Hơn 120 năm trước, Long Biên là cây cầu sắt đầu tiên nối hai bờ sông Hồng của Hà Nội, trở thành một phần lịch sử của thành phố. Những ngày mùa thu năm 1954, cây cầu đón đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô và đóng vai trò kết nối giao thương giữa hai bên bờ sông cho đến hôm nay. Nhiều cây cầu khác lần lượt ra đời những năm sau này tạo nên diện mạo mới ngày càng hiện đại hơn cho thành phố. Đó vừa là nhân chứng lịch sử, vừa là điểm nhấn cho sự phát triển mạnh mẽ của Hà Nội.
Cầu Long Biên là cây cầu mang tính biểu tượng không chỉ của Hà Nội mà của cả đất nước ta trong suốt những năm dài kháng chiến. Cầu do Pháp xây dựng từ 1898 đến 1902, là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên. Đây là công trình nổi tiếng thế giới lúc bây giờ khi được xây dựng, đưa vào khai thác với thiết kế hiện đại đầu thế kỷ 20.
Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...
Theo thiết kế, cầu Long Biên có chiều dài 2.290 m qua sông và 896 m đường dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40 m (kể cả móng), đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6 m và luồng đi bộ là 0,4 m.
Một trong những nét độc đáo, tạo nên thương hiệu của cầu Long Biên là luồng giao thông trên cầu thay vì theo hướng đi xuôi bên phải thì lại được thiết kế hướng đi xuôi ở phía trái cầu.
Cầu Long Biên giúp kết nối ba tuyến đường sắt huyết mạch Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai với đường sắt quốc gia chạy xuyên tâm từ phía bắc TP Hà Nội đi tuyến phía Nam. Hiện nay, cây cầu này đang xuống cấp nghiêm trọng và liên tục được tu sửa để duy trì tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn. Cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã một lần nữa thử thách sức chịu đựng của "Bà đầm già" cầu Long Biên vắt mình qua 3 thế kỷ.
Dù vậy, cho tới giờ, cầu Long Biên vẫn là cây cầu đẹp nhất Hà Nội. Dường như vẻ đẹp ẩn chứa bên trong cây cầu còn là sự thử thách cho sức sáng tạo nghệ thuật. Kiến trúc cầu là sự giao hòa của nét cổ điển và hiện đại tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho những du khách đến với Hà Nội và với cả những bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh, đem lại những cảm hứng sáng tạo cho những người yêu và gắn bó với thành phố này.
Năm 1974, cầu Thăng Long đã được khởi công xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao qua hai bờ sông Hồng, đồng thời nhằm giảm áp lực cho cầu Long Biên.
Ban đầu, cầu Thăng Long được phía Trung Quốc hỗ trợ xây dựng, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã ngừng lại. Trước áp lực về nhu cầu giao thông nên Chính phủ nước ta vào thời điểm đó đã đề nghị Liên Xô giúp đỡ và cây cầu tiếp tục được xây dựng vào năm 1979.
Ngày 9/5/1985, sau 11 năm thi công, cầu Thăng Long đã được đưa vào sử dụng. Theo thiết kế, cầu có kết cấu giàn thép dài 3.250m, gồm 2 tầng với 25 nhịp phần cầu chính và 46 nhịp đường dẫn của đường sắt và đường xe thô sơ. Hai làn cầu riêng biệt rộng 3,5m mỗi làn, dùng cho phương tiện thô sơ. Phần giữa tầng 1 là đường dành cho tàu hỏa chạy tuyến Văn Điển - Bắc Hồng và xe máy, xe đạp rộng 11 m. Tầng 2 dành cho các loại xe cơ giới có chiều rộng 21m, hai làn dành cho người đi bộ tham quan.
Cầu Thăng Long được xem là cây cầu biểu tượng cho tình hữu nghị bền vững giữa Việt Nam và Liên Xô. Đến nay, mỗi khi đi qua cầu Thăng Long, nhiều người vẫn chú ý đến tấm biển biểu tượng hữu nghị Việt - Xô dựng ở ngay đầu cầu. Khí thế Rồng Bay hòa quyện biểu tượng mang hình cánh buồm thể hiện tình hữu nghị mãi mãi vươn xa, vững bền.
Sau nhiều lần xuống cấp, vào tháng 8/2020, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long chính thức được khởi công. Sau 5 tháng thi công, cầu Thăng Long được thông xe trở lại ngày 7/1/2021 với khả năng chịu lực tăng gấp 3 lần so với trước đây.
