Thuyết phục mãi, cuối cùng chúng tôi cũng đặt được lịch hẹn với chị Nguyễn Vân Anh tại nhà riêng của chị, vào một ngày cuối tuần. Trải qua chặng đường dài khoảng 30km, chúng tôi có mặt tại ngôi tuyệt đẹp, nằm lặng lẽ giữa không gian xanh, đầy nắng gió và thơm ngát hương hoa. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp chị, đó là một người phụ nữ cởi mở, năng động, mạnh mẽ và đầy tự tin.
Câu chuyện giữa chúng tôi chưa kịp bắt đầu, chiếc điện thoại của chị đã dồn dập đổ chuông, rồi một giọng nữ cầu cứu: “A lô, cô ơi, chồng cháu nó về, nó đập 2 lọ lục bình, đập hết đồ của cháu rồi, không có ai đến giúp cháu cả...”. Một loạt cuộc điện thoại được gọi đi từ chị, sau khi nhận một cuộc gọi thông báo sự việc đã được giải quyết, chị mới tạm yên lòng. Quay qua chúng tôi, chị nói như phân bua: “Mặc dù đã có bộ phận chuyên trách của CSAGA, nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn nhận được những cuộc gọi như thế này, kể cả trong ngày nghỉ, ngày lễ, thậm chí có lúc giữa đêm khuya… Có khi là cuộc gọi của nạn nhân bạo hành ‘cầu cứu’, khi lại là cuộc gọi của gia đình nạn nhân hỏi về tiến độ vụ án mà Trung tâm CSAGA đang hỗ trợ xử lý… Và đó là một phần công việc đã gắn bó với tôi trong hơn chục năm qua”, chị Vân Anh cho biết.
Qua cuộc trò chuyện với chị Vân Anh, chúng tôi được biết, chị sinh tại Cẩm Giàng, Hải Dương, lớn lên tại Thường Tín, Hà Tây cũ. Năm 1983, chị tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và sau đó tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sỹ tại đây. Sau 17 năm trải qua các nghề giáo viên, phóng viên, đầu năm 1997, chị đã thành lập đường dây tư vấn về tâm lý tình cảm phối hợp với số điện thoại 1088 của Bưu điện Hà Nội.
Trong một lần viết bài về dịch vụ giải đáp thông tin 108 của Bưu điện Hà Nội, biết được có rất nhiều người đang có những vướng mắc trong cuộc sống, có nhu cầu được tâm sự, được chia sẻ và trợ giúp, chị đã mạnh dạn thành lập đường dây tư vấn về tâm lý, tình cảm phối hợp với số điện thoại 1088 của Bưu điện Hà Nội. Ngay khi đi vào hoạt động, đường dây tư vấn được rất nhiều cuộc gọi, từ trẻ em đến cụ già, từ thầy cô giáo, những người công nhân lao động, có cả những quan chức… mỗi người đều có câu chuyện và khó khăn riêng của cuộc đời mình. Và sau mỗi lần chia sẻ, họ lại nhận được những lời khuyên nhủ chân tình, được gợi mở những hướng giải quyết tích cực để tìm lối thoát cho mình, họ cũng nhận được những lời động viên, cổ vũ để khiến họ trở nên tự tin hơn.
Lúc đầu, đường dây tư vấn chỉ có một mình, sau chị mời thêm một số anh chị em, những người bạn bè thân quen ở các trường đại học đến làm cùng. Khi mới bắt tay vào làm, chị chưa có kinh nghiệm, hầu như chỉ làm theo bản năng. Nhưng rồi “nghề dạy nghề”, vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm, dần dần, chị và các cộng sự của mình ngày càng chuyên nghiệp hơn trong công việc.
Nói về những khó khăn trong những ngày đầu “dấn thân” vào con đường hoàn toàn mới, chị cười bảo, những ngày đầu, đến tiền trả lương cho cộng sự cũng không có, thậm chí để mắc điện thoại tư vấn, chị cũng phải xin trả góp trong 3 năm… Cũng may, thời gian làm báo giúp chị có nhiều kinh nghiệm, nhiều mối quan hệ xã hội, những điều đó đã giúp chị rất nhiều khi mới bắt tay vào công việc mới. “Tôi luôn nghĩ rằng, kiên cường và can trường theo đuổi mục đích của mình là yếu tố quan trọng để chúng ta có thể đạt được một vài điểm nhấn quan trọng trong cuộc đời”, chị Vân Anh chia sẻ.
