Tại SEA Games 30 tổ chức ở Philippines, Taekwondo Việt Nam giành được  5 huy chương Vàng. Vì vậy, theo bà Nguyễn Thu Trang - phụ trách bộ môn Taekwondo (Tổng cục Thể dục Thể thao), mục tiêu của Taekwondo Việt Nam tại SEA Games 31 là cố gắng thi đấu tốt nhất, tối thiểu bảo vệ thành công thành tích vị trí Top 3 nước dẫn đầu.

Taekwondo được kỳ vọng sẽ là "mỏ" vàng cho thể thao Việt Nam.

Về mặt lực lượng, Taekwondo đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ. Nhiều VĐV có bề dày thành tích như: Hà Thị Nguyên, Phạm Thị Thu Hiền... đã nghỉ thi đấu. Lực lượng VĐV trẻ kế cận còn thiếu kinh nghiệm cũng như chưa có nhiều cơ hội cọ xát quốc tế.

 

Trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị cho SEA Games 31, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên kế hoạch tập huấn, thi đấu của đội tuyển bị thay đổi. Cụ thể, đội tuyển chỉ có thể tập huấn và tham dự các giải thi đấu trong nước, kế hoạch tập huấn và thi đấu nước ngoài đều bị hủy bỏ. Đây cũng là khó khăn đáng kể đối với các VĐV bởi thể thao thành tích cao là phải thi đấu, qua thi đấu mới bộc lộ hết được các điểm mạnh, yếu, mới rèn được kĩ năng, thể lực, tâm lý thi đấu, phong độ của các VĐV cũng bị ảnh hưởng, giảm sút.

Để bù đắp cho những khó khăn này, các VĐV Taekwondo Việt Nam được bố trí tham dự các giải thi đá nhanh (tốc độ) Đông Nam Á và Vô địch quyền châu Á theo hình thức thi đấu trực tuyến. Đội tuyển Việt Nam đã giành được 2 huy chương Vàng, 4 huy chương Đồng tại giải Vô địch quyền châu Á và 3 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng giải thi đá nhanh Đông Nam Á.

Như vậy, cùng các đợt tập huấn trong nước, ban huấn luyện vẫn có thể thấy được mặt mạnh, điểm yếu của từng VĐV để tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo, đặt mục tiêu cho phù hợp để đảm bảo điểm rơi phong độ của các VĐV đúng vào thời gian diễn ra SEA Games 31.

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, năm 2020, đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam vẫn tập luyện thường xuyên. Cùng với đó, Việt Nam tổ chức được 2 giải đấu trong nước gồm một giải trẻ và một giải vô địch quốc gia. Như vậy, các VĐV đã có cơ hội cọ xát và người làm công tác quản lý có được sự đánh giá thực tế về phong độ của các VĐV. Theo ban huấn luyện, các VĐV thể dục dụng cụ hoàn toàn có thể đáp ứng được mục tiêu thi đấu tại SEA Games 31.

Thể dục dụng cụ sẵn sàng ghi dấu ấn.

 

Ở nội dung vòng treo mặc dù rất tiếc khi không còn có sự góp mặt của Đặng Nam, (VĐV từng 5 năm liền bảo vệ thành công huy chương Vàng SEA Games và cũng từng giành huy chương Đồng Asian Games), thế những các VĐV kế cận cũng đang dần mạnh lên để gánh vác trọng trách mà đàn anh để lại.

Là người từng nhiều năm gắn bó cùng các VĐV thể dục dụng cụ qua mỗi giải đấu ở trong cũng như ngoài nước, Tiến sĩ Nguyễn Kim Lan chia sẻ: SEA Games 22 năm 2003 được tổ chức tại Việt Nam là cột mốc khởi sắc của Thể dục dụng cụ Việt Nam.

Lứa VĐV của Hà Nội được gửi tập huấn dài hạn ở Trung Quốc nhằm chuẩn bị cho Đại hội đã trở thành lực lượng nền tảng, tạo dựng hình ảnh cho Thể dục dụng cụ Việt Nam trên đấu trường quốc tế và thế giới. Những cái tên như Nguyễn Hà Thanh, Phạm Phước Hưng, Hoàng Cường, Ngân Thương, Thùy Dương, Minh Hằng và sau đó là Phan Thị Hà Thanh là dàn VĐV được đánh giá rất cao, mang đến thành công vang dội.

