Ngày 29/6, tức một tuần kể từ khi đội bóng mất tích. Nhiều người thân vẫn mòn mỏi chờ đợi bên ngoài cửa hang ngóng tin của các em. Có bà mẹ mắt thâm quầng vì nhiều đêm thức trắng chờ đợi. Có ông bố gương mặt thất thần, nhìn vô vọng vào cửa hang. Vài người không thể chịu đựng được sự căng thẳng kéo dài đã ngất và được đưa vào viện. Không khí đau thương và tuyệt vọng đến ngột ngạt.
Một khu vực cầu nguyện đã được lập ngoài cửa hang. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã có mặt, cam kết dốc toàn lực tìm đội bóng và huấn luyện viên mất tích và động viên thân nhân không từ bỏ hy vọng. Ông kêu gọi: “Phải có niềm tin. Niềm tin khiến mọi thứ thành công. Niềm tin vào hành động của giới chức. Niềm tin vào các em – những người mạnh mẽ, sung sức. Mọi thứ rồi sẽ trở lại bình thường”.
Trong lúc đó, lực lượng cứu hộ Thái vẫn nỗ lực không ngừng, chạy đua với thời gian để tìm kiếm đội bóng mất tích. Hàng nghìn người đổ về khu vực, bao gồm các nhân viên cứu hộ, tình nguyện viên, nhà địa chất, thợ lặn, chuyên gia bản đồ, chuyên gia lặn, đặc nhiệm hải quân, bác sĩ, nhà khảo sát hang động và liên minh các chuyên gia hang động quốc tế đã đổ về hang Tham Luang. Tư lệnh Lực lượng tác chiến đặc biệt Hải quân Thái Lan Apakorn Yukongkaew tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không lùi bước. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến vào trong cho tới khi tìm thấy các cậu bé”.
Chưa bao giờ người ta thấy một đất nước Thái Lan vẫn tồn tại nhiều sự chia rẽ lại đoàn kết, quyết tâm cùng hướng về một nơi như thế. Những người theo đạo Phật tới thắp hương ngay cạnh máy bơm nước để cầu nguyện. Những người Hồi giáo cũng đổ về cửa hang, nói sẽ cầu nguyện cho tới khi các cậu bé an toàn trở về nhà. 60 hộ nông dân trồng lúa quanh khu vực đồng ý để máy bơm hút nước từ trong hang xả trắng ruộng.
Đội bóng nổi tiếng Thái Lan Muangthong United đã có một hành động đầy tính nhân văn, đứng thành một vòng tròn giữa sân vận động, quây quanh con số 13 để cầu nguyện. Trên mạng xã hội tràn ngập những lời cầu nguyện cũng như tranh vẽ 13 người mất tích.
Hàng chục nghìn học sinh và giáo viên cả nước tổ chức cầu nguyện cho đội bóng. Tại ngôi trường của đội bóng Lợn rừng, bạn bè và giáo viên của các cậu bé không từ bỏ hy vọng được gặp lại các em. Tilek Jana 14 tuổi, bạn của một cậu bé mất tích nói: “Hãy để bạn ấy về và chơi bóng với cháu. Cháu nhớ bạn ấy”.
Ông Kanet Pongsuwan, hiệu trưởng trường Mae Sai Prasitsart, nơi có 6 trong số 12 cậu bé mất tích đang theo học, cho biết tuần vừa qua là một tuần đau đớn. Ông nói: “Chúng tôi cầu nguyện để tiếp thêm sức mạnh cho các em trong lúc chờ người đến cứu”.
Tất cả chỉ mong sao có một phép màu!
Tưởng chừng như cuộc tìm kiếm sẽ kéo dài vô thời hạn thì 21 giờ 25 tối 2/7, nhóm cứu hộ và toàn dân Thái Lan vỡ òa trong vui sướng. Người thân ôm nhau reo hò trong nước mắt khi nhận tin cả 13 người mất tích đã được tìm thấy và còn sống.
Theo New York Times, thợ lặn người Anh John Volanthen là người đã tìm thấy các thành viên đội bóng, một cách may mắn đến thần kỳ. Ông kể lại rằng số dây thừng ông mang theo để đánh dấu đến lúc đó đã được sử dụng hết. Do đó, ông buộc phải ngoi lên mặt nước để thăm dò tình hình xung quanh. Ông không thể tin vào mắt khi trước mặt mình, trên một khu vực trồi lên mặt nước, cả 13 người mất tích đang chằm chằm nhìn vào chiếc đèn đeo trên trán của ông. Phép màu nằm ở chỗ nếu sợi dây thừng chỉ ngắn hơn 5 mét nữa thôi là ông sẽ phải quay lại và không thể nhìn thấy các cậu bé.
