Ba lần đưa gạo Việt đi thi thế giới, kỹ sư Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của giống lúa ST25 vẫn thấy chạnh lòng khi nghe các nhà khoa học quốc tế nhận xét Việt Nam là một nước “xuất khẩu gạo thơm giá rẻ giỏi nhất thế giới”. “Gạo thơm giá rẻ!” với một nhà khoa học 20 năm tìm cách nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt, thì lời nhận xét này rất nặng nề, khi đề cập tới những loại gạo thơm thường thường, ít danh tiếng và không thể bán được giá cao.
Là người nghiên cứu, ông Cua hiểu gạo Việt Nam chưa từng đứng ở vị trí thấp trên thị trường xuất khẩu. Hồi đầu thế kỷ 20, hạt gạo Gò Công và gạo Bãi Xào đã nổi tiếng ở thị trường Hương Cảng (Hong Kong) và châu Âu. Còn tại Sóc Trăng, 3 năm sau khi nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo, giống lúa KDM trồng ở vùng nước lợ ven biển đã thu hút ghe tàu nườm nượp đến thu mua vào mỗi mùa lúa chín.
Mặc dù là giống lúa thơm mới du nhập nhưng năng suất giống này còn cao hơn cả giống lúa chịu mặn bản địa được tuyển chọn từ thời Nam Kỳ còn là thuộc địa của Pháp. Hai sự kiện cách nhau gần 80 năm minh chứng cho điều kiện thổ nhưỡng đất Sóc Trăng phù hợp cho cây lúa thơm.
“Vậy tại sao gạo Việt Nam thường chịu xuất khẩu với giá thấp trong khi giá gạo Thái Lan khi xuất khẩu thường cao hơn gạo Việt Nam từ 30-50 USD/tấn gạo trắng và xấp xỉ 100 USD/tấn gạo thơm?”- Đó là trăn trở và cũng là “tự ái nghề nghiệp” của một tập thể những “nhà khoa học chân đất” - những người ngày đêm lăn lộn trên đồng ruộng, dành cả sự nghiệp để lai tạo, trồng cấy hàng trăm dòng lúa giống.
Trở lại điểm khởi đầu, Hồ Quang Cua còn là chàng kỹ sư nghiên cứu về lúa gạo của ngành nông nghiệp Sóc Trăng. Khi đó, Thái Lan đã và vẫn là cường quốc xuất khẩu gạo thơm, gạo hạt dài đặc biệt và gạo dính. Cùng các cộng sự, kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương, TS. Trần Tấn Phương, ông đau đáu khát khao lấy lại vị thế cho hạt gạo Việt trước thực tế gạo thơm Thái Lan khi đó công bố đã lai tạo được hai giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là “hạt vàng”. Các nhà khoa học Việt tập hợp lại để tạo thành nhóm nghiên cứu lúa Sóc Trăng từ năm 2002 sau khi đã thu thập được tương đối đủ giống bố mẹ.
Ông Hồ Quang Cua chia sẻ: “Công việc chúng tôi là vừa làm vừa học, năm 2003 trong nhóm đã có 3 Thạc sĩ và đến nay đã có một kỹ sư hoàn tất học vị Tiến sĩ.”
Đặt mục tiêu phải nghiên cứu ra giống lúa thơm Việt Nam sánh vai với thị trường thế giới ngay từ ban đầu, hành trình tự học diễn ra ngay trên những cánh đồng. Các kỹ sư vừa lai, chọn vừa rút kinh nghiệm để xây dựng các tổ hợp lai mới. Vật liệu lai tạo được sưu tầm từ nhiều nguồn, trong nước lẫn nước ngoài. Giống bố mẹ thu thập từ Đài Loan, Bangladesh, IRRI (Viện Nghiên cứu lúa quốc tế), Thái Lan, Bắc Bộ, Nam Bộ... Các tổ hợp được lai phức hợp gồm nhiều giống bố mẹ (ST20 có 7 bố mẹ) và đến ST24, ST25 thì còn nhiều hơn nữa. Như vậy, để cho ra được một sản phẩm lai phức hợp có thể kéo dài từ 11-12 vụ mới đạt được sản phẩm đúng mục tiêu đề ra.
Quá trình thực hiện kéo dài đến năm 2008, hai tổ hợp lai mới được thực hiện chọn để trồng ổn định và đưa vào khảo nghiệm. Thêm gần 10 năm nữa, năm 2017, ST24 bắt đầu chuỗi ngày “ẵm giải”. Lứa “gạo vàng” mang về cho những người “dành cả thanh xuân để nghiên cứu” giải nhất trong cuộc thi Festival lúa gạo tổ chức ở Sóc Trăng. Cuối năm 2017, lúa ST24 lọt vào Top 3 Gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo do Tổ chức thương mại gạo The Rice Trader vinh danh tại Macau (Trung Quốc). Năm 2018, giống ST24 tiếp tục đoạt giải trong Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 3.
