Công nghệ IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) trong lĩnh vực nhân giống đàn bò sữa tại Việt Nam trước đây mới chỉ manh nha ở các… phòng thí nghiệm. Nhận thấy ý nghĩa đặc biệt của công nghệ này đối với việc nhân giống đàn bò sữa trong nước, góp phần không nhỏ cho sự phát triển và tăng cường chất lượng, số lượng đàn bò sữa trên khắp Việt Nam, tập đoàn TH đã vào cuộc và trang trại bò sữa TH tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã từng bước làm chủ công nghệ này.

Tập đoàn TH đã từng thực hiện 24 đợt nhập khẩu bò sữa giống cao sản HF từ New Zealand và Mỹ về Việt Nam. Dự án IVF thành công, TH sẽ làm chủ công nghệ cho ra đời bò sữa HF thuần chủng có chất lượng, sản lượng sữa tốt như những con giống hàng đầu ở Mỹ ngay tại Việt Nam, cung cấp cho các trang trại bò sữa TH và các trang trại chăn nuôi bò sữa khác trong cả nước.

Nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đến Nghệ An đúng vào dịp Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương tới thăm “Cụm trang trại bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới” tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Đây là cơ duyên để chúng tôi có cơ hội chứng kiến quy trình sản xuất phôi IVF ở bò sữa lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam.

Tại mảnh đất đầy nắng gió miền Tây xứ Nghệ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã khẳng định rất ấn tượng trước sự “thay da đổi thịt” về kinh tế – xã hội của huyện Nghĩa Đàn – một huyện từng rất khó khăn của tỉnh Nghệ An. Bởi lẽ, theo Phó Chủ tịch nước, sự thay đổi của địa phương này có đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp, đặc biệt là Tập đoàn TH – dưới sự lãnh đạo của Anh hùng lao động  Thái Hương, một người phụ nữ rất mạnh mẽ đã tạo ra những dự án, công trình đáng ngưỡng mộ.

Thực tế, từ năm 2009 tới nay, bà Thái Hương cùng với đội ngũ cộng sự tại Tập đoàn TH, đặc biệt là các chuyên gia quốc tế – những người đã đến Việt Nam và gắn bó, cống hiến tại TH trong thời gian dài – từng bước tạo ra những kỳ tích quan trọng cho Tập đoàn TH cũng như ngành chăn nuôi và nền nông nghiệp Việt Nam. Và giờ đây, TH không chỉ là một doanh nghiệp ưu tú của tỉnh Nghệ An mà còn là doanh nghiệp lớn của đất nước và vươn ra thế giới.

Phó giáo sư – tiến sỹ Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết vấn đề giống bò sữa từng là trở ngại đối với ngành chăn nuôi bò sữa. Trước khi Tập đoàn TH bước chân vào đầu tư chăn nuôi bò sữa, Việt Nam nhập bò sữa chủ yếu từ Cu Ba, New Zealand, Australia – nhiều bò sữa lai F1, F2 không thuần chủng nên chất lượng và sản lượng sữa thấp, người chăn nuôi thua lỗ…

Với mục tiêu cải thiện chất lượng đàn bò sữa, nâng cao năng suất sữa, năm 2001, Việt Nam đã nhập khẩu 199 bò sữa thuần chủng Holstein Friesian (HF) và 184 bò sữa Jersey từ Mỹ và là lần đầu tiên Việt Nam nhập khẩu bò sữa từ Mỹ. Cho đến nay, khi theo dõi đàn con cháu của đàn bò này thì thấy năng suất sữa luôn cao hơn so với các con khác từ 30% trở lên. Tuy nhiên, năng suất sữa bình quân cũng chỉ đạt ở mức từ 5.000-6.000 lít/con/chu kỳ (305 ngày).

