Cùng với cả nước, Hà Nội bắt đầu đối mặt với COVID-19 từ đầu năm 2020. Thủ đô đã lần lượt vượt qua 3 đợt dịch với những biện pháp khẩn trương và quyết liệt.
Ngày 27/4/2021, cả nước chính thức bước vào đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19. Lúc này, Hà Nội đặt trong điều kiện nhiều tỉnh xung quanh đều có dịch; người nhập cảnh vẫn đang tiếp tục về nước và các địa phương đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp. Là đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia, mật độ di chuyển lớn qua Hà Nội; nguy cơ dịch xâm nhập, bùng phát đã cận kề.
Ngay khi có dấu hiệu xuất hiện một đợt dịch mới, trong ngày 27/4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có Công điện số 03 tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô; trong đó nhấn mạnh tất cả các ban, ngành, địa phương đều sẵn sàng với tinh thần cao nhất để ứng phó với dịch bệnh; mọi người dân nâng cao ý thức thực hiện thông điệp 5K. Thành phố hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Hà Nội đã đưa tinh thần lên “bệ phóng”, chủ động, quyết liệt.
Đúng như dự đoán, chỉ 2 ngày sau khi ban hành Công điện, Hà Nội phát hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên của đợt dịch mới, trên địa bàn huyện Đông Anh. Bệnh nhân này F1 của BN2.899 (ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Với tinh thần đã sẵn sàng ứng phó, cùng với kinh nghiệm qua các đợt dịch trước, Hà Nội nhanh chóng vào cuộc khoanh vùng, dập dịch, hạn chế được tối đa phạm vị phong toả. Ngay trong đêm 29/4, lực lượng chức năng đã thần tốc truy vết. Đến sáng 30/4, công tác truy vết hoàn thành nhanh chóng, xác định được 25 F1, 96 F2. Giai đoạn này, Hà Nội đã có chủ trương tránh khoanh vùng quá rộng làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Từ nguồn lây nhiễm này, cộng với các ca bệnh từ TP Hồ Chí Minh về, Hà Nội đã có thêm nhiều ca mắc mới tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Mỹ Đức. Giữa những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch COVID-19 xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương, Hà Nội đã xác định phải giữ cho “trái tim” của cả nước khỏe mạnh.
Tuy nhiên, giai đoạn này, dịch diễn biến ngày càng phức tạp, trên địa bàn Thành phố liên tiếp phát sinh những ca bệnh mới. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, người dân trở lại Hà Nội, nguy cơ lây nhiễm lên cao. Hà Nội liên tục ban hành các Công điện số 04, số 05, số 06 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh; ngăn chặn không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng sau kỳ nghỉ lễ. Hà Nội cũng yêu cầu người dân đi từ các tỉnh về phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc. Thành phố đã phải tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường... Các khu di tích, cơ sở tôn giáo cũng dừng việc đón khách; dừng hoạt động các quán ăn, uống đường phố, nhà hàng bán đồ ăn uống trong nhà phải thực hiện giãn cách theo quy định…
Lần đầu tiên suốt hơn 1 năm chống dịch COVID-19, dịch đã xâm nhập vào các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, lệnh phong toả những cơ sở y tế này được đưa ra.
Chiều 5/5, Hà Nội quyết định cách ly y tế với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nơi) sau khi tại đây ghi nhận liên tục 14 ca lây nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Từ đây, kéo theo các bệnh viện khác liên quan. Tiếp sau đó là Bệnh Quân Y 105 (Sơn Tây, Hà Nội) phải phong tỏa từ 6/5 sau khi phát hiện một bác sĩ dương tính với SARS-CoV-2 có liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Rồi tới Bệnh viện K cơ sở Tân Triều cũng ghi nhận các ca mắc liên quan; cả 3 cơ sở của Bệnh viện đã phải thực hiện cách ly y tế. Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng cũng dừng tiếp nhận bệnh nhân do cũng có 2 ca mắc từng đến đây xét nghiệm…
Dịch nóng lên với sự xuất hiện chủng mới Delta với tốc độ lây lan nhanh; Hà Nội bước vào giai đoạn chống dịch mới với quy mô, phạm vi lớn hơn rất nhiều các đợt dịch trước đó; cả Thành phố gồng mình chống dịch.
