Tích cực, trách nhiệm trong thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh cũng như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (năm 1981), Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; qua đó giúp vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam ngày càng được cải thiện. Song, chặng đường thúc đẩy bình đẳng giới toàn diện và bền vững ở Việt Nam vẫn còn không ít trở lực. 

“Bữa cơm chỉ có hai mẹ con càng vui. Mong ước lớn nhất của tôi bây giờ là bình yên. Tôi mong chờ con trai tôi lớn khôn, trưởng thành để sau đó tự giải thoát mình”, chị T. một phụ nữ bị bạo lực gia đình ở thành phố biển Đà Nẵng nghẹn ngào chia sẻ khi được hỏi về mong muốn lớn nhất của mình trong thời điểm này.

“Sống không bằng chết” bởi bạo lực gia đình, một nữ nạn nhân đang tạm lánh ở Ngôi Nhà bình yên ở Cần Thơ cũng cho biết, kể từ khi lấy chồng năm 2019, chị thường xuyên hứng chịu bạo lực cả về vật chất lẫn tinh thần từ chồng. Chị còn kể, chồng ép chị quan hệ tình dục. Thời gian ở cữ chưa tròn tháng, người chồng "đầu gối tay ấp" đã đánh chị bầm mắt, đập vỡ điện thoại.

Triển lãm tranh về đề tài bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới.

Theo bà Nguyễn Ngọc Trân, phụ trách Ngôi Nhà bình yên - khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đơn vị này đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, mua bán người và xâm hại tình dục. Một trong những trường hợp đặc biệt đó là H, một người phụ nữ bị lừa mua bán sang nước ngoài lúc mới 14 tuổi. H là thân chủ đầu tiên mà Ngôi nhà Bình yên tiếp nhận vào tháng 10/2018.

Là cô gái rất ngoan và hiếu thảo, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn H chỉ học đến lớp 7 sau đó nghỉ học. Với mong muốn giúp ba, mẹ có cuộc sống tốt hơn, H đã tin lời một người thân ở gần nhà và bị lừa bán sang nước ngoài làm vợ lúc 14 tuổi. Ở xứ người, H bị nhốt trong nhà, điều kiện sống rất khó khăn và đã sinh 2 con. May mắn, H liên hệ và được một tổ chức xã hội của Việt Nam giúp đỡ. Hành trình mang con từ nước ngoài trở về rất gian truân và nguy hiểm, vượt qua nhiều chặng di chuyển, nhiều ngày đêm trên các chuyến xe từ nước ngoài để tới biên giới Việt Nam. Sau đó, ba mẹ con H được Bộ đội Biên phòng kết nối tới Ngôi Nhà bình yên.

Bà Nguyễn Ngọc Trân cũng cho biết, qua công tác tiếp nhận và hỗ trợ các nạn nhân bạo lực giới, bà nhận thấy các hình thức bạo lực gia đình phổ biến hiện nay vẫn là bạo lực thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế cũng đang gia tăng. Đáng ngại, đối với thời kỳ chuyển đổi công nghệ số, một hình thức bạo lực từ việc áp dụng các công nghệ đang được ghi nhận trong thời gian qua. Việc người gây bạo lực sử dụng công nghệ như: thiết bị định vị, theo dõi, ghi âm, ghi hình, đăng nhập vào các thông tin và tài khoản mạng xã hội cá nhân nhằm kiểm soát và thao túng nạn nhân đang là một trong những rào cản lớn cho nạn nhân lên tiếng tìm kiếm sự trợ giúp và cũng thách thức công tác hỗ trợ.

Học sinh Trường PTDTNT - THPT tỉnh Lai Châu được học tập ttrong môi trường thuận lợi với cơ sở vật chất khang trang.

Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có gần hai phụ nữ (62,9%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời, 87% từng bị quấy rối tình dục, 64% từng bị bạo lực khi hẹn hò và 90,4% số phụ nữ bị bạo hành không tìm kiếm sự giúp đỡ mà âm thầm chịu đựng. Thiệt hại kinh tế do bạo lực đối với phụ nữ gây ra chiếm tới 1,81% GDP của cả nước.

Báo cáo mới đây của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 cũng cho thấy, mặc dù bạo lực thể chất đã có dấu hiệu giảm bớt nhờ vào các chiến dịch tuyên truyền, sự thay đổi trong nhận thức xã hội và các biện pháp pháp lý nghiêm khắc hơn, nhưng các hình thức bạo lực khác lại có xu hướng gia tăng và tinh vi hơn. Theo số liệu tổng hợp, năm 2023 có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với tổng số 3.240 vụ (năm 2022 là 4.454 vụ). Trong tổng số vụ bạo lực gia đình, bạo lực thân thể với 1.521 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.404 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.

