Ông Nguyễn Trường Thành, Chi Cục trưởng Chi cục thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Nghệ An cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2020, thời tiết, thiên tai trên địa bàn Nghệ An tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh đã chịu ảnh hưởng của 15 đợt không khí lạnh, 7 đợt nắng nóng; 23 đợt tố lốc, dông sét, mưa lớn, lũ quét.  

Chỉ trong 6 tháng, thiên tai đã làm 3 người chết, 7 người bị thương, sập đổ 35 nhà, tốc mái, hư hỏng 2.489 nhà, 34 điểm trường bị ảnh hưởng, làm hư hại trên 2.897 ha lúa, trên 3.745 ha ngô và hoa màu, hơn 2.744 ha cây lâu năm... Ước thiệt hại về kinh tế trên 248 tỷ đồng. Trên biển cũng đã xảy ra vụ tai nạn, trong đó có 16 vụ phương tiện hỏng máy trôi dạt trên biển… Làm hư hỏng 13 phương tiện, chìm 11 phương tiện, 8 người bị thương vong, mất tích.

Còn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong 6 tháng đã xảy ra 17 đợt không khí lạnh. Trong tháng 5 đã xảy ra 2 trận lốc xoáy tại huyện Hương Khê và Kỳ Anh, làm tốc mái gần 200 nhà dân, chìm 2 tàu cá của ngư dân và làm đổ gãy nhiều diện tích lúa, hoa màu. Trên vùng biển đã xảy ra 4 vụ tai nạn tàu thuyền, làm chìm 10 phương tiện đánh bắt của ngư dân. Mưa lũ cũng gây sạt lở, cuốn trôi hàng nghìn khối đất, đá, hàng chục cống tiêu giao thông; một số tuyến kè bờ sông, bờ biển... và hạ tầng kỹ thuật bị thiệt hại nghiêm trọng.  

Ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi Cục thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Đia phương này hiện có 280 km đê biển chỉ ứng phó được với bão cấp 10 và trong 351 hồ đập lớn nhỏ có dung tích gần 1,6 tỷ m3 nước thì 57 hồ chứa xuống cấp không đảm bảo an toàn.

Trước đó, năm 2019, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã xảy ra nhiều đợt lốc, xoáy ở các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh và Lộc Hà, tốc mái hư hỏng nhiều nhà cửa và công trình hạ tầng sản xuất, nhiều diện tích lúa và hoa màu bị đổ gãy, hư hỏng. Thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn toàn tỉnh làm 9 người chết, trên 6.480 nhà bị ngập, hư hỏng nặng; hơn 10.160 ha cây trồng các loại bị ngập, đổ gãy; hơn 1.000 tấn lương thực bị ngập, trôi, ướt… Mưa lũ cũng gây sạt lở một số tuyến kè bờ sông, bờ biển và hạ tầng kỹ thuật; tổng thiệt hại năm 2019 ước tính gần 755 tỷ đồng.

Video đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN&TKCN kiểm tra tại Nghệ An - Hà Tĩnh:

Ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trước những thiệt hại to lớn do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) các cấp của tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, di dời những hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; kịp thời hỗ trợ người dân không may bị mưa lũ cuốn trôi nhà cửa, nhất là trong những tình huống cấp bách. Ðồng thời, yêu cầu triển khai lực lượng kiểm soát các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi có mưa lớn. Khắc phục sự cố về điện lưới, thông tin liên lạc, bảo đảm giao thông thông suốt trên địa bàn cũng như hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu. Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương, quỹ PCTT cho các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng, chỉ huy, chỉ đạo điều hành ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, phục hồi tái thiết sau thiên tai.

Có mặt tại hồ chứa nước Ba Khe, xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn (Nghệ An) chúng tôi cảm thấy bất an bởi phía dưới thân đập đang bị rò nước theo mang và thành cống lấy nước. ½ mái ở hạ lưu có biểu hiện thấm ướt, hệ thống đường giao thông vào đập chật hẹp do các hộ dân cơi nới nhà cửa, sân vườn nên rất khó khăn trong việc cứng cứu, xử lý, ẩn chứa nhiều nguy hiểm.  

