Công tác an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho người dân vươn lên phát triển. Đây cũng là quan điểm chung của Nghị quyết 42 -NQ/TW mới đây chuyển đổi cách tiếp cận từ “bảo đảm và ổn định” sang “ổn định và phát triển” và mở rộng phạm vi tới tất cả các đối tượng thụ hưởng.
Ở thôn Liên Hợp, xã Hữu Liên, một xã vùng sâu của huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, gia đình anh Đinh Văn Ánh luôn bị cái khó, cái nghèo đeo bám. Nhưng năm 2023, gia đình anh Đinh Văn Ánh là một trong 61 hộ thoát nghèo, chuyển sang hộ cận nghèo nhờ mô hình chăn nuôi ngựa sinh sản do được thụ hưởng từ dự án sinh kế của chương trình mục tiêu quốc gia.
Trước nhu cầu khách du lịch đến với đồng cỏ Đồng Lâm (xã Hữu Liên) muốn trải nghiệm cưỡi ngựa trên thảo nguyên, bằng nguồn vốn tự có và vay của người quen, họ hàng, anh Ánh đầu tư mua một con ngựa cái gần 40 triệu đồng và được dự án sinh kế cấp một con ngựa trị giá hơn 36 triệu đồng. Giờ ngựa cái đã mang bầu và dự kiến sẽ có ngựa con vào đầu năm 2024. “Nếu thuận lợi, tôi sẽ trả được một phần vốn theo quy định cho dự án và có đồng ra đồng vào khi kinh doanh dịch vụ cho cưỡi ngựa thuê. Mong rằng, với nguồn lực này, gia đình tôi sẽ thoát cận nghèo”, anh Ánh chia sẻ.
Trong khi đó, anh Trần Văn Lợi, ở thôn Đoàn Kết là một trong 12 hộ cận nghèo cũng thoát nghèo với mô hình chăn nuôi, huấn luyện ngựa phục vụ khách du lịch. Anh còn cho thuê trang phục, trang điểm, chụp ảnh, bán nông sản tạo thêm thu nhập. “Nơi đây đất rộng nhưng đất canh tác ít. Từ khi có hoạt động du lịch sôi động, tôi cùng các hộ dân trong thôn tìm tòi, đáp ứng nhu cầu của khách nên thu nhập khá, xây sửa lại được nhà. Làm nông nghiệp đất có hạn nên hướng làm thêm dịch vụ, du lịch là con đường thoát nghèo. Mong rằng trong năm 2024, du khách đến ổn định, sử dụng nhiều dịch vụ hơn, mang lại nhiều thu nhập hơn”, anh Lợi chia sẻ.
Ông Hoàng Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Liên cho biết: Du lịch cộng đồng tại xã hình thành từ năm 2017 khi có khách đến tham quan thảo nguyên Đồng Lâm gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên. Do nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên nên diện tích canh tác ít, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi mới mang lại hiệu quả bước đầu. Chính vì vậy, xã xác định chuyển dịch theo hướng dịch vụ du lịch là trọng tâm thoát nghèo, phát huy được thế mạnh của địa phương, bảo tồn bản sắc văn hoá. Thực tế qua 2 năm, việc chuyển hướng này đã giúp xã giảm gần 20% số hộ nghèo và cận nghèo.
Gia đình chị Huỳnh Thị Ngọc Hạnh, ngụ tổ 3, ấp 4, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh có 5 nhân khẩu thì chị và chồng là lao động chính. Có thời điểm, hoàn cảnh gia đình rơi vào tình cảnh ngặt nghèo, giật gấu vá vai. Chị Hạnh có nghề may nhưng lại thiếu phương tiện nên khi nhận được chiếc máy vắt sổ do UBND huyện Bình Chánh tặng, chị Hạnh mừng khôn xiết.
“Hai vợ chồng thu nhập không ổn định lại thêm ba con nhỏ, gia đình nhiều lần rơi vào hoàn cảnh thiếu trước, hụt sau. Tuy nhiên, từ khi nhận được phương tiện sinh kế là chiếc máy may, tôi nhận gia công may đồ cho các cơ sở trên địa bàn, nhờ đó đời sống ngày một tốt hơn”, chị Hạnh cho biết.
Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, phát triển kinh tế. Gia đình ông Lại Văn Phong, ngụ tại khu phố 3, phường Hiệp Thành, Quận 12, TP Hồ Chí Minh là một trong những gia đình tiêu biểu vươn lên thoát nghèo nhờ tiếp cận các nguồn vốn chính sách xã hội.
Trước năm 2017, gia đình ông Phong thuộc diện hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống luôn bấp bênh với thu nhập chính từ việc trồng rau. Năm 2017, được sự hỗ trợ của các đoàn thể tại địa phương, ông Phong tiếp cận với nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của phường Hiệp Thành, vốn hỗ trợ việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội quận. Với số tiền ban đầu được vay là 50 triệu đồng, ông Phong mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị như nhà lưới, vòi tưới tự động, các trang thiết bị kỹ thuật… để sản xuất rau an toàn VietGap.
Từ khi tham gia chương trình VietGap, được Sở Khoa học và Công nghệ thành phố hỗ trợ kỹ thuật, thông qua Hội Nông dân phường, quận, sản phẩm rau VietGap của gia đình ông đã có mặt tại các hệ thống cửa hàng Vinmart, siêu thị Aeon Tân Phú, khu chung cư Phú Mỹ Hưng với thương hiệu Song Khang. Đến nay, với diện tích canh tác trên 4.000 m2, gia đình ông thu nhập bình quân hàng tháng sau khi trừ các chi phí trên 200 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 4 lao động chính và 15 lao động thời vụ, gia đình ông thoát nghèo bền vững. Vừa qua, ông được tuyên dương là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, rau sạch của gia đình ông được Hội Nông dân thành phố công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.
Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, riêng năm 2023, thành phố bổ sung 2.796 tỷ đồng cho vay vốn hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn làm ăn, sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Thành phố đẩy mạnh thực hiện chính sách an sinh xã hội; tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục đào tạo, việc làm, bảo hiểm xã hội, điều kiện sống, góp phần kéo giảm các chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; tiếp tục nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Theo Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội- LĐTBXH), tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%).
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt với tổng kinh phí tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, gồm 2 dự án và 11 tiểu dự án để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong chương trình. Đây cũng là giai đoạn thứ 2 cả nước thực hiện chuẩn nghèo đa chiều, thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với người nghèo; góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1-1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4-5%/năm).
“Đặc thù công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó khăn hơn. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác (gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, việc làm); chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện; trong khi đó địa bàn, đối tượng thực hiện chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước. Vì vậy, mục tiêu giảm nghèo không chỉ đơn thuần là giảm nghèo về thu nhập, mà cao hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn”, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh chia sẻ.
Bài, ảnh: Xuân Cường - Hoàng Tuyết
Trình bày: Xuân Minh - Nguyễn Hà
10/02/2024 09:01