Căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Văn Mùi nằm trên phố Phương Mai (Hà Nội), giản dị và nhiều cây xanh. Cụ chủ nhà dáng người cao, gầy, trong chiếc áo sơ mi trắng, quần đen, đón khách bằng nụ cười rất hiền.

Ngay ở phòng khách, khung ảnh đen trắng được treo ở vị trí trang trọng. Đó là những bức ảnh kỷ niệm ông cùng gia đình vinh dự được chụp cùng Bác Hồ. Ông Mùi kể, được lái xe phục vụ Bác là một cơ duyên đối với ông. 

Ông Nguyễn Văn Mùi sinh năm 1931 tại thôn Bắc Câu, xã Xuân Hùng (nay thuộc Xuân Trường, Nam Định). Năm 18 tuổi, ông Mùi theo người anh trai, từ Nam Định lên Chiến khu Việt Bắc xin vào làm công nhân Sở Đúc tiền thuộc Bộ Tài chính, đóng tại huyện Chiêm Hoá, Tuyên Quang. Năm 1951, khi Ngân hàng bắt đầu in tiền giấy, Sở Đúc tiền giải thể, ông được chuyển về Sở Kho thóc Trung ương, đơn vị chuyên thu mua và cung cấp lương thực cho các cơ quan Trung ương đóng trong ATK (An toàn khu). Thời gian này, Sở Kho thóc Trung ương có hai chiếc xe chạy bằng than để chở thóc, chở gạo. Vốn là người ham học hỏi, ông Mùi xin được đi phụ cho lái chính và học lái xe.

Khoảng năm 1952, khi đang vận chuyển lương thực cung cấp cho các cơ quan Trung ương đóng trong ATK (An toàn khu) thì ông Mùi tình cờ gặp đội xe Văn phòng Chính phủ (Ban kiểm tra 12).  Ông kể: “Phụ trách đội có hỏi sao trên xe nhiều người thế? Anh phụ trách đoàn xe chở lương thực cho biết, Sở Kho thóc Trung ương đang thiếu xe nên sử dụng cả tài làm phụ. Thấy thế, người phụ trách ngỏ lời hỏi tôi về lái xe cho cơ quan. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, làm gì cũng là phục vụ cách mạng, chứ cũng không biết sau này được lái xe cho Bác Hồ".

Khi về đội xe Văn phòng Chính phủ, ông được nhận lái chiếc Gat-51 hai cầu có nhiệm vụ chở hàng hóa vào các chiến dịch. Lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ là năm 1954. Khi đó, ông được giao nhiệm vụ lái một chiếc xe chở chiến sĩ bảo vệ đưa đoàn cán bộ đặc biệt từ Việt Bắc về xuôi.

Khi đoàn đến đường rẽ vào Đền Hùng, Bác yêu cầu dừng nghỉ, tập hợp bộ đội lại nói chuyện ông mới biết mình đã được lái xe bảo vệ Bác Hồ về tiếp quản Thủ đô Hà Nội . Tại đây, Bác đã có câu nói nổi tiếng: "Các vua Hùng đã có công dựng nước / Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". 

Trước khi về giải phóng Thủ đô, Bác dừng nghỉ nói chuyện với các chiến sĩ tại Đền Hùng, Bác Hồ đã căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Ảnh tư liệu: TTXVN.

Từ cuối năm 1954, ông Mùi nhận nhiệm vụ lái một chiếc xe com-măng-ca chở các chiến sĩ bảo vệ luôn đi sau chiếc xe chở Bác Hồ, mỗi khi Người đi công tác. Thời gian này người lái xe chính của Bác Hồ là ông Phạm Văn Nền.

Đến năm 1961, sau khi ông Nền được cử đi học, ông Nguyễn Văn Mùi chính thức được giao nhiệm vụ lái xe chở Bác Hồ cho đến khi Bác mất.

Ông Nguyễn Văn Mùi (đứng ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng Bác trong một chuyến đi công tác.

Trong khung ảnh đen trắng treo tại phòng khách của gia đình ông Mùi có hai bức ảnh ông chụp cùng Bác trên đường đi công tác,  một bức ông và các con chụp cùng Bác và những người phục vụ Bác nhân dịp Tết năm 1967-19. Ông Mùi chia sẻ, mỗi lần đi cùng Bác là một lần ông được học hỏi rất nhiều từ Người. Ông nhớ rất nhiều kỷ niệm về Bác, nhất là không sao quên được đức tính giản dị, tiết kiệm của Bác. 

Ông Mùi bế con ngồi ngoài cùng bên trái (hàng đầu tiên) và các cán bộ chụp ảnh kỷ niệm cùng với Bác.