Vì sao bạo lực giới, bạo lực gia đình lại nhức nhối, tồn tại dai dẳng và ngày càng phức tạp trong xã hội, bất chấp sự phát triển của kinh tế - xã hội, dân trí ngày càng nâng cao và các quy định pháp luật rất chặt chẽ, nghiêm khắc?

Đại diện 11 huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn thể hiện thông điệp bình đẳng giới. 

Theo bà Ngô Thị Tuyết Em, Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến phòng ngừa giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới bởi tác động biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, làm gia tăng tình trạng di cư tìm việc làm hoặc kết hôn với người nước ngoài với mục đích kinh tế. Bên cạnh đó, bạo lực trên cơ sở có xu hướng phức tạp với nhiều hình thức tinh vi như mua bán người thông qua giới thiệu việc làm, người quen trên không gian mạng…

Tiến sĩ Phùng Thị An Na (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, một yếu tố quan trọng khiến bạo lực giới tồn tại dai dẳng là sự bất bình đẳng về kinh tế giữa nam và nữ. Phụ nữ ở nhiều khu vực, đặc biệt là nông thôn, vẫn phải phụ thuộc tài chính vào chồng hoặc gia đình. Không độc lập về tài chính, phụ nữ gặp khó khăn trong việc thoát khỏi các mối quan hệ bạo lực. Ngoài ra, phụ nữ cũng thường bị hạn chế cơ hội học tập, việc làm và thăng tiến trong công việc nên khó có thể cải thiện vị thế trong xã hội.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Trẻ em Vị thành niên (CSAGA) cho rằng mặc dù Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống pháp lý để bảo vệ phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới song khâu thực thi còn những hạn chế, vẫn tồn tại định kiến giới, khuôn mẫu giới ngay trong các cơ quan thực thi, truyền thông chính sách, pháp luật. Trong gia đình, người thân của nạn nhân cũng có định kiến, khuôn mẫu giới, đổ lỗi cho nạn nhân. “Những khuôn mẫu đấy khiến cho người phụ nữ bị bạo lực không muốn lên tiếng", bà Vân Anh cho biết.

Với quyết tâm không để phụ nữ cảm thấy đơn độc trên hành trình xóa bỏ bạo lực giới, thúc đẩy bình đẳng giới bền vững, cả hệ thống chính trị cùng các tổ chức xã hội đã vào cuộc với nhiều phong trào, mô hình, giải pháp đa dạng, thiết thực.

Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018, Ngôi nhà Bình yên thuộc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ vận hành từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn lực hiện có của Trung tâm. Đây là một trong 3 Ngôi nhà Bình yên trên cả nước, với hai nhà ở Hà Nội và một nhà ở Cần Thơ.

Với phương châm phòng hơn chống, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập nhiều mô hình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. 

Là cơ quan trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nên Ngôi nhà Bình yên có sự phối hợp hỗ trợ của một hệ thống mạng lưới Hội Phụ nữ các cấp từ trung ương đến địa phương vô cùng mạnh mẽ, thuận tiện trong việc hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng. Nơi đây cung cấp gói hỗ trợ khẩn cấp, toàn diện và miễn phí cho nạn nhân gồm: chỗ trú ẩn an toàn, bảo mật, giúp ổn định tâm lý và sức khỏe, đồng thời trang bị các kỹ năng sống và học nghề để có thể tự tin tái hòa nhập cộng đồng.

Chia sẻ về mô hình này, bà Nguyễn Ngọc Trân, phụ trách Ngôi nhà Bình yên - khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, từ khi tiếp nhận trường hợp đầu tiên vào năm 2018, đến nay, Ngôi nhà Bình yên ở Cần Thơ đã có 87 trường hợp lưu trú và cần sự hỗ trợ của cộng đồng, trong đó quá nửa là bị bạo lực. Cơ sở này đã tổ chức các buổi tham vấn tâm lý cho các nạn nhân, khoảng 2 lần/tuần với mỗi người. Đến nay, đã có 636 người nhận được tham vấn từ đội ngũ chuyên gia ở Cần Thơ.

