Chỉnh trang và phát triển đô thị là một trong 7 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2016 - 2020 đề ra bao gồm di dời nhà trên và ven kênh rạch, cải tạo chung cư cũ thay thế chung cư mới, chỉnh trang các khu dân cư và xây dựng khu đô thị mới. Mặc dù một số chỉ tiêu chưa thực hiện được hoặc thực hiện không đạt như kỳ vọng nhưng lãnh đạo Thành phố khẳng định các chương trình nói trên sẽ được tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả với các mục tiêu, chặng đường cụ thể trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Di dời nhà trên và ven kênh rạch là chương trình lớn, quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề, từ quy định pháp luật đến chính sách đầu tư. Theo đánh giá của UBND TP Hồ Chí Minh, mặc dù việc di dời nhà trên và ven kênh rạch chưa đạt được kết quả cao nhưng cơ bản đã xác định được các khu vực, phạm vi di dời và một số công tác chuẩn bị đầu tư, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025.

Một căn nhà tạm trên và ven kênh Tẻ (quận 8).
 

Đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, có 21.851 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung nhiều nhất ở Quận 8, Bình Thạnh, Quận 7, Quận 4. Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố phấn đấu cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch bằng việc thực hiện 65 dự án; trong đó, có 59 dự án sử dụng ngân sách. Về sau, thành phố đã điều chỉnh mục tiêu, phân kỳ lại kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành di dời 10.000 căn, đến năm 2021 là 6.646 căn và số còn lại sẽ hoàn thành trước năm 2025.

Theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong 59 dự án dùng ngân sách chỉ có 3 dự án đã hoàn tất bồi thường, di dời được 1.086 căn, giải ngân được 3.849 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2020, tổng số căn hộ đã bồi thường và di dời đạt được từ đầu chương trình là 2.487/20.000 căn (đạt 12,4%).

Nhiều hộ gia đình vẫn còn sinh sống trên và ven kênh Tẻ (quận 8). 

Đối với 6 dự án xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư (PPP), chỉ có 3 dự án đang triển khai các bước chuẩn bị thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, báo cáo đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch là việc làm khó, không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”, thậm chí giai đoạn 5 năm là quãng thời gian ngắn ngủi. Vì thế, việc “gối đầu” chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020 cho giai đoạn tiếp theo là điều đương nhiên.

Nhà ven kênh quận 8.

Lãnh đạo thành phố xác định, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố phấn đấu di dời 10.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung vào các dự án, địa bàn trọng điểm như quận Bình Thạnh (rạch Xuyên Tâm, Văn Thánh), quận 4, 7, 8 (kênh Đôi) và quận Bình Tân. Đối với nhóm dự án sử dụng ngân sách, thành phố phấn đấu hoàn thành việc bồi thường di dời 3.250 căn thuộc 14 dự án đã có chủ trương đầu tư công, đã được phê duyệt; hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với 6 dự án xã hội hóa trọng tâm là triển khai dự án bờ Nam kênh Đôi, quận 8.

Trong khi các chi tiêu di dời nhà trên và ven kênh rạch không mấy “sáng sủa” thì cải tạo chung cư cũ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần cải thiện chất lượng nhà ở cho người dân và cải trang diện mạo nhiều khu phố. 

Chung cư Vĩnh Hội được xây dựng trước năm 1975 bị xuống cấp.

Hiện TP Hồ Chí Minh có 474 chung cư xây dựng trước năm 1975; trong đó có 15 chung cư cấp D (cấp hư hỏng, nguy hiểm). Theo báo cáo của Sở Xây dựng thành phố, từ năm 2016 đến cuối năm 2019, thành phố đã cải tạo, sửa chữa 116 chung cư, dự kiến hết năm 2020 sẽ cải tạo, sửa chữa thêm 83 chung cư đã được ghi vốn khởi công và chuẩn bị đầu tư. Qua đó, ước tính giai đoạn 2016 - 2020, thành phố thực hiện cải tạo, sửa chữa được 199/474 chung cư cũ với tổng mức đầu tư được duyệt là 275,5 tỷ đồng.   

Về tháo dỡ chung cư xuống cấp, xây chung cư mới, giai đoạn 2016 - 2020 thành phố đã hoàn tất thỏa thuận, di dời 836 hộ tại 15 chung cư, tháo dỡ 9 chung cư, lựa chọn đầu tư 11/15 chung cư cấp D đồng thời hoàn thành xây mới 2 chung cư quy mô 876 căn. Hiện thành phố đang thi công xây dựng 2 chung cư mới với quy mô 878 căn.

Người dân sống ở các chung cư cấp xuống cấp được TP Hồ Chí Minh vận động di dời để cải tạo, xây mới.

