Bước ra khỏi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vừa tròn 40 năm, hôm nay trên vùng đất biên cương xa xôi ở các tỉnh biên giới phía Bắc, cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng biên đã thay đổi từng ngày. Những ngôi nhà cao tầng xen lẫn những nếp nhà truyền thống của đồng bào Mông, Thái, Tày, Nùng, Dao, Hà Nhì… ven quốc lộ dẫn ra biên giới như tô điểm sắc xuân tươi đẹp. Nhân dân các dân tộc vùng cao đang vươn mình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Một vùng biên cương bừng sáng, tiếng trẻ thơ ríu rít tới trường, nô đùa bên những gốc đào mùa xuân ấm áp.
Chúng tôi lên xã Pha Long, Mường Khương (Lào Cai) nơi biên cương Tổ quốc trong tiết trời mùa xuân. Dọc quốc lộ 4D từ thành phố Lào Cai dẫn ra huyện biên giới Mường Khương, hoa đào, hoa lê nở rộ xen lẫn những khóm hoa ban rừng thắm đỏ, báo hiệu một năm mới mưa thuận gió hòa. Từ trong xe ô tô nhìn ra hai bên đường, thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng, mái vẩy lợp ngói hiện đại liền kề với những nếp nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa như minh chứng sự giầu có của vùng đất biên cương đang từng ngày phát triển.
Nhìn bức tranh kinh tế - xã hội vùng biên phát triển, đồng bào no ấm như ngày hôm nay ít ai biết được 40 năm về trước, miền sơn cước Pha Long, Mường Khương đau thương phải chống đỡ trước quân Trung Quốc xâm lược, bất chấp luật pháp quốc tế, mang súng đạn giày xéo bắn giết những người dân thường vô tội.
Trong tâm khảm của người lính già Mai Khánh Thát, nguyên đồn trưởng Đồn biên phòng Pha Long năm xưa vẫn nhớ như in: Lúc 5 giờ ngày 17/2/1979, trời còn tối đen như mực. Gió mùa đông bắc lạnh buốt, 2 trung đoàn bộ binh Trung Quốc lặng lẽ vượt qua biên giới bao vây căn nhà lá của Trạm kiểm soát biên phòng Lồ Cố Chin và bắn xối xả hòng tiêu diệt cán bộ chiến sĩ của trạm. Tất cả 8 đồn biên phòng trên tuyến biên giới và hai đại đội cơ động của Công an vũ trang Hoàng Liên Sơn (nay là Bộ đội biên phòng) đều nổ súng đánh địch. Một số đơn vị mất liên lạc ngay từ phút đầu. Trong điều kiện Ban Chỉ huy tỉnh ở xa, các đơn vị đều phải độc lập chiến đấu theo phương án đã định trước. Ở các đồn công an vũ trang, địch đều dùng trên dưới 1 tiểu đoàn để tấn công vào mỗi đồn. Ngay từ phút đầu địch đã bao vây tiến công chiếm giữ các điểm cao, chia cắt không cho các chốt biên phòng chi viện cho nhau. Đồn Na Lốc, Mường Khương chiến đấu đánh địch ngay từ chiều 16/2/1979. Đến trưa ngày 17/2/1979, địch ồ ạt tấn công vào các đồn, cán bộ, chiến sĩ cả hai đơn vị đều chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Mặc dù lực lượng của địch đông gấp nhiều lần, lại được xe tăng, pháo binh chi viện, nhưng cả hai đơn vị vẫn bình tĩnh kiên quyết chống trả, bảo vệ địa bàn. Đồn biên phòng Nậm Chảy cũng là đơn vị chiến đấu kiên cường; vừa tổ chức vũ trang chiến đấu đẩy lùi các đợt tiến công của địch vừa bám sát địa bàn, bám dân, bám cơ sở. Thượng úy, đồn trưởng Hoàng Minh Ất vừa họp xong ở tỉnh, nghe tin địch tấn công biên giới đã nhanh chóng cắt rừng về chỉ huy đơn vị chiến đấu. Cán bộ chiến sĩ đồn Nậm Chảy đã lợi dụng địa hình thiên nhiên. Vừa chiến đấu với địch, đồn Nậm Chảy vừa củng cố chính quyền nhân dân, cùng trung đội dân quân địa phương đánh địch bảo vệ làng bản đến cùng. Trên đường rút lui, từ ngày 7 - 10/3/1979, địch tập trung lực lượng đánh ác liệt hòng tiêu diệt lực lượng của ta nhưng các đợt tiến công đều bị các mũi súng chính xác của đồn Nậm Chảy vô hiệu hóa. Trước cửa hang “ông Ất” (người dân lấy tên đồng chí Hoàng Minh Ất để đặt tên cho một cái hang ở địa phương) phơi đầy xác địch. Tiến công nhiều lần không được, địch cho bộc phá đánh sập cửa hang nhưng toàn bộ lực lượng của ta đã kịp thời rút ra cửa khác an toàn.
