Bên cạnh các công trình đô thị, không gian công cộng, di sản thì các khu vực có giá trị bị lãng quên đã được đánh thức nhờ hoạt động tái thiết đô thị của Hà Nội trong những năm gần đây. Thay vì để tình trạng ô nhiễm môi trường hoặc trở thành ứ tồn của đô thị thì các công trình, địa danh đã được tạo luồng sinh khí mới, mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Sự tái cấu trúc lại các khu vực này là hướng phát triển bền vững mà mục tiêu Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO đã đặt ra đối với các thành phố thành viên, trong đó có Hà Nội.
Khu vực bờ vở sông Hồng chạy qua nội thành Hà Nội dài hàng chục km, trong đó riêng khu vực quận Hoàn Kiếm dài 3,8 km, bao trọn hai phường Chương Dương và Phúc Tân. Vốn được sử dụng như một hành lang đê điều để thoát lũ, chống lấn chiếm, nên hầu hết các khu vực tại bờ vở bị bỏ hoang, cây cỏ dại mọc um tùm, nhiều nơi rác thải chất đống gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tại một số khu vực, người dân tự cải tạo không gian thành vườn rau, trồng cây ăn quả, khu chăn nuôi, đun nấu phục vụ cho lợi ích cá nhân.
Theo ông Lê Quang Bình, điều phối viên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, bờ vở sông Hồng có tiềm năng rất lớn để trở thành không gian công cộng và sinh thái nội đô, nhưng do hiện trạng ô nhiễm và thiếu giải pháp cải tạo tổng thể nên khu vực này vẫn chưa phát huy được tiềm năng, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường địa phương.
Những năm qua, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị tập trung cải tạo không gian tự nhiên trở thành không gian công cộng, không gian sạch, không gian kết nối cộng đồng người dân với các giới khác nhau như nghệ sĩ, họa sĩ, những người làm việc về giáo dục, văn hóa, cộng đồng.
Năm 2021, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống phối hợp cùng Think Playgrounds (Doanh nghiệp xã hội Nghĩ về sân chơi trong phố) đã cải tạo một bãi rác bờ vở sông Hồng tại tổ 16, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm thành khu vui chơi phục vụ trẻ em và người dân. Nhiều chậu cây, hoa cảnh, vật liệu tái chế như lốp xe, gỗ... được sử dụng để góp phần cải tạo khu vực. Đây là hoạt động cải tạo không gian công cộng với sứ mệnh đồng hành cùng các cộng đồng dân cư xây dựng các sân chơi, vườn cộng đồng, cải tại không gian công cộng thân thiện và hòa nhập trong các đô thị.
Tiếp đến, năm 2022, hai đơn vị này tiếp tục cải tạo bãi rác gây ô nhiễm nặng nề khu vực bờ vở sông Hồng với khối lượng lên tới hơn 200 tấn rác, thành công viên rừng rộng 1.500 m2. Không gian này gồm: Vườn cộng đồng, khu vui chơi trẻ em, khu tập thể thao, đường kết nối cộng đồng với không gian xanh, nằm ở tổ 5 - 6 phường Chương Dương. Sau đó, không gian tiếp tục mở rộng thêm 8.000 m2. Đầu năm 2024, Think Playgrounds và Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống tiếp tục khánh thành sân chơi và công viên vườn rừng cũng tại bờ vở sông Hồng, thuộc tổ 1 phường Phúc Tân rộng 5.000 m2. Các dự án này thay đổi diện mạo cho khu vực bờ vở sông Hồng từ lâu bị lãng quên, đồng thời mở ra việc cải tạo toàn bộ khu vực bờ vở.
Hiện nay, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống phối hợp với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã khởi xướng một nghiên cứu khảo sát hiện trạng môi trường nhằm đánh giá thực trạng ô nhiễm và đưa ra các gợi ý và giải pháp quản lý môi trường dựa vào cộng đồng, phát triển bền vững và bảo tồn thiên nhiên khu vực bờ vở sông Hồng. Từ những công cụ đánh giá khách quan và ý kiến đóng góp của người dân, nhóm nghiên cứu đưa ra một bức tranh tổng thể về tình trạng môi trường công cộng dành cho tất cả mọi người.
Cùng với đó, Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds cũng đã có một khảo sát động thực vật tại đây nằm trong bản tư vấn quy hoạch tổng thể cho quận Hoàn Kiếm để thử nghiệm khai thác mô hình công viên rừng theo hướng xúc tiến sinh thái đa dạng, tăng tính bền vững, tăng khả năng đối phó với các tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Giám đốc Sáng tạo thuộc Doanh nghiệp xã hội Nghĩ về sân chơi trong phố - Think Playgrounds cũng chia sẻ, mục đích theo đuổi trong 10 năm qua của doanh nghiệp là hướng đến không gian công cộng trong đô thị, bởi vậy khu vực bờ vở sông Hồng luôn là địa điểm được doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Ông cũng cho rằng, các dự án đầu tư ở phường Phúc Tân và Chương Dương đều có tính đặc thù, nếu không có phương pháp tốt thì việc tái diễn đổ rác thải. Bởi vậy, quá trình làm đều đảm bảo tính khoa học, toàn diện và đến nay các dự án khi hoàn thành đều tạo được hiệu ứng tốt.
Đúng với nhận định đó, các không gian công cộng đa chức năng khi hoàn thiện đã đạt hơn kỳ vọng ban đầu, trở thành điểm vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao của nhân dân trong khu vực và là nơi tổ chức các sự kiện của các phường, của quận Hoàn Kiếm cũng như nhiều tổ chức xã hội khác. Đặc biệt, các điểm này còn kết nối với con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân tạo thành chuỗi các không gian cộng đồng, làm thức giấc khu vực bờ vở sông Hồng từ lâu bị lãng quên.