Những ngày đầu tháng 5/2021, Hà Nội trở thành địa bàn có diễn biến dịch “nóng” nhất với số ca bệnh được công bố đã lên đến 3 con số.
Các vùng cách ly y tế đã nhanh chóng được khoanh vùng chặt, cách ly nghiêm ngặt khi phát hiện các ca nhiễm để cắt đứt nguồn lây, làm sạch các ổ dịch. Với tinh thần quyết liệt dập dịch, các chùm ca bệnh nhanh chóng được kiểm soát, các bệnh viện kết thúc cách ly theo đúng dự kiến để đi vào hoạt động trong tình hình mới.
Tuy nhiên, với đặc điểm của chủng virus mới và nguy cơ rất lớn khi các tỉnh lân cận đều có dịch; các ca bệnh, ổ dịch vẫn rải rác phát sinh sau đó.
Nhận định về nguy cơ dịch bệnh trong thời điểm đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho rằng: “Nguy cơ về dịch bệnh của Hà Nội vẫn mức cao và khó lường vì Thành phố đang xuất hiện các chùm ca bệnh tương đối phức tạp; nhất là tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, chỉ từ một trường hợp không tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch đã lây cho nhiều trường hợp khác; nhận định với chùm ca bệnh này có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm ca mắc mới trong những ngày tiếp theo. Đặc biệt Hà Nội có nhiều người về từ các vùng có dịch của các tỉnh thành khác, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh nên sẽ tiềm ẩn nguy cơ mầm bệnh sẽ theo cùng và lây lan ra cộng đồng”.
Cao điểm, đến ngày 23/7, Hà Nội phát sinh cùng lúc nhiều ổ dịch phức tạp trong cộng đồng; nhiều ca không rõ nguồn lây. Các chùm ca bệnh phức tạp cùng lúc phát sinh như: Chùm ca bệnh Nhà thuốc Đức Tâm, Đống Đa; chùm Tân Mai, Hoàng Mai; chùm B6 Trại Găng, Hai Bà Trưng; chùm tại Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng; số ca mắc trong ngày lên tới 48 trường hợp.
Đặt trong mức báo động rất cao, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, lan rộng với chủng virus biến thể nguy hiểm, lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã họp bàn đưa ra vấn đề giãn cách xã hội toàn Thành phố, một quyết định khá khó khăn ở thời điểm đó. Tuy nhiên, lúc này, nguy cơ bùng phát dịch đã hiển hiện, trong khi đó tỷ lệ người trong độ tiêm chủng được tiêm vaccine phòng COVID-19 của Hà Nội lại còn thấp, chủ yếu mới tiêm được 1 mũi.
Chiều ngày 23/7, Chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy biểu quyết để phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể cho tình huống này. Hội nghị đã thống nhất giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Ngay sau đó, Chỉ thị số 17/CT-UBND được Chủ tịch UBND thành phố ban hành và chính thức áp dụng giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày từ 6 giờ ngày 24/7/2021.
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Hà Nội tiếp tục trải qua 2 lần “gia hạn” giãn cách xã hội nữa; cả Thành phố cùng vượt qua những ngày tháng khó khăn với mục tiêu cao nhất là sức khoẻ của người dân, không để dịch bùng phát mạnh.
Trong đợt dịch thứ 4, đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ suốt 60 ngày vừa qua là đợt giãn cách dài nhất của Hà Nội từ trước đến nay. Khi chủng virus Delta xuất hiện, tốc độ lây nhiễm nhanh, mạnh, Hà Nội cũng phải trải qua những ngày chiến đấu với dịch bệnh đầy cam go, khó khăn, kéo dài nhưng vẫn giữ vững được trận địa. Các cuộc họp chống dịch ngày càng nóng lên, hàng tuần, thậm chí hàng ngày được tổ chức để sát sao với từng điểm nóng với những chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt của lãnh đạo Thành phố.