Điều khiến chị Vân Anh lựa chọn và gắn bó với các hoạt động đấu tranh cho bình đẳng giới, đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho các chị em phụ nữ trong suốt 20 năm qua đó là hàng trăm câu chuyện khiến chị “đau tim” trong quá trình làm tư vấn. Có người tâm sự bị chồng đánh khủng khiếp, có người kể bị chồng dọa tẩm xăng vào người đốt, người thì bị chồng cưỡng hiếp cả khi vừa trải qua một cuộc phẫu thuật trong bệnh viện. Thậm chí, có cả những phụ nữ làm lãnh đạo, nhưng không được phát huy sở trường, bởi ông chồng luôn ngăn cản với lý do vợ “dám” to chức hơn chồng.
Những câu chuyện của những mảnh đời ấy đã giúp chị nhận ra một thực tế đau lòng, rằng xã hội đang có rất nhiều người phụ nữ luôn cam chịu với việc bị chồng đánh, phải chịu đựng sự bạo ngược cả về thể xác lẫn tinh thần, mà không nghĩ đến việc phản kháng hay thay đổi. Rồi chị nhận thấy, có rất nhiều phụ nữ giỏi giang, có năng lực, có khát vọng… nhưng lại không dám thể hiện vì bị xã hội, thậm chí kể cả người thân, kỳ thị rằng thích học đòi, muốn leo cao, hãnh tiến… Trong khi cùng một khát vọng đó, nếu nam giới thể hiện ra thì lại được ca ngợi là người giỏi giang, có chí tiến thủ.
Thực tế đó khiến chị luôn trăn trở và nghĩ, làm thế nào để thay đổi tình hình đó? Làm sao để những người phụ nữ biết đấu tranh, biết tự bảo vệ mình những khi bị bạo hành? Làm sao để giải phóng người phụ nữ khỏi những rào cản định kiến, để mỗi người có khát vọng đều có quyền bay lên ngang nhau, đều có quyền đi tìm cơ hội thực hiện ngang nhau? “Trời đất sinh ra chúng ta để chúng ta tận hưởng cuộc sống, không phải để chịu đựng đau khổ, bị bạo hành, vì thế chúng ta phải biết tự mình giành lấy niềm vui”. Với suy nghĩ ấy, chị bắt đầu “mày mò” tìm hiểu và nghĩ cách để làm sao có thể thay đổi nhận thức của mọi người về những định kiến này.
Phải nói rằng, cách đây 20 năm, ở Việt Nam hầu như rất ít người biết đến khái niệm về bình đẳng giới, và việc đấu tranh cho bình đẳng giới khi đó rất khó khăn. Rất may, thời điểm đó, có khá nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế đến Việt Nam, biết đến chị và trung tâm của chị, nên họ đã tìm đến đề nghị cùng phối hợp để thực hiện các chương trình dài hơi hơn. Và đến năm 2001, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) ra đời. Lúc đầu, các hoạt động của Trung tâm chỉ dừng ở việc tư vấn, trong đó các lĩnh vực được tư vấn miễn phí là bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, bạo lực trẻ em… Để việc hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất, CSAGA tổ chức riêng một bộ phận chuyên theo giúp đỡ những phụ nữ bị bạo lực, bị xâm hại để động viên, khích lệ tinh thần, tìm hướng giải quyết tích cực. Đối những vụ bạo lực, xâm hại nghiêm trọng, cán bộ chương trình của CSAGA sẽ phối hợp cùng cán bộ tư vấn xem xét hồ sơ, xác minh, mời luật sư, liên hệ công an, liên hệ địa phương… để giải quyết, buộc kẻ thủ ác phải chịu sự trừng phạt theo luật pháp. Chị bảo, nếu không làm đến nơi đến chốn, không buộc kẻ ác bị trừng trị, thì sẽ có rất nhiều phụ nữ, trẻ em của chúng ta sẽ có nguy cơ bị xâm hại và không được an toàn. “Chính điều này đã thôi thúc chúng tôi hành động quyết liệt hơn”, chị Vân Anh nói.