Căn nhà cấp bốn được xây dựng theo lối truyền thống của đồng bào Mông ấm cúng, phía trước sân có mái che khung thép cao rộng là cơ ngơi của gia đình bà Sềnh Mây Dín, xã Pha Long huyện Mường Khương. Bà Dín kể lại, những năm 1979, Pha Long là vùng chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh, nên công tác gìn giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia là nhiệm vụ không chỉ của các chiến sĩ biên phòng mà của cả đồng bào các dân tộc nơi đây.
Khép lại quá khứ đau thương, ngày nay trên vùng biên giới Pha Long, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều thay đổi. Lòng tin của nhân dân với Đảng cũng chính là niềm tin vào chiến thắng đói nghèo, tạo động lực để nhân dân các dân tộc vùng biên giới vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh biên cương. Xen lẫn câu chuyện về bảo vệ đường biên, cột mốc, bà Dín hào hứng khoe: “Pha Long là khu vực giáp biên nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, nhiều người dân từ các xã vùng cao về đây lập nghiệp. Bao đời nay, được sự quan tâm của Nhà nước, bộ đội biên phòng nên đồng bào yên tâm bám biên, giữ đất, xây dựng đời sống phát triển, không di cư tự do, cảnh giác trước những âm mưu của các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động”.
Ông Giàng Sín Phủ, Chủ tịch UBND xã Pha Long cho biết, thời gian qua Đảng bộ xã xác định vững “lòng dân” chính là bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước ở vùng đất biên cương. Vì vậy, chính quyền xã luôn quan tâm phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động; có nhiều chính sách hỗ trợ cũng như tạo mọi điều kiện để nhân dân vay vốn phát triển kinh tế. Cuộc sống nhân dân được nâng cao đó chính là nguồn sức mạnh giúp xã Pha Long sớm về đích nông thôn mới.
Trên những con đường quanh co uốn lượn của vùng núi đá, những chiếc xe máy dần thay thế cho ngựa thồ trước kia giúp người dân dễ dàng hơn trong việc đi lại, giao thương với bên ngoài. Nông sản làm ra đã có thương lái đưa xe ô tô vào tận thôn bản thu mua. Rồi công trình thủy lợi cũng được đầu tư nhờ nguồn vốn 135, giải quyết được cơn “khát” cho những thửa ruộng vào mùa khô.
Sắc xanh của đồi cây ăn trái đang sinh sôi ở thị trấn Mường Khương. Những đồi cam, quýt mọc lên ngút ngàn tầm mắt, giao thông đã được rộng mở, trường học, trạm y tế được xây dựng. Cuộc sống của người dân vùng biên ải đang vơi bớt cái ám ảnh của nghèo khó một thời. Nơi núi non trập trùng hùng vĩ đã mang cảnh sắc thị tứ bởi nhiều cửa hàng, cửa hiệu treo biển quảng cáo sặc sỡ.