Thành phố Hà Nội cũng xác định việc tái thiết các di sản công nghiệp thành các không gian sáng tạo không chỉ góp phần tích cực thúc đẩy, hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo khởi nghiệp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn tạo ra các nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch, tạo lợi ích kinh tế, đáp ứng nhu cầu giải trí sinh hoạt cộng đồng.
Những năm gần đây, sự xuất hiện của các không gian sáng tạo được tái thiết từ các nhà máy cũ tại Hà Nội đã cho thấy hiệu quả của việc chuyển đổi và tiềm năng lớn của các di sản công nghiệp. Từ một nhà máy sản xuất mũ cối của lực lượng vũ trang trước kia ở phố Phú Viên, quận Long Biên, không gian sáng tạo 282 Design được ra đời, tổ chức các hoạt động sáng tạo như: Nơi nói chuyện về sáng tạo, nơi triển lãm hội họa, nơi tổ chức các buổi giảng dạy về sáng tạo, nơi tổ chức hoạt động vui chơi sáng tạo.
Từ một nền một Nhà máy in Công đoàn để hoang 3 - 4 năm ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Tổ hợp Complex 01 ra đời với công năng là một không gian sáng tạo với các khu vực: Khu thương mại, khu tổ chức sự kiện sáng tạo, khu hội họp, khu trải nghiệm các hoạt động sáng tạo…
Trước đó, Nhà máy in báo Nhân Dân chuyển đổi thành Trung tâm Văn hóa Pháp (phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), cơ sở sản xuất của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 (phố Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng) thành tổ hợp Zone 9 (cũ), “quận nghệ thuật” Hanoi Creative City ở phố Lương Yên xây trên nền tòa nhà Nhà máy Kim khí Thăng Long. Thay vì bị bỏ hoang, bị xuống cấp và không còn giá trị sử dụng, các không gian nhà máy cũ đã mở ra cơ hội cho cộng đồng sáng tạo tái thiết lại thành các không gian sáng tạo.
Kiến trúc sư Nguyễn Bùi Vũ, chủ đầu tư Complex 01 chia sẻ: Nhu cầu tạo môi trường cho giới trẻ nhằm thúc đẩy kinh tế sáng tạo và văn hóa sáng tạo rất cần thiết. Thời điểm bắt đầu chuyển đổi một cơ sở cũ của nhà máy đã để hoang hóa thành một không gian sáng tạo như hiện nay, là muôn vàn khó khăn. Tuy vậy, với sự quyết tâm thực hiện, Complex 01 được hình thành với sự đầu tư đồng bộ, tạo ra sân chơi lành mạnh cho các bạn trẻ phát triển một cách bền vững.
Cuối năm 2023, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội trở thành hiện tượng văn hóa khi biến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành một tổ hợp sáng tạo. Di sản công nghiệp có tuổi đời gần 120 năm cũ kỹ, nằm thu mình giữa sự sôi động, náo nhiệt của thành phố bỗng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút hơn 200 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động. Lễ hội cũng mở ra cơ hội để biến các nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo tại Hà Nội.
Trong kế hoạch di chuyển các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội đô Hà Nội, thành phố có khoảng 100 cơ sở nằm trong diện này. Đây là cơ hội lớn để xây dựng các không gian sáng tạo, nhất là trong bối cảnh, Hà Nội đang thiếu các không gian công cộng phục vụ người dân, hạ tầng xã hội chật chội. Việc chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ duy trì và bảo tồn các giá trị công nghiệp của thành phố, hài hòa giữa lợi ích phát triển văn hóa, kinh tế, môi trường. Nhưng quan trọng, sẽ tăng thêm không gian công cộng sáng tạo, cải thiện chất lượng sống của người dân.
Tuy vậy, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng Khoa Kiến trúc và Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc tái thiết đô thị ở các cơ sở công nghiệp cũ trong diện di dời ra khỏi nội đô Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn do quy mô thực hiện lớn, vướng nhiều quy định về sử dụng đất. Những cơ sở có quy mô nhỏ đã chuyển đổi thành thành không gian sáng tạo như Complex 01, Design 282 hay một phần Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được thiết kế thành không gian sáng tạo đã gợi mở cho việc tái thiết các cơ sở công nghiệp thành không gian sáng tạo hoặc các không gian công cộng khác. Nếu thực hiện được thì sẽ đem lại lợi ích lớn cho thành phố cả về văn hóa, kinh tế cũng như các vấn đề xã hội khác.
Có rất nhiều khu vực hoàn toàn tái cấu trúc lại, giữ gìn bản sắc, nét đặc trưng của nó. Cấu trúc đô thị hiện hữu không chỉ là nhân tạo hoặc thiên nhiên mà có thể tạo ra thành phố phong phú về không gian, bản sắc văn hóa, có chất lượng, không gian sống tốt hơn. Ngoài các nhà máy cũ phải di chuyển khỏi nội đô thì còn có các khu tập thể cũ, các công trình thuộc hạ tầng đô thị đều có thể tái thiết theo hướng sáng tạo. Ngay cả các công trình mới khi xây dựng cũng có thể thiết kế sáng tạo nhằm tạo giao diện hiện đại, giàu bản sắc cho đô thị Hà Nội. Bên cạnh việc mang lại sự bền vững cho thành phố, các hoạt động tái thiết đô thị cũng mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Đón đọc bài 3: Lấy cộng đồng làm trung tâm
Bài: Đinh Thuận - Minh Ngọc
Ảnh: Minh Ngọc, Đinh Thuận, Hoàng Quyên, Quang Minh
Đồ họa: TTXVN
Video: Minh Ngọc
Trình bày: Nguyễn Hà
24/06/2024 04:35