Miền Trung chưa kịp trải qua cơn đại hồng thủy lại đối mặt tiếp với cơn bão kinh hoàng số 9. Trong cảnh thiên tai khó định, nguy hiểm khó lường, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, quân đội lại một lần nữa thể hiện tinh thần “Vì nhân dân quên mình - Vì nhân dân hy sinh” nêu cao tinh thần quả cảm, sẵn sàng đến với đồng bào vùng ngập lũ, sạt lở để thực hiện nhiệm vụ, cứu giúp nhân dân trong lúc gian nguy…

Khi sự cố xảy ra ở thủy điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế), không một phút do dự, đoàn cán bộ, chiến sĩ do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 dẫn đầu đã ngay lập tức lên đường, bất chấp khó khăn nguy hiểm để tìm biện pháp cứu các công nhân đang gặp nạn. Đây là vụ tai nạn không ngờ và chính họ cũng gặp nạn, khi đất đá bất ngờ đổ ụp xuống, cướp đi 13 sinh mạng, trong đó có những chiến sỹ luôn đi về phía nhân dân. Các anh hy sinh là một tổn thất to lớn với quân đội và chính quyền địa phương. Câu nói rất xúc động và sự hy sinh của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng 12 người trong đoàn công tác sẽ mãi mãi được nhân dân khắc ghi.  

Theo Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4, trước khi lên đường, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man nói: “Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút, dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả có hy sinh”.

Cũng trong những ngày này, một tổn thất lớn lao nữa lại xảy ra với cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4. Ngày 18/10, khi nhân dân cả nước đang hướng về Thừa Thiên - Huế, nơi tổ chức truy điệu, tiễn đưa 13 liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng thì lại thêm một tin như sét đánh ngang tai. Đó là 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đóng quân tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cũng đã hy sinh trong đêm 18/10 do sạt lở núi khi đi cứu trợ nhân dân vùng lũ.

Dẫu biết rằng, người lính luôn xác định rõ nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, là nhiệm vu chính trị - là một trong những nhiệm vụ "chiến đấu" trong thời bình của quân đội..., nhưng sự hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 trong khi làm nhiệm vụ cứu giúp nhân dân vẫn để lại sự xót thương trong mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Các anh là tấm gương vì nhân dân phục vụ, thể hiện phẩm chất của người quân nhân cách mạng, bản chất của quân đội nhân dân Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ, luôn vì nhân dân quên mình.

Với truyền thống, bản chất cao đẹp, quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng và Bác Hồ rèn luyện, luôn thể hiện ý chí quyết tâm dù là trong chiến tranh hay trong thời bình, trước những gì khó khăn nhất, hiểm nguy nhất xảy đến với nhân dân, họ đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ kể cả phải hy sinh tính mạng của mình để cứu giúp nhân dân.  

Theo Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng: Khi tình huống khẩn cấp xảy ra như động đất, bão lụt, dịch bệnh…, các quốc gia trên thế giới cũng sử dụng lực lượng quân đội. Quân đội là lực lượng tập trung, đông đảo, có kỷ luật, kỷ cương, có chỉ huy chặt chẽ, có các phương tiện nên việc sử dụng quân đội tham gia xử lý những tình huống khẩn cấp là hiệu quả nhất.

Lễ di quan 22 liệt sỹ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. 

Với bản chất từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu nên Quân đội nhân Việt Nam có mệnh lệnh "giúp dân, cứu dân là trên hết". Chính vì thế khi ở tình huống khẩn cấp phải cứu, giúp, bảo vệ tính mạng nhân dân, quân đội nhân dân Việt Nam khi thấy việc cần kíp cứu dân là không màng  nguy hiểm, sẵn sàng xông pha. Có thể nói, với Quân đội nhân dân Việt Nam việc cứu, giúp nhân dân là mệnh lệnh từ trái tim và là mệnh lệnh cao nhất.

Những ngày mưa lũ xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã kịp thời báo cáo Chính phủ, Bộ Quốc phòng, đồng thời triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Quân khu đã điều động hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ và phương tiện các loại, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các bộ, ngành Trung ương, địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn. Cán bộ, chiến sĩ quân đội đã không ngại gian khổ, kịp thời có mặt ở những nơi khó khăn nhất, hiểm nguy nhất để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.  

