Thời gian gần đây, tại Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người tại các cơ sở cho thuê trọ. Sau tổng rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn, cơ quan chức năng đã xử phạt hàng nghìn trường hợp, yêu cầu hơn 16.400 cơ sở dừng hoạt động... Trước thực trạng đó, việc khẩn trương triển khai giải pháp trước mắt và lâu dài để ngăn chặn “giặc lửa” đối với cơ sở trọ và các cơ sở loại hình khác là rất cấp thiết.
Sau vụ cháy xảy ra tại phố Trung Kính, quận Cầu Giấy (Hà Nội) làm nhiều người tử vong, UBND thành phố đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động thành lập tổ công tác để tổ chức tổng rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 15/6/2024, báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 20/6/2024. Việc tổng kiểm tra rà soát thêm một lần nữa chỉ ra những vi phạm phòng, chống cháy nổ tại các khu nhà trọ; đồng thời giúp nâng cao ý thức người dân, chính quyền trong phòng ngừa hỏa hoạn.
Qua thống kê, rà soát, tại Hà Nội có khoảng 36.972 cơ sở nhà trọ, nhiều nhất là tại các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa…
Bám vào tuyến phố lớn Nguyễn Phong Sắc là đường Trần Thái Tông, với nhiều ngõ ngách nhỏ hẹp. Nhưng ở đó lại đang là thủ phủ của những “chung cư minin”, cơ sở cho thuê trọ. Trước đây, khu vực này vốn là làng cốm truyền thống, nhưng từ khi nâng cấp lên phường, người dân nhanh chóng chuyển đổi ruộng, vườn thành những dãy nhà trọ cấp 4 lợp tôn. Ghi nhận tại một đoạn ngõ 44 Trần Thái Tông chi chít những khu nhà trọ cao 5 - 7 tầng. Các nhà trọ ở đây được xây dựng tận dụng tối đa diện tích, tựa như những hộp diêm xếp lại với nhau, không có ban công hay ô thoáng, sân chơi. Khu nhà trọ có cầu thang điện và thang bộ nhưng đều được thiết kế dưới dạng mini, nhỏ hẹp. Mỗi phòng trọ có diện tích từ 10 - 15 m2, xây dựng khép kín.
Số liệu của UBND quận Cầu Giấy cho biết, trên địa bàn có 3.328 cơ sở trọ, trong đó phường Dịch Vọng có 333 cơ sở. Trong số đó, nhà chỉ cho thuê trọ có 1.812 cơ sở, nhà ở kết hợp kinh doanh thuê trọ có 1.513 cơ sở, nhà ở riêng lẻ cho hộ gia đình thuê và sử dụng cả nhà có 3 cơ sở.
Qua kiểm tra, các lực lượng chức năng ghi nhận hơn 3.100 nhà trọ không có lối tiếp cận cho xe chữa cháy, 2.800 nhà trọ không đảm bảo điều kiện về lối thoát nạn, 2.700 nhà trọ không đảm bảo hệ thống chữa cháy, 1.560 nhà trọ vi phạm về hệ thống điện. Đến nay, sau khi cơ quan chức năng yêu cầu, hơn 970 chủ nhà trọ đã khắc phục và bố trí lối thoát nạn khẩn cấp khi có sự cố cháy, nổ.
Bên cạnh hàng trăm lỗi vi phạm được cơ quan chức năng chỉ ra có một nguyên nhân tiềm ẩn cháy nổ cao - đó là ý thức người thuê trọ. Trong phòng trọ hơn 10 m2 tại số nhà 44 Trần Thái Tông, em Vũ Ngọc Sơn (quê Lạng Sơn), sinh viên năm thứ 3 Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết đã ở đây được 3 năm. Sơn chia sẻ, em lựa chọn “chung cư mini” là nơi tá túc do đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy, vì nhà được xây dựng năm 2021, các thiết bị còn khá tốt. Tuy nhiên, khi quan sát căn phòng này, lại thấy rõ sự chủ quan trong đề phòng “giặc hỏa”. Phích cắm máy tính, sạc điện thoại ngổn ngang; nồi cơm điện, bếp điện, máy sấy đang cắm điện đặt sát những vật dụng bắt lửa như giấy, vở.
