Nếu ví xung đột Nga – Ukraine là một trận động đất, chắc chắn rung chấn của nó đã và đang lan đi khắp thế giới trong năm qua, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, mà còn dẫn tới những thay đổi sâu sắc về địa chính trị quốc tế.
Với Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã gây ra những mất mát nghiêm trọng về sinh mạng, gây bất ổn xã hội và tạo ra vết nứt kinh tế lớn.
Theo tiết lộ với hãng tin BBC ngày 2/12/2022 của cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, kể từ khi xung đột với Nga bùng nổ vào ngày 24/2/2022, ước tính có khoảng 10.000 – 13.000 quân nhân nước này đã thiệt mạng. Đáng chú ý là hồi tháng 6/2022, mỗi ngày có từ 100 – 200 quân nhân Ukraine tử trận.
Theo số liệu từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) công bố vào tháng 1/2023, đã có 18.096 dân thường thương vong (6.952 người thiệt mạng và 11.144 người bị thương) kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.
Xung đột kéo dài tại Ukraine đã buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có khoảng 7,9 triệu người đang tìm chốn dung thân ở các nước châu Âu. Ngoài ra, khoảng 5,91 triệu người, 65% trong số họ là phụ nữ và trẻ em gái, phải sống tị nạn.
Việc phá hủy và đóng cửa trường học do xung đột tại Ukraine cũng được dự báo sẽ có tác động lâu dài đến trẻ em và thanh thiếu niên. Ước tính có khoảng 5,7 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học đã bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có 3,6 triệu trẻ nghỉ học do các cơ sở giáo dục phải đóng cửa sớm.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột đã khiến nền kinh tế Ukraine thu hẹp 1/3. Ngày 5/1, dữ liệu chính thức do Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại Ukraine Yulia Svyrydenko công bố cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2022 giảm 30,4%. Theo bà Svyrydenko, năm 2022 là năm chứng kiến nền kinh tế Ukraine chịu suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1991, do xung đột gây cản trở đối với các hoạt động kinh tế.
Trước đó, hôm 3/1, Thủ tướng Denys Shmyhal tuyên bố tại một cuộc họp báo Chính phủ rằng thiệt hại đối với nền kinh tế nước này do xung đột đã vượt quá 700 tỷ USD.
Ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Ukraine, xác nhận xung đột Nga - Ukraine đã phá hủy hàng loạt cơ sở hạ tầng ở Ukraine như cầu đường, nhà máy. Ông Ustenko cho biết tình hình tăng trưởng kinh tế của Ukraine “rất đáng lo ngại, kể cả khi chiến sự chấm dứt ngay lập tức”.
Sự tàn phá của chiến tranh không chỉ giới hạn ở việc phá hủy các công trình, mà còn gây ra tình trạng mất đầu tư, mất việc làm, hạn chế thương mại. Giới chức cảnh báo sẽ phải mất nhiều năm để Ukraine có thể khôi phục nền kinh tế sau những thiệt hại nặng nề do chiến tranh.
Bên cạnh những tổn thất có thể đo đếm được, chiến tranh luôn để lại những vết sẹo vô hình, đó là những nỗi ám ảnh về tâm lý, những mất mát mà không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai. Ngay cả khi cuộc xung đột đang tiềm ẩn nhiều yếu tố khó đoán thì có một thực tế chắc chắn rằng, cả Nga, Ukraine và cộng đồng thế giới đều không mong muốn cuộc chiến này kéo dài vô tận. Đó cũng chính là thông điệp mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh: sẵn sàng hỗ trợ các bên chấm dứt xung đột trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Còn với Nga, mặc dù Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố những con số lạc quan về kinh tế, nhưng điều đó không có nghĩa Nga đã thoát khỏi khó khăn.
Ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào ngày 24/2/2022, EU đã thông qua hai gói trừng phạt Nga trên diện rộng. Gói thứ ba được thực hiện sau đó một tuần với việc loại trừ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Đây là điều không thể tưởng tượng được trước xung đột, nhưng tất cả chưa dừng lại. Những tháng ngày sau đó, Nga phải hứng chịu hết gói trừng phạt này tới gói trừng phạt khác. Đến nay, EU đã áp dụng 9 gói trừng phạt đối với Nga, nhằm vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và giới tinh hoa, gồm các doanh nhân, chính trị gia và nhà báo. Các biện pháp trừng phạt cá nhân của khối này hiện áp dụng với 1.6 cá nhân và 171 tổ chức của Nga và liên quan tới Nga.
Song song với việc gia hạn các biện pháp trừng phạt trước đó, EU đang nỗ lực thảo luận để có thể thông qua gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga vào đúng ngày kỉ niệm một năm Nga đưa quân vào Ukraine. Gói trừng phạt này được cho là có quy mô ước tính 11 tỷ euro, tập trung vào việc ngừng bán cho Nga các loại hàng hóa công nghệ cao có thể được sử dụng trong các hệ thống vũ khí.
Về phần mình, trong Thông điệp Liên bang đầu tiên kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu bật các thành công về mặt kinh tế. Theo người đứng đầu Điện Kremlin, GDP năm 2022 của Nga chỉ suy giảm 2,1%, tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp lịch sử và lạm phát cũng đạt mục tiêu đề ra. Kết quả này, theo giới chuyên gia, là tốt hơn nhiều so với dự báo của phương Tây đưa ra trong những tháng đầu của cuộc xung đột (suy giảm 15%, xoá sạch thành quả kinh tế của 15 năm). Quan trọng là nó cho thấy nền kinh tế Nga và người dân Nga đã có những điều chỉnh thích nghi hiệu quả.
Ngày 15/2, hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) dẫn thống kê của các nhà kinh tế thuộc Đại học St. Gallen của Thụy Sĩ cho biết, trong năm 2022, hơn 1.400 công ty đã quyết định rời khỏi Nga, bao gồm các nhà sản xuất điện tử, nhà bán lẻ, nhà sản xuất ô tô, thương hiệu quần áo và thực phẩm, khách sạn, ngân hàng và chuỗi nhà hàng. Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại rằng xu hướng này sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga, ngược lại đã thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước ở Nga, ngoài việc mở ra cơ hội sản xuất còn là cơ hội chiếm lĩnh những thị trường vốn trước đó bị doanh nghiệp nước ngoài thống trị.
Ngày 31/1 vừa qua, Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế thế giới cũng điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Nga năm 2023 từ mức suy giảm 2,3% đưa ra hồi tháng 10/2022 lên tăng trưởng dương 0,3%.
Trong lĩnh vực kinh tế, năm 2022, Nga vẫn trụ vững là do được hỗ trợ bởi nhu cầu của thế giới đối với năng lượng Nga trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã dẫn tới sự gián đoạn nguồn cung đẩy giá năng lượng lên cao. Tuy nhiên, sau khi xây dựng được cơ sở cho việc đa dạng hoá nguồn cung, các biện pháp trừng phạt của phương Tây vào ngành năng lượng Nga ngày càng siết chặt. Tháng 8/2022, EU cấm nhập khẩu than đá của Nga; tháng 12 cấm nhập cấm nhập dầu thô Nga bằng đường biển và cùng với các nước G7, Australia áp giá trần với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển; tháng 2/2023 là cấm nhập nhiên liệu tinh chế từ Nga.
Chiến tranh, xung đột luôn là một thảm kịch và những gì diễn ra ở Ukraine từ ngày 24/2/2022 tới nay không là ngoại lệ. Khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, giá lương thực và năng lượng toàn cầu tiếp tục leo thang. Nguyên nhân, theo Viện Kinh tế Đức Cologne, là do cuộc xung đột đã dẫn đến sự gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngày 22/2, kênh truyền hình N-TV dẫn nghiên cứu của viện này cho biết xung đột Nga - Ukraine đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn 1.600 tỷ USD.