Hồ Ba Khe có dung tích 1,6 triệu m3 nước, bắt nguồn từ ba khe suối, trong đó có khe từ thượng nguồn xã Nam Tân (cũ) đổ về. Cốt nước đập hồ Ba Khe có vị trí rất cao so với mặt bằng dân cư sinh sống phía dưới, thuận tiện cho việc tưới nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng cũng rất nguy hiểm vào mùa mưa bão, lũ lụt. Nếu không có phương án bảo vệ an toàn cho đập hồ Ba Khe, sẽ rất nguy hiểm cho hơn 400 hộ dân của xóm Lộc Tiến, xã Thượng Tân Lộc sinh sống phía hạ du.  

Ông Nguyễn Trọng Kiểm, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Tân Lộc cho biết: Tuyến đường liên xã Thượng Tân Lộc từ xóm Hồng Sơn đến xóm Đại Đồng và từ UBND xã đến hồ Ba Khe phải đi qua đoạn tràn xả lũ đường liên xã tại xóm Lộc Tiến. Khi tràn xả lũ nước từ đập hồ Ba Khe đổ ra, nước chảy xiết mạnh sẽ làm chia cắt giao thông, không thể qua lại được, đặc biệt rất khó khăn khi vận chuyển ứng cứu, nguy hiểm luôn rình rập. Đường vào đập nằm thấp so với đỉnh đập do đó công tác vận chuyển vật tư phục vụ cho phòng chống lụt bão gặp nhiều khó khăn.

Không riêng gì đập hồ Ba Khe, trên tuyến đê sông, đê biển của tỉnh Nghệ An hiện còn 5 trọng điểm xung yếu cần nâng cấp. Đặc biệt, khu vực trọng điểm đê Hưng Phú - Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên là nơi hợp lưu của hai nhánh sông Lam và sông La, dòng chảy đang có xu hướng xói thẳng góc với đê. Khi có bão, lũ lớn đổ về nếu gặp gió xoáy chắc chắn ở điểm xung yếu này sẽ rất nguy hiểm cho cả tuyến đê. Trong khi đó, những khóm tre chắn sóng phía Hưng Khánh kém phát triển; chênh lệch cao trình đỉnh đê và cao trình nền đê phía đồng lớn, ở một số đoạn, lòng sông có xu thế xói sâu và áp sát chân kè có thể gây sạt lở.

Năm 2019, Ban Quản lý dư án đê điều tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai thi công các dự án chuyển tiếp từ những năm trước và triển khai các dự án mới. Từ nguồn kinh phí được bố trí trên 224 tỷ đồng, Nghệ An đã tập trung thi công các dự án chuyên tiếp gồm: Cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ sông Dền, Vách Bắc huyện Yên Thành; đường cứu hộ cứu nạn huyện Hưng Nguyên; sửa chữa nâng cấp hệ thống đê lưu vực sông Cả… Mặc dù vậy, Nghệ An vẫn còn có km đê cấp III (đê tả Lam) chưa được phân cấp, kinh phí đầu tư tu bổ còn ít.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí khoảng 3.500 tỷ đồng xây dựng công trình chống hạn vùng Nam - Hưng - Nghi - TP Vinh, hồ chứa thủy lợi Thác Muối. Trước mắt, khi chưa có kinh phí thi công công trình lớn, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấp kinh phí khoảng 150 tỷ đồng xây dựng sau hạ lưu Bara Nam Đàn một đập thông minh (đập cao su) để giữ nước; hoặc cho xây dựng một trạm bơm cưỡng bức với kinh phí khoản 100 tỷ đồng giúp Nghệ An tạm thời giải quyết chống hạn vùng Nam Nghệ An.  

