Chiến tranh đã đi qua hàng chục năm song một số vùng đất rộng lớn ở khu vực biên giới vẫn bị ô nhiễm bom, mìn. Rà phá bom, mìn sau chiến tranh là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, là cuộc “chiến đấu” trong thời bình để trả lại bình yên cho những vùng “đất chết”; giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có các điều kiện đồng bộ về cơ sở hạ tầng, vượt lên khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, bảo vệ biên cương, lãnh thổ quốc gia. Kỳ vọng và niềm tin về dải biên cương xanh, yên bình, ngập tràn sự sống, không còn mất mát về người bởi “tử thần” lẩn khuất trong lòng đất đang mạnh mẽ hơn bao giờ.
Đã 31 năm trôi qua nhưng giờ đây, nhắc đến tiếng mìn nổ chát chúa, bà Vinh Thị Nhọt (65 tuổi, trú tại thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) lại bật khóc. Giơ lên đôi cánh tay cụt đến gần khuỷu, người phụ nữ dân tộc Nùng nghẹn ngào, nước mắt rơi trên gương mặt không còn lành lặn. Cái nghèo và khao khát sớm được trồng trọt, gieo cấy trên mảnh đất cha ông làm bà quên đi hiểm họa bom, mìn đã được chính quyền và các anh bộ đội báo trước.
“Nếu không vì con, tôi đã chết ngay lúc đó. Nhưng rồi mình phải sống!” - bà Vinh Thị Nhọt tâm sự.
Vụ tai nạn bom mìn định mệnh đến với bà Vinh Thị Nhọt vào một ngày cuối năm 1992. Sáng sớm hôm đó, sương mù giăng kín, giá lạnh thấu xương, người phụ nữ dân tộc Nùng rời nhà, hướng lên đồi 424 để nhặt củi, hái rau. Đồi 424 là một điểm cao chiến lược ở thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Nơi này còn rất nhiều bom, mìn, vật liệu nổ từ thời chiến tranh. Chính quyền cùng lực lượng Quân đội đã liên tục cảnh báo, nhắc nhở về những hiểm họa tiềm ẩn.
Cách nhà bà Nhọt vài bước chân là nhà cô giáo Nguyễn Thị Hương, người cũng chịu cảnh thương tật do bom, mìn. Cô giáo Hương kể lại, ngày chị gặp nạn là vào giữa tháng 2 năm 1994. Lúc đó, chị ra làm vườn ở bãi đất trước đó vốn là bãi mìn đã được lực lượng Công binh rà phá và giao cho người dân sản xuất, canh tác. Chị đã "dẫm phải quả mìn to như cái bát, thế là cụt luôn một bên chân”.
“Tất cả mọi thứ quay cuồng trong tôi. Sau 55 ngày điều trị ở bệnh viện, tôi trở về nhà, hai đứa con không nhận ra mẹ, không muốn gần mẹ nữa. Tôi đau đớn vô cùng, cuộc sống lại gặp vô vàn khó khăn. Đã có những suy nghĩ rất tiêu cực trong tôi nhưng sau nghĩ lại, dù có khó khăn, vẫn phải vượt lên chính mình. Năm 1997, tôi quay trở lại với công việc của mình tại Trường Trung học Cơ sở Yên Khoái, huyện Lộc Bình”, cô giáo Nguyễn Thị Hương chia sẻ.
Cách Lạng Sơn hơn 400 km là huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Huyện biên giới này cũng có nhiều hoàn cảnh thương tâm bởi tai nạn bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Một trong số đó là anh Triệu Văn Nguyên, người dân tộc Dao ở thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy. Anh Nguyên năm nay bước sang tuổi 44, bên chân phải cụt gần đến khuỷu gối do dẫm phải mìn khi mở đất làm nương, phát rẫy. Chỉ tay về phía dãy núi mờ xám phía điểm cao 1509 thuộc huyện Vị Xuyên, Hà Giang, anh Triệu Văn Nguyên bảo: "Phía đó còn nhiều mìn lắm", rồi anh cười buồn nói: “Vợ chồng tôi cũng như những người dân Nậm Ngặt rất muốn có thêm đất trồng trọt, phát triển kinh tế nhưng nghĩ đến bom mìn chưa được rà phá ở đó nên không dám vào”.
