Đã có hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc gần hai năm qua trên cả nước. Vậy ngành Giáo dục đã và đang làm gì để giáo viên có thể trụ vững với nghề, yên tâm cống hiến?
Một ngày của cô Nguyễn Hồng Chuyên (giáo viên một trường mầm non tư thục tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) thường bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 12 giờ đêm. Cô Chuyên chia sẻ, hai năm đại dịch, cô còn trụ vững với nghề là một kỳ tích, bởi cô đã trải qua nhiều công việc khác nhau để duy trì cuộc sống. “Lúc đại dịch, được nhà trường đóng bảo hiểm cho là quá tốt, nên tôi cũng như đồng nghiệp phải chủ động kiếm công việc làm thêm. Tôi cung cấp thực phẩm sạch từ quê lên thành phố, đến khi dịch tạm lắng, trường học chưa mở cửa, tôi nhận trông trẻ theo nhu cầu của phụ huynh...”.
Trở lại nghề giáo viên mầm non, với mức lương 5 triệu đồng/tháng, nhưng sống ở thành phố nhiều khoản chi phí, cô Chuyên vẫn phải làm thêm, như bán hàng online, đan móc đồ chơi... để có tiền trang trải cuộc sống.
Bên cạnh áp lực từ tiền lương, những áp lực từ môi trường dạy học cũng khiến không ít giáo viên căng thẳng. Cô Lương Mai Trang, giáo viên dạy tiểu học ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Gánh nặng của giáo viên hiện nay còn là gánh nặng thành tích của nhà trường. Soạn giáo án theo chuẩn, tập huấn, thi bài giảng... Có những công việc không mang lại hiệu quả giáo dục, chỉ khiến chúng tôi không có thời gian cho chính bản thân và gia đình”.
Thêm vào đó, nhiều nhiệm vụ ngoài chuyên môn khác cũng đang khiến không ít nhà giáo bị quá tải. Vụ việc gần đây tại Hà Tĩnh, khi nhà trường phải nhận thêm nhiệm vụ thu phí bảo hiểm y tế của học sinh là một ví dụ.
Là một giáo viên trẻ và là đại biểu Quốc hội, cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ cho rằng: “Số lượng giáo viên, nhiều nhất là giáo viên mầm non nghỉ việc là vấn đề đáng báo động. Nếu với mức lương không đáp ứng được cuộc sống, các cô giáo mầm non khó có thể chuyên tâm công tác, sau giờ học, các cô còn phải tiếp tục làm thêm các công việc khác để mưu sinh... Như vậy, sẽ không đảm bảo sức khỏe và thời gian để tự học và phát triển chuyên môn, trong khi việc tự học và phát triển chuyên môn là hoạt động quan trọng tại các nhà trường, nhất là trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới đang diễn ra ở các cấp”.
Bên cạnh đó, cô giáo Hà Ánh Phượng cũng nêu thực trạng: “Có những giáo viên nghỉ việc không phải chỉ vì lương thấp. Có thể còn do nhiều áp lực khác hoặc có nhiều điều hấp dẫn ngoài kia hơn là công việc họ đang làm. Điều đó đang xảy ra với nhiều thầy cô giáo giỏi muốn thay đổi định hướng của bản thân và những áp lực vô hình gần đây”.