    

Sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ trong những ngày vừa qua đã khiến cho đồng bào cả nước tiếc thương vô hạn, đồng thời cũng rất tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân; một đội quân tuyệt đối trung thành, tin cậy, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Rốn lũ miền Trung vừa trải qua những ngày mưa lũ lớn và tiếp tục đối mặt với cơn siêu bão số 9. Nhiều nơi vẫn chìm trong nước lũ, người dân bị cô lập. Nước lũ lên nhanh khiến dân cũng không kịp di dời tài sản, nhiều người trắng tay sau lũ. Giữa bộn bề khó khăn, lực lượng quân đội lại tiếp tục trở thành điểm tựa, giúp người dân ổn định lại cuộc sống.

Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão, từ mùa khô, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế… đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và triển khai đồng bộ các phương án nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của cho nhân dân. Trong đợt lũ vừa qua, lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và hàng trăm lượt chiến sĩ dân quân kịp thời giúp sơ tán, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.

Video: Ấm áp nghĩa tình quân dân sau lũ

Gia đình bà Đinh Thị Đủ tại thôn 3 Yên Thọ, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) có 4 người. Lũ đến, gia đình bà không kịp sơ tán vật dụng đồ đạc do phải lo cho 2 con bị bại não. Nhà cửa chìm trong biển nước, không đồ ăn, không thức uống. Biết tin, ngay sáng hôm sau, lực lượng bộ đội của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình đã có mặt ứng cứu kịp thời, di chuyển người, tài sản của gia đình bà Đinh Thị Đủ và hàng trăm hộ dân khác tại xã Tân Hóa sang vùng an toàn.

Vẫn đang trong cơn hoảng sợ nhưng chị Phạm Thị Thanh Thủy, xã Tân Hóa không quên cảm ơn những chiến sĩ quân đội đã kịp thời giải cứu hai mẹ con: “Nếu không được cứu kịp thời thì chắc hai mẹ con tôi đã nguy rồi. Trời tối đen, nước lũ lên quá nhanh lại thêm người già, phụ nữ nên không kịp chạy lũ. May mà có các chú bộ đội, có chính quyền nên giờ này mẹ con tôi mới còn được ngồi đây”.

Cùng với cứu người, Ban Chỉ huy quân sự thị xã Hương Thủy (Quảng Bình) đã không quản ngại nguy hiểm dùng ca nô, đò máy chở hàng trăm thùng mì gói đến rốn lũ xã Thủy Thanh để kịp thời cứu trợ cho người dân.

“Lương thực dự trữ đã hết, bốn bề mênh mông nước nên khi thấy bộ đội chở lương thực tới, cả gia đình mừng hơn “bắt được vàng”. Trong lúc thiên tai, lũ lụt thế này mà những chiến sĩ bộ đội vẫn không ngại nguy hiểm để lo cho dân, chúng tôi thật cảm động và biết ơn vô cùng”, ông Lê Bảng, thôn Vân Thê, xã Thủy Thanh bộc bạch.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tăng quà cho nhân dân vùng lũ Quảng Bình. Ảnh: Mạnh Thường

Tại huyện Quảng Điền, mặc dù nước lũ dâng cao, nhưng biết người dân phải chống chọi lâu ngày với lũ lụt, có nhà đã hết sạch lương thực dự trữ nên Ban Chỉ huy quân sự huyện Quảng Điền (Quảng Bình) đã huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển hơn 10 ngàn thùng mì gói và nhiều nhu yếu phẩm tới các địa phương ngập lụt sâu như xã Quảng Vinh, Quảng Thành, Quảng An, Quảng Phước, Quảng Lợi…

Cùng với các lực lượng quân đội, Bộ đội biên phòng (BĐBP), những chiến sĩ quân hàm xanh bám trụ nơi biên giới, biển đảo không quản ngại khó khăn gian khổ cùng với các lực lượng và chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, từng bước chăm lo cho đời sống nhân dân. Và trong những ngày này khi mưa lũ đang hoành hành ở các tỉnh miền Trung, những chiến sĩ biên phòng lại trầm mình trong biển nước sát cánh cùng các lực lượng, nhân dân địa phương trên địa bàn phòng chống, khắc phuc hậu quả lũ lụt.

Ông Nguyễn Hữu Diệu, xã Hàm Ninh huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đây là trận lũ lịch sử gây lụt lội trên diện rộng khắp các địa phương”. Vượt lũ, tìm cách tiếp cận với những gia đình bị ngâp sâu, sơ tán người dân khẩn cấp trong đêm tối, bảo đảm tính mạng cho bà con là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng quân đội đặt ra lúc này.