Trong lần “đem chuông đi đánh xứ người” tiếp theo năm 2019, lần đầu tiên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức cuộc thi trong nước để tuyển chọn giống gửi đi thi trên danh nghĩa của hiệp hội này. Niềm tự hào cho lúa gạo Việt khi ST24 và ST25 cùng lọt vào tốp đầu thế giới và cuối cùng, “người em” ST25 - được tổng hợp và nâng cấp hơn nữa từ những ưu điểm của “người anh” ST24 - đã được ban giám khảo chọn để trao giải nhất tại Hội nghị lúa gạo quốc tế diễn ra tại Manila (Philippines). ST24 cũng lọt vào Top 3 những hạt gạo ngon nhất.
Xem clip Nghiên cứu về gạo ST25 của Kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự được vinh danh vào Top 10 sự kiện tiêu biểu ngành Khoa học và Công nghệ năm 2019:
Nguồn: CLB Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam cung cấp
Nhìn lại hành trình gần 20 năm ấy, “cha đẻ” của giống lúa ST, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua trầm ngâm: “Vẫn biết hành trình tạo ra giống lúa tốt là một hành trình dài, nhưng phải có người mở lối, lâu dần mới thành đường.”
Chất lượng của các “anh, chị” của ST25 đã được khẳng định nhưng phải đến chính ST25, hạt “ngọc thực” của Việt Nam mới được cả thế giới trân trọng gọi tên là “Gạo ngon nhất thế giới”.
Theo chính cha đẻ của giống gạo ngon, kỹ sư Hồ Quang Cua, so với các đàn anh, đàn chị dòng gạo ST trước đó - dòng gạo lấy tên Sóc Trăng, thủ phủ của cây lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ST25 đã đạt đến độ dẻo, ngon đặc biệt. Chính ST24, ST25 đã khiến ông tự tin khẳng định, hạt gạo Việt đã vượt trên gạo Thái về chất lượng. Hạt gạo Việt không chỉ thơm, thon dài đều đặn, để lâu không bị khô như gạo Thái hay gạo Campuchia, mà còn có khả năng kháng sâu bệnh tốt và cho năng suất cao.
Bởi thế, ở vào ngày “đứa con tinh thần” của mình được vinh danh, người “cha đẻ” lặng lẽ tắt điện thoại trước những cơn mưa lời chúc mừng, dành phút tĩnh tâm với tâm niệm “khi vui cũng đừng vui quá” đầy lý trí của một nhà khoa học nghiêm túc không ngại khó để vươn lên chinh phục những thử thách mới nhưng cũng không để những khen chê thường nhật làm mình nhụt chí.
Infographic: Vinh danh tác giả của gạo ST25 ngon nhất thế giới
Hai mươi năm nghiên cứu, ông Cua cũng tự nhận mình là “người duy nhất ở Việt Nam toàn đi… thi nấu cơm”. Vui chuyện, ông khoe: Nấu cơm cũng phải có nghề. Nồi điện tử không điều chỉnh được, nên nấu cơm không ngon, tôi chỉ thích sử dụng nồi cơ.
Từ những cuộc thi cấp khu vực, thi Festival quốc gia, thi lễ hội…, đi thi cũng là cách ông Cua học và thực hành cách làm thương hiệu của các nhà nông Thái Lan, Campuchia.
Ông chia sẻ, những cuộc thi gạo là rất quan trọng. Với cây ăn trái thì đã có các cuộc thi trong nước từ rất lâu, từ đó phát triển được các giống trái cây đặc sản. Tuy nhiên, với hạt gạo thì chưa có nhiều cuộc thi như thế ở trong nước làm tiền đề đưa gạo Việt Nam đi thi quốc tế.
"Ta có thể thấy, Thái Lan nhờ thi gạo ngon mà khẳng định được vị thế của Thái Hom Mali; Campuchia nhờ đoạt giải nhất liên tiếp ba năm mà xuất khẩu tăng đột biến, giá cao...", ông Cua cho biết.
Khi kết quả cuộc thi được công bố, ST25 được xướng tên là “Gạo ngon nhất thế giới”, khách hàng quốc tế xin hết 150 mẫu gạo của nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua mang theo.
