Không khỏi xúc động, ông Trần Ngọc Quyên mua lại tấm ảnh này. Ông càng thấy rõ “cơ duyên” đến với tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ký ức về những lần được gặp Bác
Tôi gặp ông Trần Ngọc Quyên, bà Lê Thanh Nga trong ngôi nhà riêng, nằm trong ngõ gần Bộ Tư lệnh Pháo binh, phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Ông bà đều gần 80 tuổi nhưng dáng vẻ thanh thoát, tinh anh và điềm đạm của người làm ngoại giao vẫn nguyên vẹn.
Bà Lê Thanh Nga từng là lưu học sinh tại Đức, từng 3 lần được gặp Bác Hồ. Bà bồi hồi kể về ký ức những lần được gặp Bác Hồ, về tấm ảnh được chụp cùng với Bác Hồ mà mãi sau này bà mới biết, lại do chính chồng bà tìm thấy.
Ông Trần Ngọc Quyên nhìn thấy tấm ảnh “Bác Hồ chụp với lưu học sinh ở Đức” tại một bảo tàng về nhiếp ảnh ở Đức năm 2012. Khi ấy, ông đã thực hiện sưu tầm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách bài bản.
Ông Trần Ngọc Quyên và bà Lê Thanh Nga là cặp đôi Việt Nam đầu tiên được phép kết hôn chính thức ở Cộng hoà Dân chủ Đức. Năm 1971, hai đại sứ đã đứng ra làm đại diện: Nhà trai và Nhà gái cùng với tất cả cán bộ đại sứ quán, bạn bè. Khi đó chưa có tiền lệ kết hôn ở nước ngoài, người lãnh sự đã đề xuất làm biên bản kết hôn. Trong thời gian yêu nhau, thành vợ chồng, trong câu chuyện của họ luôn có tình cảm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng những việc làm thiết thực làm dày thêm những tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh và góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt - Đức.
“Vào thư viện ảnh một thư viện tại Đức, tôi viết từ khoá “Chủ tịch Hồ Chí Minh” thì thấy tấm ảnh “Bác Hồ chụp cùng với lưu học sinh ở Đức” năm 1957, tôi nhận ra vợ mình. Để chắc chắn hơn, tôi gửi tấm ảnh này cho một người bạn học cùng lớp của vợ và được xác nhận là đúng. Tấm ảnh được tìm thấy tại bảo tàng có dung lượng khá nhỏ, vì thế tôi đã đặt mua theo dung lượng mong muốn để đưa về Việt Nam”, ông Trần Ngọc Quyên nhớ lại.
Được chụp ảnh cùng với Bác Hồ nhưng phải hơn 50 năm sau, bà Lê Thanh Nga mới cầm tấm ảnh trên tay. Nhớ lại ngày được gặp Bác, bà Lê Thanh Nga cho biết: “Lúc đó, đoàn thiếu nhi Việt Nam biểu diễn múa sạp đón Bác Hồ. Tôi mặc quần áo dân tộc Thái, cũng là thành viên lớn tuổi nhất đoàn (15 tuổi), có nhiều ý niệm về Bác rất rõ ràng rồi. Mọi người đều muốn chụp ảnh cùng Bác, tôi cố gắng để được gần Bác, ngồi cạnh Bác”.
Ngày Bác Hồ thăm đến thăm trường Käthe-Kollwitz-Heim, thị trấn Moritzburg, Đức trong trí nhớ bà Lê Thanh Nga thực sự là ngày hội tưng bừng, đầy cảm xúc đối với các lưu học sinh Việt Nam lúc bấy giờ.
Bà Lê Thanh Nga nhớ lại lời Bác Hồ dặn dò lưu học sinh: “Các cháu cần chăm ngoan, cố gắng học giỏi để trở về phục vụ Tổ quốc. Lời căn dặn ấy đã đi theo tôi trong suốt những năm tháng học sinh, sinh viên và công việc sau này của tôi cũng như chồng tôi”.
“Mặc dù có người phiên dịch nhưng chính Bác Hồ là người chỉnh sửa cho người phiên dịch của mình. Trong lần phát biểu với lưu học sinh tại Đức, Bác Hồ nói là “Bộ Giáo dục” nhưng người phiên dịch dịch là “Bộ Văn hoá”. Khi ấy, bác chữa ngay. Có lẽ, ông phiên dịch quá hồi hộp nên không tập trung được”, bà Lê Thanh Nga nhớ lại.
Sau chuyến thăm này, trường Käthe-Kollwitz-Heim đã xây một khuôn viên xinh xắn và gắn tấm biển đồng khắc dòng chữ: "Vào tháng 7 năm 1957, nơi đây, những em thiếu nhi Việt Nam đang sống và học tập tại trường Käthe-Kollwitz-Heim đã chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh của mình"
Video ông Trần Ngọc Quyên và bà Lê Thanh Nga chia sẻ về tấm ảnh:
Bà Lê Thanh Nga còn được gặp Bác Hồ trong dịp trước khi đoàn học sinh sang học tập tại Đức.