Việc tìm ra nhóm mất tích quả là một điều thần kỳ. Nhiều người nghĩ đây là nhiệm vụ là bất khả thi do hang Tham Luang không có bản đồ chi tiết và đang bị ngập nặng. Nhưng công sức của lực lượng cứu hộ, những lời cầu nguyện của biết bao người ngoài hang dường như đã thấu đến trời xanh.
Tìm kiếm người mất tích luôn là một quá trình gắn liền với những cảm xúc xót xa, đau đớn, tuyệt vọng của những người ở lại. Còn nhớ cuộc giải cứu thần kỳ khác cách đây 8 năm ở Chile. Khi đó, 33 thợ mỏ bị mắc kẹt trong hầm sâu và cuộc giải cứu kéo dài tới 69 ngày đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận thế giới với rất nhiều cung bậc cảm xúc.
Ngày 23/6, 12 cậu bé độ tuổi từ 11 đến 16 trong đội bóng đá thiếu niên Thái Lan mang tên Lợn rừng cùng huấn luyện viên đã bỏ lại giày và xe đạp ngoài cửa hang Tham Luang Nang Non ở Chiang Rai và vào trong thám hiểm. Đây đang là mùa mưa. Giới chức đã cho cắm những tấm biển bên ngoài cảnh báo du khách không mạo hiểm vào hang.
Tối hôm đó, sốt ruột vì không thấy con trai về nhà, nhiều người đã tỏa đi tìm.
Đến ngày hôm sau, việc tìm kiếm được mở rộng thành một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn. Mưa vẫn rơi như trút xuống khu vực quanh hang gần Lào và biên giới Myanmar. Những dấu tay và dấu chân của các cậu bé được phát hiện. Đội tìm kiếm tin rằng nhóm cầu thủ có thể đã len lỏi vào các ngõ ngách ngoằn ngoèo trong hang và bị kẹt khi mực nước dâng cao.
Ngày 25/6, nhóm thợ lặn của lực lượng SEAL Hải quân Thái Lan vào hang, mang theo bình ô xy và thức ăn. Mưa vẫn tiếp tục rơi. Người ta lo ngại mực nước trong hang có thể dâng theo. Một nhận định khả quan đó là các cậu bé đã lùi sâu vào trong hang, tới một khu vực có nhiều không khí được gọi là “bãi biển Pattaya”.
Ngày 26/6, thợ lặn tới khu vực ngã ba, cách cửa hang vài km nhưng buộc phải lùi ra vì nước ngập khe nứt hẹp gần “bãi biển Pattaya”. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã kêu gọi cả quốc gia hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm các cậu bé.
Video đội cứu hộ tìm kiếm các em nhỏ trong hang tối (nguồn: Dailymail):
Trong khi mưa lớn cản trở nỗ lực tiếp cận sâu trong hang, một nhóm hơn 30 quân nhân Mỹ từ Bộ chỉ huy Thái Bình Dương đã tới khu vực hang Tham Luang Nang Non vào tối 27/6. Họ cùng với ba chuyên gia lặn người Anh vào lối cửa hang nhưng nhanh chóng phải rút ra vì nước ngập nặng.
Mực nước liên tục dâng cao, điều kiện tìm kiếm vô cùng khó khăn. Sức người buộc phải dừng lại, nhưng những chiếc máy bơm cỡ lớn vẫn tiếp tục được chuyển tới để hút nước ra khỏi hang.
Các chuyên gia Mỹ làm việc ở bên ngoài. Ba thợ lặn Anh và những người khác lùng sục quanh quả núi tìm lối khác để vào hang. Trong khi đó, phía Thái Lan triển khai thiết bị không người lái để giúp phát hiện các khu vực thông xuống hang từ phía trên đỉnh núi.
Ngày 29/6, một tia hy vọng lóe lên khi đội giải cứu tìm thấy một lối vào khả thi, nhưng không có gì đảm bảo lối vào này sẽ nối với mạng lưới hang chính. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã tới khu vực giải cứu, tham gia cầu nguyện và nấu ăn cùng gia đình các cậu bé, như một lời động viên không từ bỏ hi vọng.
