Chưa từng nghĩ mình sẽ là tổng thống, thậm chí từng tính chuyện chạy taxi nuôi gia đình, thế nhưng ông Vladimir Putin tiếp tục được người dân Nga tín nhiệm lựa chọn làm vị tổng thống của đất nước thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa với tỷ lệ phiếu bầu áp đảo: gần 77% (dù chưa phải kết quả cuối cùng). Ông sẽ bước tiếp trên con đường của một tổng thống Nga vĩ đại, chèo lái con tàu nước Nga vượt sóng gió, bão bùng trong một thế giới mà nhà lãnh đạo này thừa nhận là “có nhiều thế lực chống lại Nga”.
Có thể nói ông Putin là tổng thống không thích vận động tranh cử. Ông chỉ có một số hoạt động quảng bá tối thiểu mà một ứng viên tổng thống cần phải có.
Cách đây vài năm, ông Putin từng trả lời phỏng vấn, nói rằng ông thấy những chiến dịch tranh cử rất khó chịu. Ông nói về những người vận động tranh cử: “Người ta phải không chân thành và hứa hẹn những điều không thể thực hiện. Vì thế hoặc bạn phải là người ngu ngốc không hiểu bạn đang hứa hẹn gì hoặc là bạn cố tình nói dối”.
Trước khi cuộc bầu cử tổng thống Nga diễn ra vào ngày 18/3, một biên tập viên nước ngoài tính chuyện có nên chuẩn bị một bài báo về các đề xuất chính sách ngoại giao của cả 8 ứng viên tranh cử tổng thống Nga hay không. Nhiều người đã bác đề xuất, cho rằng điều đó là không cần thiết vì ông chắc 7 chương trình nghị sự ngoại giao của các ứng cử viên sẽ không thể có cơ hội được thực hiện.
Vì sao? Vì với sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Nga, ông Putin chắc chắn sẽ trở thành tổng thống Nga một lần nữa, cho dù ông thậm chí còn không trình bày về chính sách đối ngoại cho nhiệm kỳ tới.
Trên thực tế, ông Putin không làm gì nhiều trong chiến dịch tranh cử của mình. Ông không vận động, không hô hào, không tham gia tranh luận trên truyền hình cùng các ứng cử viên khác.
Quyết định của ông đúng đắn khi mà trong cuộc tranh luận đó, các ứng viên chỉ mạt sát, xúc phạm và hắt nước vào mặt nhau ngay trên sóng truyền hình trực tiếp.
Lý giải về quyết định không tham gia tranh luận, các nhà quan sát cho rằng thứ nhất vì ông không muốn hứa hẹn những điều không thể thực hiện. Thứ hai, những gì ông đã làm cho nước Nga suốt 18 năm qua chính là chiến dịch tranh cử tốt nhất. Thậm chí, các đối thủ của ông đã thừa nhận ông được lòng cử tri đến mức ông có thể chiến thắng mà không cần phải vận động điều gì.
Giai đoạn tranh cử tổng thống nhiệm kỳ trước, ông Putin cũng không tham gia tranh luận trên truyền hình. Hồi đó, phát ngôn viên của ông cho biết lý do là ông rất bận rộn với công việc của thủ tướng và việc phải bỏ thời gian cho các cuộc tranh luận sẽ cản trở khả năng thực hiện nhiệm vụ của ông.
Trước khi trở thành tổng thống, ông Putin là nhân vật hầu như chưa được ai biết tới. Ông Putin bước chân vào chính trường tầm quốc gia từ năm 1999, khi đó ông trở thành Phó Thủ tướng đầu tiên của Nga, sau đó là quyền Thủ tướng và cuối cùng chính thức làm Thủ tướng. Tổng thống đầu tiên của Nga thời kỳ hậu Xô Viết Boris Yeltsin trong bài phát biểu chúc mừng Năm mới 2000 đã tuyên bố từ chức. Thủ tướng Putin trở thành Tổng thống lâm thời. Sau cuộc bầu cử tháng 3/2000, ông chính thức trở thành tổng thống và giữ chức vụ hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Sự xuất hiện của Tổng thống Putin trên sân khấu chính trị nước Nga khiến tất cả mọi người ngạc nhiên. Câu hỏi của phóng viên Mỹ Trudy Rubin đã thể hiện phản ứng ngạc nhiên của các quốc gia phương Tây lúc bấy giờ khi đang tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos năm 2000 về một “ngài Putin” mới toanh.