Ông Pờ Sín Sài, trưởng thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương cho biết: Bà con trong thôn Chúng Chải B luôn được BĐBP động viên phát triển cây quýt thay cho cây ngô. Ngày lễ bà con được BĐBP xuống thôn tặng bánh chưng, quà Tết, tuyên tryền pháp luật. Khi có việc cần qua lại biên giới, BĐBP hướng dẫn làm hộ chiếu, sổ thông hành, không tự ý đi đường tắt đường mòn; khi phát hiện có kẻ lạ mặt, bà con báo ngay cho BĐBP…
Thực hiện chương trình chung tay xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, thời gian qua, BĐBP Lào Cai đã hỗ trợ cây, con giống giúp đồng bào phát triển kinh tế. Các chiến sĩ quân hàm xanh đã phối hợp với Hội Nông dân và Mặt trận Tổ quốc các xã biên giới tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào làm đường xây dựng nông thôn mới và tích cực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Được sự hỗ trợ về con giống và kỹ thuật chăn nuôi, nhiều gia đình trên địa bàn đã mạnh dạn tăng gia sản xuất, phát triển đàn gia súc, gia cầm nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần thoát nghèo bền vững. Nhìn màu xanh đang đâm chồi nảy lộc chúng tôi lại nhớ những vườn cam, vườn quýt của anh Vàng Phà Quán (thị trấn Mường Khương), mỗi năm giúp gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng. Vườn cam, quýt ấy, như anh Quán nói, còn giúp nhiều gia đình ở đây đổi đời. Những hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cam, quýt giờ đây không còn là chuyện hiếm ở thị trấn Mường Khương.
Bà Hạ Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch UBND thị trấn Mường Khương tự hào cho biết: "Cây quýt cho giá trị kinh tế cao hơn gấp 3 - 4 lần so với những cây trồng truyền thống khác và đang giúp người dân nơi đây dám nghĩ tới chuyện làm giàu từ cây ăn quả này".
Dải đất biên viễn hoang tàn, xơ xác ngày nào giờ đây đã trở thành những bản làng trù phú… Từ ngày có cây cầu bắc qua sông Chảy nối Mường Khương sang Si Ma Cai, Pha Long như được lột xác. Cây cầu này là con đường chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và cũng là con đường nối tour du lịch từ Tây sang Đông của Lào Cai, gồm Sa Pa - thành phố Lào Cai với Mường Khương đi Si Ma Cai - Bắc Hà và nối với tỉnh Hà Giang.
Buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 của cô và trò Trường Tiểu học Pha Long, huyện Mường Khương thật trùng hợp với tựa đề “Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên” như nhắc nhở các thế hệ trẻ hãy khắc ghi lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta.
Cô giáo Vũ Thị Thu Thảo, Trường Tiểu học Pha Long, huyện Mường Khương cho biết: “Hôm nay tôi đã dạy cho các em bài “Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên” theo chương trình lịch sử lớp 4. Qua bài học này không những giáo dục cho các em tinh thần chống giặc ngoại xâm của ông cha ta thời kỳ trước mà còn giáo dục cho học sinh tinh thần yêu nước, yêu Tổ quốc, nhất là tình yêu quê hương, biên giới”.
Bia trấn ải, nghĩa trang liệt sĩ Pha Long, Mường Khương lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc lồng lộng giữa miền biên ải hòa bình hôm nay như gửi đi thông điệp, gửi đi tiếng lòng về sự tiếp nối tinh thần yêu nước nồng nàn, tiếp bước thế hệ cha ông vì một dải biên cương hòa bình, hữu nghị, phồn vinh.
Ôm bó hoa tươi lên thắp hương cho đồng đội đang nằm lại tại nghĩa trang Mường Khương, cựu chiến binh Lê Văn Định, thị trấn Mường Khương không giấu được những giọt nước mắt. Theo ông Định, 40 năm trước ông là lính biên phòng nằm trong đội hình chiến đấu của Đồn Biên phòng Mường Khương có nhiệm vụ ngăn chặn đội hình tiến công của địch từ bên kia biên giới tràn sang.
40 năm sau ngày cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kết thúc, thi thoảng ông Lê Văn Định lại lên thắp hương đồng đội thân yêu đã không may mắn, hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Những mất mát đau thương và bi tráng khi tận mặt chúng tôi nhìn thấy trên bia mộ ghi danh liệt sĩ ngày tháng năm sinh và ngày hy sinh họ còn rất trẻ. Có người tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi đã ngã xuống cho biên giới bình yên hôm nay.