Năm 2009, khi hoàn thành việc xây dựng trang trại đầu tiên, TH đã đi đầu nhập bò sữa giống cao sản thuần chủng HF từ New Zealand và sau này là từ Mỹ – các quốc gia có nền chăn nuôi bò sữa phát triển. Bằng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò sữa và quy trình chăn nuôi, quản lý đàn tiêu chuẩn quốc tế, đàn bò HF thuần chủng của TH đạt năng suất sữa tới 9.000 lít/con/chu kỳ và năng suất này tiếp tục được cải tiến, nâng cao thông qua việc nâng cao chất lượng bò giống.

Chia sẻ với chúng tôi, đại diện Tập đoàn TH cho biết từ cuối năm 2015, đầu 2016, tập đoàn này đã ký hợp đồng với Công ty Sexing Technologies của Mỹ để nhập phôi đông lạnh và chuyển giao công nghệ sản xuất phôi invivo. Nhờ việc hợp tác này, nhiều thế hệ bò sữa đã ra đời tại trang trại, cho năng suất sữa vượt trội. Từ những thành công bước đầu, để tăng nhanh hơn hiệu suất của đàn bò mà vẫn duy trì được nguồn gen quý, đem đến dòng sữa tươi sạch tuyệt hảo, TH quyết định lựa chọn công ty ABS là đơn vị triển khai, chuyển giao công nghệ IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) cho trang trại bò sữa từ năm 2019.

Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 bùng phát trong 2 năm liên tiếp, quá trình chuyển giao công nghệ IVF đã gặp không ít khó khăn: Các lớp đào tạo phải thực hiện online; việc xây dựng cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, trang thiết bị,…) phục vụ dự án IVF phải thực hiện thông qua tư vấn từ xa của các chuyên gia; phát sinh nhiều thời gian và công sức cho quá trình chọn lọc, vận chuyển bò sữa về địa điểm làm phôi. Trở ngại nhất phải kể đến là việc đưa đoàn chuyên gia sang Việt Nam do các chuyến bay phải tạm hoãn.

Bằng mọi nỗ lực, đến tháng 3/2022, Tập đoàn TH đã đón được các chuyên gia của ABS sang Việt Nam để triển khai chuyển giao công nghệ đặc biệt này.

Trong suốt hành trình phát triển, TH tự hào là trang trại bò sữa đầu tiên tại Việt Nam nhập phôi đông lạnh và áp dụng các công nghệ về giống hàng đầu với số lượng lớn từ cuối 2015, đầu 2016. Tính đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn TH cũng là đơn vị tiên phong, đột phá đi đầu trong toàn quốc về việc tiếp cận và triển khai ứng dụng công nghệ IVF với nguồn đầu tư lớn, cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trên khắp thế giới.

Tiến sỹ Hoàng Kim Giao nhận định, công nghệ phôi IVF – được xem là “trí tuệ của thế giới” trong lĩnh vực này, ứng dụng tại các quốc gia phát triển từ nhiều năm trước – sẽ giúp TH và ngành chăn nuôi bò sữa trong nước hiện thực hóa giấc mơ tự chủ hoàn toàn về giống bò. 

Tại Việt Nam, việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho gia súc cũng đã được một số đơn vị như Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Nông nghiệp hay trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Thế nhưng, tất cả những cơ sở này mới chỉ làm mang tính chất nghiên cứu với nhiều loại gia súc khác nhau. Còn làm riêng ở bò sữa và áp dụng vào thực tiễn thì cho đến nay mới chỉ có Tập đoàn TH – doanh nghiệp hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi như: Có cụm trang trại chăn nuôi hiện đại, công nghệ cao; có đàn bò sữa tiệm cận 70.000 con, trong đó có những bò với tiềm năng di truyền tốt; trang thiết bị công nghệ cao đồng bộ, hiện đại; những cánh đồng nguyên liệu rộng lớn,…

Đặc biệt, Anh hùng Lao động Thái Hương – Nhà sáng lập tập đoàn là người luôn chủ trương áp dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong tất cả các khâu của chuỗi sản xuất sữa với quyết tâm xây “đường băng” cho dòng sữa Việt “cất cánh.”

