Từ một kỹ sư lập trình không tên tuổi ở Trung Quốc, Eric Yuan tới Mỹ, kiên trì đi con đường của mình dù phải cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ, để tạo lập nên Zoom, ứng dụng đình đám nhất trong năm đại dịch này. Yuan trở thành một trong 100 tỷ phú giàu nhất thế giới và được tạp chí Times bình chọn là Doanh nhân của năm 2020.
Ngay cả những người bạn thân nhất của Eric Yuan, người cố vấn cho ông lâu năm nhất và cả các nhà đầu tư ban đầu cũng không tin rằng khách hàng cần tới Zoom. Năm 2011, khi đó thị trường đã có quá nhiều các phần mềm họp trực tuyến, từ Google, Skype, GoToMeeting, hay chính Cisco – nơi Yuan đang làm quản lý của nhóm kỹ sư lập trình WebEx.
“Ông ấy đã gia nhập một thị trường mà người ta nói rằng mọi thứ đã đầy đủ”, Dan Scheiman, cựu giám đốc phát triển của Cisco, hiện là nhà đầu tư và thành viên hội đồng quản trị Zoom, cho biết. “Ông ấy đã cạnh tranh tự do với những đối thủ sừng sỏ”.
Là một kỹ sư không tên tuổi ở Trung Quốc, năm 1997, Eric Yuan tới thung lũng Silicon ở tuổi 27. Khi được đề nghị nhận xét về những sản phẩm họp trực tuyến đã có từ trước đó trên thị trường, ông nói rằng vấn đề với các sản phẩm này nằm ở chỗ chẳng ai còn thích dùng chúng, hệ thống code mà ông viết cho WebEx từ 2 thập kỷ trước hiện vẫn đang được sử dụng.
Trên cương vị một kỹ sư phần mềm với nhiều bằng sáng chế về tương tác trên thời gian thực, Yuan hiểu rằng điện thoại thông minh và máy tính bảng sẽ có thể có nhiều tác dụng hơn nữa với việc họp trực tuyến.
Vì thế, Yuan đã bỏ qua nhiều chỉ trích, lắng nghe người dùng và kiên trì với ý tưởng của mình. Sự kiên nhẫn của ông cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng.
Sau khi cổ phiếu của Zoom chào sàn Nasdaq (New York, Mỹ) hồi tháng 4/2020, công ty được định giá 15,9 tỉ USD. Cổ phiếu Zoom tăng vọt 72% ngay ngày giao dịch đầu tiên lên 62 USD/cổ phiếu. Công ty lập tức huy động được 356,8 triệu USD trong đợt IPO này.
Việc Zoom được định giá cao, gấp tới 48 lần doanh thu, là kết quả của tăng trưởng doanh thu đạt 118% trong năm 2018 cùng với chất lượng sản phẩm tuyệt vời của một công ty phần mềm đang phát triển.
Hàng nghìn doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm của Zoom, nhiều công ty tận dụng việc sản phẩm được cung cấp miễn phí, ngoài ra có 344 công ty chấp nhận trả phí 100 nghìn USD/năm. Yuan, lúc này sở hữu 20% cổ phần, đã trở thành tỷ phú mới nhất trong làng công nghệ với lượng cổ phiếu nắm giữ trị giá 2,9 tỷ USD.
Eric Yuan đã đi một con đường thật dài và khó khăn, từ thời điểm thành lập một công ty khởi nghiệp phần mềm nhỏ ở Bắc Kinh tới khi đặt chân lên sàn Nasdaq và trở thành CEO của một trong 10 công ty phần mềm đám mây được định giá cao nhất thế giới.
Có quá nhiều nhà phát triển phần mềm Trung Quốc đảm trách những vị trí cao, nhưng bạn sẽ không thấy họ khởi nghiệp và phát triển cho đến khi cổ phiếu công ty được IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng). Trên thực tế, không một công ty nào trong 50 doanh nghiệp của Chỉ số Bessemer Nasdaq Emerging Cloud có CEO người Trung Quốc.
Eric Yuan đã vượt qua tất cả để đến được Thung lũng Silicon. Hồ sơ xin visa của kỹ sư lập trình sinh năm 1970 bị từ chối đến 8 lần. Cuối cùng năm 1997, ông mới xin được thị thực Mỹ, đến làm việc trong bộ phận phát triển hệ thống họp trực tuyến WebEx. Khi đó ông gần như không nói được tiếng Anh.
“Vài năm đầu, tôi chỉ lập trình và cực kỳ bận”, Yuan kể lại trong một cuộc phỏng vấn, cho biết ông không có thời gian đến lớp học tiếng Anh và chỉ học qua các đồng nghiệp.
Nhưng Yuan đã thăng tiếng nhanh trở thành người đứng đầu nhóm kỹ sư và đảm nhiệm vị trí đó cho đến khi công ty được sáp nhập vào Cisco trong thương vụ trị giá 3,2 tỉ USD vào năm 2007. Bốn năm sau đó ông rời công ty.
