Thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tích lũy thế và lực để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Chúng ta xác định Đại hội XIV là đại hội đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Trung ương đã thống nhất đánh giá: Với thế và lực đã tích lũy được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết và văn kiện Đại hội XIV phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.

Quả thực, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và tích cực ở Việt Nam. Kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; tỷ lệ nghèo đói giảm nhanh; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố.

"Bên cạnh đó, từ một nền kinh tế đóng cửa khép kín, Việt Nam trở thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu khi trở thành đối tác thương mại lớn toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, thu hút lượng đầu tư lớn từ nước ngoài đạt 23 tỷ USD, đây là mức đầu tư cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, ngay cả khi các thị trường lớn bị thu hẹp và chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều đứt gãy", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.

Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới. Công nghiệp và dịch vụ phát triển khá nhanh, liên tục tăng trưởng mạnh mẽ cho thấy việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết rất tốt những vấn đề xã hội.

Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. 

Nền tảng kinh tế vĩ mô của nước ta được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Cân đối ngân sách nhà nước được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, cấp thiết như phòng, chống dịch COVID-19, triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn các loại thuế, phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, tích lũy đủ nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương.

Cây dứa mật giúp đồng bào người Mông ở xã biên giới Mường Nhà (Điện Biên) xóa đói, giảm nghèo.

Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 4,03% năm 2022 xuống 2,93% năm 2023; Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng được tập trung chỉ đạo quyết liệt và đạt kết quả rõ nét; khởi công đồng loạt nhiều dự án cao tốc, các công trình hạ tầng trọng điểm, đưa vào sử dụng một số dự án, phát huy hiệu quả.

Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi. Tốc độ tăng GDP năm 2021 đạt 2,56%, được thế giới đánh giá là tích cực trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm; năm 2022 tăng 8,02%. Năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trên 5%. Mức tăng này tuy thấp hơn chỉ tiêu đề ra là 6,5%, nhưng được các định chế tài chính quốc tế đánh giá là khá cao và tích cực so với nhiều nền kinh tế khác, xét trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn ảm đạm.

Năm 2023, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022.

Ngư dân Bình Định vận chuyển cá ngừ đại dương ở cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn.

Báo cáo giải trình về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong tháng 10, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, vượt trội hơn tháng 9; tính chung 10 tháng năm 2024, kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn giới hạn quy định…

Nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín tiếp tục đánh giá triển vọng và kết quả của kinh tế Việt Nam. Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng “Ổn định”; Moody’s xếp hạng ở mức Ba2, triển vọng “Ổn định”; S&P xếp hạng ở mức BB+, triển vọng “Ổn định”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu vấn đề, trên cơ sở những kết quả tích cực của 10 tháng, từ nay đến cuối năm 2024, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%; qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021 - 2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng như định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Về định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, tổng thể kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng liên tục từ khi thực hiện Cương lĩnh 1991, thường xuyên ở trong nhóm những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới, đưa Việt Nam từ nước thu nhập thấp trở thành nước thu nhập trung bình.

Tuy tốc độ tăng trưởng cao, song nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn hiện hữu, nguy cơ kinh tế Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình và khó tiệm cận với các nước đang phát triển.

Dự án đường dây tải điện siêu cao áp 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) là một dự án đặc biệt, đã phát huy tổng lực sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo nên kỳ tích của ngành điện.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, thực tế đang còn tồn tại điểm nghẽn về thể chế và hạn chế trong thực thi pháp luật. Tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc lên cơ quan quản lý cấp trên hoặc sang bộ, ngành khác.

Chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu chậm. Đầu tư công tiến độ chậm, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, còn dàn trải, nhiều lãng phí, chưa phát huy vai trò dẫn dắt, kích hoạt hiệu quả các nguồn lực ngoài nhà nước. Hoạt động cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém chậm; tình trạng “sử hữu chéo”, cho vay tín dụng đối với doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau” còn phức tạp và chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Xác định các ngành hàng chiến lược, quốc gia giá trị cao chưa được quan tâm. Hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị thiếu tính kết nối; xây dựng hạ tầng số chậm.

Đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được đưa vào khai thác thương mại từ ngày 8/8/2024.

Kinh tế tư nhân chưa trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, chưa tận dụng tốt các nguồn lực đầu tư nước ngoài. Ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ chưa đem lại kết quả rõ nét; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, thiếu lao động trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ cao, phục vụ phát triển số. Các yếu tố bên ngoài tác động tiêu cực, làm gia tăng nguy cơ tụt hậu về kinh tế.

Tổng Bí thư chỉ rõ một số giải pháp, định hướng chiến lược phát triển kinh tế, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình. Đó là đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của đất nước và phát triển nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đồng bộ và đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là ưu tiên cao nhất.

Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) mới được xây dựng trên tổng diện tích 186,3 ha, có cảnh quan đẹp, môi trường sống thân thiện cho cư dân.

Tập trung xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa mà Cương lĩnh của Đảng đã xác định (dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng Cộng sản lãnh đạo).

Cùng với đó, tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới (kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới, hạ tầng chiến lược về giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất. Khởi xướng và thực hiện cách mạng chuyển đổi số. Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.

Niềm vui và hạnh phúc của người dân Thủ đô trong dịp lễ Quốc khánh 2/9/2024.

Phát biểu kết luận buổi làm việc với Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV của Đảng mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, thống nhất quan điểm phát triển nhanh nhưng phải bền vững, tăng trưởng cao nhưng phải đảm bảo ổn định vĩ mô, hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; cần bám sát mục tiêu năm 2030, 2045 để xây dựng kịch bản tăng trưởng từng năm, từng giai đoạn, từng lĩnh vực ở mức cao nhất có thể để nỗ lực phấn đấu thực hiện. Phải đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Mọi chủ trương, chính sách đều phải xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc và ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu.

Tổng Bí thư yêu cầu, cần phải có nỗ lực lớn, có giải pháp đột phá, đi tắt đón đầu, rút kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển đất nước và các nước phát triển đi trước, lường trước được khó khăn, những biến số không thuận lợi, tận dụng được thời cơ vàng, không để lãng phí cơ hội của giai đoạn hiện nay; xác định được những phương hướng, nhiệm vụ có tính lâu dài, căn bản để tạo nền tảng đạt được mức tăng trưởng cao và duy trì trong dài hạn. Đặc biệt, quan tâm đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế phát triển nói chung, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói riêng, coi đây là đột phá quan trọng nhất để khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Bài: Nguyễn Huyền - Hồng Điệp
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày:  Nguyễn Hà

17/11/2024 06:10