“Ngài Putin là ai?”, nữ phóng viên hỏi phái đoàn Nga, khiến cả khán phòng cười rộ. Một năm rưỡi sau đó, cô có cơ hội được đích thân gặp mặt và phỏng vấn ngài khi tham dự một cuộc họp báo chí lớn. Tổng thống Putin đã trả lời câu hỏi đó một lần nữa sau 7 năm, tại một cuộc họp báo tổ chức tháng 2/2008.
Ông hóm hỉnh trả lời: “Tôi nghĩ tôi đã trả lời câu hỏi này trong suốt 8 năm qua, không qua lời nói mà là bằng tất cả những gì tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình dưới tư cách là người đứng đầu đất nước. Theo quan điểm của mình, tôi chưa từng phản bội niềm tin, hy vọng của công dân Liên bang Nga”.
Trước đó, ông đã phục vụ 17 năm trong cơ quan tình báo nước ngoài của Liên Xô KGB với tư cách là một điệp viên bậc trung, cấp trung tá. Khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, ông Putin khi đó 40 tuổi đang làm một điệp viên KGB ở Đông Đức.
Từ chỗ là một người khiến phóng viên phải hỏi “là ai”, ông Putin đã trở thành ngôi sao sáng, được người dân Nga yêu mến và được thế giới công nhận, khiến đối thủ phải e dè. Tạp chí Forbes đã gọi ông là “người quyền lực nhất thế giới”.
Tổng thống Putin nhận vị trí lãnh đạo một quốc gia vừa mới trải qua một cuộc cải cách kinh tế không hiệu quả, gây ra tình trạng lạm phát và khủng hoảng tài chính năm 1998, kèm theo những vết nứt sâu trong bộ máy chính trị.
“Ông ấy ngay lập tức khẳng định mình là một nhà lãnh đạo đất nước, có khả năng hợp nhất đất nước và thiết lập lại trật tự”, Nikolai Mironov – Giám đốc Trung tâm Cải cách Kinh tế và Chính trị nhận định.
Tổng thống Putin dành cả nhiệm kỳ đầu tiên để áp dụng những cải cách kinh tế cần thiết, liên quan đến chi trả thuế, ngân hàng và tiền lương hưu. Một trong những thách thức lớn nhất mà ông phải đối mặt trong nhiệm kỳ đầu tiên là vấn đề chính sách ly khai Chechen, sau này kéo theo các cuộc tấn công khủng bố tại Moskva và các thành phố khác trong nước Nga.
“Chúng ta sẽ tiêu diệt bọn khủng bố ở khắp mọi nơi. Nếu phát hiện chúng ở sân bay, hãy tới sân bay… và vấn đề được giải quyết”, ông Putin tuyên bố vào tháng 9/1999 khi còn là thủ tướng.
Kể từ đó đến nay, quan điểm của Tổng thống Putin về chủ nghĩa khủng bố không hề thay đổi, thậm chí sau cả các cuộc tấn công hệ thống tàu điện ngầm Moskva năm 2010 và vụ máy bay Airbus A321 gặp nạn tại Bán đảo Sinai (Ai Cập) năm 2016.
Tổng thống Putin rời khỏi vị trí vào năm 2008, sau khi lãnh đạo đất nước hai nhiệm kỳ liên tiếp. Ông Dmitry Medvedev trở thành Tổng thống Nga tiếp theo và ông Putin tiếp tục đảm nhiệm vị trí Thủ tướng, tự giao cho mình nhiệm vụ giải quyết hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
“Công việc của tôi trong chính phủ vào những năm tháng khó khăn đó có thể coi là một thử thách đặc biệt. Tôi đã học được rất nhiều điều từ sự kiện đó”, Tổng thống Putin hồi tưởng lại những khó khăn khi làm Thủ tướng sau 2008.