Để cải thiện tình hình này, ngành Giáo dục cần tham mưu, đề xuất chính sách tiền lương và môi trường làm việc, khối lượng công việc được giao đúng trọng trách, nhiệm vụ của giáo viên. Tạo những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, cơ hội để giáo viên có thể phát huy năng lực sáng tạo. Đại biểu Hà Ánh Phượng khẳng định: “Môi trường làm việc trong đó có phát huy sự sáng tạo, chính sách tiền lương và phụ cấp, các chính sách khuyến khích giáo viên gắn bó lâu năm với nghề”.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng giáo viên nghỉ việc nhiều trong hai năm qua. Trong số các nguyên nhân, có vấn đề về lương, có vấn đề về áp lực công việc, môi trường làm việc, có cả vấn đề liên quan tới một bộ phận giáo viên không đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Một số giáo viên phản ánh họ được đào tạo đơn môn, nhưng phải dạy tích hợp, nên không đủ tự tin để đứng lớp. Ngành giáo dục chắc chắn sẽ phải đối mặt với chuyện này, cần phải phân tích thật kỹ những vấn đề về lương, điều kiện, môi trường làm việc để đưa ra các giải pháp cụ thể. Ngành giáo dục phải tham mưu cho Chính phủ có ngay biện pháp để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ sẽ rà soát các văn bản, thể chế, chính sách, trong đó vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi đặc biệt cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách để giải quyết được đời sống cho giáo viên, theo tinh thần “có thực mới vực được đạo”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng quan tâm đến giải pháp cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên. Đặc biệt, về phía nhà giáo, xã hội, phụ huynh... mong có được sự chia sẻ, đồng hành cả hai phía và sự chia sẻ này sẽ tốt cho thế hệ tương lai.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ với phóng viên báo Tin tức về thực trạng, giải pháp của ngành trong thời gian tới, nhằm giúp giáo viên yên tâm công tác.
Thưa Bộ trưởng, tính đến thời điểm này, đã có hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc. Bộ trưởng có thể chia sẻ gì về thực trạng này?
Theo thống kê từ các địa phương, trong 10 tháng năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, nghỉ việc, chuyển việc. Bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Con số này chiếm khoảng 1% lực lượng nhà giáo nói chung (gồm cả công và tư).
Con số này phát sinh phần lớn là bậc mầm non và tiểu học, xảy ra chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19. Một phần trong số đó bị buộc chuyển việc bất đắc dĩ vì gần 1.000 cơ sở mầm non (cả quy mô trường và nhóm trẻ giải thể) phải đóng cửa, vì vậy gọi nhóm này là mất việc làm thì chính xác hơn, số này khoảng hơn 2.000. Số khác mất việc tạm thời và đã làm việc trở lại khi 1.560 cơ sở nhóm trẻ tư thục hoạt động trở lại dịp đầu năm học vừa rồi.
Ở khía cạnh khác, như vậy 99% nhà giáo trên khắp đất nước vẫn đang bám trường, bám lớp cùng học sinh. Số đông vẫn đang khắc phục khó khăn, đảm bảo việc dạy và học cùng các hoạt động của nhà trường. Tuyệt đại bộ phận giáo viên vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên, đổi mới, tự đổi mới, đương đầu với thách thức và yêu cầu ngày càng cao của việc dạy học và kiểm tra đánh giá… Đây là điều cần ghi nhận và đánh giá cao. Chúng ta không bởi 1% giáo viên vì nhiều lý do khác nhau rời nghề, mà giảm đi niềm tin hoặc có cái nhìn ảm đạm về nghề giáo…
Tuy nhiên, số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc cũng cảnh báo chúng ta nhiều điều như: Cần quan tâm hơn tới nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và tiểu học, quan tâm hài hòa cả tới đội ngũ giáo viên hệ thống công và tư.
Theo Bộ trưởng, cần có những hỗ trợ như thế nào đối với giáo viên mầm non để giúp họ giảm bớt những khó khăn?
Hiện nay, mức thu nhập bình quân của giáo viên mầm non và tiểu học có thâm niên công tác 5 năm sau khi ra trường, là 4,5 - 4,7 triệu đồng/tháng, đã tính cả lương và phụ cấp ưu đãi 35%. Khi dạy được 5 năm, giáo viên sẽ có thêm phụ cấp thâm niên 5%. Người mới tuyển vào hệ thống, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng trong 2 - 3 năm đầu. Giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn, được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt (trường cho trẻ em cần chăm sóc đặc biệt) thì lương sau 5 năm công tác có thể đạt 6 triệu đồng, nhưng số lượng không nhiều.
Một số giáo viên chia sẻ, đi làm cả chục năm, cuối tháng nhận lương 5 - 6 triệu đồng, rút ra đóng tiền học cho hai con hết 3 triệu. Số tiền ít ỏi còn lại chỉ đủ đi chợ chừng nửa tháng. Nhiều người ngoài giờ lên lớp, lại chạy đôn chạy đáo làm thêm các nghề khác để kiếm tiền lo cho gia đình.