Lực lượng vũ trang giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Đại tá Nguyễn Tuấn Minh, Trưởng phòng Trinh sát BĐBP Quảng Bình, người trực tiếp chỉ huy các công tác đặc biệt tại huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Khi chúng tôi đến, làng mạc, thôn bản chìm trong biển nước. Theo nhiều người thì đây đã là ngày thứ chín họ phải gồng mình chống chọi ba trận lũ nhưng trận này mực nước lớn chưa từng thấy nên nhiều người bất ngờ và bị động, chưa kịp sơ tán”. Từ thông tin qua cán bộ xã, các tổ BĐBP dầm mình trong nước lũ đến cứu dân.

Trong buổi sáng, dù khó khăn về địa hình và vướng nhiều chướng ngại vật nhưng các tổ công tác của BĐBP đã cứu được hơn 20 hộ dân tại xã Sơn Thủy.  Trong những ngày mưa lũ, BĐBP tỉnh Quảng Bình đã sơ tán, di chuyển hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn, bảo vệ tính mạng cho bà con. Đối tượng được lực lượng quân đội ưu tiên là người già, trẻ em và phụ nữ đi trước, sau đó là những người khỏe mạnh, nam giới đi sau và các đối tượng khác.

Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi đã điều 5 ca-nô cao tốc, 13 thuyền và 150 chiến sĩ tham gia ứng cứu nhân dân các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và Minh Hóa. Ở đâu khó khăn, nguy hiểm là lực lượng biên phòng có mặt kịp thời để hỗ trợ nhân dân”.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Xèng, Quảng Bình đến từng nhà trao tặng áo phao, phao bơi cho đồng bào sinh sông tại bản Mò O Ồ Ồ, xã biên giới Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình. 

  

Còn Đại úy Phạm Tiến Luật, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nhật Lệ (Quảng Bình) thì cho rằng, lực lượng biên phòng đã di chuyển nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh neo đơn; trong đó có nhiều trường hợp bị tai biến, phụ nữ mới sinh con được 1 tháng, những gia đình đang bị nước lũ tràn vào nhà gây nguy hiểm được BĐBP ứng cứu an toàn.  

Hàng ngàn chiến sĩ, lực lượng vũ trang, trong đó có BĐBP đã không quản gian khổ, khó khăn tham gia ứng cứu hỗ trợ người dân sơ tán khỏi vùng lũ, đưa các gia đình có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; chuẩn bị chu đáo lương thực, thực phẩm, nhiên liệu để ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời tổ chức lực lượng chốt chặn, cảnh báo, hướng dẫn người và phương tiện qua lại ở những nơi nước chảy xiết…

Cùng với đó, các lực lượng quân đội đã cấp phát nhu yếu phẩm, hàng tiếp tế cũng được trao tận tay những gia đình bị thiệt hại do mưa lụt gây ra. Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, các đơn vị lực lượng vũ trang đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị người và phương tiện, trang bị; đồng thời, các đơn vị cũng đã triển khai linh hoạt trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Khi nước rút, ngoài việc cứu trợ lương thực, các đơn vị sẽ được điều động khẩn trương giúp dân dọn bùn, sửa chữa nhà cửa… sớm ổn định cuộc sống.

Phát biểu bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: "Ở những nơi khó khăn, quân đội đều có mặt, những đoàn kinh tế quốc phòng cùng với bộ đội biên phòng trấn ải ở các vị trí quan trọng, là phên dậu để bảo vệ đất nước".  

Video: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch chia sẻ về sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ quân đội:

Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, các đoàn kinh tế quốc phòng thường ở nơi vùng sâu, vùng xa. Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đóng quân ở vùng đặc biệt khó khăn cũng vậy. Đặc biệt ở những nơi này, trong chiến tranh, Mỹ đã rải chất độc hóa học để lại hậu quả lớn, ô nhiễm chất độc hóa học lớn nhưng anh em vẫn không quản ngại gian khổ, vẫn sẵn sàng làm nhiệm vụ. Ở những nơi khó khăn, quân đội phải có mặt. Các đoàn kinh tế quốc phòng và lực lượng biên phòng trấn ải ở những vị trí trọng yếu, tạo thành phên dậu để bảo vệ đất nước và tổ chức cho dân đến. Những trường hợp đó, bộ đội đã giúp dân, tổ chức giúp dân phát triển kinh tế. Việc thiên tai xảy ra như vừa qua đã vượt quá khả năng con người có thể dự báo.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, Bộ Quốc phòng đã có Chỉ thị: Thứ nhất, căn cứ tình hình, giao cho chỉ huy các đơn vị tổ chức sơ tán bộ đội đảm bảo an toàn cho mình ở những vùng nguy hiểm. Thứ hai, trong điều kiện địa phương, nhân dân yêu cầu thì dù có phải hy sinh thì cũng sẵn sàng để bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân.