Tương tự, Ngôi nhà Ánh dương, do Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) phối hợp cùng các đối tác quốc tế thành lập. Hiện nay, có 4 Ngôi nhà Ánh dương trên cả nước, đặt tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Mô hình này cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm chăm sóc sức khỏe, tư vấn, nơi tạm lánh an toàn, trợ giúp pháp lý..., theo nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm. Ngôi nhà Ánh Dương đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 60 người bị bạo lực giới tại Ngôi nhà và gần 1.100 người bị bạo lực giới tại cộng đồng. Tổng đài của các Ngôi nhà đã tiếp nhận hơn 20.000 cuộc gọi từ người bị bạo lực.

Ngày 21/6/2022 đã diễn ra Lễ khai trương đưa vào hoạt động Trung tâm dịch vụ một cửa (OSSC) hay còn gọi là “Ngôi nhà Ánh Dương” hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới tại TP Hồ Chí Minh.

Không lấy người bị bạo lực làm trung tâm như hai mô hình trên, Câu lạc bộ "Nam giới tiên phong phòng ngừa ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em" là một trong những mô hình hoạt động được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng duy trì lại huy động sự vào cuộc của nam giới trong vấn đề nhức nhối này. Và đây là một phần của Dự án huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Đà Nẵng do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng phối hợp triển khai, từ năm 2014 đến nay.

Từ 4 câu lạc bộ thí điểm tại Hải Châu và Hòa Vang, đến nay đã nâng lên thành 20 câu lạc bộ ở Đà Nẵng và đang lan tỏa, hình thành ở nhiều địa phương trên cả nước. Các câu lạc bộ đã tạo ra những diễn đàn tại cộng đồng dân cư, giúp các thành viên câu lạc bộ thảo luận những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và bạo lực với phụ nữ mà nam giới phải đối mặt trong cuộc sống, đồng thời nâng cao nhận thức, kỹ năng cho nam giới trong việc duy trì quan hệ lành mạnh và giải quyết mâu thuẫn phi bạo lực, phát triển bản thân và thể hiện nam tính tích cực. Các thành viên trong câu lạc bộ là những "hòa giải viên", "tuyên truyền viên" tích cực nhằm làm thay đổi nhận thức, hành vi, hướng tới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Thu được nhiều kết quả trong hoạt động bảo vệ nạn nhân bạo lực giới cũng như tạo ra được một phong trào rộng khắp thúc đẩy bình đẳng giới, song Ngôi nhà Bình yên, Ngôi nhà Ánh Dương hay Câu lạc bộ "Nam giới tiên phong phòng ngừa ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em" vẫn gặp phải những tồn tại, hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến việc duy trì lâu dài, bền vững của các mô hình này.

Ngày 23/6/2022, "Ngôi nhà Ánh Dương" nhằm mục đích phát hiện, ngăn chặn và hỗ trợ những người bị bạo lực trên cơ sở giới đã đi vào hoạt động tại Đà Nẵng.

Theo bà Nguyễn Ngọc Trân, phụ trách Ngôi nhà Bình yên - khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính, bởi gói dịch vụ toàn diện của Ngôi nhà Bình yên được coi là một dịch vụ "đắt đỏ". Công tác hỗ trợ và chăm sóc đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi ngân sách dành cho các hoạt động còn hạn chế. Thêm vào đó, phạm vi tiếp cận thông tin của cộng đồng về các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực giới vẫn còn là một rào cản. Các nạn nhân thường ngần ngại hoặc không biết phải tìm đến đâu để nhận sự trợ giúp. Ngoài ra, việc tái hòa nhập cộng đồng của các nạn nhân mua bán người sau khi rời khỏi Ngôi nhà Bình yên cũng gặp không ít khó khăn do thiếu sự hỗ trợ bền vững và tình trạng kỳ thị xã hội.

"Chúng tôi đề xuất cần tăng cường nguồn lực cho các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới. Cần có các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho nhân viên, tình nguyện viên để cải thiện chất lượng dịch vụ. Việc tuyên truyền rộng rãi về các dịch vụ hỗ trợ và nâng cao nhận thức cộng đồng là điều rất quan trọng để giúp các nạn nhân biết đến nơi hỗ trợ kịp thời", bà Trân cho hay.

Mô hình Câu lạc bộ "Nam giới tiên phong phòng ngừa ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em" lại đối mặt với thách thức lớn là làm sao thu hút được nhiều đối tượng nam giới trẻ tuổi. Bởi đây là nhóm đối tượng có tính cơ hữu cao, thường xuyên đi làm ăn xa nhà, đang ở độ tuổi lao động tích cực. Thực tế cho thấy, tại nhiều mô hình ở Đà Nẵng, có nơi gần như vắng bóng sự hiện diện của các nam thanh niên.

