Những ngày này, căn nhà nhỏ của Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến lại ngập tràn màu sắc. La liệt những thanh tre nứa, những tờ giấy bóng kính đủ màu, những chiếc đèn ông sao vừa hoàn thiện, cả vô vàn những đèn con tôm, con công, hình nộm tiến sĩ giấy… Căn nhà tuy có chút lộn xộn nhưng ngập tràn không khí, màu sắc vui tươi. Theo lời bà Tuyến, cả làng Hậu Ái chỉ còn duy nhất gia đình bà còn làm nghề này.
Đôi tay thoăn thoắt, thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vừa ghép nứa, dán giấy, buộc dây... vừa chia sẻ: Gia đình bà có ba đời làm đèn ông sao. Ngay từ khi mới lên bảy, lên tám, bà đã được tham gia vào những công đoạn đơn giản như cắt giấy, dán hồ...
Rồi cứ thế theo thời gian, tình yêu với những món đồ chơi thủ công lớn dần lên trong bà. Đến nay, vượt qua bao biến động của cuộc đời, bà vẫn miệt mài gìn giữ nghề truyền thống đầy tự hào của gia đình. Mỗi món đồ dân gian gắn liền với những sự tích, câu chuyện về văn hóa và những truyền thống của dân tộc: Đèn ông sao gắn với biểu tượng trên lá cờ Tổ quốc và ước vọng hòa bình; Đèn con thỏ gắn với tích truyện Thỏ Ngọc cứu bạn đêm Rằm tháng Tám...
“Ngày bé thì tôi làm phụ, lành nghề thì làm chính. Thời gian trước, đèn ông sao chưa “lỗi mốt”, làm không kịp bán. Cũng có những thời điểm thị trường không còn chuộng, ế ẩm, nhưng chưa năm nào tôi bỏ công việc này cả. Có lẽ, đó đã thực sự trở thành đam mê của mình rồi”, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến tâm sự.
Là đồ chơi được làm hoàn toàn bằng thủ công, nên đòi hỏi đôi bàn tay của người làm nghề phải cực kỳ thuần thục, nhuần nhuyễn, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Để thành hình một chiếc đèn ông sao, phải trải qua nhiều công đoạn, từ vót tre nứa, định hình khung, đến trang trí. Thời gian hoàn thiện nhanh là gần hai giờ đồng hồ. Dù tốn thời gian và tỉ mỉ như vậy, nhưng giá bán ra chỉ từ 40.000 - 60.000 đồng/chiếc đèn tùy kích cỡ.
Bà Tuyến cho biết, để kịp đáp ứng nhu cầu trong “chính vụ”, ngay từ tháng 5 Âm lịch, vợ chồng bà đã phải đi tìm và chọn lọc nguyên liệu, nhiều nhất là tre nứa và giấy màu. Tiêu chí chọn cũng phải đặt sự an toàn và thân thiện với môi trường lên hàng đầu, vì đa phần người tiếp xúc với những món đồ chơi đều là trẻ nhỏ. Ngay cả loại hồ dán giấy, cũng được tạo ra từ bột năng, không gây hại.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cũng cho biết, trước đây, bà chỉ làm đèn ông sao thuần một màu đỏ, nhưng để khi thắp sáng, chiếc đèn lung linh hơn, bà đã trang trí thêm nhiều màu cho những cánh sao. Điều khiến cho đèn ông sao dưới bàn tay của bà trở nên khác biệt còn đến từ những dải tua rua xung quanh và hơn hết là hai lá cờ Tổ quốc được gắn hai bên, như một lời khẳng định cho niềm tự hào về văn hóa và lịch sử dân tộc.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến còn được biết đến với khả năng tạo ra những mô hình tiến sĩ giấy, ông múa gậy, cùng sự chỉn chu và thông điệp muốn truyền tải đầy ý nghĩa. Dù chỉ là đồ chơi cho con trẻ, nhưng tiến sĩ giấy cũng được “phân cấp” rõ ràng. Bộ lớn hơn được gọi là “Ông Nghè”, còn bộ nhỏ chỉ được gọi là “Tiến sĩ”, nhưng cả hai đều là những người học thức cao, đỗ đạt, đem vinh danh về cho làng xã.