“Mục tiêu của việc thực hiện giãn cách xã hội là nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh; đồng thời rà soát, truy vết các trường hợp F0, F1 để đưa cách ly, F2 để cách ly tại nhà; tạo điều kiện nâng cao năng lực hệ thống y tế trên địa bàn Thành phố; chuẩn bị các phương án, kịch bản ứng phó với dịch bệnh ở mức độ cao hơn. Theo đó, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của thành phố Hà Nội ngay từ đầu chống dịch là không để các trường hợp F1, F0 phải cách ly, điều trị tại nhà. Tất cả các trường hợp F0 của Hà Nội đều được chữa trị tại bệnh viện; tất cả trường hợp F1 của Hà Nội đều được cách ly tập trung”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã từng khẳng định khi dịch đang trong giai đoạn nóng nhất.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, toàn Thành phố đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, quyết liệt, đồng bộ. Nhờ đó, tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội đã dẫn được kiểm soát tại hầu hết các quận, huyện.
Trong đợt dịch lần này, cũng là lần đầu tiên Thủ đô Hà Nội phân chia thành những khu vực xanh, khu vực đỏ, khu vực vàng… theo nguy cơ dịch bệnh; đây là các pháo đài chống dịch “ngoài chặt, trong lỏng”, mỗi người dân là 1 chiến sĩ trong pháo đài chống dịch đó.
Đặc biệt, khi Hà Nội xuất hiện ổ dịch lớn nhất ở Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), lực lượng chức năng đã phong tỏa toàn bộ ngõ 328, 330 đường Nguyễn Trãi. Khoảng 700 hộ dân với hơn 2.000 người được yêu cầu không ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, khu vực này có mật độ dân cư dày đặc, cao gấp 16 lần mật độ dân cư trung bình tại Hà Nội. Với đặc điểm dân đông, nhiều ngõ ngách nhỏ, bên trong là các khu nhà trọ chật hẹp, khu tập thể cũ ẩm thấp, nhiều quán nhỏ vỉa hè, chợ... khả năng tiếp xúc lớn, nguy cơ bùng phát dịch rất mạnh, các ca lây nhiễm mới liên tục được ghi nhận.
Trước tình hình đó, lần đầu tiên Hà Nội quyết định thực hiện di dân ra khỏi tâm dịch. Từ ngày 1- 3/9, quận Thanh Xuân đã tổ chức di dời hơn 1.000 người là các hộ dân thuộc diện tình nguyện và trong khu vực nguy hiểm ra khỏi ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi đến khu cách ly tập trung. Chiến lược giãn dân tại Thanh Xuân Trung nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia dịch tễ để sớm cắt đứt nguồn lây tại ổ dịch phức tạp này.
Trong đợt dịch thứ 4, Hà Nội cũng “nóng” lên với việc thực hiện cấp giấy đi đường cho dân với mục đích hạn chế người dân ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết. Tuy giai đoạn đầu, vấn đề này có gây tranh cãi; nhưng với tinh thần tiếp thu, lắng nghe các ý kiến của Trung ương, của các chuyên gia và của người dân để kịp thời điều chỉnh việc cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn.
Các đoàn công tác của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội cũng đã tăng cường đi kiểm tra thực địa đột xuất cả những điểm vốn không nằm trong vùng nguy cơ cao. Khi phát hiện sai phạm, đoàn công tác yêu cầu các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, triển khai phương án sửa sai ngay lập tức, ra những quyết định xử phạt các cá nhân để xảy ra sai phạm trên địa bàn.
Trong 60 ngày giãn cách xã hội, Hà Nội đã tận dụng được “thời gian vàng” để khống chế, kiểm soát dịch bệnh, tránh được nguy cơ khủng hoảng về y tế và kinh tế - xã hội.
