Dấu ấn và đổi mới trong hoạt động của Quốc hội lần này chính là sự năng động, quyết liệt, thể hiện sự sâu sát của Quốc hội với những vấn đề mà đại biểu và cử tri hết sức quan tâm. Những nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội đã được các thành viên Chính phủ điều chỉnh ngay; những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống được nhanh chóng đưa vào Luật, và những điều luật mà cuộc sống đang rất bức thiết thì nhanh chóng được quyết định hiệu lực thực thi.
Theo dõi kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại diện cơ quan đân cử, lãnh đạo các Sở, ngành trên toàn quốc đều bày tỏ sự ấn tượng về một kỳ họp sôi nổi, trách nhiệm với nhiều nội dung chương trình, quyết sách được thông qua. Đặc biệt, những vấn đề chất vấn đã kịp thời được điều chỉnh, đáp ứng mong mỏi của cử tri.
Ông Phạm Xuân Phú, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Tôi đặc biệt ấn tượng với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các nội dung được lựa chọn đưa vào chương trình chất vấn và trả lời chất vấn trúng và đúng những nhóm vấn đề nổi cộm, được đông đảo cử tri cả nước quan tâm. Diễn biến của phiên chất vấn cho thấy, sự sâu sát thực tiễn và tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm của cả ĐBQH và các bộ trưởng, thành viên Chính phủ”.
Trước mối quan tâm của đại biểu, các Bộ trưởng, trường ngành đã thẳng thắn, trách nhiệm và cầu thị, đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp khả thi cho giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài… Việc điều hành dứt khoát, linh hoạt, gợi mở của Chủ tọa đã phát huy tinh thần dân chủ trong từng nội dung chất vấn. Thành công của kỳ họp này góp phần lan tỏa tới kỳ họp của HĐND các địa phương, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh để hoạt động của HĐND cũng ngày càng đổi mới, hiệu quả hơn nữa.
Ông Bùi Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cho biết: “Theo dõi những ngày làm việc sôi động vừa qua, có thể thấy nhiều vấn đề nóng được các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn để chất vấn rất đúng và trúng vào những vấn đề thực tiễn đang cần phải giải quyết và cử tri quan tâm”.
Lấy ví dụ với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, ông Bùi Quang Trí cho biết, nội dung chất vấn tập trung vào việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn; lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tập trung vào việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo… Dưới điều hành linh hoạt, khoa học của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các ĐBQH đã hỏi nhanh, đáp gọn, tập trung làm rõ những vấn đề đặt ra.
Kết thúc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá: Phiên chất vấn tại kỳ họp này cho thấy các nội dung chất vấn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đúng và trúng những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.
Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Các đại biểu Quốc hội qua thực tiễn hoạt động của mình đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu câu hỏi cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực, đi thẳng vào các vấn đề. Hầu hết các đại biểu khi hỏi chỉ nêu một vấn đề nên có nhiều đại biểu được chất vấn và cũng thuận lợi cho việc theo dõi, ghi chép và trả lời của chủ tọa, của các bộ trưởng, trưởng ngành.
Nội dung câu hỏi các đại biểu Quốc hội đề cập, nêu ra, cơ bản thuộc nội dung phạm vi chất vấn. Theo đó, quá trình chất vấn các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.
Cũng theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực, đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Đại biểu Vũ Ngọc Long, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho biết: Các thành viên Chính phủ rất nghiêm túc, cầu thị trong phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày tại Kỳ họp thứ 7. Những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn trực tiếp hay gửi bằng văn bản đều đã được các thành viên Chính phủ quan tâm trả lời và Phó Thủ tướng Chính phủ có những phát biểu, chia sẻ làm rõ thêm.
Các vấn đề chưa rõ, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan tiếp thu để nghiên cứu, đưa ra các giải pháp để đề xuất thay đổi các quy định trong các dự án luật liên quan. Chẳng hạn như việc chống mặt trái của thương mại điện tử, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, đã có thêm Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có nêu một câu rất ấn tượng là những vấn đề về công nghệ thì phải giải quyết bằng giải pháp công nghệ, chứ không thể sức người mà làm được.