Các giáo viên mầm non, tiểu học phải đến trường từ rất sớm để đón học sinh, lo cho các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, học hành. Một ngày làm việc của những thầy cô này thường rất dài, người ở xa trường có khi từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Trong khi đó, đồng lương họ nhận được vẫn không lo nổi cuộc sống. Thực trạng này đòi hỏi phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là khối mầm non, tiểu học. Đó là việc chúng tôi đang đề xuất, kiến nghị. Trong đó, tốt nhất là có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng từ 35% lên 70%, ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở.
Tôi cũng mong các địa phương hỗ trợ nhiều hơn đến nhóm giáo viên hiện nay chưa được quan tâm, đó là những cô giáo dạy mầm non tư thục theo mô hình nhóm trẻ.
Thưa Bộ trưởng, cũng có những ý kiến cho rằng "trước đây lương vẫn thấp, sao giáo viên không ào ào nghỉ việc như bây giờ?" và cho rằng còn có những lý do khác như bên cạnh lương thấp, một bộ phận giáo viên phải đối mặt với môi trường làm việc thiếu sự chia sẻ, đồng hành. Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Có rất nhiều yếu tố để giáo viên gắn bó với nghề chứ không chỉ vấn đề về lương. Đó còn là vấn đề về cơ hội phát triển nghề nghiệp, phát triển chuyên môn, vấn đề về môi trường làm việc, môi trường học đường, nguyên tắc, thái độ của học sinh, phụ huynh, xã hội và cả tâm thái nghề nghiệp của giáo viên. Tất cả những điều đó cần phải có những bước chăm lo, cải thiện để nhà giáo có thể gắn bó hơn với nghề.
Trong khi chờ cấp có thẩm quyền xem xét về tăng lương, phụ cấp cho nhà giáo, với thẩm quyền và trách nhiệm của mình, chúng tôi tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường và nâng cao văn hóa học đường, để giáo viên có môi trường làm việc thuận lợi, phát huy được trách nhiệm người thầy.
Bộ sẽ rà soát các chế độ chính sách khác như quản trị làm việc, hoạt động chuyên môn, phát triển bản thân, giảm những công việc hành chính ngoài chuyên môn cho giáo viên. Đổi mới giáo dục là việc tất yếu phải làm theo Nghị quyết của Trung ương. Do đó, ngành tính toán hỗ trợ tối đa để giáo viên có thể điều chỉnh bản thân, thích ứng được yêu cầu, phương pháp dạy học, tiếp cận chương trình, sách giáo khoa, cách kiểm tra, đánh giá, tương tác với học sinh. Đây là thay đổi lớn, nên cần quá trình, ngành Giáo dục và nhà trường phải hỗ trợ, chia sẻ thì giáo viên mới có thể hoàn thiện, phục vụ tốt cho công việc.
Thưa Bộ trưởng, ngành giáo dục đã và đang làm gì để giúp giáo viên có những chế độ, chính sách, tạo môi trường thế nào để giáo viên giữ được lửa nghề, yên tâm bám trụ với nghề? Đặc biệt là những giáo viên vùng sâu, vùng xa.
Ngành Giáo dục luôn trân trọng sự hy sinh, cống hiến của đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đất nước. Những kiến nghị, đề xuất về tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên hay những điều chỉnh về chính sách nhằm tạo môi trường làm việc thuận lợi hơn cho giáo viên như tôi đã nói ở trên cũng chính là để giáo viên giữ được niềm tin với nghề, yên tâm bám trụ với nghề.
Nghề nhà giáo được coi là nghề cao quý, nghề vinh quang, điều đó có từ truyền thống. Sở dĩ dân tộc ta tôn vinh nhà giáo, bởi truyền thống quý trọng đạo nghĩa, trọng học, đề cao tri thức. Chăm lo cho nhà giáo là chăm lo cho giáo dục, để phát triển giáo dục, phát triển giáo dục để phát triển con người và phát triển đất nước.
Sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang triển khai có can hệ tới việc thành bại của công cuộc đổi mới quốc gia, mà yếu tố quyết định là đội ngũ nhà giáo. Vì vậy, sự quan tâm một cách cụ thể đội ngũ nhà giáo không chỉ là chính sách xã hội, thể hiện một truyền thống văn hóa, mà thực chất nó là thể hiện một quan điểm phát triển và sự tính toán mang tính thực tế nhất cho phát triển đất nước.
Được biết, ngành giáo dục đang nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo. Liệu đây có phải là giải pháp để giúp giáo viên gắn bó hơn với nghề giáo, đồng thời tháo được một số nút thắt ngành giáo dục đang gặp phải không, thưa Bộ trưởng?
Thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng báo cáo Chính phủ về đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo. Tháng 4/2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, trình Chính phủ vào phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12/2022.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, sẽ chuyển Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ theo quy định.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án Luật này, quá trình xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, xem xét đầy đủ các khía cạnh của nghề nhà giáo để có thể đưa ra các chính sách tốt đối với đội ngũ nhà giáo.
Ngày 20/11/2022 cũng là kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng gửi điều gì tâm đắc muốn chia sẻ với các giáo viên trên cả nước? (xem video dưới):
Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay cũng đồng thời là dịp kỷ niệm 40 năm của sự kiện này , điều này có rất nhiều ý nghĩa. Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi gửi đến các nhà giáo lời chúc mừng, sự ghi nhận về sự nỗ lực của thầy cô trong công cuộc đổi mới giáo dục đầy thách thức, khó khăn. Mong rằng, với trách nhiệm nghề nghiệp, sự tôn vinh của xã hội, mỗi nhà giáo đã nỗ lực, cố gắng sẽ nỗ lực, cố gắng hơn nữa để vượt qua khó khăn, thách thức.
Có thể nói, ngành Giáo dục đang đứng trước nhiều nhiệm vụ rất nặng nề, những thách thức rất lớn mà sự nghiệp đổi mới giáo dục đặt ra. Vì vậy, tôi mong rằng, mỗi nhà giáo chúng ta sẽ cố gắng vượt qua được những thách thức, hoàn thành sứ mệnh. Khi làm được điều đó thì vinh quang của nghề giáo sẽ được xã hội ghi nhận,tôn vinh. Bên cạnh đó, mỗi chúng ta cũng cần không ngừng cố gắng nâng cao trình độ về chuyên môn, đổi mới về kỹ năng của bản thân để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với nhà giáo nhân dịp 20/11: Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi tới các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục lời chúc mừng tốt đẹp. Bộ trưởng cũng gửi gắm thông điệp về sứ mệnh, trách nhiệm cũng như chỗ dựa của nghề nghiệp, để trong bất kỳ hoàn cảnh, thách thức nào, mỗi thầy cô giáo cũng cố gắng vượt qua để tiếp tục theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp.
Ngành GD&ĐT đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ lớn, trọng trách nặng nề mà thực hiện trong bối cảnh toàn xã hội trong giai đoạn chuyển đổi. Có những thách thức, éo le đối với đội ngũ giáo viên trong quá trình chuyển đổi của xã hội. Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, nhà giáo cần phải bám vững chắc vào chỗ dựa quan trọng của nghề nghiệp, đó là sứ mệnh kiến tạo các giá trị cao đẹp cho con người. Lấy chỗ dựa đó làm sự động viên tinh thần. Nói như trong truyền thống là “Tôn sư trọng đạo” thì đó là tinh thần của “đạo”. Tức là sự rèn luyện của con người.
Sở dĩ từ xưa đến nay, nghề giáo được tôn vinh là vì kiến tạo những giá trị đó. Mong rằng nhà giáo chúng ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trong bất kỳ thách thức nào cũng cố gắng vượt qua được những thách thức, những khó khăn để tiếp tục theo đuổi mục tiêu của nghề nghiệp, thực hiện cho được sứ mệnh của nghề nghiệp.