Với tầm nhìn xa của nhóm nghiên cứu, các dòng ST24, ST25 đã được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA và châu Âu một năm sau đó, và trở thành điển hình sản xuất và xuất khẩu coi trọng sức khỏe người tiêu dùng và “sức khỏe” môi trường.
“Thông qua kết quả các kỳ thử cơm tại chỗ cũng như đối chiếu các chỉ tiêu hóa sinh giữa nhóm giống lúa, chúng tôi không mặc cảm thua kém gạo Thái Lan. Cho đến nay, với sự chứng thực của các trọng tài quốc tế, hạt gạo Việt Nam đã vượt họ. Kể từ nay về sau người sành ăn gạo thơm ngon trên thế giới có thể tìm gặp gạo thơm ngon quanh năm "made in Vietnam", chứ không chỉ ngon nửa năm đầu, nửa năm sau mất mùi, ráo cơm như trước.” - “người duy nhất ở Việt Nam toàn đi thi nấu cơm” tự hào chia sẻ.
Hạt “ngọc thực” ST25 ẩn chứa hàng trăm gene gạo quý trong đó có gene gạo tám thơm từ những làng quê Bắc Bộ.
Trở lại thời điểm hơn 20 năm trước đã có dự án quốc tế giúp Việt Nam lai giống bằng cách chiếu xạ. Có nhiều viện nghiên cứu phía Bắc nhận được dự án, nhưng ở phía Nam cơ bản chỉ có một vài nhóm nghiên cứu. Các giống lúa được đưa vào nghiên cứu là nếp cẩm Hà Giang, tám thơm và một số giống lúa ST3, cùng một số giống lúa mùa miền Nam.
Khi đó kỹ sư Hồ Quang Cua đã nhận nghiên cứu này với danh nghĩa cá nhân. Về chuyên môn, ông Cua khẳng định mình phải mò mẫm từng bước một, nhưng vì mong muốn nhất quán là tìm cho được hạt gạo ngon nhất Việt Nam nên vẫn quyết tâm vừa làm vừa học hỏi.
Sau khi chiếu xạ, nhóm ông Cua mang giống nào còn thơm về trồng. Từ nếp cẩm Hà Giang, ông lai tạo dần ra gạo tím Sóc Trăng. Nguồn gene của gạo tám được đưa vào lai tạo ra tất cả gạo ST, đơn cử như ở ST20 của có tới gene 3 dòng lúa của gạo tám. Đó là đặc tính có thể giúp gạo Việt thoát khỏi “cái ách” của “đàn chị” Khao Dawk Mali.
“Nếu không có gene lạ làm sao gạo Việt có được tính khác biệt để cạnh tranh với gạo Thái Lan?” - cha đẻ hạt gạo vàng của Việt Nam chia sẻ.
Điều đáng tự hào nhất với ông Hồ Quang Cua là những sản phẩm gạo sau khi lai tạo không chỉ ngon mà còn có tính kháng bệnh, tính thích nghi ngoại cảnh cao. Ông nói vui cùng các cộng sự rằng gạo ST giống như một cô gái đẹp người, đẹp cả nết.
Việc gạo ST cho sản lượng cao, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu bệnh sẽ tạo điều kiện để cho người nông dân ra những loại gạo mà mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm cao hơn trước đây, không có tồn dư hóa chất.
Từ con mắt của một nhà khoa học am hiểu thị trường xuất khẩu gạo với kinh nghiệm nhiều năm làm nhà quản lý ngành nông nghiệp, ông cho yếu tố gạo an toàn là rất quan trọng. Nếu cứ theo cách gieo trồng thâm canh, quản lý lượng phân bón, hóa chất không chặt chẽ, gạo không sạch thì không thể gia nhập thị trường gạo chất lượng cao chứ đừng nói có thể so sánh với các giống gạo chất lượng cao đã nhiều năm định hình tên tuổi trên thị trường quốc tế.
“Còn thời gian dài, còn rất nhiều công việc mới có thể chia sẻ được thị phần gạo chất lượng cao trên thế giới.” - kỹ sư Hồ Quang Cua khẳng định.
Chia sẻ về hướng phát triển, nhân rộng giống lúa ngon ST25 trên toàn quốc, ông Hồ Quang Cua cho biết, gạo ST24 sau khi đạt giải ở Macau đã được trồng ở Nam Định cho kết quả rất tốt. Tới vụ xuân năm nay đã là vụ thứ ba của ST24 trên đất Bắc, diện tích trồng cấy đã trên 100 ha.