Ngồi bên bia mộ, ông Định kể lại những ngày oanh liệt cùng đồng đội chiến đấu và vẫn nhớ như in vóc dáng những người đồng chí của mình, kể tên vanh vách những liệt sĩ đang nằm lại trên mảnh đất Mường Khương như: Liệt sĩ Đỗ Văn Bảy, Nông Văn Tư. “Đỗ Văn Bẩy hy sinh khi ấy mới 17 tuổi. Chàng trai quê lúa Thái Bình còn rất trẻ, nói còn chưa vỡ tiếng. Chúng tôi vẫn thường đùa, bây giờ cho đồng chí về quê, chắc gì đồng chí đã biết đường. Đi bộ đội lên đây đa phần là những chiến sĩ trẻ, chắc mới vừa học xong...”, ông Định kể mà hai hàng lệ tuôn rơi.
Trời Mường Khương mây mù sương khói, ảm đạm. Trong bóng tịch dương một người phụ nữ gầy gò đang đứng im lặng trước bia mộ. Bà là Nguyễn Thị Thanh Tính (Yên Bái) lên đây thắp hương cho chồng. Suốt 40 năm qua, năm nào bà Tính cũng lặn lội từ tỉnh Yên Bái lên nghĩa trang Mường Khương để tưởng nhớ và trò chuyện với người chồng đã quá cố. “40 năm trước ông ấy đã hy sinh ngay trên mảnh đất này. Ngày ông ấy hy sinh, tôi lúc đó mới 23 tuổi. Thay chồng nuôi con suốt 40 năm qua và nay chỉ ước nguyện được đưa ông ấy về, nhưng đến nay tôi vẫn chưa thực hiện được”, nước mắt bà Tính hòa cùng với những giọt mưa xuân.
Cũng như bà Tính, hiện có rất nhiều thân nhân các gia đình liệt sĩ cũng ước nguyện được đưa các anh hùng liệt sĩ về quê an táng nhưng do hoàn cảnh khách quan, họ vẫn chưa thực hiện được.
Tại buổi gặp mặt đại biểu thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc mới đây, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Đảng, Nhà nước, nhân dân không bao giờ quên công lao của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ đã chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam”.
Cũng tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định: “Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Với trách nhiệm đó, hệ thống chính sách ưu đãi người có công luôn được bổ sung hoàn thiện phù hợp với từng thời kỳ và điều kiện kinh tế của đất nước”.
Bên cạnh đó, 6 tỉnh biên giới phía Bắc bị quân Trung Quốc tàn phá năm xưa đã và đang thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, quan tâm tới chăm lo tới các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đối tượng được hưởng các chính sách người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.
Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp và các cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng…
Công tác xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, các công trình tưởng niệm liệt sĩ được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính liệt sĩ đã được Đảng, Nhà nước, quân đội quan tâm, chú trọng bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN, đã xác định danh tính cho hàng ngàn liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Trong thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức xã hội cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, biến nhận thức thành hành động thiết thực, cụ thể, tích cực góp phần vào việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt đời sống xã hội.
Các tỉnh biên giới phía Bắc tích cực đẩy mạnh phong trào xã hội hóa công tác người có công với cách mạng. Trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Tiếp tục rà soát, giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với người có công với cách mạng. Đồng thời, tích cực phối hợp thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin…
Ngày nay, trên mảnh đất biên cương của Tổ quốc, đồng bào Tây Bắc nói chung, những người còn sống, những thương, bệnh binh tuy mang thương tật trên mình nói riêng vẫn đã và đang không ngừng phấn đấu vươn lên nối tiếp truyền thống anh hùng trong học tập, công tác, lao động sản xuất, nâng cao đời sống gia đình, góp sức xây dựng quê hương, đất nước, nêu gương sáng cho thế hệ con cháu. Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ đã vươn lên trong cuộc sống, thành đạt trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội, thực sự là công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu.
Nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc cách đây 40 năm là để khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu ấy; tri ân và tôn vinh đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc; tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân, nhất là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân, xương máu và tính mạng để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Bài: Nguyễn Viết Tôn
Trình bày: Hà Nguyễn
25/02/2019 09:30