 

Điển hình là huy chương Đồng môn nhảy chống tại giải vô địch thế giới ở Nhật Bản. Tấm huy chương này đã đem lại cho Việt Nam suất chính thức tham dự Olympic. Sau đó, tại giải tiền Thế vận hội Olympic VĐV Phạm Phước Hưng, Đỗ Ngân Thương lại tiếp tục giành suất chính thức. Đây là những kết quả rất đáng tự hào bởi khi ấy Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á giành suất chính thức tham dự Thế vận hội Olympic. Lứa VĐV này sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu, các VĐV này đã sẵn sàng gắn bó với vai trò là huấn luyện viên.

Từ thế hệ “vàng” này, các VĐV tích lũy kinh nghiệm, tự tin hơn, học hỏi nhiều hơn từ các quốc gia có nền Thể dục dụng cụ mạnh như Nga, Đức, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Italy… ngoài những quốc gia truyền thống mà chúng ta đã từng công nhận như Trung Quốc, Nhật Bản. Hiện, thể dục dụng cụ Việt Nam đã có vận động viên Lê Thanh Tùng giành được suất chính thức tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo 2020.

Cung thể thao Quần Ngựa (Hà Nội) sẽ là địa điểm đăng cai tổ chức thi đấu Thể dục dụng cụ tại SEA Games 31. Đây là địa điểm đã từng tổ chức thi đấu môn Thể dục dụng cụ từ SEA Games 22 năm 2003 và bản chất Cung thể thao Quần Ngựa được xây dựng cũng với mục đích để tổ chức môn thể thao này. Cung Quần Ngựa cũng có kinh nghiệm tổ chức giải trẻ Đông Nam Á và nhiều giải vô địch quốc gia.

 

Theo ông Phùng Lê Quang - phụ trách môn Đấu kiếm (Tổng cục Thể dục Thể thao), đấu kiếm Việt Nam đã liên tục chuẩn bị hàng năm hướng tới các đại hội lớn như SEA Games, Olympic và Asian Games diễn ra vào năm sau đó.

Cụ thể, ban huấn luyện triệu tập tập huấn đội hình đội tuyển quốc gia, đội hình đội tuyển trẻ quốc gia tại 2 Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các VĐV vẫn duy trì được phong độ và thể lực, vẫn tập luyện thường xuyên tuy cơ hội cọ xát không nhiều.

Đấu kiếm được đặt chỉ tiêu cao tại SEA Games 31.

Trong trường hợp các giải đấu tích điểm và vòng loại thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 được tổ chức, ban huấn luyện đã có kế hoạch cử VĐV tham dự.

Đấu kiếm Việt Nam cũng đang trong giai đoạn chuyển giao các lứa VĐV. Lực lượng kế cận một số cũng đã thay thế được các đàn chị đi trước như ở nội dung kiếm ba cạnh nữ, tuy nhiên so với đẳng cấp và kỳ vọng chuyên môn chưa thực sự được như các lứa VĐV như Nguyễn Thị Như Hoa, Trần Thị Len ở thời kỳ đỉnh cao phong độ. Vì vậy, chỉ tiêu tại SEA Games 31 của đấu kiếm Việt Nam là giành 4 huy chương Vàng trong số 12 nội dung tham dự. Các kỳ vọng huy chương được đặt vào Vũ Thành An, Nguyễn Xuân Lợi kiếm chém, Nguyễn Tiến Nhật kiếm ba cạnh nam cùng Nguyễn Minh Quang nội dung đồng đội kiếm chém nam và kiếm ba cạnh nam. Đạt được mục tiêu này đấu kiếm Việt Nam có thể nằm trong tốp 1, 2 quốc gia đứng đầu.

 

 

Judo và Kurash là hai trong số 36 môn thể thao trong Chương trình thi đấu của SEA Games 31 đã được thống nhất thông qua tại Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á diễn ra vào tháng 7 vừa qua. Ông Nguyễn Hữu An - phụ trách môn Judo và Kurash thuộc Vụ Thể thao thành tích Cao 1 (Tổng cục Thể dục Thể thao) cho biết, cả Judo và Kurash đều có kế hoạch tập huấn ở nước ngoài. Tuy nhiên kế hoạch này sẽ được dựa trên tình hình thực tế sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Judo Việt Nam đã vươn tầm Olympic.