Còn Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, nhiều kỳ họp, các phiên chất vấn lại đã được thực hiện và mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trở lại đây, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội cũng như Ủy ban thường vụ Quốc hội, thay vì tổ chức giám sát vào giữa và cuối nhiệm kỳ thì giao cho các cơ quan của Quốc hội tiếp tục giám sát ngay khi Nghị quyết có hiệu lực.
Giải pháp là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết để triển khai hoạt động này. Ngoài nghị quyết về xử lý ý kiến, kiến nghị của cử tri; Nghị quyết về giám sát văn bản quy phạm pháp luật; Tổ chức nghị quyết quy định về hoạt động giải trình ở các cơ quan… Đây là các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tổ chức giám sát lại các lời hứa của các thành viên Chính phủ trong phiên chất vấn. Đây là giải pháp rất tích cực, thực sự hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ: “Cách chất vấn ở Kỳ họp thứ 7 là cơ quan chủ trì nhưng nhiều bộ ngành cùng tham gia trả lời chất vấn, trong đó có cả Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về chất vấn, Quốc hội tiếp tục tổ chức giám sát việc thực hiện này và giao cho các cơ quan của Quốc hội tùy theo chức năng, tổ chức giám sát. Đây là một trong những vấn đề cần tiếp tục được tuyên truyền để các thành viên Chính phủ cũng như các cơ quan của Quốc hội nhận thấy trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức giám sát ngay khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua. Có như vậy sẽ mang lại kết quả tốt hơn, thay vì để Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện và tới giữa nhiệm kỳ, cuối nhiệm kỳ mới thực hiện giám sát lại”.
Chẳng hạn như Nghị quyết 43 về Chương trình mục tiêu Quốc gia, Quốc hội đã giám sát ngay trong quá trình triển khai thực hiện. Như vậy, chúng ta mới tháo gỡ kịp thời, Nghị quyết mới đi vào cuộc sống.
Tại kỳ họp thứ 7, chất vấn đã được gói gọn trong đúng tinh thần chất vấn, giải quyết những vấn đề nóng, nổi lên trong thời gian ngắn. Còn nếu tổ chức giám sát trong quá trình dài sau khi các cơ quan Quốc hội tổ chức chưa có hiệu quả, Quốc hội nên tổ chức giám sát chuyên đề. Hoặc thảo luận kinh tế xã hội với những vấn đề mang tầm vĩ mô, không phải là những vấn đề cụ thể được xử lý khi tổ chức chất vấn.
“Chúng ta tách biệt nguyên tắc tiếp cận của các hình thức chất vấn và nội dung mà tổ chức giám sát, việc ban hành nghị quyết ở lĩnh vực này sẽ phát huy tác dụng rõ nét nhất. Tôi kỳ vọng rằng tại kỳ họp thứ 8, 9, Quốc hội khóa XV sẽ thực hiện được nội dung này. Có như vậy mới có cơ sở để giám sát các thành viên Chính phủ triển khai tổ chức thực hiện. Qua đó cũng sẽ quy được trách nhiệm một cách cụ thể các thành viên Chính phủ cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện cam kết của mình cũng như các yêu cầu của Quốc hội. Cử tri mới cảm thấy hài lòng, và cảm thấy các ý kiến của mình được truyền tải tới Quốc hội, các thành viên Chính phủ nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.
Nhiều đại biểu đã biểu dương, ghi nhận các thành viên Chính phủ thực hiện tốt vượt tiến độ đảm bảo chất lượng hiệu quả trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Và phải thực hiện đúng tinh thần Quốc hội, Chính phủ cùng đồng hành đưa chính sách vào cuộc sống, tháo gỡ nhanh nhất nút thắt sớm phục hồi phát triển kinh tế xã hội đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước.
Đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hà Giang đánh giá: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn là phiên được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri rất mong đợi và quan tâm. Tôi đánh giá rằng phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 7 rất thành công. Việc lựa chọn vấn đề để chất vấn đã được các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn rất đúng và trúng những vấn đề thực tiễn đang cần phải giải quyết và cử tri quan tâm.
“Các đại biểu Quốc hội theo đuổi vấn đề và Bộ trưởng rất thẳng thắn, lĩnh vực nào, những thẩm quyền nào thuộc trách nhiệm Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và trách nhiệm của các địa phương tới đâu, Bộ trưởng làm rõ và có giải đáp. Chúng tôi thấy rằng những nội dung trả lời đã đáp ứng được mong đợi của cử tri và đại biểu Quốc hội”, Đại biểu Lý Thị Lan nói.
Đại biểu Lý Thị Lan cho rằng, sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn kết quả đạt được rất tốt, thành công. Đây chính là một kênh để cho Chính phủ nắm bắt thêm những thông tin từ thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đặc biệt là những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều hành từ Trung ương tới địa phương, để từ đó phục vụ trong công tác lãnh chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Đặc biệt, ngay sau phiên chất vấn, thể hiện sự quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, phủ, các bộ, ngành đã bắt tay ngay vào giải quyết những vấn đề đã hứa trước cử tri, những vấn đề đang bất cập mà có thể giải quyết được ngay.
Thủ tướng Chính phủ đã ra ngay về công điện tăng cường công tác quản lý về thương mại điện tử, chuyển đổi số, nâng cao về quản lý ngân sách, thu thuế cho ngân sách nhà nước. Đó là những giải pháp rất kịp thời, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ. Đại biểu đánh giá cao kết quả của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này.
“Đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào giữa vào tháng 6, đây cũng là một cách nhìn nhận lại về công tác điều hành, sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, đưa ra các giải pháp cụ thể hơn trong 6 tháng cuối năm để được những mục tiêu, tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2024”, Đại biểu Lý Thị Lan nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho biết, bốn lĩnh vực được chọn trong kỳ chất vấn lần này đều là những vấn đề bức xúc của xã hội, được dư luận quan tâm. Điều đáng nói, trong quá trình diễn ra phiên chất vấn, những vấn đề đại biểu đặt ra đã có những tác dụng về mặt xã hội. Lần này, các Bộ trưởng đã trả lời đi vào đúng trọng tâm mong muốn của đại biểu, làm rõ vấn đề. Phiên chất vấn vì vậy, như một lần nữa nhắc nhớ các Bộ trưởng trong việc thực thi chức trách nhiệm vụ của mình.
Còn Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp này cho thấy sự chuẩn bị kỹ từ phía Quốc hội và cả cơ quan được lựa chọn trả lời. Quốc hội đã chuẩn bị tài liệu từ trước kỳ họp. Về phía các cơ quan được lựa chọn trả lời chất vấn cũng đã có báo cáo cụ thể, cung cấp thông tin rất đầy đủ để các đại biểu trên cơ sở đó đưa ra nhận định, đánh giá. Một điều nữa, tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội cũng rất cao, phiên chất vấn nào cũng có thêm tới vài chục đại biểu muốn đặt câu hỏi.
Tuy có những nội dung còn phải tranh luận, làm rõ, nhưng cơ bản là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn thẳng thắn. Cho rằng, trong chất vấn và trả lời chất vấn thì khâu quan trọng nhất là lời hứa, cam kết đi vào thực tiễn, Đại biểu Trịnh Xuân An mong chờ trên cơ sở phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này sẽ có một Nghị quyết, trong Nghị quyết đó sẽ nêu cụ thể nhiệm vụ phải làm, thời gian bao lâu để tạo sự chuyển biến. Đồng thời, cùng với trách nhiệm, các ngành lĩnh vực được quan tâm như Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Văn hoá, Thể thao và Du lịch thì những cam kết này phải được đi vào thực tế một cách nhanh nhất, tránh những trường hợp vài năm nữa đại biểu lại phải quay trở lại chất vấn ở những kỳ sau. Các đại biểu mong muốn có những chuyển biến rõ nét hơn trong thời gian tới.