Đem những trăn trở này đề cập với ông Lê Quang Trung, chủ nhà trọ số 44 Trần Thái Tông thì được lý giải: Bản thân ông cũng rất lo lắng hỏa hoạn xảy ra đối với khu nhà trọ, nhất là mùa nắng nóng, khi các phòng đều sử dụng điện tối đa cho làm mát. Ông Trung đã quán triệt, thực hiện nghiêm việc chỉ đạo của cơ quan chức năng quận Cầu Giấy, dán thông báo về cháy nổ, tiêu lệnh khi có cháy xảy tại khu vực cầu thang và ở mỗi phòng trọ để người ở trọ biết, thực hiện. Tuy nhiên, ông Trung không dám chắc những thông báo hữu ích về phòng ngừa cháy nổ được người thuê trọ thực hiện. “Tôi không đủ sức ngày nào cũng vào tận phòng nhắc nhở từng người thuê trọ phải dùng điện cẩn thận, cảnh giác với cháy nổ để đảm bảo an toàn chung. Ý thức phòng chống cháy phụ thuộc nhiều vào tính tự giác của mỗi người thuê trọ”, ông Trung giãi bày.
Việc người thuê trọ còn chủ quan, lơ là phòng ngừa hỏa hoạn là vấn đề khó giải quyết, phụ thuộc nhiều vào thói quen và nhận thức. Những thói quen sinh hoạt cẩu thả của một số người thuê trọ là một chỉ dấu cho thấy còn tiềm ẩn cháy rất cao. Tiếp tục tổng kiểm tra, rà soát để bắt lỗi vi phạm cũng như qua đó tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong phòng ngừa hỏa hoạn cũng là cách Hà Nội đang triển khai.
Ngay sau khi có chỉ đạo của thành phố, các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc tổng kiểm tra cơ sở nhà trọ trên địa bàn, trong đó có việc tập trung kiểm tra điều kiện về ngăn cháy lan, lối thoát nạn; bố trí, sắp xếp đồ dùng, vật dụng. Đặc biệt kiểm tra hệ thống điện, sử dụng điện, sạc xe máy điện, xe đạp điện, trang bị hệ thống, thiết bị báo cháy, chữa cháy…
Tại buổi Họp báo thông báo tình hình kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm 2024, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã thông tin kết quả kiểm tra, rà soát phòng cháy, chữa cháy đối với nhà trọ; chung cư mini; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; trường mầm non, nhóm trẻ; cơ sở phòng khám tư nhân… ở Thủ đô.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, đến ngày 4/7, lực lượng chức năng đã kiểm tra 36.972/36.972 cơ sở nhà trọ; xử phạt 3.134 trường hợp/4.310 hành vi; phạt tiền trên 12 tỷ đồng; tạm đình chỉ 672 trường hợp, 75 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động, 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.
Đối với chung cư mini, đã tổ chức kiểm tra 193 cơ sở; tạm đình chỉ 14 trường hợp, 4 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 22 cơ sở dừng hoạt động; 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.
Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đã tổ chức kiểm tra 5.808 cơ sở; xử phạt 435 trường hợp/636 hành vi, phạt tiền trên 487 triệu đồng, tạm đình chỉ 9 trường hợp, 1 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 129 cơ sở dừng hoạt động, 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.
Đối với chung cư, đã kiểm tra 317 cơ sở; xử phạt 4 trường hợp/6 hành vi, phạt tiền trên 93 triệu đồng, tạm đình chỉ 2 trường hợp, 2 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động; 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện…
Ngoài ra, lực lượng chức năng đã kiểm tra 700 cơ sở không phép, sai phép; xử phạt 155 trường hợp/263 hành vi, phạt tiền hơn 1,3 tỷ đồng, tạm đình chỉ 28 trường hợp, 9 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 50 cơ sở dừng hoạt động, 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.
Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Không đảm bảo hoặc không có lối thoát nạn thứ hai; không bố trí hệ thống chống cháy lan. Nhiều cơ sở thiếu trang thiết bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy; người thuê trọ chưa được tập huấn đầy đủ kỹ năng xử lý hỏa hoạn. Việc sắp xếp đồ đạc còn tùy tiện, gây ảnh hưởng lối thoát nạn. Đặc biệt, việc đấu nối điện còn tạm bợ, thiếu quy chuẩn…
Việc tồn tại lỗi vi phạm phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở trọ nói riêng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ý thức đảm bảo an toàn phòng cháy, cứu nạn cứu hộ của người dân còn hạn chế. Chính quyền tuyên truyền nhiều nhưng không phải ai cũng thực hiện.
"Có công trình đang cho thuê trọ vi phạm phòng cháy, cảnh sát khu vực cấm, nhưng người dân vẫn vào ở", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội, nêu thực tế.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng phân tích thêm: Về hành lang pháp lý, chúng ta đã có Luật Phòng cháy, chữa cháy nhưng chưa có sự kết nối đồng bộ, thống nhất. So sánh với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ông cho rằng luật này đã quy định rất rõ về việc Bộ Giao thông vận tải phải làm gì, Bộ Công an làm gì, nhưng Luật Phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa quy định rõ như vậy.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Thanh Tùng mong muốn Luật Phòng cháy, chữa cháy cũng phải đưa ra được lộ trình cụ thể, kết nối, đồng bộ, hạn chế những bất cập trong quản lý. Cái gốc của vấn đề nằm ở việc quản lý trật tự xây dựng, chính quyền cơ sở cần ngăn xây dựng sai phép, không phép. Khi hình thành căn nhà và đã cho người vào thuê trọ, mua bán sẽ rất khó xử lý di dời.
Xử phạt hàng nghìn trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy:
Qua tổng kết tình hình cháy, nổ trong những năm gần đây, Công an thành phố Hà Nội nhận thấy chiếm tỷ lệ cao trong cháy, nổ là nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; nhà ở nhiều căn hộ, nhà trọ; kho, xưởng; quán ăn… trong khu dân cư. Thời gian tới, cùng với phát triển của kinh tế - xã hội, nhất là việc đẩy mạnh thương mại tư nhân, các loại hình sản xuất kinh doanh tương tự tiếp tục phát triển, nếu không được kiểm soát tốt dẫn đến nguy cơ cao về cháy, nổ.
Trước thực trạng trên, việc thành phố Hà Nội thực hiện ngay các giải pháp trước mắt và lâu dài để ngăn chặn “giặc hỏa” đối với cơ sở trọ và các cơ sở loại hình khác (thuộc thẩm quyền quản lý về phòng cháy, chữa cháy) là rất cần thiết.
Phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) nằm cạnh các trường đại học lớn nên có 83 cơ sở cho thuê trọ trong các ngõ nhỏ, xe cứu hỏa rất khó tiếp cận nếu hỏa hoạn xảy ra. Để tăng vai trò quản lý nhà nước, sau kiểm tra, UBND phường Cầu Dền đã cử cán bộ chuyên môn theo sát, “ốp” chủ nhà trọ khắc phục lỗi vi phạm sau đợt kiểm tra. Hàng tuần, số liệu về khắc phục lỗi vi phạm của các chủ nhà trọ được báo cáo với lãnh đạo phường để có phương án chỉ đạo kịp thời. Nhờ vào cuộc tích cực, nhiều nhà trọ trên địa bàn đã khắc phục được những tồn tại.
Nhà số 32/36, tổ 25 Lê Thanh Nghị (phường Cầu Dền) là một nhà trọ cao tầng được đầu tư khá bài bản, gồm: Thang máy, thang bộ, cửa thoát hiểm bên hông và trên tầng thượng. Tuy nhiên, khi kiểm tra, lực lượng chức năng yêu cầu chủ nhà phải có phương án chống cháy lan. Dù tốn kém và xáo trộn việc kinh doanh nhưng chị Đào Thị Thủy Nguyên (chủ nhà trọ) nhanh chóng tiếp thu ý kiến của cơ quan chức năng, xây dựng bức tường chống cháy lan.