PGS TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đánh giá: “Dù nguy cơ dịch bệnh ở Hà Nội được đánh giá diễn biến phức tạp, khó đoán với chủng Delta có mức độ lây lan rất nhanh, nhưng chính quyền Thủ đô đã nhận định tình hình và hành động một cách rất chủ động , thực hiện các biện pháp mạnh hơn những đợt dịch trước đó cũng như can thiệp đúng lúc, đúng thời gian “vàng”, do vậy người dân đã có thể yên tâm và tin tưởng sẽ kiểm soát được dịch bệnh”.
Tận dụng “thời gian vàng” trong giai đoạn giãn cách xã hội, một điểm nhấn trong quá trình chống dịch của Hà Nội là Thành phố đã khẩn trương thực hiện triệt để “2 mũi giáp công” phòng chống dịch COVID-19, đó là: Đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm tầm soát diện rộng và tiêm vaccine toàn dân với mục tiêu kiểm soát tốt dịch COVID- 19 trước ngày 15/9.
Ngày 8/9, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND triển khai thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố và tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn. Trước đó, Hà Nội mới chỉ tiêm được hơn 2,8 triệu mũi vaccine, trong đó mới có 2,5 triệu người đã tiêm mũi 1 và hơn 317.000 người tiêm mũi 2.
Đây cũng là 2 mũi tiến công chiến lược với khối lượng công việc khổng lồ mà phải nhanh chóng triển khai trong thời gian ngắn. Để đạt được mục tiêu, Hà Nội đã huy động toàn bộ lực lượng y tế công lập, y tế tư nhân, cùng hệ thống chính trị từ thành phố đến tổ dân phố, khu dân cư cùng vào cuộc.
Ngay khi được phân bổ lượng vaccine lớn đáp ứng tiêm chủng cho người dân, Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc triển khai. Đặc biệt để thực hiện xét nghiệm diện rộng và tiêm chủng thần tốc, Hà Nội đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực của hơn 4.000 cán bộ, nhân viên y tế từ 12 tỉnh, thành phố phía Bắc. Các điểm lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng được tổ chức khẩn trương; thậm chí tiêm chủng cả ngày và đêm để nhanh chóng bao phủ miễn dịch cho người dân.
Trong giai đoạn tiêm chủng "thần tốc", với 1.600 dây chuyền tiêm hoạt động tối đa công suất, có những ngày cao điểm, Hà Nội đã đạt số mũi tiêm trong ngày tới hơn 600.000 mũi, gấp 8,4 lần so với số mũi tiêm trong ngày cao điểm nhất của tháng 8/2021 (hơn 72 nghìn mũi). Không chỉ những người dân có hộ khẩu tại Hà Nội, mà người nước ngoài, người tạm trú trên địa bàn đều được tiêm chủng vaccine miễn phí tạo miễn dịch cộng đồng.
Với tất cả các biện pháp và nỗ lực triển khai, sau 8 ngày (từ 8/9 - 15/9) tăng tốc, Hà Nội đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có những đơn vị đã hoàn thành kế hoạch từ trưa ngày 15/9. Chỉ trong 1 tuần, ngành Y tế Hà Nội đã tiêm lượng vaccine COVID-19 cao gần bằng 6 tháng trước cộng lại cho người dân có đủ điều kiện đã được tiêm chủng.
Clip Hà Nội thực hiện thần tốc xét nghiệm và tiêm vaccine nhằm kiểm soát dịch bệnh:
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Số lượng vaccine được Bộ Y tế cấp về đến đâu, lập tức thành phố phân bổ cho các đơn vị tiêm chủng ngay đến đó cho kịp tiến độ. Hà Nội đã mở thêm nhiều điểm tiêm chủng trên toàn thành phố với 300 dây chuyền tiêm chủng, xét nghiệm được thiết lập mới, nâng tổng số dây chuyền tiêm chủng của Hà Nội lên 1.500 dây chuyền. Ngoài việc huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp, phát huy tối đa năng lực tiêm chủng, sử dụng các dây chuyền tiêm chủng đã được phân bổ tăng cường và chủ động huy động tối đa các cơ sở y tế trên địa bàn tham gia tiêm chủng, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tổ chức thêm các điểm lưu động, tổ chức các điểm tiêm đến gần dân nhất có thể, như tại phường, xã, tổ dân phố, khu phố.