Tại hội nghị đảng Nước Nga Thống nhất tổ chức trong tháng 9/2011, ngài Putin chấp thuận tranh cử vị trí tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2012. Lại một lần nữa ông được nhân dân Nga tin tưởng bầu làm tổng thống và lần này nhiệm kỳ kéo dài 6 năm.
Vào ngày ông nhậm chức, Tổng thống Putin ký một chương trình đảm bảo xã hội quy mô lớn bao gồm việc xây dựng 200 công trình, còn được gọi là Sắc lệnh tháng Năm.
Trong nhiệm kỳ thứ ba, Tổng thống Putin tập trung giải quyết các vấn đề địa chính trị. Thế giới bắt đầu nhìn nhận ông là một nhà chính trị đi theo giá trị truyền thống. Tuy nhiên, điều này lại dẫn tới hiện trạng Mỹ gây sức ép về mặt chính trị và kinh tế lên Nga.
Phát biểu trong Hội nghị an ninh Munich năm 2007, Tổng thống Putin đã chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ và sáng kiến về một thế giới đơn cực do Mỹ làm bá chủ. Ông tuyên bố mô hình này cực kỳ nguy hiểm và không có gì gọi là đồng nhất với nền dân chủ mà Mỹ khẳng định. “Chúng ta luôn được dạy về sự dân chủ… nhưng vì một số lí do nào đó, những người dạy chúng ta lại không muốn bản thân họ như vậy”, ông lên án.
Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh nước Nga sẽ không đi ngược truyền thống áp dụng chính sách ngoại giao độc lập.
Thời gian sau, Tổng thống Nga tiếp tục tích cực góp phần nâng cao lợi ích của nước Nga trên đấu trường quốc tế, đặc biệt là sau sự kiện Crimea trưng cầu dân ý đồng ý sáp nhập vào Nga sau bất ổn tại Ukraine năm 2014, khiến mối quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng đi xuống.
Đến năm 2015, Nga triển khai Chiến dịch Không quân chống khủng bố tại Syria theo lời đề nghị của Tổng thống nước này Bashar al-Assad. Đầu tháng 12, Tổng thống Putin tuyên bố với sự trợ giúp của quân đội Nga, lực lượng vũ trang Syria đã giải phóng gần như toàn bộ lãnh thổ Syria khỏi tay các nhóm khủng bố.
Rất nhiều hãng truyền thông phương Tây nhấn mạnh chiến dịch Syria là một thành công của Điện Kremlin và là một bước đi quảng bá cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga, khiến vị thế của Nga tại Trung Đông càng được khẳng định.
“Sự tham gia của chúng tôi tại Syria một lần nữa khẳng định vai trò của Nga như một cường quốc thế giới, mà không có chúng tôi, chẳng có vấn đề nghiêm trọng nào trên thế giới được giải quyết triệt để”, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko phát biểu đầy tự hào.
Trong nhiệm kỳ thứ 4 của mình, ông Putin sẽ tiếp tục trở thành “người thuyền trưởng” được cử tri tin yêu, cùng nước Nga thực hiện những gì mà ông đã từng vạch ra trong Thông điệp Liên bang ngày 1/3 với 12 nhiệm vụ then chốt.
Có thể coi 12 nhiệm vụ mà Tổng thống Putin đặt ra trong Thông điệp liên bang là 12 “cương lĩnh hành động” của ông để đưa nước Nga vững bước trên con đường phát triển. Nổi bật trong đó là cam kết bảo vệ lợi ích của nước Nga và cuộc sống của người dân Nga, như tuyên bố của ông Putin “sự thịnh vượng của nhân dân, sự sung túc trong các gia đình người Nga là nhân tố chính, then chốt của sự phát triển”. Với quan điểm xuyên suốt này, ông cho rằng tương lai của nước Nga sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết những nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra trước mắt, từ kinh tế, dân sinh, giáo dục, y tế tới an ninh, quốc phòng.