Thời tiết xấu tạm chấm dứt sáng 30/6 đã tạo điều kiện để các thợ lặn vào sâu bên trong, nhưng họ vẫn cách nơi mà các cậu bé được dự đoán đang mắc kẹt tới vài km. Các đội tiếp tục tìm kiếm lối vào khác bên trên mặt đất. Trong khi đó, nhóm cứu hộ thực hiện các mũi khoan thử để có thể giải cứu an toàn các cậu bé khi các em được tìm thấy.
Bước sang tháng 7, nhóm thợ lặn nhích dần vào trong hang, tận dụng lúc trời ngừng mưa. Nhóm cứu hộ đã lập căn cứ điều hành công tác giải cứu bên trong hang. Hàng trăm bình ô xy và các dụng cụ cần thiết đã được đưa vào trong. Nhờ đó, nhóm thợ lặn có thể ở bên trong lâu hơn.
Dư luận càng thêm hi vọng khi mặt trời bắt đầu xuất hiện, điều kiện chiến dịch giải cứu đang tốt dần lên.
Ngày 2/7, điều thần kỳ đã xảy ra: hai thợ lặn người Anh John Volanthen và Richard Stanton đã tìm thấy 12 cậu bé và huấn luyện viên vẫn còn sống và an toàn ở vị trí cách “bãi biển Pattaya” 400 mét về phía trong.
Video khoảnh khắc tìm thấy các cậu bé còn sống:
Hay tin, đám đông bên ngoài cửa hang hò reo vui mừng. Cả nước Thái Lan cuối cùng cũng thở phào. Cả 13 người còn sống. Ưu tiên lúc này là mang thức ăn vào. Sau cả 10 ngày bị mắc kẹt, các em hầu như không ăn gì.
Mô tả về tình trạng sức khỏe của các cậu bé, Tỉnh trưởng Chiang Rai, ông Narongsak Osottanakorn nói: “Từ đoạn clip ghi lại cảnh lúc các thợ lặn Anh tìm thấy các cậu bé, có thể thấy các em trông kiệt sức vì không ăn uống trong nhiều ngày. Nhưng nếu chúng ta phải chọn giữa màu xanh là tình trạng tốt nhất, vàng và đỏ là trình trạng xấu nhất, thì các em dường như ở mức độ màu xanh”.
Một nhân viên giải cứu tên là Supat Khamsueb cho biết trên Facebook rằng anh là người theo dõi đoạn nói chuyện qua radio giữa các cậu bé và thành viên đội SEAL Hải quân. Khi được hỏi đã sống sót thế nào mấy ngày qua, các cậu bé cho biết họ cố gắng nằm không cử động và uống nước nhỏ giọt từ đá vôi trong hang.
Các cậu bé dù bị mắc kẹt nhưng vẫn còn may mắn vì trong hang có nước – yếu tố quan trọng để sinh tồn. Ngoài ra, nhiệt độ trong hang tương đối ấm áp nên các cậu bé không bị giảm thân nhiệt dẫn tới nguy hiểm tới tính mạng.
Một yếu tố may mắn nữa là các cậu bé có sức khỏe tốt nhờ thường xuyên chơi bóng đá nên có thể cầm cự lâu hơn, chịu đựng tốt hơn. Các em còn có huấn luyện viên đi cùng – một người trưởng thành có thể làm chỗ dựa tinh thần và chỉ dẫn cách kéo dài thời gian tồn tại chờ cứu hộ. Được biết, huấn luyện viên 25 tuổi đã nhường phần thức ăn cho 12 cậu bé trong 10 ngày mắc kẹt, chỉ cho các em uống nước sạch chảy từ đá vôi, dặn các em hạn chế cử động để tránh mất năng lượng.
Hiện tại, có một y tá và một bác sĩ đã tiếp cận hiện trường. Đội thợ lặn 16 người đã được phái tới chỗ các cậu bé để tính đến phương án đưa đội bóng ra ngoài. Họ mang theo thức ăn đặc biệt dạng gel và nước.
Mặc dù tất cả đều có sức khỏe ổn nhưng theo tiến sĩ Andrea Danese, nhà tâm lý học trẻ em và thiếu niên tại London, các em sẽ bị ảnh hưởng tâm lý. Phát biểu với kênh CNN, ông cho biết trẻ em bị chấn thương tâm lý có thể sợ hãi, buồn bã, giật mình, tính khí thất thường do tâm lý chưa vững vàng như người lớn.
