Hành trình 13 năm xây dựng và phát triển của thị trường hàng hóa Việt Nam đã để lại không ít những dấu ấn đặc biệt. Hai năm gần nhất, trong vòng xoáy của suy thoái kinh tế toàn cầu, giao dịch hàng hóa vẫn giữ được sự ổn định và tăng trưởng đột phá. Với những chiến lược phát triển có trọng tâm, thị trường hàng hóa tại Việt Nam sẽ có những bước nhảy vọt, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Năm 2022 - 2023, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại do nhiều quốc gia phải đối mặt với suy thoái. Tuy nhiên, trong vòng xoáy này, thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam vẫn hoạt động ổn định và tăng trưởng đột phá.
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), số lượng nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường ngày càng tăng nhanh. Chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm 2023, đã có hơn 5.000 tài khoản mở mới, nâng tổng số tài khoản giao dịch trên thị trường lên đến hơn 30.000 tài khoản. Giá trị giao dịch trung bình đạt 4.000 tỷ đồng mỗi ngày, trong đó ngày giao dịch nhiều nhất đạt tới 9.600 tỷ đồng.
Ông Đặng Việt Hưng, Tổng Giám đốc MXV cho biết: “Trong giai đoạn 2020 - 2023, do tác động của đại dịch Covid-19 và những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới, tâm lý chung của nhà đầu tư sẽ khá thận trọng khi đầu tư trên các thị trường tài chính. Tuy nhiên, với tính minh bạch và hiệu quả, thị trường giao dịch hàng hoá tại Việt Nam đã và đang chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước.”
Hiện nay, MXV đã niêm yết đầy đủ 3 loại hợp đồng được giao dịch rộng rãi trên toàn thế giới: Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn (Futures), hợp đồng quyền chọn (Options), hợp đồng chênh lệch giá (Spread). Trong đó, 42 sản phẩm Hợp đồng futures là những loại hàng hóa nguyên liệu quan trọng đối với Việt Nam và thế giới như dầu thô, cà phê, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, kim loại...
Nhóm các sản phẩm năng lượng vẫn thu hút nhiều dòng tiền đầu tư nhất trong thời gian qua. Cụ thể, riêng hai mặt hàng dầu thô WTI và dầu thô WTI micro liên thông với Sở NYMEX đã chiếm khoảng 25% tổng khối lượng giao dịch tại MXV.
Để tổ chức thị trường bài bản, quy mô như hiện tại, không thể không kể đến sự đóng góp rất lớn của 32 thành viên thị trường. Với các văn phòng, chi nhánh trải dài khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước; các thành viên của MXV đã đưa thị trường hàng hoá đến gần hơn với các nhà đầu tư.
“MXV liên tục tổ chức các buổi tập huấn định kỳ, phổ cập các kiến thức, quy định của quốc tế để nâng cao chất lượng thành viên. Nhìn chung, hoạt động của các thành viên đều tuân thủ pháp luật Việt Nam; các quy định của các Sở Giao dịch thế giới có liên thông; các quy định, quy chế do MXV đã ban hành”, ông Đặng Việt Hưng cho biết.
Đầu năm 2023, bên cạnh việc công bố thị phần môi giới hàng quý, MXV đã công bố rộng rãi bảng xếp hạng các thành viên thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bảng xếp hạng này là một trong những tiêu chuẩn mang tính quốc tế của thị trường hàng hóa, được nhiều sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới áp dụng. Đây được coi là dấu mốc rất quan trọng, đánh dấu sự phát triển chuyên nghiệp hơn của thị trường hàng hóa.
Trong những nhiệm vụ trọng tâm MXV đã đặt ra, công tác đào tạo là nền móng để phát triển thị trường một cách bền vững. Không chỉ đào tạo kĩ năng cho các nhà môi giới, nhà đầu tư đang hoạt động trên thị trường, MXV còn chú trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường trong tương lai.
Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu khoa học MXV, tính đến hết tháng 8/2023, toàn thị trường hiện có 1.300 học viên được cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo định kỳ. Các khóa đào tạo được MXV tổ chức đều đặn hàng tháng với sự tham gia của các thành viên, nhà môi giới, nhà đầu tư trên khắp cả nước. Đội ngũ giảng dạy là những giảng viên, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giao dịch hàng hóa.
Bên cạnh đó, MXV đã liên tục phối hợp với các trường đại học, học viện và các sở Giao dịch liên thông, tổ chức những hội thảo mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, tạo được tiếng vang lớn đối với giới nghiên cứu, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, trong 3 năm tới, Việt Nam ước tính sẽ cần có khoảng 20.000 nhà môi giới hàng hóa chuyên nghiệp. Chính vì thế, các trường đại học, học viện đang nghiên cứu để đưa giao dịch hàng hóa trở thành một môn học, hoặc một nội dung được giảng dạy cho các bạn sinh viên.