 

Theo kế hoạch, môn Judo sẽ tập trung tập huấn 30 VĐV và 4 huấn luyện viên tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội và dự kiến đi tập huấn trong một tháng tại Đài Loan hoặc Mông Cổ. Bên cạnh đó, các VĐV môn Judo sẽ tham dự từ 2 - 3 giải đấu quốc tế ở Đài Loan, Thái Lan hoặc một giải ở Nhật Bản, Hàn Quốc để tăng khả năng cọ xát cũng như kinh nghiệm thi đấu.

Song song với công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 sắp tới, Judo còn tập trung tham dự vòng loại Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 để tranh suất tham dự Olympic Tokyo 2020. Gương mặt được kỳ vọng sẽ mang về tấm vé tham dự Olympic Tokyo 2020 của Judo là VĐV Nguyễn Thị Thanh Thủy.

Kurash có kế hoạch tập huấn nước ngoài ở những quốc gia hàng đầu về môn này.

 

Đối với Kurash, ban huấn luyện dự kiến triệu tập đội tuyển với 20 VĐV và 3 huấn luyện viên, tập trung tập huấn ở hai nơi là Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ngoài việc tập huấn trong nước, bộ môn sẽ cân đối ngân sách tập huấn và thi đấu tại nước ngoài nhằm đảm bảo cho VĐV có được trạng thái tốt nhất về chuyên môn cũng như kinh nghiệm thi đấu. Dự kiến, đội tuyển Kurash sẽ tập huấn tại Hàn Quốc hoặc Uzbekistan (đây là nơi sản sinh ra môn thể thao này). Đồng thời, các VĐV trong đội tuyển sẽ tham gia thi đấu tại giải vô địch thế giới ở Đài Loan và Đại hội thể thao võ thuật trong nhà châu Á tại Thái Lan vào tháng 6/2021.

Việc vừa phải chuẩn bị của các vận động viên khi họ phải căng sức tối đa để làm cả hai nhiệm vụ là vòng loại Olympic trùng với SEA Games khiến ban huấn luyện môn Judo không khỏi lo lắng. Kinh nghiệm trước đó ở võ sĩ Văn Ngọc Tú từng phải trải qua khi tham dự SEA Games 2011, Olympic 2012 và kế tiếp là SEA Games 2015, Olympic 2016. Kết quả của việc căng sức tối đa để làm cả hai nhiệm vụ đó là VĐV có thể vượt qua vòng loại nhưng đến SEA Games thì phong độ không còn ở điểm rơi tốt nhất.

 

Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, Huấn luyện viên trưởng tuyển Bắn súng quốc gia cho biết, trước những khó khăn do dịch COVID-19, tuyển Bắn súng Việt Nam luôn sẵn sàng trước mọi tình huống và chuẩn bị tốt nhất cho các vận động viên về thể lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật, trạng thái tâm lý khi tranh tài tại SEA Games 31 và vòng loại Olympic 2020.

Bắn súng đặt mục tiêu nằm trong Top dẫn đầu.

 

Lực lượng VĐV đỉnh cao cho SEA Games 31 đã được rà soát thông qua giải tay súng xuất sắc toàn quốc năm 2020. Ở giải đấu này, sự tiến bộ của lứa VĐV trẻ cùng thành tích thi đấu của một số VĐV chủ lực của tuyển quốc gia đã tạo cho giới chuyên môn những yên tâm và sự tự tin nhất định cho các kế hoạch dài hạn của tuyển Bắn súng Việt Nam nhằm hướng tới 2 mục tiêu lớn đó là vòng loại Olympic Tokyo 2020 và SEA Games 31.

Tại SEA Games 31, bắn súng Việt Nam xác định sẽ đi theo 1 tiêu chí là tham gia tất cả các nội dung Olympic nằm trong chương trình của Đại hội.

Do đang trong giai đoạn dần đưa lực lượng VĐV trẻ thay thế những xạ thủ kỳ cựu của tuyển Bắn súng quốc gia, nhằm hướng đến mục tiêu xa hơn là Olympic, Asian Games, tại SEA Games 31, bắn súng đặt mục tiêu nằm trong top 3 đội dẫn đầu bảng tổng sắp Huy chương. Như vậy, nếu thi đấu 22 nội dung như các kỳ SEA Games trước, bắn súng Việt Nam phấn đấu giành một nửa số huy chương, trong đó có từ 5 - 6 chiếc HCV.