Nói về những ảnh hưởng nặng nề bởi bom, mìn, bà Hoàng Thị Giang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho hay: Những năm gần đây, địa phương đã được tỉnh và lực lượng Quân đội tích cực, chủ động phối hợp rà phá, nỗ lực khắc phục hậu quả bom, mìn và vật liệu nổ. Tuy nhiên, một số diện tích vẫn chưa được rà phá ở các địa bàn khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người dân. Tính từ năm 1991 đến nay, địa bàn xã đã xảy ra một số vụ tai nạn bom mìn đáng tiếc, khiến các nạn nhân bị ảnh hưởng sức khỏe, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Xác nhận những nguy cơ ẩn khuất dưới lòng đất trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang) Nguyễn Thị Tuyên cũng cho hay: Xã Thanh Thủy là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất trong chiến tranh, bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại ở xã rất lớn. Trên 50 người dân Thanh Thủy đã bị thương do bom mìn. Những người này đi canh tác, chăn thả gia súc do vấp phải mìn dẫn đến cụt chân, cụt tay, cụt cả hai chân, cụt cả hai tay.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Thủy, địa hình của xã phần lớn là đồi núi, xen kẽ thung lũng rất thích hợp cho phát triển nông, lâm nghiệp. Người dân địa phương đã tập trung phát triển những cây trồng thế mạnh như chè, thảo quả cùng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Rất nhiều chương trình, phương án, đề án, kế hoạch sản xuất nông nghiệp đã được huyện và xã triển khai hiệu quả trên địa bàn như: trồng rừng sản xuất gắn với cây dược liệu để từ đó góp phần vào quyết tâm hoàn thành các mục tiêu lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới mà địa phương đã đặt ra. Thế nhưng, tiềm năng đất đai trên địa bàn vẫn chưa được giải phóng hết. Những năm gần đây, các lực lượng của Quân đội đã tổ chức rà phá được hơn 1.000 ha đất ở Thanh Thủy bị ô nhiễm bom mìn. Song diện tích chưa được rà phá bom mìn trên địa bàn xã hiện vẫn còn rất lớn. “Điều này gây khó khăn cho công tác tuần tra đường biên, mốc giới cũng như tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển, nâng cao đời sống của đồng bào nơi đây, nhất là trong tình hình hiện nay, người dân Thanh Thủy đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đất sản xuất", bà Nguyễn Thị Tuyên nói.
Trước thực trạng trên, để góp phần hồi sinh những vùng “đất chết”, những người lính Công binh đang thận trọng, bảo đảm an toàn trong từng chi tiết khảo sát, dò tìm, xử lý bom mìn, vật liệu nổ. Nhưng hóa giải tội ác giấu mặt, "tử thần" trong lớp đất màu mỡ ấy lại là nhiệm vụ đầy thách thức, trực tiếp cận kề hiểm nguy. Chỉ một sơ suất nhỏ có khi phải chấp nhận hy sinh cả tính mạng.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo nhà nước về Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 504) mới đây đã cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề của bom mìn sau chiến tranh. Ước số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích bị ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm hơn 6,1 triệu ha, chiếm hơn 18% tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thượng úy, thương binh Lý Đình Hiếu là quân nhân chuyên nghiệp công tác tại Trạm xá quân y Lữ đoàn Công binh 239 (Bộ Tư lệnh Công binh). Tháng 12/2013, trong một lần nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật liệu nổ tại khu vực biên giới ở bình độ 400 của huyện Tràng Định (Lạng Sơn) để đem lại những diện tích đất sạch cho nhân dân sản xuất, anh bị ngã vào bãi mìn dày đặc còn sót lại sau chiến tranh, khiến anh bị mất nửa chân phải, trở thành thương binh nặng khi mới 21 tuổi.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm trên 40.000 người tử vong, trên 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Từ sau khi chiến tranh kết thúc đến nay, cả nước có trên 2.000 cán bộ, chiến sĩ Công binh hy sinh và bị thương khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn. Vào tháng 11/2020, vụ nổ đầu đạn đã khiến hai chiến sĩ thương vong khi tìm cách hóa giải “thần chết” dưới lòng đất ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Thượng tá Phạm Văn Huỳnh, Phó đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 239 (Bộ Tư lệnh Công binh) cho biết: Vẫn biết bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là nguy hiểm tiềm ẩn, công tác rà phá là trực tiếp đối mặt hiểm nguy đó. Song nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, sẽ gây đau thương cho người dân. Vì vậy, thực hiện Chương trình quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2010 - 2025, Lữ đoàn Công binh 239 đã thành lập các đội rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn với diện tích hàng ngàn héc ta trên các công trình trọng điểm quốc gia như Công trình đường Hồ Chí Minh, đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam, Dự án mở rộng quỹ đất canh tác cho nhân dân khu vực biên giới phía Bắc kết hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.