Về kế hoạch xét nghiệm diện rộng, để đáp ứng tiến độ, Hà Nội đã yêu cầu huy động các lực lượng xét nghiệm thần tốc, quét nhiều vòng để giúp bóc tách rất nhanh các ca F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước thu hẹp các vùng đỏ, vùng vàng và mở rộng vùng xanh trong khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
Ngành y tế Hà Nội đã phối hợp với 30 quận, huyện, thị xã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người sinh sống trong các khu vực phong tỏa, các khu vực nguy cơ cao có nhiều ca bệnh, ổ dịch và người thuộc các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh…
Các quận, huyện, thị xã cũng tích cực triển khai lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện, bóc tách kịp thời các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng, thực hiện cách ly, điều trị theo quy định đồng thời đánh giá lại các khu vực nguy cơ, và đánh giá thêm về khu vực nguy cơ, đối tượng nguy cơ để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch.
Việc triển khai quyết liệt các biện pháp trên đã giúp Hà Nội cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, khoanh vùng kịp thời các ổ dịch, từ đó từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá: “Hà Nội đã triển khai bài bản công tác tiêm vaccine phòng COVID-19. Với công suất tiêm của Hà Nội, đã đạt con số rất ấn tượng. Hai mũi giáp công xét nghiệm và tiêm chủng Hà Nội đã thực hiện là rất đúng đắn”.
Theo Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong việc xét nghiệm diện rộng, tầm soát y tế toàn dân và tiêm chủng thần tốc cũng đem lại hiệu quả rất cao. Kinh nghiệm là phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để khi có vaccine thì phải tiêm ngay, an toàn nhất. Cùng với đó, công tác vận động tuyên truyền để nhân dân hiểu “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất” cũng rất quan trọng. Thời gian qua, việc tiêm chủng của Hà Nội được thực hiện rất thuận lợi nhờ nhận được sự hưởng ứng, đồng tình rất lớn của người dân.
Cùng với 2 mũi tấn công chiến lược, công tác thu dung điều trị người bệnh COVID-19 được Hà Nội huy động tổng lực, với các phương án cụ thể.
“Hàng ngày Sở Y tế đều trực tiếp giao ban với các bệnh viện, chỉ đạo về công tác điều trị các bệnh nhân nặng. Các đơn vị phối hợp, thông tin liên tục để trao đổi, thông suốt giữa các bệnh viện, báo cáo hội chẩn các trường hợp từ nhẹ đến nặng, báo cáo chuyển tầng… phối hợp nhau trong điều trị.
Đặc biệt, việc hội chẩn các bệnh nhân ở tầng 3 còn có sự tập huấn của các chuyên gia các Bệnh tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương… Đồng thời, Hà Nội cũng có nối cầu trực tuyến từ TP Hồ Chí Minh, giúp ích rất nhiều cho Hà Nội trong kinh nghiệm điều trị các bệnh nhân nặng”, Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết.
Một kịch bản xấu nhất cũng đã được xây dựng với 40.000 trường hợp nhiễm COVID-19 sẵn sàng kích hoạt bất cứ lúc nào nếu dịch bùng phát rộng. Trong kịch bản đó, mục tiêu chiến lược của các tầng thu dung người bệnh COVID-19 cũng khác nhau.
Tại tầng 1, mục tiêu là hạn chế lây nhiễm chéo, nhất là không để xảy ra lây nhiễm giữa các nhân viên y tế. Đồng thời theo dõi, điều trị sát các ca bệnh ở tầng 1, nếu cần thiết sẽ cho thở oxy, dùng thuốc chống đông, kháng viêm ngay để hạn chế chuyển tầng 2.
Tại tầng 2, Hà Nội tận dụng các bệnh viện đa khoa hạng 2 có đầy đủ cơ sở hạ tầng để điều trị bệnh nhân chuyển từ tầng 1 lên. Mục tiêu chung là tập trung điều trị, chăm sóc tốt bệnh nhân ở tầng 1, 2 để hạn chế chuyển lên tầng 3.