“Chúng tôi được gặp Bác Hồ và đề nghị được chụp ảnh cùng Bác. Bác nói bằng tiếng Đức với chúng tôi: Các cháu phải trả 20 xu cho tấm ảnh đấy nhé. Mọi người đều ngạc nhiên và cười ầm lên khi thấy bác hiểu về tấm bưu thiếp tại Đức. Ở Đức, chỉ với tấm bưu ảnh được in ra, viết địa chỉ người nhận, vài lời chúc, tem, thì phải trả 20 xu. Nói như thế để biết là Bác đã hiểu rất rõ về nước Đức", bà Lê Thanh Nga nhớ lại.
Trải qua nhiều năm, nhưng cảm nhận về những lần được gặp Bác Hồ trong bà Lê Thanh Nga vẫn còn nguyên vẹn: “Bác Hồ có phong thái nhanh nhẹn, thân thiện và đối ứng thuần thục. Bác hiểu từng lớp người trong xã hội bởi Bác từng kinh qua những vị trí của người lao động chân tay, người viết báo, người từng đi năm châu bốn biển để đàm phán về độc lập, tự do cho dân tộc… nhưng khi tiếp xúc gần lại là người vô cùng gần gũi”.
Nói đến đây, bà Lê Thanh Nga dường như vẫn giữ trạng thái hồi hộp xen lẫn xúc động khi nhớ về kỷ niệm đã qua.
Cơ duyên sưu tầm tư liệu về
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ông Trần Ngọc Quyên nhớ lại cơ duyên với việc sưu tầm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là năm 1969, khi Bác Hồ mất, lưu học sinh tại trường Đại học TU Dresden (Đức) đã lập bàn thờ Bác để sinh viên và nhân dân địa phương đến viếng. Đảng ủy và Ban giám hiệu trường Đại học TU Dresden cũng tổ chức lễ tưởng niệm Bác.
“Là một trong hai người đứng cạnh bàn thờ, nhìn xuống phía dưới, tôi thấy không khí vô cùng trang nghiêm, buồn và rất nhiều người Việt cũng như bạn bè quốc tế bày tỏ sự tiếc thương về Bác. Từ sự kiện này, tôi mua tất cả các tờ báo tiếng Đức cùng với những bức ảnh các đoàn viếng Bác Hồ tại Đức, tạo thành những tư liệu đầu tiên của tôi về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Trần Ngọc Quyên kể.
Trong nhiệm kỳ thứ 2 tại Đức (1979 - 1983), khi tìm tài liệu chuyên ngành kinh tế, ông Trần Ngọc Quyên vô cùng ngạc nhiên khi thấy những thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây.
“Tôi tiếp tục sưu tầm để làm tư liệu riêng cho mình. Nhưng phải đến khi nghỉ hưu, trở lại thăm trường đại học ở Đức sau 50 năm ra trường, tôi mới tìm lại được nhiều tài liệu hơn. Tôi bắt đầu sưu tập có hệ thống từ năm 2009 cho tới sau này”.
Ông Trần Ngọc Quyên cho biết: Đức là nước duy nhất có Huy chương Hồ Chí Minh phát hành năm 1980 theo Quyết định của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Người (1890 - 1980). Ông cũng may mắn sưu tầm được 3 Huy chương quý giá này. Ủy ban Đoàn kết của Cộng hòa Dân chủ Đức còn phát hành một số Huy hiệu Hồ Chí Minh hình tròn với kích cỡ và màu sắc khác nhau nhưng đều có dòng chữ “Đoàn kết” in trên vành tròn bằng 3 thứ tiếng: Việt, Đức và Nga.
Ông Trần Ngọc Quyên cũng rất vui khi tự mình tìm hiểu ra ở Cộng hoà Dân chủ Đức có ít nhất 6 thành phố có Đường Hồ Chí Minh, 6 trường học mang tên Hồ Chí Minh, 2 con đường chạy qua các khu rừng nối hai địa phương với nhau được người dân gọi tên là “Đường Hồ Chí Minh”.
Ông Trần Ngọc Quyên trở lại Đức nhiều lần để thăm gia đình con cháu, bạn bè, đồng thời tiếp tục công tác sưu tầm có hệ thống của mình. Rất nhiều tài liệu, kỷ vật mà ông tâm huyết gần 60 năm qua được ông trao tặng lại cho các bảo tàng ở Việt Nam.
Video ông Trần Ngọc Quyên chia sẻ về Huy chương Hồ Chí Minh mà ông đã sưu tầm được ở Đức:
“Nhiều người hỏi tôi rằng, mất công đi tìm, mất tiền rồi lại đi tặng, sao không giữ làm của riêng. Nhưng tôi lại nghĩ tư liệu cũng như sách vậy, càng có nhiều người đọc càng tốt. Với ý nghĩ đó, từ năm 1989, tôi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh nhiều tư liệu sưu tầm được. Đến nay, đã có 9 lần tôi tặng hiện vật, tư liệu về Bác Hồ cho bảo tàng. Lần nào cũng có thư cảm ơn của bảo tàng nhưng sau này, chỉ là những cuộc trao tặng đơn thuần, tôi đề nghị không nhận thư cảm ơn nữa”, ông Trần Ngọc Quyên chia sẻ. Tôi hiểu rằng, đó chính là niềm vui để ông bà vui sống trọn vẹn cuộc đời có lý tưởng của Bác soi đường.
Bài, ảnh, clip: Lê Vân
14/05/2020 03:47