Theo Thượng tá Phạm Văn Huỳnh, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 239 luôn quán triệt và xác định rõ nhiệm vụ rà phá bom mìn là nhiệm vụ chiến đấu của Bộ đội Công binh thời bình, là thực hiện chủ trương có tính nhân văn, nhân đạo cao của Đảng, Nhà nước nên đều quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Tất cả cán bộ, chiến sỹ đều ý thức được mục tiêu là góp phần trả lại đất sạch, bảo đảm an toàn cho nhân dân canh tác, đồng thời góp phần vào việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ trong các khu vực bị ô nhiễm bom mìn để đưa các đồng đội, các bác, các chú, các Anh hùng Liệt sỹ về với gia đình, quê hương, làm vơi đi phần nào nỗi đau mất mát của những gia đình có người thân ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
“Nhiều vùng “đất chết” do bom đạn chiến tranh còn sót lại nay đã “hồi sinh” tươi cành, xanh lá. Đó cũng là nhờ những đóng góp thầm lặng đầy nguy hiểm của những người lính công binh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn rất nhiều khó khăn trong công tác này. Do vậy, số lượng bom mìn, đạn dược sót lại rất lớn, rải rác trên diện rộng. Đến nay, đất đai bị ô nhiễm vẫn còn chiếm khoảng 20% diện tích cả nước, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và phát triển bền vững”, Thượng tá Phạm Văn Huỳnh nói.
Các huyện biên giới của hai tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang vốn là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Hàng trăm người khuyết tật trên địa bàn các huyện này vốn là nạn nhân của “tử thần” lẩn khuất trong lòng đất. Tiềm năng đất đai chưa được giải phóng, trong khi nhu cầu canh tác là rất lớn. Đời sống nhiều hộ dân tại các xã giáp biên rất khó khăn vất vả, thiếu thốn trăm bề. Thế nhưng, mọi thứ đã và đang dần từng bước đổi thay.
Dựng xe máy bên con đường ngoằn ngoèo dẫn vào đồi thông ở xã Yên Khoái (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), anh Trịnh Văn Tuấn, người địa phương, cầm theo dao cạo mủ thông vừa rảo bước chân cho biết, cách đây hơn 15 năm, khắp khu vực này là những hố đạn, mìn sâu hoắm, dân cư rất thưa thớt, thỉnh thoảng lại nghe trên đồi có tiếng nổ rồi phát hiện trâu, bò chết mà không ai dám vào kéo ra.
Thời gian qua, lực lượng Công binh đã tổ chức rà tìm, tháo gỡ cả trăm ngàn quả mìn, quả đạn các loại ở đây. Từ đó, bàn giao đất sạch cho chính quyền quản lý rồi cho người dân sử dụng, thuê để kinh doanh sản xuất, trồng rừng, phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp. Anh Tuấn khoe, gia đình anh đã nhận hơn 3 ha đất đồi để trồng thông lấy nhựa, trung bình mỗi một héc ta trồng 1.650 cây thông. Anh trồng gần 5.000 cây thông này từ năm 2012 và hiện nay bắt đầu đến thời điểm có thể thu hoạch mủ. Trong mong đợi của anh, mỗi cây thông có thể cho khoảng 6 kg nhựa/năm. Theo giá hiện nay ở địa phương, 1 kg nhựa thông có giá giao động từ 30.000 - 35.000 đồng. Số thông trồng trên 3 ha này của anh có thể sẽ đem lại thu nhập cả trăm triệu đồng.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Khoái Hoàng Thị Giang, địa phương là một trong bốn xã biên giới của huyện Lộc Bình. Dù có Cửa khẩu Chi Ma là nơi giao thương với Cửa khẩu Ái Điểm của Trung Quốc - điều kiện để người dân có thêm việc làm. Song công việc chính của người dân Yên Khoái vẫn là phát triển kinh tế đồi rừng. "Việc rà phá bom mìn hiệu quả đã góp phần quan trọng giúp người dân trong xã có thêm cơ hội, điều kiện để phát triển kinh tế", bà Hoàng Thị Giang khẳng định.