Không chỉ có vậy, vì giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng cao, người dân trên thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ chưa từng thấy, không ít người rơi vào cảnh khó khăn, bần hàn. Nhóm ứng phó khủng hoảng toàn cầu (GCRG) của Tổng thư ký Liên hợp quốc về các hệ thống lương thực, năng lượng và tài chính ước tính có khoảng 1,6 tỷ người ở 94 quốc gia phải đối mặt với ít nhất một khía cạnh của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Trong số đó, khoảng 1,2 tỷ người sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở cả ba khía cạnh: lương thực, năng lượng và tài chính.
Bên cạnh đó có thể thấy xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy sự hỗn loạn của thế giới đa cực, làm gia tăng căng thẳng và đối đầu, đồng thời thúc đẩy xu hướng hình thành các khối lấy Mỹ và Trung Quốc làm trung tâm. Hãng tin AFP của Pháp ngày 14/2 dẫn lời Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng thế giới đã chuyển sang trạng thái đa cực hỗn loạn và đối đầu, nơi mọi thứ đều là vũ khí, từ năng lượng, dữ liệu tới cơ sở hạ tầng và di cư. Hiện nay, các khu vực như Trung Á, Kavkaz, Balkan, châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành nơi diễn ra cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - cho dù thông qua tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng hay các thỏa thuận nổi bật về hợp tác thương mại, quân sự cũng như ngoại giao.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột ở Ukraine còn làm rung chuyển mọi thứ, dẫn đến sự suy yếu về ảnh hưởng của Nga đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á và mở ra một vai trò trung gian hòa giải mới cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Pierre Razoux, người đứng đầu tổ chức tư vấn FMES có trụ sở tại Pháp nói với AFP rằng: “một điều không thể tránh khỏi là xung đột sẽ khiến Nga và châu Âu suy yếu, trong khi hai bên được lợi lớn từ tình huống này sẽ là Mỹ và Trung Quốc”.
Quả thực, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã dẫn tới những biện pháp trừng phạt khiến Nga thiệt hại nặng nề cả về kinh tế. Hãng AFP ngày 12/2 cho biết, các lệnh trừng phạt đã khiến một lượng lớn tài sản nhà nước, dự trữ ngoại hối và tài sản của giới tài phiệt, lãnh đạo Nga trị giá 350 tỷ USD bị đóng băng ở nước ngoài. Và để “nuôi” cuộc chiến ở Ukraine, theo tờ The Conversation ngày 21/2, mỗi ngày Nga có thể đang phải chi hơn 300 triệu USD. Trên phương diện an ninh, xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan chính thức nộp đơn gia nhập NATO, đồng thời khiến một số quốc gia châu Âu từ bỏ chính sách trung lập theo đuổi lâu nay. Đây đều là những vấn đề Nga không mong muốn.
Với châu Âu, xung đột Nga - Ukraine đã và đang thử thách sự đoàn kết của “lục địa già” trong việc hỗ trợ Ukraine, nhất là tài chính và vũ khí cũng như những chính sách liên quan đến quốc phòng và biện pháp trừng phạt Nga. Sự chia rẽ thể hiện rõ qua việc một số nước không muốn trừng phạt hoạt động xuất khẩu dầu khí của Moskva do nỗi lo thiếu năng lượng, giá dầu và lạm phát leo thang.
Dù Nga đang kìm hãm sự chuyển dịch của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, nhưng không thể phủ nhận xung đột ở Ukraine giúp Mỹ đắc lợi. Ngoài vị thế “ô an ninh” nổi bật, tờ Politico ngày 24/11/2022 cho biết hơn 9 tháng từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát, các quan chức hàng đầu của EU đang phẫn nộ với chính quyền Mỹ và cáo buộc Washington hưởng lợi từ chiến sự trong khi các nước EU chịu thiệt hại. EU muốn giảm phụ thuộc năng lượng của Nga, chuyển sang mua khí đốt của Mỹ nhưng mức giá phải trả lại cao hơn gần 4 lần giá bán tại Mỹ. Ngoài ra, việc viện trợ quân sự cho Ukraine khiến kho vũ khí của quân đội các nước châu Âu suy giảm và có thể phải mua vũ khí của Mỹ.