“Việc xây như vậy ảnh hưởng tới mỹ quan nhưng sẽ giúp an toàn hơn”, chị Nguyên chia sẻ và cho biết đã đầu tư mua thêm mỗi phòng một chuông báo cháy tự động, thang dây, theo khuyến cáo của phường.
Liên quan đến vấn đề khắc phục vi phạm, Trung tá Trương Văn Dương, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Ba Đình cho biết, trước mắt, sau khi tổng kiểm tra, Công an quận yêu cầu các cơ sở trọ có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói nơi có nguy cơ cháy nổ cao với khu vực ở và lối thoát nạn; tách biệt khu vực để xe xăng và xe đạp, xe máy điện; bố trí lối thoát nạn an toàn và mở lối thoát hiểm, thoát nạn khẩn cấp qua ban công, lô gia, lối ra mái; trang bị phương tiện, thiết bị, công cụ phòng cháy, chữa cháy... Đồng thời, yêu cầu chủ cơ sở, chủ hộ xây dựng phương án, dự kiến tình huống thoát nạn và thường xuyên tự tổ chức tuyên truyền kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn cho 100% người dân sinh sống trong tòa nhà.
Còn theo Thượng tá Lã Văn Tuyên, Phó trưởng Công an huyện Thanh Trì, Công an huyện xác định kiểm tra phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở trọ, “chung cư mini”… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục. Công an huyện phối hợp với các phòng, ban chức năng, UBND các xã, thị trấn quyết liệt đôn đốc, giám sát chủ nhà/chủ hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ khắc phục tồn tại về phòng cháy, chữa cháy theo đúng thời hạn đã cam kết và theo văn bản kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền.
Qua rà soát, thống kê, Hà Nội hiện có 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy theo Phụ lục I Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ (trong đó, 19.575 cơ sở phân cấp cho cơ quan Công an quản lý, 140.205 cơ sở phân cấp cho UBND cấp xã quản lý).
Nhìn vào con số trên, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Lâm Thị Quỳnh Dao phân tích, cấp xã có vai trò rất lớn trong công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn. Ở đây có thể hiểu, nếu người đứng đầu cơ sở làm hết trách nhiệm theo quy định sẽ là tiền đề quan trọng trong việc ngăn chặn hỏa hoạn theo tinh thần “4 tại chỗ’. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số người đứng đầu cấp xã còn có tư tưởng trông chờ, khoán trắng cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Để khắc phục tình trạng né trách nhiệm trong công tác chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại cơ sở, bà Lâm Thị Quỳnh Dao cho rằng, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng cấp cơ sở phải nâng cao nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở địa phương, đơn vị mình; xác định phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời chủ động xây dựng phương án phòng ngừa và xử lý các tình huống nếu xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả.
Để “buộc” trách nhiệm đối với người đứng đầu trong công tác phòng cháy, chữa cháy, bà Lâm Thị Quỳnh Dao chỉ ra, Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/9/2023 của Thành ủy Hà Nội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 của HĐND thành phố đã nêu rất rõ vai trò, nhiệm vụ và các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố đối với cấp cơ sở và các cấp, ngành liên quan. Theo đó, người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trong chỉ đạo đơn vị thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, giải pháp đã được phân công, không thể "khoán trắng", trông chờ vào cán bộ phòng cháy.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới, Công an thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, quận huyện kiểm tra, kiên quyết xử lý và tạm đình chỉ hoạt động những chung cư, nhà cao tầng vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; không để phát sinh những công trình vi phạm mới. "Các công trình, chủ đầu tư chây ỳ không khắc phục, chúng tôi kiên quyết chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nói.
Phòng chống cháy nổ khi sử dụng xe điện:
Theo UBND thành phố Hà Nội, bên cạnh việc thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở làm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thành phố ưu tiên tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong phòng cháy, chữa cháy.