Xã Yên Khoái là một trong những đơn vị được các cơ quan chức năng quan tâm, thực hiện chương trình rà phá bom mìn rất hiệu quả. Trên cơ sở đó, người dân đã có thêm diện tích để sản xuất, trồng rừng và khai thác gỗ, nhựa thông, phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập. “Bình quân thu nhập của người dân xã Yên Khoái hiện nay ở mức 49 triệu đồng/năm. Theo lộ trình phát triển nông thôn mới nâng cao, chúng tôi phấn đấu năm 2024 là 51 triệu đồng/năm. Việc người dân mới đây được thụ hưởng thêm hơn 10 ha đất sạch từ chương trình rà phá bom mìn đã giúp tăng thêm tư liệu sản xuất, tăng thêm thu nhập. Đó chính là một trong những yếu tố giúp xã đạt được chỉ tiêu phấn đấu này” - bà Hoàng Thị Giang chia sẻ.
Tại bản tái định cư Nặm Xà, mảnh đất giáp biên giới thuộc xã Đội Cấn, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, chị Hà Thị Quyên là chủ nhân của ngôi nhà mới khang trang phía cuối bản. Người phụ nữ dân tộc Tày vui vẻ khoe: “Nhà cũ của tôi ở cách đây vài cây số. Năm 2018, tôi được Nhà nước giao quyền sử dụng 400 m2 đất và hỗ trợ 60 triệu đồng làm nhà. Chỗ ở mới có đầy đủ hệ thống điện, nước còn đường giao thông lại đến tận cửa, thấy phấn khởi lắm!”. Theo chị Quyên, sau những năm chiến tranh, bom mìn, vật nổ còn sót lại gây hậu quả rất lớn lên mảnh đất giáp biên giới này. Khắp nơi là hố bom mìn, dân cư rất thưa thớt. Năm 2018, mảnh đất này được lực lượng công binh làm sạch bom, mìn và bàn giao lại cho chính quyền. Một số hộ dân đã mạnh dạn xin được chuyển đến sinh sống, nhận đất canh tác, trong đó có gia đình chị Quyên.
Cùng chung tâm trạng phấn khởi tại nơi ở mới là chị Vi Thị Thơm, cư dân bản tái định cư Nặm Xà. Người phụ nữ dân tộc Tày này nói rằng, khi chuyển ra ở tại khu vực giáp biên giới, cùng với việc nhận về 3 ha đất “bố mẹ chồng để lại” trên chính nơi này “nhưng vì trước đây có bom mìn nên không dám làm gì”, chị đã mạnh dạn nhận thêm đất để trồng rừng, phát triển kinh tế. Trên toàn bộ diện tích đất, chị trồng hàng ngàn gốc quế, bạch đàn cùng trồng lúa. “Riêng cây quế, năm 2020, gia đình mới mua cây giống về trồng. Mới hơn 3 năm, cây đã phát triển khá tốt. Nếu thuận lợi, khoảng 5 năm nữa có thể thu hoạch. Mỗi vụ có thể đem lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng”, chị Vi Thị Thơm khoe.
Cách đây hơn 10 năm, vùng đất này có địa hình chia cắt nên sinh sống không tập trung, lại gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội do bom, mìn, vật nổ còn lại sau chiến tranh. Nhằm khắc phục tình trạng này, năm 2015, UBND tỉnh Lạng Sơn đã quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình di dân thành lập bản mới giáp biên Nặm Xà, xã Đội Cấn. Sau khi được rà phá, làm sạch bom mìn, chính quyền huyện Tràng Định đã cho thi công điện, đường, trường, trạm và hệ thống nước sạch… với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, một bản tái định cư mới khang trang đã dần hình thành. Các công trình điện, đường, trường, trạm đã cơ bản được hoàn thiện. 19 hộ đã chuyển đến sinh sống ở đây. Các hộ chủ yếu làm nông, lâm nghiệp và đời sống ngày càng.
