Thành phố Hồ Chí Minh luôn là thành phố có nền kinh tế sôi động, có mức đóng góp GDP hàng đầu và cũng luôn giữ vị thế đầu tàu kinh tế cả nước.
Trải qua 44 mùa Xuân kể từ khi chính thức được mang tên Bác, Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng lớn mạnh, luôn duy trì tăng trưởng ở mức cao dù trong tình hình kinh tế suy thoái hay bị tác động mạnh bởi dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Đến nay, TP Hồ Chí Minh vẫn xứng đáng là thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu giai đoạn trước đổi mới 1976 - 1985, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của thành phố chỉ tăng bình quân 2,7%/năm, thì giai đoạn 1991 - 2010, TP Hồ Chí Minh là một trong rất ít địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hai con số (giai đoạn 1991 - 1995 tăng 13%; giai đoạn 1996 - 2000 tăng 10%; giai đoạn 2001 - 2005 tăng 11%; giai đoạn 2006 - 2010 tăng 11,4%).
Từ năm 2011 đến nay, dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song TP Hồ Chí Minh cũng đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm, gấp 1,66 lần mức bình quân chung của cả nước (5,8%). Riêng năm 2019, GRDP TP Hồ Chí Minh hơn 1,33 triệu tỷ đồng, đạt chỉ tiêu đề ra 8,3%/ năm. So với quy mô kinh tế cả nước, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã đóng góp 25% GRDP và 27% thu ngân sách. Năng suất lao động tại thành phố cũng cao 2,7 lần năng suất lao động cả nước. Vốn đầu tư nước ngoài cũng đạt gần 8 tỷ USD và luôn ở mức cao.
“Với sự phát triển kinh tế của Thành phố, mức thu nhập bình quân tính theo đầu người cũng tăng nhanh qua các năm. Cụ thể, năm 1986, Thành phố ở mức thu nhập 586 USD/người, thì đến năm 2010 tăng lên mức 2.000 USD/người. Dự kiến, năm 2020 sẽ tăng lên mức 6.799 USD/người, cao gấp 2-3 lần so với bình quân cả nước”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết.
Khi bước sang năm 2020, kinh tế thành phố chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh COVID-19. Thế nhưng theo ông Nguyễn Thành Phong, TP Hồ Chí Minh không vì thế đi thụt lùi mà vẫn duy trì mức tăng trưởng kinh tế quý 1 đạt 1,03%. Từ nay đến cuối năm, TP Hồ Chí Minh sẽ phấn đấu khôi phục kinh tế để đạt mức tăng trưởng 6% (năm 2019 đạt 8,3%). Với con số này, TP Hồ Chí Minh vẫn có thể giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng khoảng 5%.
Để phát triển kinh tế bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, TS Trần Du Lịch cho rằng, TP Hồ Chí Minh phát triển kinh tế cần gắn chuỗi phân khúc công nghệ cao thông qua việc phát huy tốt nhất các khu công nghệ cao hiện có. Nghĩa là, không cần phải sản xuất ra một sản phẩm công nghệ cao cụ thể mà nên là nơi tham gia sản xuất các sản phẩm công nghệ cao từ TP Hồ Chí Minh.
Còn theo ông Nguyễn Thành Phong, để khắc phục các hạn chế và thách thức, từ nay đến cuối năm 2020, Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh phải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước qua phân cấp, ủy quyền gần 100 đầu việc cho các sở, ngành, UBND các quận - huyện trên các lĩnh vực đô thị, môi trường; kinh tế, ngân sách, dự án…
Đồng thời, Thành phố sớm hoàn thành đề án phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực, tạo nền tảng cho phát triển thành phố thành trung tâm khoa học công nghệ; tập trung triển khai sớm khu đô thị sáng tạo phía Đông trên nền tảng những đô thị đã được đầu tư sẵn có.
Theo đó, Thành phố sẽ tập trung vào các không gian công cộng và khuyến khích kinh tế khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghiệp điện tử - viễn thông theo xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, phấn đấu trở thành địa phương đầu tiên của cả nước triển khai mạng viễn thông 5G; tiếp tục thực hiện các dự án ở nhiều cấp độ để chuyển đổi giao thông dựa trên các hành lang giao thông công cộng chính, kết nối nhanh cấp vùng, phát triển các hành lang vận tải logistic riêng biệt, giao thông điểm cuối và sử dụng các giải pháp dựa trên năng lượng tái tạo, không phát thải CO2, gây ảnh hưởng đến môi trường, biến đổi khí hậu…
19/05/2020 08:19