Như vậy so với chỉ tiêu đề ra (cải tạo, sửa chữa, di dời, xây mới 50% chung cư cũ, tương đương 237 chung cư), giai đoạn 2016 - 2020 thành phố đã thực hiện cải tạo, sửa chữa, di dời, tháo dỡ và xây mới được 222/237 chung cư, đạt 93,67%.

Tuy nhiên, hiện nay tiến độ cải tạo chung cư cũ, xây mới chung cư cũ vẫn còn “ì ạch”. Nguyên nhân được cho là từ những vướng mắc của quy định pháp luật như chưa có bồi thường, hỗ trợ, tạm cư và tái định cư các dự án cải tạo xây mới chung cư cũ. Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chưa đề cập đến việc thực hiện thủ tục thu hồi đất hay không khi thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũng như chưa có quy định cho phép chủ đầu tư thực hiện dự án cải tạo xây dựng thay thế chung cư cũ không thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh từ việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc.

Chung cư hư hỏng, xuống cấp.

Ở khu vực nội thành, các dự án nhà ở bị khống chế về chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, mật độ xây dựng… nên không thể tăng chiều cao công trình, không phát sinh lợi nhuận đầu tư nên doanh nghiệp không “mặn mà”. Trong khi đó Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính cũng chưa thống nhất ý kiến về việc miễn tiền sử dụng đất trong dự án xây dựng mới chung cư có một phần diện tích đất là chung cư cũ và phần còn là đất khác cũng như chưa xác định rõ thời điểm nhà nước tổ chức di dời khẩn cấp đối với chung cư cấp D.

Tuy nhiên, cải tạo chung cư cũ không riêng gì ở TP Hồ Chí Minh mà còn ở một số thành phố khác như Hà Nội cũng đang trong tình trạng “loay hoay”, vừa vướng quy định pháp luật vừa vướng chính sách đầu tư, tái định cư cho người dân. 

Hình ảnh chung cư đã cũ, nhiều phần trần và cột nứt toác, bong tróc.

Để tháo gỡ vướng mắc này, TP Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch phát triển khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội, thực hiện tái định cư tại chỗ cho người dân tại các dự án xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ. UBND thành phố đã ủy quyền cho UBND quận, huyện chủ động sử dụng quỹ nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư, sử dụng hiệu quả 9.435 căn nhà thuộc sở hữu Nhà nước và 2.488 nền đất ở do Nhà nước trực tiếp quản lý có mục tiêu phục vụ tái định cư, chưa bố trí sử dụng. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn tất xây mới 15 chung cư cấp D, hoàn tất sửa chữa cải tạo 245 chung cư cấp còn lại.

Để thực hiện chỉ tiêu này, thành phố sẽ chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng đất đối với các chung cư cấp D có diện tích nhỏ. Bởi hiện nay, có nhiều chung cư cấp D có diện tích dưới 1.000 m2, không kêu gọi được chủ đầu tư hoặc việc xây mới trên nền cũ không đủ tái định cư tại chỗ cho các hộ dân. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ thực hiện việc tổ chức di dời, tháo dỡ và chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất nộp ngân sách.

Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, đối với việc nâng cấp chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã chấp thuận đầu tư 218 dự án nhà ở xen cài trong khu dân cư hiện hữu; trong đó, có 132 dự án khu vực ngoại thành với tổng quy mô gần 1.500 ha, 23,6 triệu m2 sàn xây dựng, gần 164.000 căn hộ chung cư và gần 12.000 căn nhà ở thấp tầng.

Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung nguồn vốn, giao dịch, hàng hóa, tài chính... sẽ được vận dụng tối ưu nhằm xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh đến năm 2025. 

Các quận huyện đã vận động nhân dân bê tông hóa, nâng cấp hàng chục km mặt đường. Thành phố cũng đã đầu tư 365 trường học, 99 công viên, 33 trạm y tế cùng hơn 1.900 công trình dịch vụ công ích khác trong các khu dân cư hiện hữu, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. 

Đối với việc triển khai các khu đô thị lớn, mặc dù chưa hoàn thành, hoàn thiện nhưng đã cơ bản đầu tư hạ tầng đồng bộ, tạo tiền đề để kêu gọi đầu tư, xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, Khu đô thị Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, quy mô 1.354 ha) đã hoàn thành giai đoạn 1 (đầu tư vào các khu công nghiệp), đã bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt 65,4/1.354 ha, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Hiệp Phước.

Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi, quy mô 6.000 ha) đã bồi thường, giải phóng mặt bằng được 3.347 ha của giai đoạn 1, thành phố đang thưc hiện thủ tục đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật giao đối với khu tái định cư, nhà ở xã hội (917,8 ha), hạ tầng kỹ thuật các khu trường đại học, cao đẳng (131 ha).

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. 