Ngày 29/5, vụ việc trẻ mầm non tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường tại Thái Bình khiến dư luận, cử tri và đại biểu rất bức xúc. Từ đó, đặt ra những vấn đề thực tiễn cần đưa vào quy định trong luật. Ngay sau đó, tại phiên họp thứ 34 vào tháng 6/2024, là phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và bổ sung thêm quy định liên quan đến vấn đề này.
Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ: "Căn cứ tình hình thực tiễn trong thời gian vừa qua, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe".
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, nội dung này đã được bổ sung vào điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của dự thảo luật. Theo đó, Điều 46 (Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non) của dự thảo luật quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non phải đáp ứng một số yêu cầu. Dự thảo luật cũng nêu rõ, khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi…Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.
Ngày 29/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Quốc Khánh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật này. Bộ trưởng nêu rõ, việc sớm đưa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào cuộc sống là phù hợp với chủ trương của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đang là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm như các đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại nghị trường. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư nhất là các dự án đầu tư công, các dự án bất động sản, dự án nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.
Bộ Chính trị đã có ý kiến về việc đưa dự án luật này vào nội dung chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép xây dựng dự án luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn. Do đó, Chính phủ trình các luật trên cùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, việc này thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành, vì vậy cần ủng hộ. Thực tế, việc sửa đổi bốn luật này nhằm khắc phục các vấn đề vướng mắc, khó khăn của thực tiễn, đồng thời đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Do đó, nếu áp dụng được cả bốn luật sớm sẽ có lợi cho người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đánh giá, quyết định này đã thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm của Chính phủ, Quốc hội. “Trong bối cảnh đang phải nói nhiều về tâm lý sợ trách nhiệm trong thực thi, xây dựng thể chế thì nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội thể hiện trách nhiệm, tinh thần "dám làm, dám chịu trách nhiệm" với sự phát triển của đất nước. Việc triển khai hoàn thiện các văn bản hướng dẫn theo báo cáo của Chính phủ cũng đang rất quyết liệt”, Đại biểu nêu rõ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) đánh giá, chúng ta đã có quá nhiều bài học kinh nghiệm, các đại biểu Quốc hội cũng đã nhìn thấy được những tồn tại trong hệ thống luật pháp. Khi luật ban hành xong, có khi phải chờ một thời gian mới đi vào cuộc sống. Cho nên quá trình xây dựng luật gần đây cho thấy bên cạnh dự thảo luật, có thêm các dự thảo nghị định, thậm chí các quyết định và thông tư. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc luật sớm đi vào cuộc sống.
“Ngay từ những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, chúng ta đã có cách làm phù hợp và thể hiện rõ tinh thần Quốc hội đồng hành cùng cuộc sống, đồng hành cùng Chính phủ, nên đã tăng cường thêm nhiều buổi họp như kỳ họp này rất dài. Điều này cho thấy công tác lập pháp của chúng ta đã được đặt lên vị trí quan trọng nhất”, đại biểu khẳng định.
Đại biểu Chu Hồi, Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng cho biết, việc Quốc hội cho phép 4 luật (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng) có hiệu lực sớm hơn 5 tháng theo đề xuất của Chính phủ, cũng như kiến nghị của cử tri là rất đáng hoan nghênh. Nếu không chuản bị tốt quyết liệt để ban hành văn bản dưới luật thì sẽ bị chậm so với kế hoạch. Chính những nghị quyết ban hành phải hiện thực hóa chứ không chỉ cụ thể hóa. Việc hiện thực hóa nghị quyết rất quan trọng, lúc ấy cử tri và nhân dân cả nước mới cảm nhận được những tác động từ chính sách.
Bài: Lê Vân - Thu Trang
Ảnh, video: Lê Vân, Thu Trang, TTXVN
Trình bày: Nguyễn Hà
01/07/2024 06:10