Thời gian qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn nỗ lực không ngừng, gương mẫu đi đầu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nỗ lực vươn lên làm giàu, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, chính sách đối với người có uy tín vẫn bộc lộ một số tồn tại, bất cập, cần sớm được khắc phục nhằm phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng này trong nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Hơn 10 năm được người dân Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) bầu chọn làm Trưởng ban quản lý khu phố, ông Đàng Chí Quyết, dân tộc Chăm, sinh năm 1971, không chỉ đảm nhận tốt nhiệm vụ được giao mà còn có những đóng góp tích cực trong vận động bà con làng gốm Bàu Trúc xây dựng làng nghề và bảo tồn văn hóa truyền thống.
Ông Đàng Chí Quyết cho biết, khu phố Bàu Trúc hiện có 661 hộ với 3.219 nhân khẩu, phần lớn là người Chăm. Bà con nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, sản xuất gốm và buôn bán nhỏ lẻ. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề làm gốm ở làng Bàu Trúc tưởng có lúc bị mai một nhưng giờ đây đang khởi sắc với nhiều tín hiệu đáng mừng. Nổi bật là sự kiện tháng 6/2023, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp".
Để góp phần đưa nghề làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc phát triển lên tầm cao mới, là người có uy tín, ông Đàng Chí Quyết tiếp tục vận động bà con đoàn kết xây dựng làng nghề gắn với du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, ông vận động người dân thành lập Ban Du lịch cộng đồng tại làng Bàu Trúc với các tổ chuyên môn như: Tổ đón tiếp khách, tổ ẩm thực, tổ làm gốm, tổ văn nghệ... Nhờ hoạt động chuyên nghiệp, Ban Du lịch cộng đồng Bàu Trúc không chỉ phục vụ cho du khách đến tham quan tại làng nghề mà còn được mời đi biểu diễn, quảng bá sản phẩm gốm ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Lâm Đồng.
Ông Đàng Chí Quyết chia sẻ, ông sẽ cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong vận động, tuyên truyền người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời, phát huy thế mạnh của địa phương là làng nghề. Ông tiếp tục vận động bà con duy trì, phát triển sản phẩm làng nghề gốm Chăm truyền thống ngày càng phong phú, đa dạng để thu hút du khách nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Nói đi đôi với làm, nhiều người có uy tín ở các huyện, thành phố đã trở thành gương sáng cho cộng đồng học tập và làm theo Bác. Tiêu biểu trong hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có ông Pi Năng Thiêng, dân tộc Raglai, huyện Bác Ái, ông Thạch Ngọc Su, dân tộc Chăm, huyện Ninh Phước, đã vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; trong phong trào xây dựng nông thôn mới có ông Ya Bá, dân tộc Raglai, huyện Ninh Sơn, ông Châu Kim Mỹ, dân tộc Chăm, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm...
Với thực tiễn “nói dân tin, làm dân theo”, người có uy tín đã có nhiều đóng góp thiết thực trong củng cố, xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương, tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc; có nhiều đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Trương Thành ở phường Hộ Phòng (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) là cán bộ nghỉ hưu, nhiều năm qua, ông được người dân trong phường, nhất là cộng đồng người Hoa tín nhiệm bởi luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương. Bằng uy tín và tinh thần trách nhiệm của mình, ông Thành đã huy động được nhiều nguồn lực, thậm chí tự bỏ tiền cá nhân để giúp đỡ bà con trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, ông Thành đã đóng góp, vận động ủng hộ hơn 1 tỷ đồng xây nhà tình thương, hỗ trợ gạo, tiền cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, tặng máy chạy thận cho Trung tâm Y tế thị xã. Ông Thành còn cùng chính quyền hòa giải thành công một vụ tranh chấp đất ở phường Hộ Phòng. Mới đây, ông vận động ủng hộ được gần 20 triệu đồng, cùng với người dân nâng cấp lại hẻm 19, đường Phan Đình Giót... Những việc làm của ông Thành tạo nên hình ảnh đẹp về người đảng viên trong lòng dân.