Từ điểm cao trên đường biên giới Việt - Trung, nhìn về hướng nội biên thấp thoáng những nhà ngói đỏ, nhà cao tầng kiên cố nằm ẩn mình sau những vườn quế, bạch đàn, thông xanh mướt. Hai bên đường là những rẫy ngô mênh mông, bạt ngàn. Trung tá Lương Văn Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn ho hay, lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm, đã thông báo có khoảng trên 5.000 ha trên huyện Tràng Định có bom, mìn, vật liệu nổ còn lại sau chiến tranh.
“Được sự hỗ trợ của các đơn vị, vừa qua đã giảm được hơn 2.000 ha ô nhiễm bom mìn. Đối với người dân, việc rà phá này có lợi ích là giúp đồng bào phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế rừng rất hiệu quả. Nhiều hộ nghèo đã đổi đời, thoát nghèo nhờ có mảnh đất để phát triển kinh tế. Đến nay vẫn còn lại trên 3.000 ha đất ô nhiễm bom, mìn. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Công binh sẽ tiếp tục có những dự án thiết thực để rà phá”, Trung tá Lương Văn Tuấn nói.
Cũng trên tuyến biên giới, tại Hà Giang, công tác rà phá bom mìn, vật nổ giai đoạn 2 của Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đặt mục tiêu trong thời gian sớm nhất sẽ làm sạch 1.500 ha đất bị ô nhiễm do bom, mìn ở các xã Minh Tân (Vị Xuyên), Tả Ván và Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ). 8 đơn vị với trên 530 người đã và đang tích cực tìm kiếm, phát hiện, xử lý, thu gom bom, mìn, vật liệu nổ an toàn.
Trong cái oi nồng tháng 7, những người lính Công binh trẻ măng, áo đẫm mồ hôi, gương mặt xạm đen dưới nắng trời gắt, chăng dây, kẻ ô, thận trọng trong từng chi tiết nhằm bắt sống “tử thần” đang giấu mặt dưới lòng đất. Ai cũng hiểu rằng, nhiệm vụ này hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào nơi biên giới.
Trao đổi về việc làm sạch những vùng “đất chết", Đại tá Lại Tiến Giang, Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang cho biết: Diện tích đất đai bị ô nhiễm bởi bom mìn trên địa bàn tỉnh lên tới hơn 90.000 ha. Đến thời điểm hiện tại, Hà Giang dù đã rà phá được hơn 12.000 ha, nhưng diện tích bị ô nhiễm bom mìn còn lại vẫn rất lớn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang tập trung thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật cản nổ tại một số địa bàn trọng điểm của xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) với tổng diện tích thực hiện trên 110 ha, nhằm tạo quỹ đất sạch cho người dân canh tác, đồng thời là cơ sở để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sỹ còn sót lại. “Với sự nỗ lực không quản ngại khó khăn của cán bộ, chiến sỹ Công binh, hàng trăm ha đất đã được rà phá sạch bom mìn và bàn giao cho các địa phương”, Đại tá Lại Tiến Giang thông tin.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết, số lượng bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều đã làm ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước, tác động đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Hà Giang đã xác định thời gian tới, song song với nhiệm vụ rà phá bom mìn là tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. “Rà phá bom mìn là để giảm thiểu tối đa những nguy cơ gây thương vong, tai nạn cho người dân và có diện tích đất cho bà con sản xuất. Từ khi đất sạch mìn, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới đã đến dựng nhà mới, sử dụng đất sạch để trồng ngô, lúa tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo”, ông Trần Đức Quý nhấn mạnh.
Không chỉ tạo quỹ đất sạch để người dân có đất sản xuất, nhiều điểm dân cư mới giáp biên cũng đã hình thành. Màu xanh bình yên đã dần trở về trên những vùng đất trước đó đầy bom, mìn sau chiến tranh. Điều này không chỉ ngày càng nâng cao đời sống người dân mà còn góp phần tạo thế trận quốc phòng toàn dân, với sức mạnh niềm tin về dải biên cương xanh, ngập tràn sự sống.
Bài: Hạnh Quỳnh - Dương Anh Tùng
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà
30/07/2023 06:30