Ngày vinh quy bái tổ, đi kèm Tiến sĩ giấy còn có hai ông đánh gậy, thành một bộ tượng trưng cho quan và lính. Hai ông đánh gậy trông trăng còn được bà Tuyến kết hợp thêm với cách làm những mô hình múa rối, để khi gặp gió, có thể thể chuyển động, trở nên cực đẹp mắt và thú vị. Bộ hình Tiến sĩ giấy của bà được nhiều phụ huynh mua tặng con, với mong muốn con sẽ học hành thành tài, chăm chỉ, tiến bộ. Một bộ trọn đủ “ba ông” được bán ra với giá khoảng 100.000 đồng.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến lặng người khi được hỏi về chuyện trẻ em giờ đây chẳng còn thiết tha với đồ chơi dân gian. Bà trải lòng: “Đồ chơi du nhập vào nước ta ngày một nhiều, đa dạng mẫu mã, nên đèn ông sao hay những đồ chơi khác dần bị lãng quên. Tôi thấy có chút chạnh lòng khi đi dọc các con phố bán đồ chơi dịp Trung thu, lại chẳng thấy chiếc đèn ông sao hay đèn lồng nào được bày nhiều ra phía ngoài”.
Làm đồ chơi thủ công vốn đòi hỏi nghệ nhân phải dành nhiều tâm sức và đầu tư thời gian. Thậm chí, với những công đoạn liên quan đến khung nứa, rất dễ khiến tay bị thương. Dù vất vả là vậy, dù đồ chơi dân gian có bị mai một, nhưng người phụ nữ ấy vẫn miệt mài “thắp lửa” và căn nhà nhỏ của bà vẫn sáng đèn chẳng kể ngày đêm.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến tâm sự: “Nhiều người cứ hỏi động lực ở đâu mà theo nghề được lâu vậy. Thú thực, cũng có lúc tôi đã nghĩ đến chuyện dừng lại. Nhưng mỗi lần được mời đến hướng dẫn, hoặc đón các cháu nhỏ tới tham quan, thực hành làm đồ chơi dân gian, thấy sự tò mò, háo hức, niềm vui hiện lên trong ánh mắt chúng, tôi lại thấy thêm yêu và tự hào công việc này vô cùng”.
Tại nhà nghệ nhân Tuyến, chúng tôi gặp cô giáo Vân Anh - Hiệu trưởng một trường Mầm non ở Hà Nội; người đang có dự định về chuyến trải nghiệm cho các bé học sinh được tự tay làm đồ chơi. Cô Vân Anh cho biết, nhà trường mong muốn thông qua hoạt động lần này, các em nhỏ sẽ được tìm đến những không gian bổ ích, để thế hệ trẻ hôm nay thêm yêu quê hương, gắn bó truyền thống, từ những cá thể văn hóa nhỏ nhất, để được đón một Trung thu Việt Nam thực sự đúng nghĩa.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cũng đang từng ngày trao truyền công việc của mình cho các con. Chị Nguyễn Thị Kim - con dâu bà Tuyến, chia sẻ: “Những ngày đầu về nhà, tôi chỉ tò mò và phụ mẹ làm những công đoạn đơn giản. Lâu dần lại có cảm tình với những món đồ chơi này, vì vốn chúng cũng gắn liền với tuổi thơ của mình. Khi tôi muốn được làm nghề một cách nghiêm túc, mẹ chồng đã tận tình, cầm tay chỉ từng việc một”.
Còn với chị Nguyễn Thị Thanh Loan - con gái nghệ nhân Tuyến, cũng giống như mẹ mình, chị thấy hạnh phúc lây khi cảm nhận được niềm vui mà những món đồ chơi dân gian của nhà mình đem đến cho các em nhỏ. Chị nói, ánh mắt mê say, tò mò, háo hức của bọn trẻ khi nhìn ngắm những món đồ chơi thôn quê chính là niềm vui, là động lực cho chị mỗi khi chau chuốt từng sản phẩm.
Rời Hậu Ái, chúng tôi trở về với sự náo nhiệt giữa lòng Thủ đô, ai cũng có những cảm xúc khó tả. Phần thấy thú vị khi được chứng kiến tình yêu của người phụ nữ thầm lặng, kiên trì tỉ mỉ bên những món đồ chơi xanh đỏ truyền thống; phần thấy “nhớ” thật nhiều những trăng Rằm tháng Tám của thời ấu thơ, những đêm trăng được múa lân, rước đèn, phá cỗ, yên bình đến nao lòng…
Bài ảnh, vieo: Lê Phú - Phương Mai
Thiết kế: Thuần Như
19/09/2023 04:52