Bên cạnh những việc làm kể trên, người có uy tín còn làm tốt vai trò tuyên truyền đồng bào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn nếp sống văn minh, phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa các dân tộc. Đối với việc giữ gìn an ninh trật tự, người có uy tín tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, giáo dục, cảm hóa người lỗi lầm tại cộng đồng dân cư”, kịp thời phát hiện và cùng cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo xúi giục, dụ dỗ, lôi kéo, kích động đồng bào vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, người có uy tín, già làng tiêu biểu còn tăng cường tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số không bán điều non, cầm cố đất, sang nhượng quyền sử dụng đất - giải quyết vấn đề “nóng” trên địa bàn, góp phần giữ ổn định xã hội, giúp nhiều hộ còn đất để canh tác, ổn định và phát triển kinh tế gia đình...
Những đóng góp của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số không thể kể hết nhưng những chế độ, chính sách cho người có uy tín vẫn còn bộc lộ một số bất cập. Già A Ghinh, dân tộc Xê Đăng, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum bày tỏ vui mừng khi được chính quyền địa phương quan tâm, nhưng già A Ghinh đề nghị Ban Dân tộc tỉnh cần tiếp tục chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương để tham mưu UBND tỉnh rà soát các chính sách cho người có uy tín, già làng tiêu biểu, từ đó triển khai đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng, đúng quy định, kịp thời gian đi vào đời sống.
“Tôi mong muốn chính quyền tiếp tục nắm bắt tốt hơn tình hình đời sống cũng như tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng mình sinh sống. Từ đó sẽ có hướng dẫn, động viên cho bà con phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cũng như tìm kiếm việc làm phù hợp; đi đầu trong sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới; xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa…”, già A Ghinh kiến nghị.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng của nước ta. Với quan điểm xuyên suốt là “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển”, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về công tác dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.
Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã kịp thời động viên, khích lệ người có uy tín phát huy vai trò tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần củng cố niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, việc triển khai thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập cần sớm được khắc phục. Đó là, về tiêu chí, điều kiện lựa chọn người có uy tín có một số nội dung tiêu chí còn trùng lặp, không cần thiết, cần sắp xếp nhóm lại các tiêu chí cho phù hợp, logic để dễ thực hiện và thực sự lựa chọn được người có uy tín. Việc quy định "Mỗi thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số có ít nhất 1/3 số hộ gia đình hoặc số nhân khẩu là người dân tộc thiểu số được bình chọn một người có uy tín" cũng như quy định "tổng số người có uy tín được bình chọn không vượt quá tổng số thôn của vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh" vô tình đã hành chính hóa việc lựa chọn người có uy tín và cũng chưa thực sự phù hợp với thực tế là các dân tộc thiểu số thường sinh sống đan xen nhau ở các thôn bản.
Đối với những người có uy tín do lực lượng công an, quốc phòng các cấp quản lý, thực hiện theo quy định tại Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng do chưa quy định tại Quyết định 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên phần lớn những người có uy tín này chưa được hưởng các chế độ, chính sách quy định tại Quyết định 12/2018/QĐ-TTg.
Theo đồng chí Y Vinh Tơr, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, một số chế độ, chính sách đối với người có uy tín còn bất cập, định mức chi thấp, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nên chưa thực sự tạo động lực đối với người có uy tín trong thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm được giao.
Trước kiến nghị của những người có uy tín và đề xuất của Ủy ban Dân tộc, ngày 23/11 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg sửa đổi điều kiện, số lượng lựa chọn, công nhận người có uy tín. Theo đó, mỗi thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoặc thôn của xã, phường, thị trấn (xã) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được lựa chọn, công nhận một người có uy tín. Trường hợp thôn thành lập mới do sáp nhập các thôn kể từ ngày Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành (ngày 15/1/2024), Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định số lượng người có uy tín được lựa chọn, công nhận nhưng không quá tổng số lượng thôn được sáp nhập.
