Tối 15/8 (giờ Việt Nam), sau tiếng chuông ra mắt trên Nasdaq Global Select Market, VinFast chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu, là thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, với hơn 23 tỷ USD. Trước đó, ngày 28/7/2023, VinFast đã khởi công nhà máy sản xuất ô tô điện tại Mỹ. Điều này không những đưa thương hiệu của VinFast ra thế giới, mà nhìn rộng ra, còn đưa tên tuổi của doanh nghiệp Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Một dấu mốc khác, khi trong những ngày cuối năm 2023, Việt Nam chính thức khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ thông tin (CNTT) thế giới, có thêm 1 mặt hàng xuất khẩu doanh thu tỷ USD. FPT công bố cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài. Kết quả này đưa FPT trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm.
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ: “Hơn hai thập kỷ trước, FPT khát vọng đem trí tuệ và công nghệ Việt Nam ra toàn cầu và FPT Software được thành lập để hiện thực hóa tầm nhìn đó. Sau 2 thập kỷ, Việt Nam đã xếp thứ 2 trong danh sách các quốc gia, điểm đến của toàn cầu về dịch vụ CNTT, được thế giới biết tới như một trung tâm cho đầu tư kinh doanh và đổi mới số. Chúng tôi đã chứng minh được vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy cơn sóng này, đưa trí tuệ Việt tỏa sáng khắp năm châu”.
Không chỉ góp mặt trong lĩnh vực công nghiệp, CNTT, nhiều thương hiệu, hàng hoá của Việt Nam đã và đang vươn tầm, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Trong năm qua, Vinamilk thắng lớn với doanh thu xuất khẩu. Hiện hệ sinh thái sản phẩm của doanh nghiệp có mặt tại gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm những cường quốc có yêu cầu xuất khẩu cao như Singapore, Nhật Bản, New Zealand, Australia... Vừa qua, thương hiệu này vào “Top 5 thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu” và là “thương hiệu bền vững dẫn đầu tại Việt Nam (do Brand Finance - tổ chức định giá thương hiệu có trụ sở tại Anh xếp hạng). Đặc biệt, điểm nhận thức về tính bền vững của Vinamilk được đánh giá cao nhất trong ngành sữa thế giới, vượt qua nhiều tên tuổi lớn đến từ Trung Quốc, châu Âu...
Theo ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế Vinamilk, động lực cho sự tăng trưởng này đến từ các thị trường truyền thống và mảng gia công xuất khẩu ngành hàng sữa đặc. Cùng với phát triển sản phẩm, Vinamilk cũng liên tục tham gia các hoạt động nhằm hỗ trợ việc kinh doanh của các nhà phân phối hiện có cũng như tích cực tìm kiếm khách hàng mới. Trong 9 tháng năm 2023, Vinamilk ký kết và thực hiện thành công các hợp đồng với tổng giá trị đạt hơn 100 triệu đô la Mỹ.
Cùng với đó, thương hiệu cà phê Trung Nguyên đã liên tiếp mở văn phòng đại diện tại Hàn Quốc, Trung Quốc và mở quán Trung Nguyên Legend đầu tiên tại Mỹ, thu hút sự quan tâm của báo chí quốc tế về nỗ lực đưa cà phê Việt chinh phục toàn cầu của tập đoàn.
Ra thế giới bằng thương hiệu của chính mình, không thể không nhắc tới gạo ST25 giành giải nhất cuộc thi World’s Best Rice 2019 (Gạo ngon thế giới) và dần dần được người tiêu dùng ở nhiều nơi ưa chuộng. Tập đoàn Tân Long đưa sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An vào thị trường Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu gạo Việt xuất khẩu và phân phối thành công tại xứ sở mặt trời mọc, một trong những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao nhất thế giới.
Trong tháng 7/2023, Tập đoàn Lộc Trời công bố hoàn thành việc giao 500 tấn gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” đến các thị trường Đức, Hà Lan, Pháp cũng như thâm nhập thị trường EU khó tính.
Nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, Việt Nam đã góp mặt vào nhóm 20 quốc gia có thương mại hàng đầu thế giới. Việt Nam cũng được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020 - 2022. Trong bảng đánh giá Top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới của Brand Finand, Việt Nam xếp vị trí thứ 33/121, đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và có mức tăng đều qua các năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, lượng hàng hóa xuất khẩu bằng thương hiệu riêng của doanh nghiệp Việt vẫn còn khiêm tốn. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường thuộc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... phần lớn vẫn mang thương hiệu nước ngoài, giá trị gia tăng thu về chưa tương xứng.
Chẳng hạn, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng. Trong chuỗi giá trị của dệt may, da giày cũng chủ yếu theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít doanh nghiệp có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình. Nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhưng có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu. Như với mặt hàng gạo, Việt Nam giữ vị trí hàng đầu trên thế giới, song theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường, gạo Việt Nam được bán tại Anh dưới thương hiệu do nhà phân phối đặt như Longdan, Golden Lotus, Buffalo, Green Dragon, Red Ant...
Theo các chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cấp bách hơn bao giờ hết khi nhiều cánh cửa ra thị trường thế giới được mở qua các hiệp định thương mại tự do; xây dựng thương hiệu là giải pháp lâu dài để hàng hóa Việt Nam duy trì thị phần tại thị trường xuất khẩu. Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu (trường Đại học Thương mại), Chủ tịch Hội đồng cố vấn Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, để xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam phải có những bước đi bài bản, chiến lược khôn ngoan. Sản phẩm cần đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, phát triển bền vững, đồng thời phù hợp với văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường.
Bài viết: Thu Trang/Báo Tin tức
Ảnh: TTXVN
Trình bày: Tuệ Thy
12/02/2024 12:01