 

 

Mục tiêu cụ thể trong năm 2021 của Điền kinh Việt Nam là duy trì ngôi đầu SEA Games (giành từ 17 đến 19 HCV) khi mà lớp VĐV kế cận đang cho thấy những dấu hiệu khả quan về cả chuyên môn lẫn kinh nghiệm thi đấu quốc tế.

Năm 2020, khi các VĐV đội tuyển không được dự giải đấu quốc tế nào để kiểm tra trình độ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì Giải Vô địch Điền kinh quốc gia 2020 được coi là cuộc tổng duyệt.

Điền kinh nước ta vẫn cho thấy phong độ ổn định.

 

Qua đó, có thể thấy, các chân chạy chủ lực của đội tuyển điền kinh nước ta vẫn cho thấy phong độ ổn định với sự vượt trội trên đường đua. Lê Tú Chinh giành 5 HCV tại giải. Nguyễn Thị Oanh cũng giành 4 tấm HCV ở cự ly dài, đặc biệt là kỷ lục quốc gia ở nội dung 10.000 m nữ với thành tích 34 phút 8 giây 54, phá sâu kỷ lục quốc gia đã tồn tại 17 năm. Quách Thị Lan cũng lần đầu vượt qua nhà vô địch SEA Games 30 Nguyễn Thị Huyền ở nội dung 400 m với 52 giây 46.  

Bên cạnh đó, các VĐV trẻ đã thi đấu xuất sắc và thiết lập nên những kỷ lục quốc gia như Trần Văn Đảng (Hà Nội) đã vượt qua nhà vô địch SEA Games 30 Dương Văn Thái để giành HCV ở cả hai cự ly 800 m và 1.500 m.

Điền kinh Việt Nam đặt quyết tâm giữ vững ngôi đầu.

 

Với sự tiến bộ vượt bậc về chuyên môn, Văn Đảng chính là niềm hy vọng của Điền kinh Việt Nam ở cự ly 800 m, 1.500 m. VĐV 21 tuổi Trần Ngọc Nghĩa cũng xác lập kỷ lục quốc gia mới 10 giây 40 ở nội dung 100 m nam so với kỷ lục cũ 10 giây 47 do chính mình lập tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2018 - thành tích này cũng hy vọng cao mang về huy chương ở SEA Games 31.

 

Năm 2021, Esports  lần thứ 2 góp mặt tại kỳ Đại hội Thể thao với tư cách là môn thể thao cạnh tranh huy chương. Thành tích của Esports sẽ được tính vào bảng tổng sắp của Việt Nam tại SEA Games 2021.

Ở kỳ Đại hội trước diễn ra năm 2019, Esports Việt Nam thi đấu ở cả 6 bộ môn nhưng không có được thành tích ấn tượng. Những "kỳ vọng Vàng" như Mocha ZD Esports, Meomaika đều gục ngã, dừng chân ở tấm huy chương Đồng. Năm 2021 là cơ hội để những đại diện Việt Nam đổi màu huy chương ở nội dung Esports.

Năm 2021 là cơ hội để những đại diện Việt Nam đổi màu huy chương ở nội dung Esports.

Năm 2020 là một năm khó khăn của Esports Việt Nam. Hệ thống giải vô địch Esports Việt Nam (VCS) bỏ lỡ vòng chung kết thế giới 2020 (game Liên minh huyền thoại) vì dịch COVID-19. Team Flash không thể bảo vệ thành công chức vô địch thế giới Liên Quân Mobile. Những bộ môn khác như Free Fire, PUBG, PUBG Mobile cũng không gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào. Đáng tiếc nhất ở nội dung Liên Quân Mobile, Team Flash, Saigon Phantom gục ngã trước MAD Team tại AIC 2020 (Liên Quân Mobile) - làm mất đi vị trí số 1 thế giới Liên Quân Mobile của các VĐV Việt Nam. Những thất bại này sẽ là động lực để các đội Esports Việt Nam quyết tâm hơn nữa trong năm 2021.

Hiện tại, chi tiết những bộ môn tại SEA Games 2021 chưa được hé lộ. Nhưng dự kiến, danh sách gồm Wild Rift (Liên minh huyền thoại: Tốc Chiến), Liên Quân Mobile (AOV), LMHT, PES, Star Craft và Mobile Legends.

 

Bài: Lê Sơn
Ảnh: TTXVN
Trình bày: Đăng Tuệ Thy

08/01/2021 05:18