Bên cạnh đó, Nghệ An cũng đề nghị được hỗ trợ kinh phí để nâng cấp hệ thống các hồ chứa nước thủy lợi vừa và nhỏ đã hư hỏng xuống cấp mất an toàn. Hiện toàn tỉnh có hơn 85 hồ đã hư hỏng nặng, trong đó ưu tiên sửa chữa cấp bách 39 hồ chứa. Hỗ trợ kinh phí hoàn thiện các công trình tạo nguồn, phục vụ tưới đang thi công dở dang gồm: Thi công hoàn thiện hồ chứa nước Bản Mồng, hồ chứa nước Khe Lại, Vực Mấu.

Không riêng gì Nghệ An, trên tuyến đê biển của tỉnh Hà Tĩnh cũng có nhiều khu vực nguy hiểm. Ông Ngô Đức Hợi, Chi Cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Vào đầu tháng 9/2019, mưa lũ đã làm 200m đê biển ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà sạt lở nghiêm trọng; nhiều diện tích hoa màu, lúa hè thu của nhân dân bị ngập với thiệt hại nhiều tỷ đồng. Đoạn bị sạt lở tập trung từ Km59+700 đến Km59+900, phần chân, khay móng đê bị đứt gãy hoàn toàn; có khoảng 1/3 mái kè bị trôi xuống biển...

Trước tình hình trên, UBND huyện Lộc Hà đã có báo cáo gửi Chi cục thủy lợi Hà Tĩnh đề nghị có giải pháp khắc phục kịp thời nhằm tránh nguy cơ đoạn sạt lở dài, ăn sâu vào trong, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Hiện tượng luồng lạch khu vực cửa vào khu neo đậu tại cảng cá Cửa Hội và Cửa Sót (Hà Tĩnh) đang bị bồi lắng khiến tàu thuyền ra vào rất khó khăn.  

Trước tình hình trên, vừa qua Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN&TKCN do Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) làm trưởng đoàn đã đi thị sát tuyến đê sông, đê biển, kiểm tra an toàn hồ đập trên địa bàn hai tỉnh Nghể An và Hà Tĩnh.

Thiếu tướng Trần Văn Nam cho rằng: Nghệ An và Hà Tĩnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, vì vậy các địa phương cần kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng thành viên; xây dựng kịch bản cho các loại hình thiên tai.

Thiếu tướng Trần Văn Nam cũng nêu ý kiến: Tiếp tục rà soát để xây dựng phương án hộ đê, nhất là với các đoạn đê xung yếu. Cần gắn trách nhiệm quản lý hồ chứa đối với chính quyền địa phương, xây dựng các phương án duy tu, nâng cấp hồ chứa, xây dựng kịch bản an toàn cho vùng hạ du. Nghệ An, Hà Tĩnh thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống nên cần tuyên truyền cho bà con cách phòng tránh, kiểm tra nơi ở có nguy cơ để di dời nhân dân đến nơi an toàn...

Có mặt tại khu tàu cá neo đậu tránh trú bão tại Cửa Hội - Xuân Phổ (xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), khu vực cảng cá Xuân Hội,  chúng tôi nhận thấy luồng lạch cửa vào khu neo đậu đang bị bồi lắng khiến tàu thuyền ra vào khó khăn.  

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2019, khu tàu cá neo đậu tránh trú bão tại Cửa Hội - Xuân Phổ có sức chứa 500 tàu cho loại tàu đến 600 CV, hiện ngành chức năng đang triển khai giai đoạn 2 và khi hoàn thành sẽ có sức chứa 1.200 tàu.  

Dọc tuyến đê biển Nghi Xuân, đoạn qua xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân có chiều dài 4,7 km đã hoàn thành được 70% khối lượng, dự kiến tới tháng 11 này sẽ hoàn thành, qua đó tăng khả năng chống chọi với mưa bão, triều cường.

Tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), công trình tuyến đê biển, đoạn qua xã Thịnh Lộc và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Sót (xã Thạch Kim) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hoàn thành vào năm 2010, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Sót có sức chứa 300 tàu, cho loại tàu tới 300 CV. Tuy nhiên, luồng lạch ra vào khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở Cửa Sót cũng bị bồi lắng và tàu thuyền chỉ vào được những lúc thủy triều lên.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho rằng, luồng lạch các cảng biển ở Hà Tĩnh bị bồi lắng nghiêm trọng qua từng năm, nếu dùng tiền ngân sách thì không thể đáp ứng được. Hiện nay địa phương có chủ trương xã hội hóa việc này nhưng khi thực hiện khó khăn, cần thiết phải có hướng dẫn từ các ban ngành Trung ương.