Vốn là một nhà báo, nên chị nhận thấy rất rõ vai trò của truyền thông đối với việc tuyên truyền, nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân về bình đẳng giới. Chính vì vậy, chị rất chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các nhà báo. Kể từ khi thành lập đến nay, CSAGA đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước, tổ chức nhiều khóa tập huấn miễn phí, nâng cao kiến thức về bạo lực gia đình, về bình đẳng giới, về cách thức tuyên truyền về bình đẳng giới cho các phóng viên báo đài. Song song với việc tổ chức các lớp tập huấn, CSAGA còn cho ra đời bản tin về bình đẳng giới, trong đó thường xuyên cập nhật những bài báo viết về bình đẳng giới, kèm theo những đánh giá của chuyên gia, đặc biệt chỉ ra những lỗi trong bài viết mà phóng viên mắc sai lầm trong quá trình đưa tin về bình đẳng giới. Bản tin này được gửi tới từng phóng viên.
CSAGA cũng thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm để chia sẻ những câu chuyện, những bài học về bình đẳng giới, về phòng chống bạo lực gia đình..., thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng, từng bước nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, CSAGA đã tổ chức được 3 cuộc tọa đàm gồm: “Bình phẩm công khai về phụ nữ, giới hạn và đạo lý”; tọa đàm về "Hình ảnh phụ nữ trong quảng cáo thương mại - Giới hạn và đạo lý" và tọa đàm “Bêu dâm, góc nhìn pháp luật và đạo lý. Ngoài các cuộc tọa đàm, CSAGA còn phối hợp với Viện nghiên cứu Xã hội – Kinh tế và Môi trường (ISEE) và nhóm Nữ Yêu Nữ kết hợp cùng với nhóm LGBT Bắc Ninh tổ chức tổ chức sự kiện "Từ ô cửa lớp học bước tới cầu vồng" tại trường THPT Phố Mới, Quế Võ, Bắc Ninh. Đây là chuỗi chương trình "Trường học Cầu vồng" được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhằm mục đích xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử dựa trên khác biệt tính dục cũng như xóa bỏ bạo lực học đường; tổ chức cuộc thi viết về chủ đề “Phụ nữ không phải là công cụ tình dục”…
Dù bận rộn với hàng núi công việc, nhưng hễ có thời gian, chị lại gặp gỡ, động viên và chia sẻ với những người phụ nữ đang gặp khó khăn, tư vấn, giúp đỡ họ giải quyết những vấn đề khó khăn, khúc mắc trong đời sống, mang đến niềm tin và hy vọng cho nhiều phụ nữ, trẻ em. Chị Nguyễn Thị N, một nạn nhân của bạo lực gia đình kể, trước đây, chị thường xuyên bị chồng đánh đập, chị vẫn cam chịu và nghĩ rằng mình sẽ phải chịu đựng như vậy đến hết đời. May sao, chị được bạn bè giới thiệu đến CSAGA để chia sẻ.
Từ đây, chị được tư vấn viên động viên, hướng dẫn chị cách tự bảo vệ mình, và tìm sự giúp đỡ từ cộng đồng khi bị chồng đánh. Rồi CSAGA mời chị tham dự một vài cuộc hội thảo về quyền phụ nữ, về bạo lực gia đình… chị hiểu biết thêm kiến thức và về pháp luật, chị đã thay đổi cách suy nghĩ, mạnh dạn nói chuyện thẳng thắn với chồng, về việc sử dụng bạo lực là vi phạm pháp luật. Dần dần, chồng chị nhận ra sai lầm của mình và thay đổi cách cư xử. Đầu năm nay, chị N còn gửi quà đến CSAGA cùng lời nhắn: “Nhờ chị và CSAGA mà chồng em đã thay đổi rất nhiều, đã biết yêu thương vợ con hơn. Những ngày qua em như sống trong mơ vậy”.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), người đã từng phối hợp cùng chị Vân Anh trong rất nhiều chương trình, dự án, đánh giá: “Chị Vân Anh là người rất thú vị, ham hiểu biết, luôn nhiệt tình, hết lòng vì công việc. Đặc biệt là khi gặp một vụ việc gì đó liên quan đến bạo lực phụ nữ và trẻ em, chị thường kiên quyết làm đến cùng, để giành công lý quyền lợi cho những nạn nhân... Chị là người thích dấn thân vào cuộc sống để khám phá, học hỏi những kinh nghiệm, rồi lại mang kinh nghiệm ấy chia sẻ với mọi người”.