Về chế độ, chính sách đối với người có uy tín, Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg sửa đổi điểm a, b, c khoản 2 Điều 5 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg quy định về hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần như sau: Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết hoặc Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tỉnh) do địa phương lựa chọn. Mức chi tối đa trị giá 500.000 đồng/người/lần và không quá 2 lần/năm. Người có uy tín ốm đau đi điều trị bệnh, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được thăm hỏi, hỗ trợ không quá 1 lần/người/năm. Mức chi tối đa trị giá: 3.000.000 đồng/người/năm khi điều trị bệnh tại các cơ sở tuyến Trung ương và tương đương; 1.500.000 đồng/người/năm khi điều trị tại các cơ sở tuyến tỉnh và tương đương; 800.000 đồng/người/năm khi điều trị tại cơ sở tuyến huyện và tương đương; 500.000 đồng/người/năm khi điều trị tại cơ sở tuyến xã và tương đương. Thăm hỏi, hỗ trợ hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn đột xuất do sự cố, thiên tai, hỏa hoạn được chính quyền cấp xã nơi cư trú xác nhận. Mức chi tối đa trị giá 2.000.000 đồng/hộ gia đình/năm...
Tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2023 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương tiếp tục quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, nhất là Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW khóa IX của Đảng về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Ủy ban Dân tộc và các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, ưu tiên vấn đề thiết yếu đối với đồng bào dân tộc về hạ tầng kỹ thuật như công nghệ thông tin, giao thông, viễn thông...; hạ tầng xã hội như văn hóa, giáo dục, y tế...; đảm bảo sắp xếp, bố trí lại địa bàn dân cư để thích ứng và phòng tránh thiên tai...
Cùng với chú trọng việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tổng thể phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần, đáp ứng nhu cầu chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, người có uy tín nói riêng. Tạo điều kiện cho người có uy tín có nhiều thông tin hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chủ động tham gia và tham gia nhiều hơn vào phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; thường xuyên gặp gỡ, kịp thời động viên, biểu dương, ghi nhận sự đóng góp của người có uy tín trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước luôn giữ vững tinh thần, nhiệt huyết, nhân lên niềm tin, khát vọng, tiếp tục cố gắng, nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên; thực sự là những tấm gương sáng cho mọi người học tập, truyền lửa cho các thế hệ tiếp theo, như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
“Mỗi điển hình tiên tiến tiếp tục là một bông hoa không ngừng tỏa hương về tinh thần, đạo đức, ý thức trách nhiệm và sự tận tâm, tận lực cống hiến, lan tỏa, truyền cảm hứng về những điều tốt đẹp trong đồng bào dân tộc thiểu số và các thế hệ”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Khẳng định đồng bào các dân tộc thiểu số là bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, việc biểu dương, tôn vinh người có uy tín đã trở thành truyền thống của ngành công tác dân tộc, tiếp tục khẳng định vai trò, ghi nhận, biểu dương công lao, trí tuệ của những người có uy tín; tạo sức lan tỏa giá trị tinh thần to lớn, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội từ mỗi thôn xóm, bản làng, phum, sóc, tổ dân phố, cụm dân cư vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ưu tiên nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, sau khi có Quyết định 12/2018/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người là tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội với kết quả rất thiết thực. Trong mọi hoàn cảnh và điều kiện, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Các cơ quan làm công tác dân tộc sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ đồng bào một cách thiết thực, hiệu quả.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bày tỏ tin tưởng, đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục là hạt nhân tích cực, vận động, thuyết phục, truyền cảm hứng để đồng bào các dân tộc thiểu số khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Đội ngũ người có uy tín tiếp tục vận động đồng bào chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, nhất là chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; vận động đồng bào giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, trang phục, dân ca, dân vũ đặc sắc, độc đáo..., góp phần xây dựng quê hương vững mạnh về mọi mặt. Người có uy tín sinh sống ở vùng biên giới nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, thực sự là chỗ dựa vững chắc của chính quyền địa phương, cùng với các lực lượng chức năng, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc từng cột mốc đường biên, từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng tuyến biên giới hòa bình và phát triển.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Các địa phương cần phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của người có uy tín; tạo điều kiện cho người có uy tín được tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; đảm bảo niềm tin vững chắc của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước.
Bài: Viết Tôn
Ảnh, đồ họa: Viết Tôn - TTXVN - TTXVN phát
Video: Viết Tôn
Trình bày: Hà Nguyễn
24/12/2023 06:10