Nằm gần với cầu Long Biên về phía hạ lưu sông Hồng, cầu Chương Dương là cây cầu có thời gian thi công ngắn nhất của nước ta khi chỉ mất chưa đến 2 năm (từ tháng 10/1983 - 6/1985).
Vào những năm 1980, đất nước ta bước vào thời kỳ tái thiết sau chiến tranh, nhu cầu đi lại của người dân ở nội thành và ngoại thành Hà Nội tăng cao trong khi chỉ có mỗi cầu Long Biên, còn cầu Thăng Long vẫn đang trong quá trình xây dựng. Trước tình thế cấp bách, để phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo lưu thông phương tiện giữa các tỉnh phía Bắc, mùa xuân năm 1983, ý tưởng về một dự án xây cầu vượt sông Hồng tại bến Chương Dương đã được đặt ra. Ban đầu, cầu Chương Dương có tên gọi Mùa Xuân và thiết kế kiểu cầu treo nhiều nhịp liên tục.
Khởi công vào tháng 10/1983, công tác đóng cọc làm mố neo được nhanh chóng tiến hành. Nhưng sau 6 tháng thi công, nhận thức được nhiều bất cập giữa khả năng áp dụng công nghệ hiện đại và thực tiễn của ngành xây dựng giao thông khi đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sỹ Nguyên đã phải đưa ra một quyết định khó khăn nhưng vô cùng đúng đắn là chuyển cầu treo Mùa Xuân thành cầu cứng Chương Dương.
Cầu Chương Dương là cây cầu lớn đầu tiên được thiết kế và thi công hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư Việt Nam. Cầu dài 1.230 m, gồm 21 nhịp, chia làm 4 làn xe chạy hai chiều, mỗi bên rộng 5 m. Thiết kế ban đầu của cầu ước tính đáp ứng 7.000 phương tiện mỗi ngày nhưng sau đó lượng xe tăng gấp 3 - 4 lần.
Ngày nay, cầu Chương Dương vẫn là một trong những cây cầu có lưu lượng người và phương tiện qua lại đông nhất của Hà Nội. Cầu đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, giải quyết cơ bản việc đi lại và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố phía Bắc. Từ khi có cầu Chương Dương, vùng đất phía Đông của Hà Nội đã đổi thay, từ các làng mạc, ruộng đồng những khu đô thị, nhà máy, phố phường tấp nập đã mọc lên, mang tầm vóc một đô thị hiện đại, trẻ trung, năng động. Gần 4 thập kỷ qua, cầu Chương Dương vẫn kiêu hãnh song hành cùng sự phát triển của Thủ đô, một nhân chứng về quá trình đổi mới đi lên của đất nước và là một phần của lịch sử Hà Nội.
Cầu Thanh Trì là một trong những cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài và rộng nhất Việt Nam, đồng thời cũng là công trình cầu được thi công với nhiều ứng dụng công nghệ mới.
Cầu Thanh Trì được khởi công năm 2002 và thông xe năm 2007, có tổng mức đầu tư 410 triệu USD nằm trên trục Vành đai 3, là tuyến giao thông huyết mạch kết nối với Quốc lộ 1A, Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… nên có mật độ giao thông rất cao.
Cầu bắt đầu từ điểm cắt Quốc lộ 1A tại Pháp Vân (Thanh Trì), điểm cuối cắt Quốc lộ 5 tại Sài Đồng (Gia Lâm). Phần cầu chính dài 3.084 m, rộng 33,1 m chia làm 6 làn xe chạy, trong đó 4 làn cao tốc cho phép chạy 80 km/h.
Cầu Thanh Trì đi vào khai thác đã giải tỏa sức ép giao thông đè nặng lên cầu Chương Dương, đồng thời phân bổ và giảm bớt đáng kể lưu lượng xe, nhất là xe tải, lưu thông qua nội thành Thủ đô. Cùng với đường Vành đai 3 (Hà Nội), cầu Thanh Trì nối Quốc lộ 1, liên kết vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với trục giao thông Bắc - Nam, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Cầu Đông Trù là công trình đặc biệt chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Cầu bắc qua sông Đuống nối liền quận Long Biên và huyện Đông Anh, được khởi công xây dựng từ năm 2006 và khánh thành vào ngày 9/10/2014.
Theo thiết kế, cầu dài 1,1 km, rộng 55m với 8 làn xe có tổng mức đầu tư 882 tỷ đồng. Ngoài hệ thống đường dẫn, cầu gồm 3 nhịp chính trong đó 2 nhịp biên dài 80 m và nhịp giữa sông dài 120 m.