Tại tầng 3, Sở Y tế đã phân công cho 4 Bệnh viện đa khoa hạng 1 của Thành phố với đầy đủ nhân lực, trang bị tốt để tiếp nhận bệnh nhân như: Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Hà Đông.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, bên cạnh khâu tập trung cho các cơ sở điều trị người bệnh nhân COVID-19; Hà Nội cũng chuẩn bị hơn 100.000 chỗ cách ly cho đối tượng F1, hiện nay mới chỉ sử dụng một phần công suất này. Thành phố cũng đã lắp đặt, nâng cấp hệ thống oxy của 24 bệnh viện thuộc thành phố, bảo đảm đáp ứng yêu cầu điều trị cho người bệnh. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng nâng cấp hệ thống y tế tuyến cơ sở; kích hoạt đội ngũ bác sĩ tình nguyện đang công tác tại các bệnh viện của thành phố và các tỉnh, thành phố xung quanh, cũng như các y sĩ, bác sĩ về hưu... với hơn 1.000 người tham gia mạng lưới thầy thuốc đồng hành; đã đào tạo, tập huấn cho hơn 300 y sĩ, bác sĩ để tư vấn, hỗ trợ người bệnh.
Với những nỗ lực đó, Hà Nội đã đảm bảo tốt cho công tác điều trị, không để dẫn đến tình trạng quá tải. Nhờ đó, các bệnh nhân COVID-19 đều được tạo điều kiện điều trị tốt nhất, các ca bệnh nặng, nguy kịch đã được cứu sống ngay ở Bệnh viện tuyến cuối của Thành phố.
Sáng sớm một ngày đầu tháng 10, ông Nguyễn Thanh Bùi (ở phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) dậy sớm để cùng các cụ trong câu lạc bộ người cao tuổi cùng xuống sân của khu dân cư để tập dưỡng sinh. Trong buổi tập, các cụ tuân thủ đeo khẩu trang đầy đủ, cùng nhau tập các bài tập nhẹ nhàng, ai cũng thư thái, vui vẻ sau thời gian dài phải ở trong nhà vì giãn cách.
Ông Nguyễn Thanh Bùi vừa tập vừa chia sẻ: “Chúng tôi rất mừng vì Hà Nội lại được sớm trở về với nhịp sống bình thường mới, các sinh hoạt ngoài trời được hoạt động trở lại. Với người già chúng tôi, nhu cầu tập thể dục, vận động là rất cần thiết. Rất may đợt dịch thứ 4 này tuy tốc độ lây lan nhanh, diễn biến phức tạp ở nhiều nơi nhưng Thành phố Hà Nội đã kịp thời có các hoạt động để ngăn chặn, nhanh chóng kiểm soát được trong thời gian ngắn, không để bùng phát mạnh, người dân chúng tôi rất phấn khởi”.
Ông Nguyễn Thanh Bùi cũng chia sẻ, trong thời gian giãn cách, không chỉ người cao tuổi trong khu vực này mà người dân cũng luôn cố gắng tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thành phố như: Luôn luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, những nơi sinh hoạt chung đều có nước rửa tay khô, cồn để sát khuẩn, mọi người cũng luôn giữ khoảng cách, không tụ tập, hạn chế ra khỏi nhà… Cư dân cũng thường xuyên được nhắc nhở thực hiện phòng dịch, được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng, thiết lập vùng xanh… Những hoạt động đó làm cho người dân rất yên tâm.