Bộ GD&ĐT, cũng như các thầy cô giáo luôn mong muốn xã hội có sự quan tâm nhiều hơn, quan tâm một cách thiết thực hơn, sự chia sẻ một cách cụ thể hơn đối với nhà giáo trong công việc. Nhưng trước hết để có được sự chia sẻ, sự tôn vinh từ phía xã hội thì chính chúng ta phải làm thật tốt các công việc của mình. Đó là điều kiện tiên quyết để chúng ta khẳng định giá trị bền vững của nghề nghiệp, giá trị tốt đẹp bền vững của nhà giáo, lấy điều đó để giải thích với xã hội, điều chỉnh xã hội.
* Cô giáo Đỗ Thị Loan, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Kim Nọi, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái - Một trong gương mặt giáo viên vùng khó được tôn vinh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 chia sẻ:
Cần có những chính sách chuyển vùng cho giáo viên công tác lâu năm, có thành tích tốt
Đâu đó có những đồng nghiệp viết đơn xin nghỉ việc. Nhưng với các thầy, cô giáo Mù Cang Chải thì có lý do chính đáng. Đó là những thầy cô cống hiến lâu năm quá ở vùng khó, trong điều kiện xa gia đình, gia đình ở miền xuôi, các con đều đã lớn. Việc chuyển vùng của các thầy cô gặp khó khăn. Đôi khi những thầy cô muốn nghỉ việc.
Một vài thầy cô khi có tư tưởng đó được kịp thời của các cấp lãnh đạo, phòng GD&ĐT, lãnh đạo huyện thầy cô lại ở lại yên tâm công tác.
Tôi mong Đảng và Nhà nước cần có chính sách ưu tiên hơn nữa nhiều hơn cho những thầy cô giáo công tác ở vùng cao, có thành tích, tiếp tục được chuyển vùng như hai năm vừa rồi Yên Bái đã thực hiện.
* Thầy giáo Kim Thành Phong (THPT Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) - một trong gương nhà giáo vùng khó được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen chia sẻ:
Mong những chính sách để hạn chế giáo viên xin thôi việc
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách về giáo dục, giúp ích nhiều cho hoạt động dạy học như: Nghị định 116 về hỗ trợ tiền ăn cho học sinh sống ở vùng sâu, vùng xa. Nghị định 81 năm 2021 hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí cho người dân tộc. Rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các em được đến trường và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở vật chất ngày càng khang trang. Chất lượng giảng dạy ở trường ngày càng đi lên.
Học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số nền kinh tế khó khăn. Đa số các em vừa đi học, vừa phải phụ làm kinh tế cùng gia đình đặc biệt. Sau mỗi dịp lễ Tết dân tộc thì các em lại đi theo các anh lên các thành phố lớn. Vì thế, tỷ lệ bỏ học khá cao.
Dù trường nằm trong vùng khó nhưng chính sách chỉ đến được với những trường nằm trong xã đặc biệt khó khăn. Mức lương như giáo viên như tôi chỉ đáp ứng được phần nào cuộc sống của bản thân. Nhưng để nuôi sống gia đình, thêm cho con đi học thì không đảm bảo. Mong Đảng, Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên vùng sâu, vùng xa hơn nữa. Có thêm những chương trình hỗ trợ, đồng hành để thầy cô yên tâm công tác, hạn chế giáo viên xin thôi việc vì không đảm bảo điều kiện kinh tế.
Tôi mong những năm học tới, chính quyền địa phương cũng như Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cơ sở vật chất cho vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, khi trường thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, thêm nhiều chính sách giúp cho các em đồng bào dân tộc Khmer, vùng cao ở mọi miền tổ quốc được hỗ trợ tiền ăn.
* Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) - một trong 400 nhà giáo tiêu biểu được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen năm 2022 chia sẻ:
Tôi mong muốn toàn xã hội dành niềm tin lớn hơn cho ngành giáo dục
Đã và đang có rất nhiều người thầy nỗ lực học tập phương pháp giảng dạy mới, nghiên cứu sách giáo khoa mới, tham gia các khóa học về công nghệ để ứng dụng vào thiết kế bài học... Thầy, cô nào cũng xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc đào tạo con người mới, có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, để sự nghiệp đổi mới giáo dục hoàn thành các mục tiêu đề ra, cần sự chung tay của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.
