Hàng loạt cao tốc trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 – 2025, cao tốc trục ngang Đông Nam Bộ... đang bước vào giai đoạn chạy nước rút thi công, để đảm bảo mục tiêu cán đích theo thời gian mà Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đặt ra.
Ghi nhận trên công trường
Trên công trường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, 1 trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II, dài hơn 110 km đi qua 5 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, có tổng vốn đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, việc chậm giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu đất cát đắp nền đường đang ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công.
Tuy nhiên, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, những ngày đầu tháng 6/2024, hàng trăm kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư) vẫn “vượt nắng thắng mưa”, thi công 3 ca 4 kíp/ngày đêm các hạng mục cầu cống, thảm cấp phối đá dăm, gia tải nền đường theo dõi lún... trên cơ sở có mặt bằng, vật liệu đến đâu thi công cuốn chiếu đến đó.
Tương tự tại cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu trục ngang Đông Nam Bộ dài gần 54 km đi qua 2 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, có tổng mức đầu tư gần 17.800 tỷ đồng, tình trạng chậm giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu đất cát cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công chung. Dự án đang có nghịch lý máy móc, nhân lực chờ mặt bằng để thi công, sau hơn 1 năm triển khai, mặc dù mặt bằng sạch đang là "điểm nghẽn" lớn nhất, nhưng tranh thủ thời tiết nắng ráo cuối mùa khô và phần công địa đã được bàn giao, chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án 85), các đơn vị thi công vẫn đang khẩn trương đào đắp, lu lèn nền đường, đúc cấu kiện bê tông tại chỗ, sẵn sàng thi công đồng loạt khi có mặt bằng...
Đại công trường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II đang huy động hơn 600 mũi thi công, gần 6.500 đầu máy móc thiết bị, hơn 15.000 kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động... trải dài trên các công trường thi công. Đến thời điểm này, cao tốc Bắc Nam có 6/12 dự án thành phần đáp ứng tiến độ là các cao tốc Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Vân Phong - Nha Trang...
Thống kê của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho hay, đến nay, các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II đã đạt sản lượng thi công gần 30% khối lượng xây lắp, đã giải phóng 708/721 km mặt bằng, bàn giao cho các chủ đầu tư, đạt gần 98%. Tiến độ di dời hạ tầng kỹ thuật chậm tại các địa phương đang là nguyên nhân chính khiến sản lượng thi công cao tốc Bắc Nam giai đoạn II chưa đạt kỳ vọng. Phần mặt bằng còn lại chủ yếu vướng thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, đất thổ cư và các công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị tại các địa phương...
Dồn lực cán đích
Tại cuộc kiểm tra hiện trường cao tốc Bắc Nam giai đoạn II mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp chặt chẽ với các địa phương quyết liệt, đồng thuận giải phóng mặt bằng và khơi thông nguồn vật liệu; tăng tốc thi công cuốn chiếu đến đâu, gọn đến đó; đồng thời, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, huy động tối đa nguồn lực thi công, đảm bảo cán đích vượt mục tiêu Chính phủ giao, để thông cao tốc Bắc Nam trong năm 2025.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là dự án cuối cùng của tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II, được kỳ vọng sẽ khép kín trục dọc "xương sống mới" kết nối nội vùng, thông tuyến cao tốc Bắc Nam từ TP Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, kết nối các đường cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu trong tương lai. Trong khi đó, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 kết nối trực tiếp với các cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Đông Nam Bộ.
Mặc dù khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, cấp mỏ vật liệu... chưa được giải quyết dứt điểm, song, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công đang nỗ lực tận dụng nguồn lực, công địa đã được bàn giao để tăng tốc các hạng mục chính. Việc sớm tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, vật liệu tại các địa phương có các công trình cao tốc đi qua, cộng với việc vượt khó thi công của các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công sẽ quyết định kết quả cán đích của các cao tốc.
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao gần 57.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại các cao tốc trọng điểm quốc gia. Vì vậy, ngay sau chuyến thị sát công trường các dự án trọng điểm của Thủ tướng Chính phủ đầu năm nay, hàng loạt dự án đã tăng tốc và đặt mục tiêu cán đích trước kế hoạch theo tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca, 4 kíp"...
Để đảm bảo mục tiêu cán đích, Bộ GTVT đang tập trung làm việc với UBND các tỉnh miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, sớm di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tăng thêm công suất khai thác các mỏ đất cát ngay trong quý II/2024; đồng thời, đề xuất Chính phủ kiến nghị với đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương ưu tiên giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, mặt bằng thi công để các dự án đảm bảo tiến độ yêu cầu.
Với các công trình trọng điểm quốc gia, việc đưa các dự án vào chương trình giám sát hiện nay là cần thiết, không chỉ nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, hiệu quả từng đồng vốn đầu tư của Nhà nước. Chính vì vậy, việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” về mặt bằng, vật liệu thi công, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trên công trường, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đã được Chính phủ, Bộ GTVT đưa mục tiêu để các dự án đảm bảo hiệu quả đầu tư, tiến độ do Quốc hội đề ra.
19/06/2024 06:01