Những nỗ lực của chị Nguyễn Vân Anh trong hơn 20 năm qua đã được cộng đồng ghi nhận. Năm 2007, chị được Women’s eNews, hãng tin chuyên đăng tải những thông tin về phụ nữ và em gái để tạo dựng thế giới công bằng hơn ở Mỹ, vinh danh là một trong 21 phụ nữ xuất sắc của thế kỷ 21. Và năm 2017, chị đã nhận giải Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do tạp chí Fobes bình chọn.
Lăn lộn với công việc, nhưng chính chị và những phụ nữ làm công việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em đôi khi cũng phải chịu sự định kiến của xã hội. Một số nam giới cho rằng, những người làm công việc giống như chị chuyên dạy… hư phụ nữ, dạy phụ nữ cãi lại chồng mình. Trước những định kiến ấy, chị Vân Anh chỉ cười nói: “Những người làm về bình đẳng giới như chúng tôi, không phải để chống lại nam giới, mà là để cho nam giới và phụ nữ có một cuộc sống hạnh phúc hơn, hài hòa hơn”.
Với chị, phụ nữ chỉ sáng tạo nhất, được là chính mình nhất và hạnh phúc nhất khi họ thoát khỏi những quan niệm, những định kiến mang tính khuôn mẫu về giới. Và khi những người phụ nữ luôn được vui sống với khao khát của chính họ, thì khi đó xã hội mới có thể tươi đẹp. Và công việc của chị và các cộng sự của mình ở CSAGA làm hiện nay, là giúp những người phụ nữ nhận thức được giá trị của mình, tự tin đứng lên đấu tranh để giải thoát cho mình, và tự giành lấy niềm vui cho mình. Tuy nhiên, để làm tốt điều này là việc vô cùng khó khăn. “Cuộc chiến này không phải chiến đấu với kẻ thù, mà là cuộc chiến đấu chống lại tính xấu của người thân”.
Mong muốn lớn nhất của chị Vân Anh bây giờ là làm sao để con em chúng ta được sống trong một xã hội an toàn hơn, yêu thương nhau hơn, không phải chịu cảnh bị kỳ thị, bạo lực. “Nếu không có bạo lực xảy ra, cả nam giới và phụ nữ đều rất hạnh phúc, nhất là trẻ em”, chị Vân Anh khẳng định. Và để thay đổi điều này, việc cần làm và khó làm nhất hiện nay, là làm thế nào để tác động đến nam giới, để nam giới thay đổi hành vi của mình, bởi nam giới là đối tượng chính dẫn đến bạo lực giới và nam giới cũng lại là đối tượng mang nặng định kiến nhất, khó thay đổi nhất.
“Đã đến lúc, chúng ta cần tập trung vào những chiến lược dài hơi để làm thay đổi nhận thức, thay đổi quan niệm, định kiến về phụ nữ như hiện nay”, chị Vân Anh nói. Muốn vậy, cần có một nguồn kinh phí ổn định. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp hầu hết chỉ chi tiền làm từ thiện mà chưa nghĩ đến việc ủng hộ các dự án phục vụ sự phát triển của xã hội. “Tôi nghĩ, các doanh nghiệp, những người có điều kiện kinh tế ở Việt Nam cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, bằng việc chung tay đóng góp cho các chương trình, dự án xã hội. Khi đó, các vấn đề xã hội Việt Nam sẽ được chính người Việt Nam giải quyết, thay vì phải trông chờ vào những sự giúp đỡ từ bên ngoài”, chị Nguyễn Vân Anh tin tưởng.
Bài: Lan Lộc
Ảnh, video: Lê Phú
Trình bày: Trần Thắng
Trong bài có sử dụng một số hình ảnh, đoạn phim tư liệu do CSAGA cung cấp.
24/03/2018 07:30