Khẳng định mô hình này cũng như Dự án huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Đà Nẵng nói chung là một sáng kiến "rất tuyệt vời", song theo Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, lâu nay, công tác bình đẳng giới tập trung vào phụ nữ mà thực chất phải là cả phụ nữ và nam giới. Thu hút được nam giới là một việc làm rất khó khăn. Nếu các Câu lạc bộ nam giới thu hút được lực lượng nam thanh niên tham gia các hoạt động bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái, chắc chắn những thay đổi sẽ bền vững, xuyên thế hệ, mang lại bình đẳng giới thực chất.

Để phòng, chống bạo lực gia đình, đẩy mạnh thực hiện công tác bình đẳng giới; Đảng đã ban hành nhiều văn bản chính sách quan trọng và Nhà nước đã thiết lập thể chế tương đối đầy đủ về công tác bình đẳng giới, tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, nâng cao vai trò và vị thế của họ trong mọi lĩnh vực của đời sống. Trong số những văn bản pháp lý quan trọng về bình đẳng giới ở Việt Nam, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được cho là một trong những “lá chắn” vững chắc bảo vệ quyền con người trên lĩnh vực giới. 

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), ngày 14/11/2022.

Sau khi luật được ban hành, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, đoàn thể và các tổ chức xã hội đã có những cải thiện rõ rệt. Các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, các tổ chức phi chính phủ đã vào cuộc mạnh mẽ hơn, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình như tư vấn pháp lý, tâm lý và nơi tạm trú. Các cơ quan chức năng, từ công an, tòa án đến chính quyền cấp cơ sở, đã có sự quan tâm và xử lý nghiêm túc hơn đối với các vụ bạo lực gia đình. Nhiều vụ án liên quan đến bạo hành phụ nữ, trẻ em gái được đưa ra xét xử và hung thủ bị nhận những bản án nặng thích đáng.
Mặc dù các chính sách và quy định pháp luật đã được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, nhưng thực tế vẫn còn nhiều thách thức trong việc thực thi các quy định này.

Bà Ngô Thị Tuyết Em, Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, việc áp dụng và thực thi pháp luật đối với một số hành vi bạo lực trên cơ sở giới còn gặp khó khăn, thiếu sự đồng bộ giữa các cơ quan chức năng; cần tăng cường sự thực thi các chính sách và pháp luật thông qua giám sát và phản biện xã hội ở các lĩnh vực liên quan và có các hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm để đảm bảo các chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Đẩy mạnh giáo dục về bình đẳng giới và không chỉ nên dừng lại ở các chiến dịch tuyên truyền mà còn cần được tích hợp vào chương trình học trong trường học và được thực hiện thường xuyên trong cộng đồng. Điều này sẽ giúp thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ, từ đó tạo ra những thay đổi bền vững trong xã hội.

Qua nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, Tiến sĩ Phùng Thị An Na (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, có một xu hướng đang xuất hiện là một số cơ quan chức năng, đoàn thể lạm dụng việc hòa giải “đóng cửa bảo nhau”, khiến các nạn nhân mất niềm tin ở các cơ chế bảo vệ, tạo kẽ hở cho các đối tượng gây ra bạo lực lợi dụng.

Phiên toà giả định về phòng, chống bạo lực gia đình.

“Mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã đưa ra các quy định cụ thể về xử lý nghiêm các vụ bạo lực, tuy nhiên trong thực tiễn, nhiều trường hợp bạo lực gia đình vẫn bị giải quyết thông qua các biện pháp hòa giải “đóng cửa bảo nhau”, khiến nạn nhân đôi khi không nhận được sự bảo vệ thích đáng và khiến kẻ bạo hành tiếp tục có cơ hội tái phạm. Các cơ quan chức năng cần phải nghiêm túc trong việc phân biệt giữa các vụ mâu thuẫn gia đình bình thường và các vụ bạo lực, bảo vệ quyền lợi của nạn nhân và áp dụng các biện pháp bảo vệ khẩn cấp khi cần thiết”, Tiến sĩ Phùng Thị An Na cho hay.