Những con bò cho phôi được chọn lọc một cách tỉ mỉ nhờ sự hỗ trợ của phần mềm do công ty ABS cung cấp cũng đảm bảo rằng những con bò được chọn mang các đặc tính tốt nhất, nổi trội về sản lượng và chất lượng sữa với hàm lượng protein cao.
 

“Cũng bởi thế, ngay khi nghe tôi chia sẻ làm phôi ống nghiệm ở bò sữa, chị Thái Hương đã rất hào hứng và khẳng định TH sẽ quyết tâm làm. Và, tôi tin rằng TH sẽ thành công,” ông Giao chia sẻ.

Theo ông Giao, công nghệ IVF sẽ thúc đẩy nhanh tiến bộ di truyền, cho ra thế hệ bò sữa có năng suất, chất lượng sữa tươi vượt trội. Những con bò cho phôi được chọn lọc một cách tỉ mỉ nhờ sự hỗ trợ của phần mềm do công ty ABS cung cấp cũng đảm bảo rằng những con bò được chọn mang các đặc tính tốt nhất, nổi trội về sản lượng và chất lượng sữa với hàm lượng protein cao.

“Việc áp dụng công nghệ IVF không chỉ có ý nghĩa lớn đối với Tập đoàn TH, mà còn đối với ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam. Lý do là công nghệ này sẽ giúp nhân giống nhanh, chủ động được việc sản xuất bò sữa giống với giá thành chỉ bằng 1/2 – 2/3 bò sữa nhập khẩu; giảm chi phí nhập khẩu; giảm bệnh tật ở bò từ nước ngoài du nhập vào; biết rõ chất lượng bò sữa giống”, ông Giao nhấn mạnh.

Ngoài năng suất, bò sữa ra đời từ phôi thụ tinh ống nghiệm còn có khả năng thích ứng tốt với điều kiện môi trường sống nóng ẩm ở Việt Nam. TH chăn nuôi bò sữa tốt, đương nhiên ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam cũng sẽ tốt hơn nhờ năng suất sữa cao hơn, chất lượng sữa tốt hơn, cung cấp giống bò sữa tốt cho người chăn nuôi bò sữa toàn quốc…

“Trên cơ sở đàn bò sữa hiện có của mình, TH chỉ chọn 3,5-10% trong tổng đàn với những con bò sữa tốt nhất để thực hiện IVF. Theo từng năm, năng suất và chất lượng giống sẽ được nâng lên cao. Từ đó, TH không chỉ cung cấp phôi đông lạnh và con giống cho các trang trại của mình mà còn cung cấp cho các trang trại bò sữa, thậm chí xuất khẩu đi các nước”, ông Giao chia sẻ.

 
 

Nói thêm về dự án IVF của TH, ông Vijay Kumar Pandey – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH (THMF) cho biết mục đích của dự án này là mang công nghệ IVF về Việt Nam, chuyển giao và đào tạo đầy đủ các kỹ năng cho cán bộ nhân viên TH.

Chủ tịch Hội đồng quản trị THMF khẳng định với tiến độ triển khai hiện nay, Tập đoàn TH dự kiến có thể sản xuất 5.000 – 6.000 phôi mỗi năm trong giai đoạn đầu. Ở giai đoạn sau, khi TH làm chủ công nghệ, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực, doanh nghiệp này sẽ sản xuất phôi cho các dự án bò sữa khác.

Dẫn chúng tôi đi xem khu kỹ thuật tại Farm 1 và 2 với đầy đủ các thiết bị, máy móc, phòng soi hiện đại, ông Gilad Efrat, Giám đốc kỹ thuật THMF cho biết: “Kỹ thuật IVF là lựa chọn những con bò có tiềm năng di truyền cao và tốt nhất trong đàn để lấy trứng tạo phôi sinh ra bê cái. Và, thế hệ bê sữa ra đời sẽ là những cá thể có chất lượng hàng đầu trong đàn bò đã được tuyển chọn, từ đó tiếp tục nhân giống trong đàn”.