Những giải pháp cụ thể nhằm củng cố vị thế nền kinh tế để Nga lọt vào top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cải thiện môi trường đô thị và điều kiện nhà ở, nâng cao chất lượng y tế, cắt giảm một nửa tỷ lệ nghèo đói trong vòng 6 năm tới, đồng thời tăng 1,6 lần thu nhập bình quân của người dân trước năm 2025 … đều hướng tới mục tiêu vì con người, trên cơ sở bảo đảm sự phồn vinh của mọi tầng lớp nhân dân.
Ông Putin cũng khẳng định Nga cần sẵn sàng ứng phó với những thách thức an ninh thông qua việc xây dựng một quân đội hiện đại, tinh nhuệ và công nghệ cao, tăng cường khả năng phòng thủ bằng các loại vũ khí tân tiến. Điều này không chỉ tạo nên sức mạnh của nước Nga trong bảo đảm an ninh, bảo vệ chủ quyền đất nước, mà còn góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới trong bối cảnh Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa và không thực hiện các thỏa thuận về ổn định chiến lược đã ký với Nga.
Đặc biệt, ông Putin nhấn mạnh tới hậu quả của tình trạng lạc hậu công nghệ, dẫn đến làm suy yếu, xói mòn tiềm năng con người, và điều này đồng nghĩa với việc làm giảm an ninh và các cơ hội kinh tế của đất nước, và hậu quả là đánh mất chủ quyền. Trên cơ sở đó, nhà lãnh đạo Nga đề cao sức mạnh sáng tạo và sự phát triển năng động của một nước Nga “đang hướng đến tương lai”.
Rất nhiều người ngưỡng mộ khả năng làm việc phi thường của Tổng thống Putin. Một ngày làm việc của ông tại Điện Kremlin thường kéo dài qua đêm và kết thúc vào rạng sáng hôm sau, mặc cho lịch di chuyển dày đặc. Bất ngờ hơn nữa ông vẫn có đủ thời gian để bảo đảm sức khỏe của mình.
“Tổng thống Putin là một người sinh hoạt tuân thủ theo đúng lịch trình mà ông đã đề ra. Kể cả khi ngày làm việc của ông kéo dài sang sáng hôm sau, ông cũng vẫn đi bơi và luyện tập trong phòng gym”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Các môn thể thao được coi là một trong những sở thích chính của Tổng thống Putin. Bên cạnh là bậc thầy của môn võ Judo và nhu đạo, ông còn có thể trượt băng, chơi hockey một cách thuần thục. Không những thế, ông Putin còn tỏ ra là người chơi piano điêu luyện.
Lãnh đạo nước Nga còn được biết đến với lòng yêu thương các con vật. Trong những cuộc gặp mặt ngoại giao, ông thường xuyên được các lãnh đạo các nước tặng quà là thú nuôi, lúc thì là chó, lúc là một chú hổ nhỏ Ussuri, thậm chí có lần là một con cá sấu.
Với thân hình cường tráng khỏe mạnh, Tổng thống Putin không ngần ngại tham gia các hoạt động cần sự linh hoạt của cơ bắp. Có lần ông đích thân dập lửa trong đám cháy rừng khu vực Ryazan, lặn sâu xuống dưới đáy hồ Baikal và Biển Đen, ngồi sau tay lái một chiếc xe đua công thức 1, ngồi thử nghiệm trên máy bay chiến đấu đánh chặn Su-27 hay tăng T-90 và lái thử máy bay ném bom chiến lược Tu-160.
Tổng thống Putin đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ. Cùng nghe một bài hát rap về ông có tên “Go hard like Vladimir Putin” (Hãy mạnh mẽ như Vladimir Putin).
Bài: Thùy Dương – Hồng Hạnh
Trình bày: Trần Thắng
19/03/2018 02:18