Ban đầu, cầu do Tổng công ty cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) thi công kết cấu vòm ống thép nhồi bê tông lần đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đến tháng 6/2012, đơn vị này xin rút khỏi dự án nên TP Hà Nội đã chọn Cienco1 là nhà thầu chính. Ngay khi nhận triển khai dự án, Cienco 1 đã huy động trên 500 cán bộ, công nhân và làm 3 ca liên tục trên công trường để đáp ứng và hoàn thành công trình đúng tiến độ.
Với quy mô lớn và yêu cầu khắt khe về mặt công nghệ, cầu Đông Trù đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về tiếp thu khoa học, công nghệ mới thi công loại hình cầu vòm ống thép nhồi bê tông nhịp độ lớn của Tổng công ty Cienco1 và là công trình tiêu biểu của ngành cầu đường Việt Nam.
Ngày nay, cầu Đông Trù giúp kết nối hạ tầng giao thông phía bắc Hà Nội, tạo nên trục Vành đai 2. Phương tiện đi từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… sẽ dễ dàng đến thẳng sân bay Nội Bài.
Ngoài công năng vận tải, cầu Đông Trù còn là điểm nhấn cảnh quan với kiến trúc thượng tầng lộ thiên rất đẹp. Công trình này cũng đánh dấu sự thay đổi về tư duy của thành phố Hà Nội khi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Cầu Nhật Tân nằm trên trục đường Vành đai 2 của Hà Nội, được khởi công vào năm 2009 và khánh thành ngày 4/1/2015, với tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng. Đây là cầu dây văng đầu tiên của Hà Nội với tổng chiều dài gồm đường dẫn là 8.900 m, phần chính cầu dài 1.500 m. Sáu nhịp dây văng kết hợp cùng 5 trụ tháp hình thoi - tượng trưng cho 5 cửa ô.
Ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp, phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiến tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam như: Công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép, đặc biệt là kết cấu móng vòng vây cọc ống thép (SPSP).
Mặt cầu rộng 33,2 m với 8 làn xe cho cả hai chiều, chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe buýt, 2 dải hỗn hợp, phân cách giữa, đường dành cho người đi bộ.
Cầu Nhật Tân được khánh thành đồng bộ với đường Nhật Tân - Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc hiện đại, rút ngắn gần một nửa thời gian di chuyển từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội. Cầu Nhật Tân được xem như là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong mối quan hệ kinh tế - ngoại giao.
Cầu Nhật Tân là điểm nhấn thẩm mỹ độc đáo, tô điểm thêm nét quyến rũ cho Hà Nội. Ban đêm, cây cầu khoác lên mình bộ áo mới đầy màu sắc với hệ thống đèn Led chiếu sáng hiện đại, tạo nên khung cảnh lôi cuốn soi bóng xuống mặt nước sông Hồng.
Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng nằm trên tuyến Vành đai 2 nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên. Ngày 3/2/2005, dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1 được khởi công với tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành sau 2 năm xây dựng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, trượt giá vật tư khiến công trình đội lên tới 5.500 tỷ đồng và phải tới tháng 9/2009 mới có thể khánh thành, đưa vào khai thác.
Chiều dài tuyến chính cầu dài 5.800 m, phần vượt sông dài 3.700 m. Mặt cầu Vĩnh Tuy rộng 19m, được quy hoạch mở rộng trong giai đoạn 2 là m, trở thành cầu rộng nhất Việt Nam.
Sau hơn 11 năm đưa vào khai thác, tháng 1/2021, Hà Nội tiếp tục khởi công xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2. Cây cầu này nằm song song và được thiết kế với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1, gồm 4 làn xe lưu thông. Ngày 30/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2 sau hơn 2 năm thi công.
Cầu Vĩnh Tuy góp phần rút ngắn lộ trình từ trung tâm Hà Nội ra Quốc lộ 5 đi Hải Phòng, Quảng Ninh khoảng 3 km, giảm tải cho cầu Chương Dương và Long Biên.
Điểm nhấn đặc biệt của cầu Vĩnh Tuy là cầu được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng và trang trí cực kỳ độc đáo, ấn tượng. Đèn trang trí được lắp bằng các cột cao - thấp, tạo ra những dải sóng ánh sáng nhấp nhô trên mặt cầu vào ban đêm. Ngoài ra, cầu còn được tô điểm hình ảnh Khuê Văn Các trên đầu chim hạc mang tính biểu tượng của Thủ đô.
Bài: Bảo An (tổng hợp)
Ảnh: TTXVN
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Nguyễn Hà
29/09/2024 06:10