Theo ông Gilad Efrat, kỹ thuật IVF là tạo phôi trong ống nghiệm nên không giống các kỹ thuật khác như AI – thực hiện dẫn tinh trên tất cả đàn bò. Công nghệ IVF đòi hỏi sự tỷ mỉ rất cao và nếu kỹ thuật viên không có chuyên môn, không có kỹ năng sẽ không bao giờ thành công được.

“Do vậy, chúng tôi đã tuyển chọn những nhân viên tốt nhất. Qua các buổi đào tạo, hướng dẫn từ các chuyên gia IVF của Công ty ABS, chúng tôi xác định được việc cần chú trọng vào những vấn đề gì để đạt được thành công. Ở TH, mọi thứ cần phải thật hoàn hảo, xuất sắc. Lâu nay, chúng tôi vẫn có sẵn đội ngũ kỹ thuật viên có kinh nghiệm cấy truyền phôi và bây giờ nhận chuyển giao công nghệ mới IVF này, tôi tin tưởng đội ngũ của chúng tôi sẽ thực hiện tốt và làm chủ được công nghệ này”, ông Gilad Efrat chia sẻ.

Vị Giám đốc kỹ thuật THMF cũng nhấn mạnh với dự án IVF, Tập đoàn TH kỳ vọng chất lượng đàn bò sữa sẽ được nâng cao nhờ lựa chọn trứng từ những con bò cái tốt nhất trong đàn. Về mặt di truyền, đó là một bước tiến rất lớn đi đến thành công. Đối với ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam, thành công của dự án sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Cải thiện được vấn đề di truyền giống nhờ dự án IVF tại TH cũng đồng nghĩa sẽ cải thiện đàn bò ở Việt Nam nói chung.

Theo ông Gilad Efrat, kỹ thuật IVF là tạo phôi trong ống nghiệm nên không giống các kỹ thuật khác như AI – thực hiện dẫn tinh trên tất cả đàn bò. Công nghệ IVF đòi hỏi sự tỷ mỉ rất cao và nếu kỹ thuật viên không có chuyên môn, không có kỹ năng sẽ không bao giờ thành công được.
  

Để rõ hơn về quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất phôi tươi IVF ở bò sữa cũng như tính khả thi, hiệu quả của dự án được xem là “công trình lịch sử” không chỉ với Tập đoàn TH, mà còn với cả ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Rodrigo Mendes Untura, trưởng nhóm chuyên gia IVF của Công ty ABS (đối tác của Tập đoàn TH).

- Đầu tiên, xin ông giới thiệu đôi nét về Công ty ABS, nơi sẽ chuyển giao công nghệ IVF hiện đại cho Tập đoàn TH?

Ông Rodrigo Mendes Untura: Công ty chúng tôi chuyên về công nghệ phôi, đã hoạt động được 22 năm và đang tiếp tục mở rộng, phát triển thị trường. Hiện tại, chúng tôi đã có mặt ở 23 nước trên thế giới. Một số phòng thí nghiệm ở Mỹ, Brazil và các nước Mỹ Latinh, Nam Mỹ,… của chúng tôi đã đạt được nhiều thành công. Lần này, chúng tôi mang những thành công đó đến chia sẻ với Tập đoàn TH.

- Vậy, đây có phải là lần hợp tác đầu tiên về chuyển giao công nghệ IVF của Công ty ABS với một doanh nghiệp đối tác Việt Nam?

Ông Rodrigo Mendes Untura: Đúng vậy! Đây là lần đầu tiên chúng tôi hợp tác trong một dự án tại Việt Nam và chúng tôi cảm thấy rất hào hứng. Để phục vụ dự án này, đầu năm 2020, hai tháng trước khi dịch COVID-19 bùng phát, tôi đã tới Việt Nam để thảo luận với Tập đoàn TH một số vấn đề về cách thức chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nhưng do dịch bùng phát mạnh nên dự án bị trì hoãn một thời gian. Lần này, chúng tôi quay lại và đã bắt tay vào thực hiện các công việc cụ thể.

- Ông có cảm nhận thế nào về Tập đoàn TH trong quá trình hợp tác làm việc?

