Từ đề xuất của thành phố Hà Nội, nhất là được sự thống nhất và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với UBND thành phố và các bộ, ngành liên quan đã chuẩn bị hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) công phu, chất lượng, bảo đảm các nội dung sửa đổi phù hợp với quy định pháp luật và tính khả thi trong thực hiện. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được trình lên Quốc hội trong kỳ vọng về sự đổi thay, hoàn thiện cơ chế, chính sách để Thủ đô "hóa Rồng".

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, Dự án đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Đô thị Hà Nội được quy hoạch quay mặt vào sông Hồng.

Cụ thể, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012); trong đó, giữ nguyên 3 điều, sửa đổi, bổ sung 18 điều, quy định mới điều. Các cơ chế, chính sách được thiết kế trong Dự án Luật đã thể hiện rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền toàn diện, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực. Đặc biệt, Dự án đã nêu rõ các cơ chế, chính sách đặc thù và giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô. 

Thông tin một số nội dung nổi bật của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về mô hình tổ chức, chính quyền Thủ đô thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường và bổ sung thành phố thuộc thành phố Hà Nội; tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của Hội đồng nhân dân.

Hà Nội khai thác giá trị di sản, phố đi bộ để phát triển kinh tế đêm.

Về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức Thủ đô, Dự án quy định một số nội dung đặc thù như: Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố; quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội với những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như: Tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng, Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách...

Đối với chính sách tài chính, ngân sách, Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính, tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần. Ngân sách thành phố giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, dự án PPP, giao thông công cộng, hỗ trợ di dời cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời. Tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hàng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.

Hà Nội đang hướng đến trở thành Thành phố kết nối toàn cầu.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cho phép Hà Nội được nhượng quyền kinh doanh, quản lý các công trình hạ tầng văn hóa, thể thao nhằm sử dụng, khai thác hiệu quả công trình, tạo nguồn thu để tái đầu tư, bảo dưỡng, phát triển công trình, tăng khả năng tự chủ của các đơn vị sự nghiệp. Ngoài ra, Dự án quy định một số nội dung về liên kết, phát triển vùng Thủ đô nhằm cụ thể hóa chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện rõ các cơ chế, chính sách đặc thù; đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ. Lĩnh vực phân quyền toàn diện nhưng vẫn có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực. Đơn cử như, về quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; mở rộng phạm vi dự án đầu tư mà khi lập quy hoạch chi tiết phải xác định đất thu hồi trong vùng phụ cận để tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ…

Hà Nội chú trọng công tác đô thị hóa.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết thêm, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ phân cấp một số thẩm quyền về đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Cụ thể như: Hội đồng nhân dân thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng...; cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần bảo đảm cụ thể, rõ nội dung, phạm vi, đối tượng phân quyền và cơ chế phân cấp, ủy quyền gắn với chế độ, trách nhiệm, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố. Theo đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, để thực hiện tốt hoạt động giám sát việc thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), trước tiên, cần thực hiện đúng, đầy đủ và có hiệu quả thẩm quyền, trách nhiệm giám sát của các chủ thể giám sát và phát huy vai trò tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân...

Vẻ đẹp của Hà Nội trong hoàng hôn.

Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp của thành phố Hà Nội cần đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý và chịu trách nhiệm về những vi phạm, yếu kém xảy ra trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội giám sát việc thi hành Luật; định kỳ xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện Luật.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố Hà Nội và tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện chính sách, quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mà Luật giao cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành; phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát của nhân dân - là những người trực tiếp giám sát hoạt động của chính quyền các cấp. Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố và tổ chức thành viên xây dựng cơ chế tiếp nhận những kiến nghị, phản ánh, đánh giá việc thực thi chính sách phân quyền, đảm bảo linh hoạt, thực chất.

Đón đọc bài 3: Bảo đảm hiệu lực thi hành luật

Bài: Nguyễn Thắng - Đinh Thuận
Ảnh: Nguyễn Thắng - Đinh Thuận - TTXVN 
Đồ họa: TTXVN
Trình bày: Nguyễn Hà

29/11/2023 10:00