Quán triệt tinh thần trên, quận Ba Đình hoàn thành lắp đặt thiết bị tự động thông báo cháy tại tất cả trụ sở cơ quan, trường học, chợ trên địa bàn. Tương tự, quận Đống Đa thí điểm ứng dụng thiết bị cảnh báo sớm tại một số cơ sở, trong đó có nhà trọ. Đây được coi là một trong những biện pháp nhằm nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt tại các nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà nhiều căn hộ, nhà cho thuê để ở, nhà trọ, kho hàng hóa xen kẽ trong khu dân cư.
Anh Trần Văn Long, ở phường Thổ Quan cho biết, qua tuyên truyền, anh nhất trí lắp thử nghiệm lắp 2 mắt cảnh báo sớm. Anh được đơn vị tư vấn hướng dẫn cài đặt app cũng như cơ chế vận hành của thiết bị. “Trong phòng chống cháy nổ, việc nhanh chậm một giây cũng là cứu cả mạng sống, tôi cũng đồng ý chia sẻ kết nối thiết bị với các tổ liên gia phòng cháy để có thể sớm cảnh báo đến mọi người”, anh Long chia sẻ thêm.
Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho rằng, qua tuyên truyền, người dân đã quan tâm hơn đến công tác phòng, chống cháy nổ, đặc biệt ứng dụng công nghệ trong phòng cháy.
UBND quận đã giao nhiệm vụ cho UBND các phường tuyên truyền, vận động người dân thí điểm lắp đặt thiết bị tiếp tục mở rộng mắt cảnh báo để các thiết bị có thể vận hành tối ưu như một mạng lưới tổ liên gia trong cảnh báo, phòng cháy chữa cháy, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa nhấn mạnh.
Theo khuyến cáo của Công an thành phố, kết hợp với công nghệ, ý thức người thuê trọ sẽ quyết định “thành bại” trong trận chiến với “giặc lửa”. Mỗi người thuê trọ cần tìm hiểu kỹ trước các yếu tố, nhất là về phòng cháy chữa cháy, khi quyết định đặt cược sinh mạng của mình.
Anh Nguyễn Văn Quang, ở tỉnh Phú Thọ cho biết, trước khi cho con xuống học Đại học Bách khoa Hà Nội đã cùng con đi tới nhiều nơi tìm hiểu kỹ các phòng trọ rồi mới quyết định thuê. Sau khi tìm kiếm, anh quyết định cho con mình ở trọ tại ngôi nhà trong con ngõ nhỏ tại phố Trần Đại Nghĩa thuộc phường Cầu Dền. Anh cho biết, khu nhà có đầy đủ các yếu tố đảm bảo phòng cháy, tuy giá hơi đắt nhưng gia đình cũng chấp nhận được.
Qua tìm hiểu cho thấy sẽ không ai muốn ở trong căn phòng trọ chật hẹp và thiếu điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy, song do hoàn cảnh đôi khi khiến người dân phải chấp nhận. Tuy nhiên về lâu dài, những căn nhà trọ thiếu điều kiện về phòng cháy sẽ dần được cải tạo, nếu không sẽ bị xóa sổ.
Theo Đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giai đoạn 2025 - 2030, Hà Nội đặt mục tiêu 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ 2; 100% hộ tự trang bị bình chữa cháy; mỗi gia đình có một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn. Ngoài ra, dự thảo Đề án đặt ra mục tiêu 100% khu dân cư được thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của Đội dân phòng.
Đến năm 2030, thành phố đặt mục tiêu lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; khoảng 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước. Thành phố dự kiến hoàn thành 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng.
Dự kiến sơ bộ khái toán kinh phí thực hiện Đề án khoảng 26.300 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố khoảng 13.800 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện khoảng 12.500 tỷ đồng.
Với những quyết sách kịp thời, cùng với ý thức người dân được nâng lên, khi ấy, ngọn lửa oan nghiệt sẽ bớt xảy ra và để lại ít hậu quả tại mỗi cơ sở trọ.
Bài: Mạnh Khánh - Xuân Tùng
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn
14/07/2024 06:10