Lúc đó, Liên Xô tặng Bác một chiếc xe con, anh em lái xe gọi là xe Zit được lắp kính chống đạn, là một trong những loại xe “xịn” hồi bấy giờ nhưng hình dáng lại khá to. Nhận xe về nhưng Bác không thường xuyên sử dụng vì Bác bảo xe sang quá đi đâu hay gây sự chú ý, không an toàn và không thân thiện với các tầng lớp, nhất là nhân dân lao động. 

Nhiều lần các đồng chí lãnh đạo muốn thay xe cho Bác, vì cả hai chiếc xe Bác đi đã cũ, Bác đều nói, xe cũ nhưng vẫn chạy tốt, không phải thay; còn xe mới, tốt hơn để cho các đồng chí lãnh đạo khác hay đi công tác sử dụng. 

Ba chiếc xe từng chở Bác được trưng bày tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hiện nay, cả hai chiếc xe đã trở thành hiện vật lịch sử gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, đang được trưng bày tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội. Đó là chiếc xe Pôpêđa M20 mang biển số HN 158 và chiếc xe Pơgiô 404 do kiều bào ta tặng Bác, mang biển số HNC 232.

Ông Mùi nhớ như in từng kỷ niệm trong các chuyến được lái xe đưa Bác đi các tỉnh công tác, nhiều lần nghỉ trưa dọc đường, Bác cùng các đồng chí bảo vệ, lái xe cắt cơm nắm mang theo để không làm phiền địa phương. Một lần, ông Mùi lái xe đưa Bác về Nam Định làm việc, đến bữa trưa Bác từ chối dự chiêu đãi và về nhà khách ăn cơm nắm độn ngô do cấp dưỡng chuẩn bị trước. 

Video ông Nguyễn Văn Mùi chia sẻ kỷ niệm về Bác Hồ:

Một kỷ niệm nữa mà mỗi khi nhắc đến, ông Mùi không khỏi xúc động. Đó là chuyện Bác Hồ nhờ ông “dạy” lái xe. Ông Mùi kể, một hôm, trên đường đi công tác, Bác kể với các đồng chí ngồi cùng xe, là Bác mới đọc một tờ báo của Pháp, có câu chuyện một cô giáo đã nhanh trí cứu hàng chục em học sinh thoát chết trên một chiếc xe ô tô suýt gặp tai nạn. Đó là chiếc xe chở các em học sinh do cô giáo dẫn đi tham quan, khi đang trên đà xuống dốc, trước mặt có một hồ nước sâu, thì bỗng nhiên người lái xe lên cơn đau tim đột ngột, gục xuống tay lái. Nhanh trí, cô giáo lao lên, kéo phanh tay, chiếc xe từ từ dừng lại, chỉ còn trong gang tấc là xe lao xuống hồ. Kể xong chuyện này, Bác nói với các đồng chí trong xe: Các chú cũng nên học để biết lái xe, đề phòng khi xảy ra chuyện bất trắc mình có thể xử trí được. 

Ông Nguyễn Văn Mùi giới thiệu những bức ảnh chụp chung với Bác. 

Với Bác Hồ, từ công nhân lao động, đến những lao công, nông dân, hay những người lái xe như ông, Bác đều rất quan tâm. Với ông Mùi thì kỷ niệm sâu đậm nhất trong quá trình lái xe cho Bác chính là món quà bất ngờ của Bác tặng trong ngày cưới. Ông vẫn nhớ như in, khi ông lập gia đình, Bác đã gửi chúc mừng vợ chồng ông 20 đồng, cả gia đình ông vô cùng xúc động trước tấm lòng của Bác. 

Để đảm bảo an toàn, ông Mùi tự đặt cho mình một chế độ bảo dưỡng cho xe. Xăng phải lấy ở bể lọc, không để cho cát bụi, lá cây rơi vào; từng bộ phận xe như gầm xe, máy xe, vô lăng… luôn được ông kiểm tra hàng ngày. Mỗi buổi sáng thức dậy, ông phải dùng tay quay máy để làm nóng máy… tất cả phải ở tư thế sẵn sàng và đi bất cứ khi nào Bác cần. 

Ông Mùi chia sẻ: "Nhờ  sự quan tâm, động viên của Bác mà tôi luôn hoàn thành tốt công việc.

Sau khi Bác Hồ mất, ông Mùi được chuyển sang lái xe cho Bác Tôn 11 năm nữa. Điều ông tâm đắc nhất đó là đã học được từ hai vị Chủ tịch đáng kính đức tính khiêm tốn, giản dị. 

Mặc dù Bác đã đi xa, nhưng mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm về vị cha già dân tộc, ông Mùi không khỏi xúc động, bồi hồi. Ông luôn kể những câu chuyện về Bác cho con cháu mình để truyền dạy cho cháu con đức tính giản dị, khiêm tốn, biết sống thân thiết với mọi người. 

                                Tác giả: Nguyễn Thu Trang; Trình bày: Thu Trang

17/05/2020 06:01