Vào tháng 4/2011, Yuan gọi cho Dan Scheiman mời đồng nghiệp cũ đi uống trà và chia sẻ ý tưởng mới của mình. Scheinman cũng vừa rời Cisco trong tháng đó, biết rõ kinh nghiệm của Yuan và quyết định hợp tác.
Hai người đã có mối quan hệ bạn bè tốt đẹp khi cùng làm tại Cisco, nơi Yuan đã khẳng định uy tín bản thân là một người quản lý mạnh mẽ và đáng tin cậy.
Nhưng để biết chắc rằng mình không hợp tác với một kẻ điên rồ, Scheinman đã thực hiện hai cuộc gọi video thử với Yuan, trong đó một cuộc ngay trên đường tới cuộc gặp.
Khi đến quán cà phê Coupa ở Palo Alto (California), Scheinman cho biết ông vừa ký một chi phiếu 250.000 USD và chỉ đợi Yuan cho biết sẽ viết tên ai lên đó do họ còn chưa đặt tên công ty. Đến tháng 4/2020, khoản đầu tư của Scheinman đã tăng gấp hơn 700 lần, lên 176,5 triệu USD.
Eric Yuan cho biết các nhà đầu tư khác cũng cam kết vốn nhưng Scheinman là người đầu tiên chuyển tiền tới ngân hàng. Scheinman cũng giới thiệu Yuan với em họ là Jim Scheinman - người đã cố vấn cho Yuan bốn cái tên công ty: gồm Zippo, Hangtime, Poppy và Zoom. Cuối cùng họ chọn cái tên cuối cùng.
Trong 2 năm đầu tiên, công ty chỉ có một nhóm nhỏ thành viên, chủ yếu là kỹ sư nghỉ việc từ WebEx. Phiên bản đầu tiên của Zoom ra mắt năm 2014, và do nhân sự quá ít, chính Yuan phải tự gửi email cho từng khách hàng mỗi khi có người nào đó hủy đăng ký dịch vụ của Zoom.
Ông cố gắng nói chuyện trực tiếp với khách hàng qua Zoom để hiểu họ đang gặp vấn đề gì và làm thế nào giải quyết vấn đề đó. Nhiều khách hàng đã tin tưởng và quay trở lại với Zoom.
Các công ty công nghệ ở vùng Vịnh Area (San Francisco, California) có đầy những khẩu hiệu “bắt tai” xác định sứ mệnh của họ và tập hợp nhân viên. Zoom dường như phù hợp với phương châm “Mang đến hạnh phúc” (Delivering Happiness).
Yuan đã thuyết phục những người thân nhất của mình rằng ông thực sự muốn “mang lại hạnh phúc” cho mọi người. Năm 2019, ông được trang web việc làm Glassdoor bình chọn vào Top CEO công ty lớn, với tỉ lệ ủng hộ lên tới 99% của nhân viên.
Công ty của Yuan cho phép nhân viên được hoàn tiền bất cứ cuốn sách nào họ mua cho bản thân hoặc thành viên gia đình, bao gồm cả sách thiếu nhi.
“Chúng tôi muốn thuê những người biết tự học”, nhà sáng lập Zoom cho biết.
Cam kết hướng về con người của ông còn thể hiện trong nhiều cách khác. Khi đại dịch mới bùng phát ở Mỹ, con trai lớn của Yuan vừa kết thúc mùa giải bóng rổ ở trường trung học và con nhỏ thì lập kỷ lục duy nhất của giải, dù tới lớp 5 mới tập chơi. Yuan đã chứng kiến mọi trận đấu của các con, thậm chí còn tham gia các buổi tập.
“Đội bóng có 15 cậu bé thì Eric là vị phụ huynh tới dự nhiều nhất” - huấn luyện viên Gabe Fodor tại câu lạc bộ bóng rổ Silicon Valley cho biết - “Nhiều vị CEO hiếm khi có thời gian chơi cùng con họ. Còn ông ấy thì không chỉ tới xem, mà còn tập cùng”.
“Dù bận rộn đến đâu, bạn cũng phải dành thời gian cho gia đình. Tôi không muốn bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc quan trọng nào”, vị CEO 50 tuổi nói.
Yuan cũng ít đi du lịch hơn nhiều so với các CEO khác. Ông thích tổ chức các cuộc gặp khách hàng qua Zoom, để giới thiệu sản phẩm và nhận phản hồi trực tiếp về những khó khăn của người dùng.
Tới thời điểm này, hơn một năm kể từ khi virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc), hàng triệu người dân trên khắp thế giới vẫn đang phải học, làm việc từ xa, thực hiện nhiều hoạt động trực tuyến. Và tất nhiên bạn không thể nói đến cuộc sống “từ xa” thời đại dịch nếu không nhắc đến Zoom.