Là một trong những đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, khi xây dựng Luật, các đại biểu Quốc hội rất kỳ vọng là khi Luật có hiệu lực, vấn đề bạo lực gia đình nói chung và vấn đề bạo lực giới nói riêng cũng sẽ được giải quyết một cách căn bản, triệt để. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai cho thấy, còn rất nhiều khó khăn để luật thực sự đi vào cuộc sống, trong đó khó khăn lớn nhất liên quan đến nhận thức.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, vẫn còn quan niệm bạo lực gia đình là việc của mỗi nhà. Những mâu thuẫn gia đình, việc sử dụng bạo lực giữa bố mẹ và con cái, giữa chồng đối vợ, chỉ là việc cá nhân và quan niệm "yêu cho roi, cho vọt" tồn tại rất nhiều. Khi chứng kiến bạo lực gia đình, biết về bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực giới trong gia đình thì người ta lại đổ lỗi cho người phụ nữ. “Phải rà soát lại các chế tài xử lý, đảm bảo nghiêm minh và hiệu quả; đồng thời cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, cho mọi người đều có thể hiểu biết một cách đúng hướng về bạo lực giới và bình đẳng giới”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.

Hội thi "Tìm hiểu kiến thức Luật Phòng, chống bạo lực gia đình" khu vực Miền Bắc năm 2023.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2024 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ luôn cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (30,26%); phụ nữ Việt Nam chiếm 46,8% lực lượng lao động cả nước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ là 62,4%; tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 28,2%. Ngày càng có nhiều nữ doanh nhân, nữ CEO xuất sắc của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế trên thế giới ghi nhận và tôn vinh.

Bên cạnh đó, khoảng cách giới ở mọi cấp học đã được thu hẹp; hệ thống chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ di cư từ nông thôn ra thành thị đã được tăng cường; hệ thống dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới đã được mở rộng và cải thiện.

Hỗ trợ phát triển sinh kế, giúp phụ nữ phát triển kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. 

Những thành tựu này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Bà Caroline Nyamayamombe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho biết Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn trong những năm gần đây nhằm giải quyết bất bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm luật pháp, chính trị, giáo dục và việc làm.

Những kết quả tích cực trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới đã nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong các cơ chế, diễn đàn quốc tế về bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ.

Phát biểu ở Khóa họp lần thứ Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW) của Hội đồng kinh tế, xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) ngày 11/3/2024, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, những tiềm năng to lớn của phụ nữ cần được phát huy mạnh mẽ, hiện thực hóa bằng những cam kết và nguồn lực tương xứng. Trong tiến trình đó, Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy sự nghiệp bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, qua đó góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại phiên khai mạc Khóa họp lần thứ Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW) của Hội đồng kinh tế, xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC).

 Ngày 9/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành UN Women nhiệm kỳ 2025 - 2027. Kể từ tháng 1/2025 đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tham gia điều phối xây dựng và triển khai các định hướng lớn của UN Women, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của cơ quan này nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của Liên hợp quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Việc tất cả thành viên ECOSOC đồng thuận bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành UN Women thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này. Đó là bằng chứng không thể phủ nhận về thành tựu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của Việt Nam.

Theo Trưởng đại diện UN Women Việt Nam Caroline Nyamayamombe, dựa vào thành tích và kinh nghiệm của mình, Việt Nam với dân số đa dạng và văn hóa xã hội độc đáo, sẽ mang đến thế giới nhiều góc nhìn sâu sắc về thúc đẩy bình đẳng giới. “Việt Nam có thể chia sẻ hành trình của riêng mình và truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác. Những đóng góp này là vô giá trong việc cung cấp thông tin và hỗ trợ các phương pháp tiếp cận và hợp tác đổi mới, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ”, bà Caroline Nyamayamombe cho hay.

Tham gia Hội đồng Chấp hành UN Women, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp nhận, phối hợp với các nước, tổ chức quốc tế, chung tay tháo gỡ những lực cản trong thúc đẩy bình đẳng giới bền vững.

Ngày 9/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027.

Ngày 15/11/2024, phát biểu tại Lễ Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định Liên hợp quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết các thách thức trên hành trình thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời kêu gọi huy động toàn xã hội cùng chung tay chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình và nạn buôn bán người.

“Năm 2025, chúng ta sẽ kỷ niệm 30 năm thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh, hãy cùng lan tỏa thông điệp không biện minh cho hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái và cùng nhau xây dựng một xã hội an toàn, công bằng hơn cho tất cả mọi người”, bà Paulines Tamasis nhấn mạnh.

Bài: Việt Đức
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà

01/12/2024 06:10