Để nâng tầm vị thế của Việt Nam trên thị trường giao dịch hàng hóa quốc tế, MXV đã tích cực đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trên quy mô toàn cầu. Điều này được thể hiện rõ bằng việc các đối tác thường xuyên tới thăm và bàn chiến lược hợp tác phát triển thị trường giao dịch hàng hóa với MXV.
Các đối tác đều ấn tượng trước tốc độ phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam nói chung và MXV nói riêng. Đồng thời, các đối tác chiến lược cũng nhận định rằng kết quả này là nhờ quá trình tổ chức hoạt động một cách bài bản, chuyên nghiệp của MXV.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2022 - 2023, MXV đã phối hợp với CME Group liên tục tổ chức các hội thảo chuyên biệt cho thị trường Việt Nam. Đáng chú ý nhất là Hội thảo “Góc nhìn toàn cầu và triển vọng thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam 2023” đã được tổ chức thành công rực rỡ vào tháng 5/2023, với sự tham dự của hàng trăm khách mời, chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
CME Group cũng khẳng định sẽ tích cực hợp tác chiến lược với MXV để phát triển, niêm yết các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như gạo, hồ tiêu, điều, cà phê,…; đồng thời sẽ tiếp tục cử các chuyên gia hàng đầu tới Việt Nam để chia sẻ, cung cấp các kiến thức và kinh nghiệm cho thị trường hàng hóa tại Việt Nam.
Đáng chú ý, mới đây, ngày 14/8/2023, MXV cùng Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác xây dựng Sàn Giao dịch thịt heo tại TP Hồ Chí Minh. Ông Đặng Việt Hưng cho biết: “Các Sở Giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới đang muốn hỗ trợ MXV và các sở, ngành của TP Hồ Chí Minh xây dựng và vận hành sàn giao dịch thịt heo một cách hiệu quả, từng bước hiện đại hóa toàn chuỗi ngành chăn nuôi tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và nhân rộng ra cả nước trong tương lai”.
Ngay trong quý IV/2023, MXV sẽ triển khai liên thông với 3 sở giao dịch hàng hóa tại Trung Quốc, bao gồm: Sở Giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải, Sở Giao dịch Hàng hoá Đại Liên và Sở Giao dịch Hàng hoá Trịnh Châu. Đặc biệt, MXV sẽ sớm niêm yết giao dịch sản phẩm tín chỉ carbon liên thông với thế giới vào cuối năm nay. Đây là hai sự kiện đặc biệt, nằm trong chuỗi chiến lược phát triển sản phẩm của MXV để đón đầu các xu hướng giao dịch trên thế giới.
Kể từ sau Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa, thị trường giao dịch hàng hóa đã có các bước phát triển đáng khích lệ, được ghi nhận bởi các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, theo thực tiễn phát triển của thị trường tại Việt Nam, cùng với những biến đổi không ngừng của thị trường thế giới, Bộ Công Thương đã có kế hoạch triển khai xây dựng Nghị định mới, thay thế cho Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động của Sở Giao dịch Hàng hóa.
Trong buổi làm việc với Bộ Công Thương và MXV ngày 15/08/2023, CME Group cũng bày tỏ thiện chí sẽ tham vấn cho Bộ Công Thương trong việc xây dựng Nghị định mới. Dựa trên những kinh nghiệm của Sở Giao dịch hàng hóa lâu đời nhất thế giới và pháp luật về giao dịch hàng hóa tại Mỹ, CME Group tin rằng sẽ góp phần đáng kể giúp thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.
Bên cạnh đó, sự đồng bộ trong chính sách cũng là một yêu cầu tất yếu, không chỉ riêng quy định về tổ chức hoạt động của MXV mà còn của các bộ ngành khác có liên quan như chính sách thuế, chế độ hạch toán kế toán, quy định về quản lý ngoại hối hay các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia bảo hiểm giá nguyên liệu.
Điển hình như Thông tư số 20/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân. Trong đó, có những hướng dẫn về hoạt động chuyển tiền liên quan tới hoạt động mua bán hàng hóa thông qua Sở Giao dịch Hàng hóa.
“Những điều chỉnh chính sách kịp thời, cùng với việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ giúp hoạt động giao dịch hàng hóa tại Việt Nam có nền móng vững chắc cho những bước phát triển đột phá trong tương lai”, ông Hưng nhận định.
01/09/2023 06:10