Ông Rodrigo Mendes Untura: Tập đoàn TH có những con bò sữa có tiềm năng di truyền cao. Đặc biệt, TH có rất nhiều trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, rất thuận lợi cho việc thực hiện các kỹ thuật công nghệ IVF như phòng thí nghiệm hiện đại mà không phải nơi nào trên thế giới cũng có. Hiện mọi tiến trình công việc đang rất thuận lợi.

- Riêng về mặt con người, ông đánh giá như thế nào về đội ngũ nhân sự của TH đang tham gia vào công việc thực hiện dự án IVF này?

Ông Rodrigo Mendes Untura: Nhân sự là yếu tố căn bản trong sự phát triển dự án. Hiện tại, Tập đoàn TH có một đội ngũ chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm nên đã phối hợp tốt cùng chúng tôi để thuận lợi thúc đẩy dự án phát triển và đi tới thành công.

- Theo ông, công nghệ IVF này sẽ giúp gì cho TH nói riêng, ngành sữa nói chung trong việc tăng chất lượng các sản phẩm từ sữa tươi sạch?

Ông Rodrigo Mendes Untura: Công nghệ IVF có ý nghĩa quan trọng trong ngành chăn nuôi, đặc biệt với việc cải thiện di truyền so với các phương pháp thụ tinh thông thường. Chúng tôi có thể lựa chọn trứng từ những con cái ưu tú nhất, chọn lọc tinh đực tốt nhất, có thể nhân lên rất nhiều tiềm năng di truyền.

Khi vận hành trang trại bò sữa, thông thường phải nhập khẩu bò cao sản từ các nước khác. Vậy nên khi ứng dụng công nghệ IVF này, Tập đoàn TH có thể tự chủ về phòng thí nghiệm, sản xuất phôi, nhân giống bò sữa cải thiện tiềm năng di truyền. Nhờ đó, chi phí sản xuất sẽ rẻ hơn, công nghệ cải tiến hơn, lợi thế hơn nhiều mặt, đội ngũ kỹ thuật ngày càng chuyên nghiệp hơn, liên tục được học hỏi và nâng cao công nghệ. Điều này thực sự là lợi thế cho TH nói riêng và Việt Nam nói chung.

Khi ứng dụng công nghệ IVF, Tập đoàn TH có thể tự chủ về phòng thí nghiệm, sản xuất phôi, nhân giống bò sữa cải thiện tiềm năng di truyền. Nhờ đó, chi phí sản xuất sẽ rẻ hơn, công nghệ cải tiến hơn, lợi thế hơn nhiều mặt, đội ngũ kỹ thuật ngày càng chuyên nghiệp hơn, liên tục được học hỏi và nâng cao công nghệ. Điều này thực sự là lợi thế cho TH nói riêng và Việt Nam nói chung.

– Vậy cần bao lâu để Tập đoàn TH hoàn toàn làm chủ công nghệ IVF này, thưa ông?

Ông Rodrigo Mendes Untura: Việc làm chủ hoàn toàn công nghệ này cần thời gian đào tạo, chẳng hạn như ở phòng thí nghiệm, tối thiểu là 1 năm; đối với OPU (hút trứng) khoảng 1,5 đến 2 năm; đối với cấy truyền phôi tối thiểu 1 năm. Đội ngũ nhân sự này cần tập trung tối đa. Tôi đánh giá rất cao các bạn kỹ thuật của Tập đoàn TH, các bạn học hỏi rất nhanh ngay từ những ngày đầu làm việc.

– Là trưởng nhóm chuyên gia của dự án, ông kỳ vọng ra sao về dự án này?

Ông Rodrigo Mendes Untura: Chúng tôi rất kỳ vọng về dự án này, bởi Tập đoàn TH luôn thúc đẩy, hỗ trợ chúng tôi để sớm đạt được thành công. Chúng tôi cũng thực sự rất vui khi đồng hành với doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam thực hiện dự án này.

Trân trọng cảm ơn ông!

20/05/2022 10:20