc giả một cách dễ dàng hơn, bằng cách tự động duyệt những nội dung không vi phạm và đánh dấu các nội dung vi phạm nội quy của tòa soạn. Ở một mức cao hơn, AI giúp tạo ra những nhà báo robot, tự động viết báo trong một số mảng nội dung nhất định, như kinh tế, thể thao.
Bên cạnh AI, công nghệ Blockchain đang được một số hãng tin và tờ báo như New York Times, Forbes, AP thử nghiệm để xác thực nội dung. Công nghệ này giúp lưu trữ dữ liệu dạng Metadata bao gồm thời gian và địa điểm chụp ảnh, quay video, đăng bài, người thực hiện hành động, phương thức thực hiện cũng như thời điểm thông tin được chỉnh sửa và xuất bản..., qua đó minh bạch thông tin về quyền tác giả, từ đó tăng sự tin tưởng của độc giả và thúc đẩy năng lực của các nhà báo chân chính.
Một công nghệ mới được nhắc nhiều trong thời gian gần đây và được xác định là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, đó là Metaverse. Các sự kiện ảo, biểu diễn ảo, chương trình ảo trở nên phổ biến khi xã hội giãn cách vì đại dịch COVID-19. Trong báo cáo dự báo về xu hướng báo chí, truyền thông và công nghệ 2023 của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, có một số điểm nhấn quan trọng về chiến lược phát triển báo chí số của các tòa soạn báo hàng đầu trên thế giới. Theo đó, dự báo các công nghệ như Metaverse sẽ là xu hướng nổi bật trong thời gian tới đối với hoạt động số hóa báo chí.
Với việc hàng loạt các “ông lớn” công nghệ như Meta, Microsoft, Samsung... đầu tư hàng trăm tỷ USD vào Metaverse, thế giới ảo được dự đoán sẽ mở ra cơ hội cho rất nhiều ngành nghề và báo chí cũng nằm trong số đó. Từ môi trường ảo, các tòa soạn hoàn toàn có thể tìm kiếm thêm bạn đọc cũng như tạo ra nguồn thu mới thông qua hoạt động quảng cáo.
Trên thế giới, cũng đã có khá nhiều tờ báo bắt đầu có những bước đi đầu tiên nhằm tìm kiếm cơ hội trong Metaverse. Có thể kể đến như Financial Times đã tiến hành phỏng vấn CEO Nick Clegg của Meta trên Metaverse và đánh giá đây là “môi trường tuyệt vời” để thực hiện những nội dung tương tự. Hay tờ báo kinh tế hàng đầu Hàn Quốc là Maeil Business Newspaper cũng từng tổ chức một cuộc họp báo thông qua vũ trụ ảo và đạt được lượng người theo dõi rất khả quan. Hay tạp chí TIME cũng có bản tin hằng ngày phát riêng cho môi trường Metaverse...
Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ mới trong các toà soạn báo vẫn luôn vấp phải những quan điểm trái chiều. Ví dụ, trong khi một bên cho rằng AI có thể giúp nâng cao năng suất làm việc, mở rộng thêm kết nối với độc giả, thì một bên lại lo ngại về vấn đề thông tin sai lệch, vi phạm bản quyền và nỗi lo con người bị thay thế.
Theo một cuộc khảo sát trên 100 đơn vị tin tức năm 2023 của Sáng kiến toàn cầu JournalismAI thuộc viện nghiên cứu báo chí Polis tại Anh, ứng dụng tài nguyên AI của các toà soạn chủ yếu tập trung vào sản xuất nội dung (90%) và phân phối nội dung (80%). Ông Tshepo Tshabalala, Giám đốc dự án JournalismAI, chỉ ra rằng hơn 70% các toà soạn tham gia khảo sát thừa nhận AI mang lại những cơ hội mới chưa từng có trước năm 2022.
Bằng cách tự động hóa các nhiệm vụ thường ngày và nâng cao độ chính xác của dữ liệu, các công cụ hỗ trợ AI có thể giúp các phóng viên có thêm thời gian, cho phép họ tập trung vào việc đưa tin chuyên sâu và thỏa sức sáng tạo. Todo Jujury (một toà soạn báo nhỏ ở địa phương tại Argentina) đã ghi nhận được những thành tựu đầu tiên kể từ khi ứng dụng AI vào công việc toà soạn. Julieta Pose, biên tập nội dung tại Todo Jujuy cho biết: “Việc triển khai AI trong toà soạn cho phép chúng tôi phát triển cả về chất lượng và số lượng. Một mặt, nó cho phép chúng tôi tự động hóa các quy trình và các nhiệm vụ hàng ngày mang ít giá trị báo chí, đặc biệt là những nội dung như thời tiết, giao thông hoặc kết quả thể thao, để chúng tôi có thể tối ưu hóa việc sản xuất nội dung. Mặt khác, nó cho phép chúng tôi tập trung vào các nhiệm vụ hoàn toàn được độc giả quan tâm”.
Từ tháng 3/2023, khi quá trình tích hợp bắt đầu đến tháng 3/2024, Todo Jujuy đã đạt mức tăng trưởng gần 100% về lượng độc giả. Lượt xem trang tăng từ 1.297.967 lên 2.378.928, trong khi số lượng người theo dõi tăng gấp ba lần.
Ron Nixon, Phó ban biên tập, phụ trách mảng tin điều tra thời sự của hãng tin tức AP (Mỹ) chỉ ra rằng, AI có thể giúp các nhà báo tránh các công việc lặp đi lặp lại, như quét tài liệu, bóc băng và thu thập thông tin trên mạng xã hội…, từ đó có thêm thời gian cho công việc sản xuất nội dung báo chí cốt lõi. Cho đến nay, AP không cho phép các nhà báo sản xuất nội dung bằng AI, mà chỉ coi đó là một công cụ hỗ trợ.