Tôi mong muốn toàn xã hội dành niềm tin lớn hơn cho ngành giáo dục. Hãy nhìn nhận và đánh giá về ngành giáo dục công bằng, toàn diện hơn để thấu hiểu những việc chúng tôi đã và đang làm. Niềm tin, sự thấu hiểu, đồng cảm của toàn xã hội chính là điều chúng tôi cần nhất trên con đường đổi mới đầy chông gai, khó khăn, thử thách này.
Tôi cũng mong phụ huynh sẽ không còn tư tưởng “Trăm sự nhờ thầy”, để rồi bỏ qua vai trò của gia đình trong việc hình thành phẩm chất, năng lực cho con cái. Sự hình thành phẩm chất và năng lực của một học sinh chính là kết quả nỗ lực của giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội.
Nhà nước cũng cần có những chính sách thiết thực hơn để nâng cao đời sống giáo viên. Mức lương thấp không đủ trang trải cuộc sống chính là lý do khiến nhiều giáo viên phải bỏ nghề, rẽ ngang sang hướng khác, không đi hết được con đường đã chọn.
Thực tế, nhiều giáo viên còn ở lại với nghề cũng đang phải làm thêm rất nhiều nghề khác để đảm bảo cuộc sống. Không kịp thời có những chính sách hỗ trợ cho giáo viên thì số lượng giáo viên bỏ việc những năm tới có thể sẽ còn gia tăng.
Lựa chọn nghề dạy học là mỗi người giáo viên đã xác định và chấp nhận đối mặt với khó khăn, thách thức. Trong khi chờ đợi những giải pháp từ phía nhà nước, mỗi giáo viên vẫn tiếp tục nỗ lực hết sức với công việc của mình.
Con đường đổi mới còn dài, đầy ắp những khó khăn nhưng chúng tôi luôn tin tưởng với sự đồng hành, tin yêu, thấu hiểu của toàn xã hội; sự hỗ trợ về chính sách của nhà nước, của các cấp, các ngành; sự nỗ lực của phụ huynh, giáo viên và học sinh nhất định sự nghiệp đổi mới giáo dục sẽ thành công.
* TS Hoàng Quý Châu, giảng viên khoa Sư phạm, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Quy Nhơn, tỉnh Quy Nhơn:
Đề cao tính tự chịu trách nhiệm để giảm nguy cơ chạy theo lợi ích trước mắt
Người thầy đối với người Việt Nam chúng ta từ ngàn xưa đóng một vai trò rất quan trọng. Truyền thống tôn sư trọng đạo từ lâu đã đi sâu vào đời sống văn hóa Việt Nam.
“Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Do đó, thầy giáo không chỉ quan trọng đối với mỗi người mà quan trọng đối với cả một quốc gia và một nền văn hóa dân tộc.
Tôi tin rằng các thầy cô giáo đã, đang và sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách và bỡ ngỡ ban đầu. Dù khó khăn nhưng tình yêu nghề đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để người thầy bước tiếp những bước dài, để tư tưởng luôn vững vàng, nỗ lực hơn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng ở môi trường đại học.
Giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị trí của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận nguồn nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng được đòi hỏi của công việc và kỳ vọng của xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp hoặc làm việc trái với chuyên ngành đào tạo của cử nhân còn cao, hoạt động đào tạo ở một số trường đại học còn chạy đua theo số lượng và lợi ích kinh doanh. Đó là chưa nói đến nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu so với nhu cầu của xã hội
Tôi mong muốn Bộ GD&ĐT tăng cường hơn nữa quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường đại học. Bộ GD&ĐT tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học tăng cường quyền chủ động, đồng thời đề cao tính tự chịu trách nhiệm để giảm nguy cơ tùy tiện chạy theo lợi ích trước mắt.
Thực hiện: Lê Vân
Trình bày: Hồng Hạnh
20/11/2022 06:00