Do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, tối 19/10/2020, cả quả đồi đổ xuống, lấp toàn bộ đường 12A và suối Cha Lo, gây sụt lún doanh trại của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Rất may các chiến sĩ đã kịp di tản trước đó, nên vụ đổ sập không gây thương vong.

Ở các tỉnh miền Trung, nhiều nhóm thiện nguyện đã tổ chức nấu cơm, gói bánh, ủng hộ mì tôm, nước uống cho người dân vùng lũ nhưng thiếu phương tiện thủy để vận chuyển đến các khu vực ngập lụt sâu. Lực lượng Công an, quân đội tổ chức các đội sử dụng thuyền, ca-nô để cùng với các nhóm thiện nguyện, lực lượng của các ngành đưa hàng hóa, nước uống vào cứu trợ người dân. Cùng với nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho công tác cứu hộ, lực lượng vũ trang trên địa bàn đã lập các đoàn công tác tiếp cận vùng lũ hỗ trợ áo phao, mì tôm, nước uống, lương khô cho người dân…

 

Để ứng phó với siêu bão số 9, ngay sau khi được lệnh của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã thành lập Sở chỉ huy phía trước do Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm - Tư lệnh Hải quân trực tiếp chỉ đạo, nhanh chóng điều động 3 lực lượng: Vùng 4 Hải quân, Chi đội Kiểm ngư số 4 và Không quân Hải quân với 3 tàu và máy bay DHC6 hiện đại để tìm kiếm tàu cá, ngư dân mất tích. Biên đội tàu hiện đã liên lạc được với tàu BĐ 98658 TS với 14 ngư dân, hiện vẫn đang giữ liên lạc để di chuyển đến vị trí tọa độ báo nạn.

Đến 0 giờ ngày 29/10, Biên đội tàu đã liên lạc được với tàu BĐ 98658TS và đã cứu được14 ngư dân. Tiếp đó, đến 21 giờ 26 phút cùng ngày, các cơ quan tìm kiếm cứu nạn xác nhận có một tàu nước ngoài đã phát hiện và cứu vớt thêm được 3 ngư dân đang trôi dạt trên biển là thuyền viên tàu BĐ 97469TS (trên tàu mất tích có 14 ngư dân tỉnh Bình Định). 

Quân chủng Hải quân quyết tâm sử dụng tất cả lực lượng, trang bị hiện đại nhất có trong biên chế, sẵn sàng huy động thêm tàu thuyền, máy bay để cứu bằng được ngư dân gặp nạn trong bão số 9.

Tàu thuyền tránh trú bão số 9 tại âu tàu của đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Khánh Hòa.

Do tình hình thời tiết trên biển, khu vực ngư dân gặp nạn rất xấu nên tàu Kiểm ngư KN490 đang tính toán, lựa chọn phương án tìm kiếm bảo đảm hiệu quả, khả thi nhất. Đồng thời, khắc phục mọi khó khăn tiếp cận khu vực tàu cá để tiến hành cứu nạn ngư dân gặp nạn trong thời gian ngắn nhất với tinh thần “Cứu ngư dân như cứu người thân của mình”.

Nhận mệnh lệnh từ Thủ tướng Chính phủ, từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các chiến sĩ trên 3 con tàu đã ngay lập tức lên đường, đi xuyên trong tâm bão trên biển để tìm cứu dân,  với tinh thần “phía trước là nhân dân”.

Dù bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhưng vẫn tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp khu vực miền Trung. Hơn lúc nào hết, những chiến sĩ bộ đội với sắc áo xanh băng mình trong bão lũ lại tiếp tục là điểm tựa tinh thần tin cậy với người dân, thắt chặt hơn nữa tình cảm sâu đậm với nhân dân qua những hành động cao đẹp, thể hiện sâu sắc phẩm chất sáng ngời và bản lĩnh của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới…

Bài: Nguyễn Viết Tôn
Ảnh: TTXVN - Video: Viết Tôn và Truyền hình Thông tấn
Trình bày: Viết Tôn
 

30/10/2020 05:56