Đối với Trung Quốc, theo nền tảng thông tin Grid ngày 20/2, nước này được hưởng lợi từ việc mua dầu của Nga với giá chiết khấu, trong khi Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về hàng điện tử và hàng tiêu dùng. Về mặt chiến lược, Trung Quốc chắc chắn được hưởng lợi khi Mỹ bị chi phối ở châu Âu. Bởi nếu không có cuộc xung đột này, Mỹ có thể sẽ dành thời gian và nguồn lực trong năm 2022 để tập trung vào việc kiềm chế các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.
Với thế giới, ở một góc độ tích cực, ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine đối với các nguồn năng lượng đã đẩy mạnh nỗ lực của thế giới trong năm 2022 nhằm phát triển các nguồn năng lượng tái sinh được xem là ít tổn thương hơn trước những cú sốc địa chính trị có thể xảy đến trong tương lai. Trong báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới đưa ra hồi tháng 10/2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lần đầu tiên dự đoán rằng ằng nhu cầu trên toàn thế giới đối với mọi loại nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh trong tương lai gần. Nguyên nhân, theo IEA, là do cuộc khủng hoảng năng lượng từ xung đột ở Ukraine Nga có thể sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sang các công nghệ sạch hơn như gió, mặt trời và xe điện
Chiến trường vẫn đầy khốc liệt, trong khi đàm phán hòa bình đã đóng băng kể từ tháng 3 năm ngoái và chưa có dấu hiệu bên nào có thể nhượng bộ, mở đường cho một giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột.
Chỉ bốn ngày sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát hôm 24/2/2022, hai bên đã tổ chức vòng đàm phán hòa bình đầu tiên, vào 28/2 tại Belarus. Cuộc họp kết thúc mà không có kết quả, các phái đoàn của cả hai bên nhanh chóng quay trở lại thủ đô của họ để tham vấn. Vòng đàm phán thứ hai và thứ ba diễn ra vào ngày 3 và ngày 7/3/2022, tại một địa điểm không được tiết lộ thuộc vùng Gomel, Belarus, nằm giáp biên giới với Ukraine. Sau đó, vòng đàm phán thứ tư được tổ chức từ ngày 14-17/3 và vòng thứ 5 vào 21/3 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không mang lại kết quả gì đáng kể.
Sau loạt vòng đàm phán kết thúc mà không đạt được tiến triển nào, ngày 17/5/2022, Ukraine và Nga cho biết các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt giao tranh đã tạm ngừng, đồng thời đổ lỗi cho nhau. Tới nay, mặc dù cả Kiev và Moskva đều khẳng định vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán, nhưng các bên đều đưa ra những điều kiện mà đối phương cho rằng "phi thực tế" và đây chính là bế tắc chưa có cách nào khai thông.
Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố, xung đột không thể chấm dứt cho đến khi Ukraine giành lại được toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có 4 vùng lãnh thổ mới bị Nga sáp nhập, gồm Donetsk, Luhansk, Zaporizhia và Kherson cùng bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập năm 2014. Ông Zelensky thậm chí đưa ra "công thức hòa bình" gồm 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột, trong đó có yêu cầu khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine; Nga phải rút quân, chấm dứt chiến sự và khôi phục biên giới của Ukraine với Nga; Lập tòa án đặc biệt để xét xử các tội ác chiến tranh...
Trong khi đó, Moskva coi Crimea là vấn đề "không thể thương lượng". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từng tuyên bố việc Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát trong chiến dịch quân sự ở Ukraine là điều không thể. Ông nhấn mạnh, nếu Ukraine muốn hòa bình, nước này phải tính tới "những thực tế lãnh thổ mới", ngầm đề cập đến Crimea và 4 vùng mới sáp nhập Nga.