Đó không phải là một ứng dụng được hậu thuẫn bởi Cisco, Facebook, Google hay Microsoft, mặc dù tất cả các công ty này đều tìm cách cạnh tranh với Zoom. Từ một công ty nhỏ có nguy cơ bị sáp nhập vào những công ty lớn, Zoom bất ngờ chứng kiến doanh thu tăng gấp bốn lần và lợi nhuận tăng tới 90 lần trong đại dịch đang khiến cả nhân loại quay cuồng.
Giá chứng khoán của Zoom mỗi ngày một tăng cao hơn, dễ dàng trở thành một trong những cổ phiếu hàng đầu của năm với tốc độ tăng trên 450% – sánh ngang nhà sản xuất vaccine Moderna hay công ty sản xuất ô tô Nio của Trung Quốc, đối thủ đang thách thức Tesla.
Đó là những thông tin thực sự làm ấm lòng nhà sáng lập kiêm CEO của Zoom, Eric Yuan. Trên thực tế, Yuan đã trở thành tỷ phú từ trước dịch COVID-19 khi Zoom bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào tháng 4/2019 và gây ấn tượng với các nhà đầu tư bằng sự kết hợp giữa tăng trưởng nhanh và lợi nhuận. Giờ đây, ông là một trong 100 người giàu nhất thế giới. Theo FactSet, công ty Zoom của Yuan hiện có giá trị vốn hóa gần 17 tỷ USD.
“Tôi dùng từ hạnh phúc. Đó là một trong những điều ông ấy đã nói từ ngày đầu tiên, muốn đảm bảo rằng nền tảng này tạo ra hạnh phúc”, Rob Bernshteyn, Giám đốc điều hành của Coupa, đối tác có phần mềm đám mây giúp các công ty theo dõi mua hàng, nhận xét về Eric Yuan.
Nhưng con đường mở rộng của Zoom không phải lúc nào cũng dễ dàng sau khi công ty nhận thấy mình đứng trước nhu cầu lớn chưa từng có giữa đại dịch COVID. Công ty cũng đang bị công kích bởi những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật của phần mềm.
Tiếp đó là những câu hỏi về mối liên hệ của Yuan và Zoom với Trung Quốc. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thậm chí còn chỉ trích “Zoom là một thực thể Trung Quốc trên truyền hình trực tiếp”.
Yuan đã đáp trả vấn đề này bằng một bài đăng trên blog của công ty. Ông viết: “Tôi đã trở thành công dân Mỹ vào tháng 7/2007. Tôi sống hạnh phúc tại nước Mỹ kể từ năm 1997. Zoom là một công ty Mỹ, được sáng lập và có trụ sở tại California, được thành lập ở Delaware và hoạt động giao dịch công khai trên sàn Nasdaq”.
Tất cả các áp lực đổ lên Zoom hoá ra đều đáng giá. Ngày 1/9/2020, tài sản của Yuan đã “nở” thêm 6,6 tỷ USD chỉ trong một ngày nhờ giá cổ phiếu Zoom tăng vọt 41% khi công ty công bố doanh thu kỷ lục trong quý II của năm.
Tới tháng 11 vừa qua, khi Pfizer thông báo hiệu quả thử nghiệm vaccine phòng COVID, tài sản ròng của Yuan lại bốc hơi 5 tỉ USD do giới đầu tư lo ngại vai trò của Zoom sẽ mờ nhạt thời hậu đại dịch.
Tuy nhiên thông tin này lại khiến Yuan thở phào. Ông không quan tâm nhiều đến sự nổi tiếng hay những bất ổn khó lường mà năm 2020 này mang lại cho mình. “Tôi vẫn muốn quay trở lại sản phẩm – đó là sức mạnh của tôi, chứ không phải một nhân vật công chúng. Tôi không thích thú với điều đó”.
Nhưng như vậy không có nghĩa là vai trò của Zoom sẽ sớm đi xuống. Tới cuối tháng 11, lợi nhuận của công ty đạt 777 triệu USD, tăng 367% so với năm ngoái. Công ty hiện có 433.700 khách hàng đăng ký, tăng 63% so với 6 tháng trước, khi đang ở thời điểm đỉnh cao của làn sóng dịch đầu tiên.
Các công ty trên thế giới ngày càng sẵn sàng từ bỏ không gian văn phòng tốn kém và thuê nhân viên bất kể họ ngồi ở đâu. Theo công ty nghiên cứu Gartner của Mỹ, vào năm 2024, sẽ chỉ có 1/4 các cuộc họp công việc diễn ra trực tiếp, báo hiệu một tương lai đầy hứa hẹn cho Zoom.
Bài: Thu Hằng
Trình bày: Nguyễn Hà
02/01/2021 06:12