Trong khi đó, Khu đô thị Nam thành phố (huyện Bình Chánh) đã xây dựng tương đối hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông chính, đầu tư xây dựng phát triển thêm 1,86/4,2 triệu m2 sàn xây dựng; đồng thời, đang được tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch. Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (huyện Cần Giờ) cũng đang được điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát triển huyện Cần Giờ thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí; trong đó, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Đánh giá chung việc quy hoạch và triển khai quy hoạch các khu đô thị mới trên địa bàn, theo UBND TP Hồ Chí Minh, trong hơn 10 năm trở lại đây, không gian thành phố đã mở rộng vào các khu vực đã kết nối công nghiệp và trũng thấp, mở rộng ra bên ngoài và dàn trải trên nhiều hướng, bên cạnh hướng chính là Đông, Tây Nam và 2 hướng phụ là Tây Bắc, Nam.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. 

Việc chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là lực lượng lao động có thu nhập thấp, trung bình đồng thời hạn chế việc “mọc lên” các khu dân cư tự phát, theo vết dầu loang trong quy hoạch đô thị, kéo theo vấn nạn vi phạm trật tự xây dựng. Một số dự án, khu dân cư, khu đô thị hiện đại được hình thành, tạo văn minh đô thị như khu dân cư Him Lam, Trung Sơn, Vinhome Tân Cảng, Khu đô thị Sala Thủ Thiêm, Khu đô thị ven sông Quận 7, Khu dân cư Nam Rạch Chiếc, Khu đô thị Vạn Phúc… 

Các khu đô thị lớn đã được quy hoạch bài bản, khoa học, đồng bộ, bao gồm tất cả các công năng của một đô thị, do những nhà đầu tư có năng lực tài chính quản lý đã làm thay đổi bộ mặt đô thị của thành phố. Các đô thị vệ tinh đã xa hơn, rộng mở hơn so với khu vực trung tâm và được chia thành các phân khu như Khu đô thị phía Nam, Khu đô thị Tây Bắc, khu đô thị An Phú - An Khánh. Hai bên Xa lộ Hà Nội đã xuất hiện nhiều dự án cao tầng hiện đại, đi đôi với phát triển các tuyến giao thông trọng điểm của Thành phố như Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), khu đô thị tương lai của Tập đoàn Vingroup (Quận 9) hay Khu đô thị Vạn Phúc (quận Thủ Đức), dự án nhà phố biệt thự City Land (Quận Gò Vấp)… 

Một số dự án, khu dân cư, khu đô thị hiện đại được hình thành, tạo dấu ấn văn minh đô thị.

Về mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến đến năm 2025, tổng diện tích sàn xây dựng dự Khu đô thị mới Thủ Thiêm đạt 3,1 triệu m2 còn tại Khu đô thị Nam thành phố việc bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ đạt 80% diện tích toàn khu, san lấp và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt 80%, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đạt 60%, đầu tư xây dựng phát triển thêm 3,9 triệu m2 sàn xây dựng. Thành phố cũng phấn đấu hoàn thành lựa chọn chủ đầu tư Khu đô thị Hiệp Phước, Bình Quới - Thanh Đa, hoàn thành dự án hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Tây Bắc. 

Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh trên cơ sở sắp xếp Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Chính phủ đánh giá, việc thành lập thành phố Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo.

Việc chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.

Nhấn mạnh định hướng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thành phố Thủ Đức rộng hơn 21.000 ha và sẽ có khoảng 1 triệu dân và sẽ đóng góp 1/3 kinh tế cho thành phố, tức bằng khoảng 7% GDP của cả nước.

Mục tiêu cốt lõi của thành phố Thủ Đức là trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP Hồ Chí Minh và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố Thủ Đức sẽ gồm Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) đảm nhận vai trò trung tâm tài chính, Khu công nghệ cao (Quận 9) sẽ sản xuất tự động, chuyển đổi ngành công nghiệp. Đại học Quốc gia (quận Thủ Đức) xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, Trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa (Quận 9) xây dựng công nghệ sinh học và công nghệ nông nghiệp còn Trung tâm thể thao Rạch Chiếc (Quận 2) sẽ nâng cấp ngành chăm sóc sức khỏe, thu hút nhân tài đến sống. 

Các khu đô thị lớn được quy hoạch bài bản, khoa học, đồng bộ, bao gồm tất cả các công năng của một đô thị.

Dự tính, việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ giúp TP Hồ Chí Minh khai thác tốt hơn lợi thế về vị trí, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, sức tăng trưởng nhanh và tỉ lệ đô thị hóa cao, dần hình thành các chuỗi giá trị trong các ngành công nghệ cao, phát triển khoa học công nghệ, đồng thời góp phần tinh giảm bộ máy hành chính.

Thiết kế “Thành phố Thủ Đức” hiện đại, xanh - sạch:

Bài: Trần Xuân Tình
Biên tập: Hoàng Linh
Ảnh: TTXVN, Mạnh Linh
Video: Vnews
Trình bày: Nguyễn Hà

17/10/2020 06:00