Đáng chú ý, các vùng ven cửa sông ở Hải Phòng cũng đã đưa ST24 vào trồng sau vụ rươi. Như vậy, việc trồng cấy lúa ST đang có xu hướng mở rộng. Thậm chí nhiều nông dân còn khẳng định gạo ST24 tại Nam Định ngon hơn loại được trồng cấy trong Nam.
Như vậy, người tiêu dùng sẽ là sử dụng thành tựu cao nhất. Cùng với nhu cầu thị trường, sự tham gia của các doanh nghiệp, chiến lược phát triển của các nhà quản lý sẽ quyết định cho việc phát triển rộng rãi của việc nuôi trồng sản phẩm.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, cũng là người thầy của kỹ sư Hồ Quang Cua, gạo Việt Nam chất lượng tốt nhưng giá xuất khẩu vẫn rất thấp so với các quốc gia là do nhiều nguyên nhân trong đó có việc con đường một giống lúa được công nhận và được xuất ra thế giới rất phức tạp do chính sách chưa thông thoáng.
Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, rải rác trong gần chục năm qua, vẫn có doanh nghiệp xuất khẩu gạo với giá lên tới 800 - 900 USD/tấn nhưng chưa nhiều. Dù vậy, những tấn gạo chất lượng cao được xuất đi với giá cao cũng khiến đội ngũ các doanh nhân, nhà khoa học Việt hãnh diện nói với các đối tác nước ngoài, khi có những gạo giá trị không thua kém bất kỳ nước nào.
“Đáng chú ý, gạo ST25 được quảng cáo là có hàng bán tại Mỹ ngay sau khi đạt giải, điều này đặt ra vấn đề chống hàng giả để gạo Việt Nam thực sự giữ vững chất lượng và uy tín.” - Kỹ sư Hồ Quang Cua tâm sự.
Từ phía nhà quản lý, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết: Trong những năm gần đây Bộ đã thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam với mục đích là nâng tầm ngành sản xuất lúa gạo.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cũng cho biết hạn chế lớn nhất của ngành nông nghiệp nước ta là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, giá trị thấp dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng đang dần được khắc phục. Tính đến hết tháng 9/2019, cả nước có 1.478 mô hình chuỗi liên kết. Doanh nghiệp nông nghiệp tăng thành 9.235, trong đó có nhiều tập đoàn lớn đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp.
Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, xây dựng thương hiệu cho gạo Việt là cả một quá trình dài, chúng ta cần làm thương hiệu cho gạo, bao gồm cả thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, thương hiệu doanh nghiệp. Khi đã xây dựng được thương hiệu thì phải làm sao giữ gìn và bảo vệ được thương hiệu đó. Gạo ngon của Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị trường thế giới, có khách hàng lâu dài thì bên cạnh thương hiệu phải chiếm được sự tin cậy của khách hàng.
Góp "kế sách" giúp gạo Việt đứng vững và phát triển hơn trong tương lai, GS Võ Tòng Xuân chia sẻ: Khi chúng ta đã có giống lúa ngon, bước kế tiếp là Nhà nước phải có kế hoạch phát triển giống lúa đó một cách tích cực, dẹp bỏ lợi ích nhóm; cần có nhà doanh nghiệp dùng gạo này đi xúc tiến thương mại, tìm khách hàng, thuyết phục khách hàng hợp đồng đặt hàng nhập khẩu; trở về hợp đồng với nông dân/hợp tác xã sản xuất đúng quy trình kỹ thuật tạo nguồn nguyên liệu cho mình chế biến theo tiêu chuẩn cao nhất. Ở đây, vai trò chỉ đạo và hỗ trợ không vụ lợi cá nhân của ban ngành nhà nước sẽ quyết định sự thành bại của công cuộc này.
Tin vui đến với các nhà nghiên cứu của ST25, nhân chuyến công tác tại Sóc Trăng ngày 4/12, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã tặng bằng khen cho nhóm tác giả giống lúa thơm ST25. Trong cuộc gặp, Bộ trưởng đề nghị Sóc Trăng hoàn thiện lại đề án lúa đặc sản, trong đó xác định vùng chuyên sản xuất hai giống lúa ST24 và ST25. Với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, sự vào cuộc của các nhà khoa học, chính quyền địa phương và cả doanh nghiệp vào quá trình cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng chất lượng, “hạt vàng” Việt Nam đang biến cơ hội trở thành động lực cất cánh thực sự.
Bài: Lê Sơn
Ảnh: Lê Sơn, Nguyễn Bình, TTXVN
Clip: CLB Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trình bày: Đăng Tuệ Thy
11/01/2020 06:06