Về phía các đồng minh và đối tác của Ukraine ở phương Tây, những nước này đều công khai tuyên bố ủng hộ một giải pháp ngoại giao hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay. Tuy nhiên, các lãnh đạo phương Tây, trong đó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khẳng định không thúc ép Ukraine đàm phán, mục tiêu của họ chỉ là làm thế nào để giúp Kiev có vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán. Phương cách đó, hiện tại, theo các đồng minh phương Tây là rót vũ khí để giúp Kiev chiếm ưu thế trên chiến trường. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: "Những gì diễn ra trên bàn đàm phán hoàn toàn liên quan đến tình hình trên chiến trường. Bởi vậy, cách tốt nhất để đạt được hòa bình lâu dài và bền vững ở Ukraine là cung cấp hỗ trợ quân sự cho nước này".
Giới quan sát cho rằng, cả Nga và Ukraine đều không muốn từ bỏ những gì mà họ đã đạt được để thỏa thuận với bên còn lại. Điều này cho thấy hy vọng về các cuộc đàm phán hòa bình vẫn còn quá xa vời.
Theo chuyên gia quân sự, Phó giáo sư Song Zhongping ở Bắc Kinh, trong bối cảnh hiện nay, "nếu không thể giành chiến thắng được từ chiến trường, thì sẽ không thể giành được từ bàn đàm phán", và điều này áp dụng cho cả Nga và Ukraine. Hai bên đều tin rằng họ có thể tiếp tục thay đổi hiện trạng bằng các biện pháp quân sự, đây là lý do các trận chiến dữ dội ở miền Đông và miền Nam Ukraine vẫn tiếp diễn.
"Đối với Nga, năm 2023 là một năm quan trọng, vì chính quyền Tổng thống Putin cần chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2024. Nếu Nga không thể củng cố những gì đã đạt được hoặc thậm chí thỏa hiệp quá nhiều với Mỹ và Ukraine, chương trình nghị sự năm 2024 của ông Putin sẽ gặp khó khăn, vì vậy Nga không thể điều chỉnh các điều kiện đàm phán của mình", Cui Heng, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông, nhận định.
Trong khi đó, "đối với Ukraine và Mỹ, không gian đàm phán cũng bị hạn chế. Tại thời điểm này, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ bị gây sức ép bởi "sự đúng đắn về chính trị", nên dù muốn đối thoại với Nga để tìm cách xoa dịu căng thẳng và ít nhất để cho tình hình kinh tế khó khăn tạm lắng, họ cũng không dám thay đổi lập trường cứng rắn với Nga", ông Cui Heng nhấn mạnh.
Đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden và đảng Dân chủ, việc giảm bớt sự ủng hộ dành cho Ukraine vào năm 2023 cũng khó xảy ra. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2024, vấn đề Ukraine sẽ không bị các đảng viên Cộng hòa thách thức quá nhiều do "sự đúng đắn về chính trị", và khi Tổng thống Biden thể hiện không tốt trong các vấn đề đối nội, ông sẽ không ngần ngại sử dụng Ukraine như một "quân bài" để đảm bảo cơ hội tái đắc cử.
Con đường thoát khỏi xung đột hiếm khi dễ dàng. Lựa chọn hòa bình, điều tưởng chừng ai cũng mong muốn, lại quá khó khăn ở Ukraine, nơi đặt nhiều toan tính của các cường quốc. Cuộc xung đột đang bước sang năm thứ hai, nhưng triển vọng về một thỏa thuận hòa bình vẫn vô cùng ảm đạm. Các dự báo của giới quan sát hầu như chỉ xoay quanh tình hình chiến trường. Phát biểu trước Đại hội đồng ở New York hôm 12/2, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nói rằng ông lo ngại khả năng leo thang hơn nữa trong cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ đồng nghĩa thế giới đang hướng tới một "cuộc chiến rộng lớn hơn". "Triển vọng hòa bình ngày càng giảm đi. Nguy cơ leo thang và đổ máu tiếp tục gia tăng", ông Guterres nói.
Chừng nào tiếng nói vì hòa bình còn xa, thì đau thương vẫn trút xuống nạn nhân của bất kỳ cuộc chiến nào, ở Ukraine là hàng triệu dân thường và hàng ngàn người lính đang phải chịu cảnh bom rơi lửa đạn.
Bài: Phòng Quốc tế
Trình bày: Hồng Hạnh
24/02/2023 02:19