Clip những vùng xanh tại Hà Nội được thiết lập bằng chính sự quyết tâm của chính quyền và người dân:
Suốt 2 tháng giãn cách vừa qua, nhờ có những quyết định kịp thời, dịch COVID-19 nhanh chóng dc kiểm soát; từng bước được đẩy lùi. Tuy hiện nay xác định không theo đuổi mục tiêu “không COVID-19”, đâu đó trong cộng đồng vẫn còn có ca mắc nhưng Hà Nội đã tự tin đưa cuộc sống về “bình thường mới”. Hà Nội từng bước nới lỏng nhưng không mở cửa ồ ạt, bình tĩnh kiểm soát dịch bệnh theo chiến lược mới, để đảm bảo cuộc sống cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, để có được những thành công bước đầu trong chống dịch thời gian qua, là sự tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch của đại đa số người dân Thủ đô. Từng gia đình, từng khu phố, từng phường, xã đã thực sự là những pháo đài vững chắc, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Điều này là minh chứng rõ nét nhất của tinh thần đoàn kết chống dịch, thể hiện niềm tin tưởng tuyệt đối của người dân Thủ đô với các quyết sách của Thành phố.
Hẳn không ai không khỏi ngỡ ngàng khi thấy đường phố Hà Nội vắng vẻ ngay từ những giờ phút đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội. Chỉ thị của Thành phố đã ra, và người dân ngay lập tức tuân thủ đã tạo nên một hệ thống vận hành nhịp nhàng, ít xáo trộn nhất.
Tuy vẫn có một số hiện tượng người dân lơ là, chủ quan, vi phạm các quy định phòng, chống dịch, nhưng các biện pháp mạnh tay kiểm tra, xử phạt cũng đã được thực hiện để xốc lại tinh thần phòng dịch trong cộng đồng. Hàng loạt chốt kiểm soát trong nội thành cũng được lập ra để kiểm tra việc người dân ra đường không có lý do chính đáng. Các lực lượng như: Công an phường, Công an quận, Cảnh sát giao thông, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, nhân viên y tế và cán bộ địa bàn... đã được huy động tại các chốt kiểm soát nhằm đảm bảo tốt nhất việc tuân thủ của người dân.
Nhờ tất cả sự vào cuộc đó, các ca mắc của Hà Nội giảm dần, Hà Nội đã trải qua giai đoạn chống dịch khó khăn nhất, đến nay dịch đã trong tầm kiểm soát, các hoạt động đã được nới lỏng từ ngày 16/9.
Song để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo thành phố vẫn luôn xác định những rủi ro, mất an toàn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đơn cử như vừa qua, sự xuất hiện của chùm ca bệnh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau nhiều ngày Hà Nội không có ca mắc trong cộng đồng là một ví dụ về việc có thể xuất hiện ca cộng đồng khi xác định sống chung với dịch.
Với quan điểm không mở ồ ạt mà mở dần từng bước, vừa mở vừa đánh giá thận trọng, kết hợp tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân, xác định phòng dịch hơn chống dịch; Thành phố sẽ tiếp tục quan điểm nhất quán là luôn linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch để vừa bảo đảm phát triển kinh tế, vừa bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đánh giá: Cách làm của Hà Nội là phù hợp, cần thiết, đáp ứng được yêu cầu phục hồi sản xuất, đảm bảo sinh kế cho người dân nhưng vẫn kiềm chế, kiểm soát phần nào nguy cơ bùng phát dịch.
Xác định chuyển trạng thái từ “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của hai chủ thể trung tâm của trạng thái này, đó là người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, đưa dịch vụ y tế đến gần người dân nhất. Đồng thời, thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vaccine để trong những tháng tới cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1.
Phát huy truyền thống Thủ đô Anh hùng, với những chính sách thích ứng linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn dịch bệnh, với nội lực và quyết tâm của thành phố song hành có sự quan tâm của Trung ương, sự giúp đỡ của các bộ, ngành, các địa phương bạn, Hà Nội sẽ luôn là Thủ đô an toàn, là pháo đài vững chắc của cả nước trong trận chiến với COVID-19. Cùng với cả nước, Hà Nội sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, mở ra giai đoạn phục hồi, phát triển, ổn định đời sống cho người dân Thành phố Vì Hoà bình.
Bài: Tạ Nguyên
Ảnh, clip: TTXVN, Trung Nguyên, nhóm phóng viên báo Tin tức. Đồ họa: TTXVN
Trình bày: Tuệ Thy
10/10/2021 07:24