Một trong những thách thức lớn là hậu quả của việc ở trong bóng tối lâu ngày. Không có đủ ánh sáng để phân biệt ngày và đêm, đồng hồ sinh học sẽ rối loạn. Tiến sĩ Russel Foster, chủ tịch Hội khoa học thần kinh tại Đại học Oxford, cho biết điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng tới giấc ngủ mà còn ảnh hưởng tới tâm trạng và nhiều chức năng của các cơ quan trong cơ thể người.
Do đó, các em cần được khuyến khích bày tỏ cảm xúc. Liên lạc với gia đình cũng giúp các em hứng khởi hơn. Hiện tại, một đường dây điện thoại đang được nối vào trong hang.
Video các cậu bé cười nói và khẳng định sức khỏe tốt trong hang tối:
Hành trình tìm kiếm đội bóng mất tới 10 ngày nhưng ước tính thời gian giải cứu 13 người sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa, thậm chí có thể mất vài tháng cho tới khi mùa mưa kết thúc. Lý do là việc đưa các em ra sẽ được đưa ra khỏi hang chỉ được thực hiện khi đủ an toàn.
Trong lúc cân nhắc phương án khả thi nhất, đội cứu hộ vẫn tiếp tục nỗ lực khoan, tìm lối tiếp cận khác và hút nước. Họ đang đối mặt với một nhiệm vụ giải cứu đầy khó khăn do mực nước dâng cao và bùn cản trở quá trình tiếp cận.
Có một số phương án đang được tính tới:
Phương án 1: Các cậu bé sẽ ở nguyên vị trí. Các em được tiếp thức ăn, nước và chăm sóc y tế. Đội cứu hộ sẽ tiếp tục bơm nước ra ngoài và tìm/mở lối khác để vào hang. Phương án này có thể mất vài ngày đến vài tuần. Cần phải làm đường để đưa thiét bị khoan vào. Đội cứu hộ sẽ phải khoan qua đá núi. Tính toán vị trí khoan sẽ rất khó khăn.
Phương án 2: Các thợ lặn sẽ dạy các em lặn và đưa từng em ra ngoài một. Cứ hai thợ sẽ lặn kèm một em. Bình ô xy dự phòng và thiết bị thắp sáng sẽ được lắp dọc tuyến đường thoát.
Ông Anmar Mirza, điều phối quốc gia Ủy ban Giải cứu Hang động Mỹ, nói: “Lựa chọn đưa các em ra bằng cách lặn là nhanh nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất”.
Lý do là vì các em không ai biết bơi và bản thân việc thoát khỏi hang đã rất nguy hiểm. Các nhóm cứu hộ cho biết phương án này mạo hiểm vì các em không quen với thiết bị lặn mà sẽ phải di chuyển dưới nước trong bóng tối và không gian chật hẹp. Rất dễ hoảng loạn hoặc mất phương hướng.
Các thợ lặn chuyên nghiệp phải mất 3 tiếng mới tới được chỗ các em. Họ phải bơi ngược dòng nước chảy mạnh và bị đập người vào vách hang.
Mất một thời gian các chuyên gia giỏi nhất thế giới mới có thể tiếp cận các em. Hai người trong số đó là nhà thám hiểm hang động Howard Limbert (người đã tìm ra Sơn Đoòng ở Việt Nam) cùng cộng sự Nguyễn Châu Á thuộc công ty Oxalis. Họ đã lên đường ngày 4/7 hướng về Chiang Rai (Thái Lan) để hỗ trợ công tác giải cứu.
Phương án 3: Một lựa chọn khác sẽ là chờ nước rút để cả nhóm có thể đi bộ ra ngoài hang. Nhưng sẽ phải mất hàng tháng mùa mưa mới chấm dứt.
Lực lượng cứu hộ cũng đang tính tới việc khoan một đường từ trên đỉnh núi xuống và kéo các em lên trên. Đây cũng là một nhiệm vụ khó khăn không kém.
Ở trong hang càng lâu thì rủi ro sẽ càng tăng cao. Rủi ro có thể gồm đá rơi, mực nước dâng khiến không khí ít dần và cản trở nỗ lực sơ tán.
Dù có chọn phương án nào thì sự an toàn vẫn là yếu tố được đặt lên cao nhất. Hy vọng sẽ có phép màu và cuộc giải cứu sẽ thành công. Các em sẽ được trở về vòng tay ấm áp của người thân sau chuỗi ngày trong hang lạnh lẽo.
Bài: Thùy Dương
Trình bày: Trần Thắng
05/07/2018 06:08