Trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với việc tăng cường dự báo cung - cầu lao động, thì nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, tạo sự phát triển bền vững là vấn đề rất được quan tâm.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Khu vực này được đánh giá là một trong những vùng kinh tế năng động nhất cả nước, thị trường lao động phát triển, nhu cầu tuyển lao động tăng cao gắn với yêu cầu về chất lượng, kỹ năng của nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương cũng như toàn vùng.
Ghi nhận thị trường lao động tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang tăng lên, đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, thị trường lao động tại thành phố khá sôi động. Nhu cầu tuyển dụng trong giai đoạn 2022 - 2025 được dự báo bình quân khoảng 310.000 - 330.000 chỗ làm việc mỗi năm; trong đó có khoảng 135.000 - 140.000 chỗ làm việc mới. Đến năm 2025, nhu cầu nhân lực qua đào tạo sẽ chiếm 87% tổng nhu cầu nhân lực của thành phố. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chiếm 85,5% tổng nhu cầu nhân lực với gần 126.480 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm ngành như công nghệ thông tin, điện - điện lạnh, điện công nghiệp - điện tử, kiến trúc - kỹ thuật - công trình xây dựng, dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng…
Còn tại Bình Dương, theo số liệu từ Cục thống kê tỉnh, 6 tháng đầu năm 2022, tình hình lao động, việc làm có bước khởi sắc, một số ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn. Tỉnh đã chủ động liên hệ, làm việc với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để ký kết hợp tác cung ứng, tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho trên 18.700 lao động mới, đạt 53,3% kế hoạch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh, hiện nay, Bình Dương có 41 khu, cụm công nghiệp, do đó, nhu cầu thu hút lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn rất lớn.
Long An cũng là địa phương đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động. Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa nhanh, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển sản xuất, đến thời điểm tháng 7/2022, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thiếu khoảng trên 30.000 lao động.
Tuy nhiên, cùng với nhu cầu tuyển lao động tăng cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với kiến thức và kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn mới là điều nhiều địa phương quan tâm.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đã nêu rõ là phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành một nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việc tiếp tục phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những đột phá chiến lược. Vì vậy, việc tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới. Muốn đổi mới, sáng tạo, cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ.
Nhiều chuyên gia nêu số liệu, dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế, trong 5 năm tới sẽ có 1/3 công việc thay đổi, 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu mới nếu kỹ năng lao động không được nâng lên. Trong khi đó, hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điểm yếu cản trở sự phát triển và thu hút đầu tư tại nhiều địa phương, trong đó có một số địa phương ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nguồn nhân lực chất lượng cao thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhìn nhận, thực tế có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo nghề hoặc người lao động chưa có đủ kỹ năng vào làm việc. Có doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí, sau khi tuyển lao động chỉ hướng dẫn trong một khoảng thời gian ngắn là đưa lao động vào dây chuyền làm việc. Điều này sẽ gây hệ lụy là năng suất lao động thấp, dẫn đến thu nhập của người lao động thấp. Chưa kể, một thời gian sau do không qua giáo dục nghề nghiệp, không có kiến thức “nền”, người lao động sẽ rất xa lạ với các công nghệ mới. Lúc đó, nếu không được tổ chức đào tạo để đáp ứng yêu cầu công việc, người lao động dễ bị sa thải.
Lấy dẫn chứng từ một địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là Bình Dương, theo Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, là thủ phủ công nghiệp của cả nước, Bình Dương đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng. Đây là một “điểm nghẽn” vì là địa phương phát triển công nghiệp và dịch vụ nhưng lại đang thâm dụng lao động ít kỹ năng. Vì vậy, Bình Dương cần tiếp tục có chính sách khuyến khích đào tạo, thu hút nhân lực về các chiến lược, công cụ và công nghệ mới cho khu công nghiệp, kết nối chuỗi cung ứng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh.
Từ góc độ người sử dụng lao động, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương chia sẻ, tuyển đủ nhân lực, nhất là tuyển được nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh đang là vấn đề băn khoăn của nhiều doanh nghiệp. Để đảm bảo đủ nhân lực, doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng và chủ động phối hợp với các trường nghề nhằm đào tạo nhân lực đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, sự thiếu hụt lao động, nhất là lao động chất lượng cao, có đầy đủ kỹ năng mà người sử dụng lao động mong muốn chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn, cần có giải pháp căn cơ, lâu dài.
Trước các vấn đề đang đặt ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng tăng cường trang bị kỹ năng, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất, tại nhiều địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các giải pháp liên quan đến công tác đào tạo và đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động đang được quan tâm thực hiện, với sự chung tay của chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp đào tạo kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng cho lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ, nhiều chuyên gia lĩnh vực lao động - việc làm nêu thông tin, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) từng nhận định, đến năm 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Để đáp ứng yêu cầu, ước tính, có khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng, tay nghề.
Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó, lực lượng lao động trẻ đóng vai trò nòng cốt, rất cần được tăng cường đào tạo và đào tạo nâng cao, trang bị không chỉ kỹ năng liên quan đến từng lĩnh vực nghề nghiệp mà còn cần có kỹ năng thích ứng với sự thay đổi, sự thích nghi, tính kỷ luật...
Theo thông tin từ UBND TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố vừa ban hành quyết định về Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn đến năm 2025. Thành phố đặt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực trọng điểm đến năm 2025, gồm lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí - ô tô, cơ điện tử, tự động hóa, điện - điện tử, logistics, du lịch, xây dựng, công nghệ môi trường. Thành phố xây dựng, quản lý mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp.
TP Hồ Chí Minh cũng xây dựng các giải pháp đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo trên địa bàn đến cuối năm 2025 đạt 87% tổng số lao động đang làm việc.
Tại Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, phương hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030 là tập trung phát triển ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Tỉnh thu hút đầu tư trong nước đối với ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Để đạt mục tiêu này, bên cạnh các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cải thiện kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Bình Dương chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng chính sách thu hút nhà quản lý, chuyên gia giỏi, công nhân kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực với chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao.
Các đơn vị chức năng của tỉnh đa dạng hóa, mở rộng hình thức hợp tác liên kết trong cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa đào tạo và sử dụng, cập nhật kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 80,5%, trong đó, khoảng 30% lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ.
Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với từng đối tượng. Theo đó, với học sinh phổ thông là nâng cao chất lượng giáo dục, với sinh viên các trường đại học, cao đẳng là nâng cao hiệu quả đào tạo gắn nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao. Còn đối với công nhân đang làm việc, tỉnh tập trung nâng cao tay nghề, kỹ năng, tác phong công nghiệp. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 85% lao động qua đào tạo nghề, trong đó, số lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 35%.
Còn theo lãnh đạo UBND tỉnh Long An, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 75% lao động gắn với phát triển công nghiệp và nông nghiệp đã qua đào tạo, trong đó số lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Tỉnh định hướng ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, tập trung vào các ngành nghề thuộc lĩnh vực sản xuất, năng lượng, cơ khí, điện tử, viễn thông, tự động hóa, chế biến, quản lý đô thị. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo, nơi đào tạo đội ngũ lao động chuyên sâu, lao động tay nghề cao, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu kinh tế của địa phương, thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Long An giữ vững vị trí dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đặc biệt, các địa phương cũng gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc đào tạo, trang bị kỹ năng cho nguồn nhân lực sát với yêu cầu thị trường lao động. Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh, với Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn đến năm 2025, thành phố đề ra giải pháp giải pháp triển khai công tác “đào tạo song hành” giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Theo đó, thí điểm tổ chức liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp ở các nội dung cụ thể như: Chương trình giáo trình đào tạo, thời gian thực hành tại doanh nghiệp, vật tư tiêu hao, với tiêu chí đào tạo 50% thời lượng lý thuyết và thực hành cơ bản tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 50% thời lượng cho thực hành chuyên sâu tại doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp bao gồm đào tạo và nghiên cứu phát triển, gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với doanh nghiệp thực hiện chương trình đào tạo mới, đào tạo lại cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn nữa vào hoạt động đào tạo, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chia sẻ về tham gia xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Giang Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC thông tin, tỉnh Bình Dương đang xây dựng môi trường thu hút đầu tư hiện đại dựa trên nền tảng thành phố thông minh, trọng tâm là vùng đổi mới sáng tạo, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố cốt lõi. Là doanh nghiệp được UBND tỉnh giao thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC đang tích cực thực hiện các giải pháp góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở địa phương. Doanh nghiệp đã đầu tư, phát triển Trường Đại học Quốc tế miền Đông, tổ chức ký kết hợp tác chiến lược với một số đối tác là doanh nghiệp lớn, tăng cường quan hệ hợp tác, gắn kết nhà trường - doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo. Tổng Công ty Becamex IDC đang hoàn thiện Trung tâm khởi nghiệp và sản xuất tiên tiến Becamex, tạo không gian đào tạo nhân lực kỹ thuật cao, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp được thuận lợi, góp phần cung ứng nguồn nhân lực cho tỉnh Bình Dương và các địa phương cùng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Như vậy, với các chương trình và mục tiêu cụ thể, cùng với sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục - đào tạo theo mô hình “ba nhà” (nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp), việc chung tay nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ là động lực, góp phần cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển bền vững.
Bài: Thanh Trà
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà
16/07/2022 05:30