Đại tá Hồ Hữu Hành, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh mong muốn Trung ương hỗ trợ cho các địa phương vùng lũ ở Hà Tĩnh một số tàu, xuồng có công suất nhỏ (40 - 60 CV) nhằm chủ động ứng cứu dân khi xảy ra mưa, lũ lớn.

Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh luôn thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó với thiên tai. Cả hệ thống chính trị các cấp đã thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua và mang lại hiệu quả cao. Công tác khắc phục, tái thiết sau bão, lũ luôn được các địa phương chú trọng và tập trung cao với phương châm “không để người dân nào bị thiếu lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt”.

Ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Là địa phương thường xuyên bị thiên tai, đặc biệt là bão, lũ gần như năm nào cũng xảy ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, nhờ thế đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân”.

Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển đánh giá cao sự chủ động trong công tác PCTT&TKCN của Nghệ An và Hà Tĩnh, đặc biệt là triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ; xây dựng kế hoạch để ứng phó với các loại hình thiên tai; đầu tư hệ thống quan trắc nhằm nâng cao dự báo cảnh báo thiên tai; xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai; đầu tư nâng cao khả năng chống chịu của công trình kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến đê điều, hồ đập xung yếu...

Ông Nguyễn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho biết: Mặc dù thiên tai diễn biến phức tạp nhưng công tác PCTT&TKCN tiếp tục được các tỉnh quan tâm chỉ đạo nghiêm túc. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cùng các ngành, địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ, phát huy tốt “4 tại chỗ” chuẩn bị tốt các khâu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Nhờ đó, đã hạn chế được nhiều thiệt hại về người, tài sản.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Hiệp cũng nêu lên những hạn chế: Công tác PCTT&TKCN ở hai tỉnh hiện nay thực sự chưa bài bản, nguy cơ rủi ro thiên tai còn rất lớn, thiệt hại về người và tài sản còn cao. Công tác đôn đốc, hướng dẫn việc lập kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai của các sở, ngành, địa phương còn chậm. Nguồn lực dành cho công tác PCTT còn nhiều hạn chế. Nhiều lĩnh vực trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai chưa được nghiên cứu hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, khả năng ứng dụng chưa cao...

Năm 2020, dự báo tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Thời tiết trên biển, vùng ven bờ tiếp tục có khả năng diễn biến phức tạp, các hoạt động sản xuất, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng miền ngày càng đẩy mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn, sự cố.  

Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN&TKCN nhấn mạnh: Để chủ động, hoàn thành tốt nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN trong năm 2020, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm để chủ động, không bị bất ngờ khi có sự cố, thiên tai và TKCN.

Trước mắt, các tỉnh miền Trung cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác ứng phó sự cố thiên tai và TKCN. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức nâng cao kỹ năng ứng phó bão, lũ, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá, phòng chống đuối nước… đến mọi người dân nhằm nâng cao khả năng tự phòng, tránh.

Bên cạnh đó, duy trì tốt các chế độ ứng trực về lực lượng và phương tiện để sẵn sàng cơ động ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, nhất là ở các địa bàn trọng điểm. Khi xảy ra sự cố phải khắc phục nhanh để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của người dân và nhà nước.

Các đơn vị quân đội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện theo phương châm: “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó, xử lý, khắc phục các tình huống thiên tai, sự cố và TKCN xảy ra. Phối hợp với các ngành liên quan tập trung nâng cao năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ TKCN chuyên trách, kiêm nhiệm nhất là đối với các đơn vị làm nhiệm vụ TKCN trên biển. 

Bài, ảnh: Nguyễn Viết Tôn
Video: Thái Bình - Trình bày: Chí Bình

08/08/2020 12:06