Tương tự, Đài phát thanh Michigan cũng đã ứng dụng AI để tiết kiệm thời gian cho phóng viên. Phóng viên Dustin Dwyer chịu trách nhiệm theo dõi tin tức của 15 thành phố thuộc bang Michigan. Nhờ có công cụ thu thập tin tức miễn phí có tên là Minutes, Dustin dễ dàng tìm được các thông tin về hoạt động của chính quyền từng địa phương, các video cuộc họp của hội đồng thành phố được đăng tải trực tuyến và nhanh chóng có được bản ghi văn bản những nội dung trong cuộc họp. Minutes thu thập dữ liệu hoạt động của hơn 100 cộng đồng trên 7 tiểu bang ở Mỹ và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu trực tuyến. Công cụ này có thể gửi nội dung các bản ghi âm có sẵn qua email cho các nhà báo nếu được cung cấp từ khóa hoặc chủ đề quan tâm.
AI cũng có thể giúp các tòa soạn xác định cách làm cho nội dung của họ phù hợp hơn với độc giả và thu hút đối tượng độc giả trẻ. Bà Lena Beate Pedersen, Giám đốc sản phẩm cấp cao tại ấn phẩm Schibsted (Na Uy) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng AI để dịch bài viết sang nhiều ngôn ngữ, cho phép bài báo tiếp cận nhiều nhóm độc giả hơn. Không chỉ vậy, AI cũng rất hữu hiệu để âm thanh hóa hoặc trực quan hóa nội dung các bài viết nhằm tiếp cận nhiều đối tượng có những đặc điểm đặc biệt, bao gồm những người mắc chứng khó đọc, những người xem nhỏ tuổi chưa biết chữ.
Một ví dụ điển hình về việc giúp tòa soạn biết rõ hơn về “khẩu vị” độc giả là ứng dụng “trợ lý kỹ thuật số” JAMES của tạp chí The Times và The Sunday Times (Anh). JAMES có thể cá nhân hóa việc phân phối bản tin bằng cách học và phân tích hành vi và sở thích của người đọc. Với công nghệ này, The Times và The Sunday Times đã giảm được tỷ lệ hủy đăng ký nhận tin tức do người dùng cảm thấy bị quá tải tin tức gửi đến mỗi ngày.
Khi ngành báo chí tiếp tục chuyển hướng sang tích hợp với các công nghệ mới nổi, chìa khóa nằm ở việc cân bằng tiến bộ công nghệ với sự minh bạch của báo chí. AI, khi được sử dụng một cách có trách nhiệm, có thể nâng cao đáng kể chất lượng và phạm vi tiếp cận của tác phẩm báo chí, đảm bảo rằng các giá trị cốt lõi về độ chính xác và sự tin cậy vẫn được giữ nguyên. Điều mà các nhà lãnh đạo hàng đầu trong lĩnh vực báo chí trên thế giới không thể phủ nhận là các công nghệ như AI chỉ nên hỗ trợ, chứ không phải ra đời để thay thế các nhà báo. Theo ông Vincent Berthier tại Tổ chức Phóng viên không biên giới, điều quan trọng là khi các nhà báo đưa ra thông tin, bất kể họ sử dụng công cụ nào, họ phải đảm bảo thông tin đó đáng tin cậy và xác thực.
Báo chí Việt Nam cũng không đứng ngoài các xu hướng mang tính thời đại.
Một số cơ quan báo chí Việt Nam đang đi tiên phong với các công nghệ số tiêu biểu như AI, IoT, Cloud, Bigdata... Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã đầu tư rất sớm cho phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ báo chí. Hiện tại, toàn bộ các đơn vị sản xuất tin nguồn của TTXVN được trang bị hệ thống phần mềm tác nghiệp dùng chung do TTXVN đầu tư phát triển và giữ bản quyền. Các đơn vị tòa soạn của TTXVN cũng đã thực hiện tin học hóa toàn bộ quy trình sản xuất. Nhiều công nghệ về điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng tại TTXVN như Chatbot thông minh, nhận dạng tiếng nói, tổng hợp tiếng nói, nhận dạng hình ảnh.
Có thể thấy, thay vì cách trình bày đơn điệu trên khuôn khổ của một trang báo in hay dài dòng toàn “chữ với chữ” trên màn hình máy tính của báo điện tử như cách đây vài năm, thì ở thời điểm hiện tại, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Nhiều tòa soạn lớn như báo Tin tức thuộc TTXVN, VnExpress, Dân trí... đã liên tục áp dụng các công nghệ mới nhằm thay đổi cách thức thể hiện của một bài báo. Từ đó xuất hiện các dạng báo chí mới như bài viết đa phương tiện, tin tức theo dòng sự kiện có tính tương tác cao, Infographic, Longform, Mega Story, radio, Podcast... hay xu hướng báo chí dữ liệu đã lên ngôi một cách rõ rệt.
Như vậy, nhìn lại xu hướng phát triển chung của toàn thế giới, với sự trợ giúp của công nghệ, các hoạt động truyền thông cũng dần chuyển dịch và thích ứng. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang dẫn đến những thay đổi nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, thói quen tiêu dùng thông tin và các quy trình sản xuất, phân phối và tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi giúp cho ngành truyền thông phát triển trong xu thế phát triển công nghệ, thì vấn đề bảo đảm an ninh thông tin, hệ lụy đến từ hoạt động “thông tin sai lệch”… đang là thách thức đối với cơ quan quản lý, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, mà trực tiếp là hành vi, thói quen và ứng xử của công chúng.
Tác giả: Vũ Thanh - Bảo Hà
Trình bày: Bảo Hà
21/06/2024 06:45