Suốt những năm qua, từ thời kỳ chiến tranh đến phát triển trong thời bình, bộ phận kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) với sự nỗ lực sáng tạo không ngừng của các thế hệ kỹ thuật viên luôn giữ vai trò quan trọng để dòng tin thông tấn luôn được liền mạch, thông suốt, lan toả đi xa hơn. Trong đó phải kể đến vai trò không nhỏ của đội ngũ kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) đã làm nên dấu ấn một thời.

Chú thích ảnh
Tổ điện báo TTXGP điện tin từ mặt trận về căn cứ. Ảnh: Tư liệu TTXGP

Vượt qua hiểm nguy, bom đạn để giữ liền mạch tin

Có thể nói thế hệ các kỹ thuật viên của TTXGP là một điểm nhấn tự hào trong suốt lịch sử phát triển của kỹ thuật thông tấn. Để có được nền tảng kỹ thuật bắt kịp thời đại, giữ liền mạch thông tin kể cả trong những lúc bom đạn ác liệt nhất, các cán bộ, kỹ thuật viên đã thực sự xả thân trong chiến trường, lao động sáng tạo không mệt mỏi.

Cố Tổng giám đốc Thông tấn xã Đào Tùng đã từng nói: “Kỹ thuật phải có cái tai vạn dặm, để nghe được khắp, thu hẹp thế giới trong lòng bàn tay, Thông tấn xã khác với cơ quan báo là có cơ sở kỹ thuật”.

Đó cũng là sự ghi nhận về những đóng góp không nhỏ của đội ngũ kỹ thuật Thông tấn trong quá trình phát triển của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Đặc biệt trong đó là thành tựu đáng tự hào của của các thế hệ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của TTXGP.

Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, bom đạn tàn phá, nhờ có sự nỗ lực ấy mà Thông tấn xã Việt Nam luôn giữ vai trò đi đầu trong công tác thông tin. Các kỹ thuật viên của TTXGP hoạt động khắp các chiến trường làm tốt nhiệm vụ truyền tải thông tin của mình.

Nhớ lại những ngày tháng hào hùng ấy, ông Huỳnh Văn Khiêm (biệt danh Bảy Vũ Phong), nguyên Phó trưởng Tiểu ban Thông tấn báo chí phụ trách điện đài tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) vẫn còn nguyên ký ức về một thời từng là một trong những người đầu tiên đảm nhiệm vai trò điện báo viên tại Phân xã Thông tấn tỉnh Kiến Phong.

“Năm 1963, Phân xã Thông tấn tỉnh Kiến Phong, trực thuộc Ban Tuyên huấn ra đời tại vùng căn cứ kênh Nhất, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười. Đây là một trong những mắt xích quan trọng trong quy trình truyền phát tin về Thông tấn xã Giải phóng. Những ngày đầu thành lập, thiết bị, máy móc không có, để đáp ứng được yêu cầu của công việc trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, những điện báo viên - cán bộ kỹ thuật như tôi phải cùng các “cơ công” (kỹ sư) tận dụng các linh kiện trong những chiếc radio để tái chế tạo thành máy điện đài. Điện đài gắn với tín hiệu, máy móc thu phát thông tin nên công việc của người điện báo viên cơ quan báo chí giai đoạn đó rất nguy hiểm và phải thay đổi địa điểm liên tục. Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người điện báo viên phải kiên quyết bảo vệ căn cứ và các thiết bị, bởi đó là vũ khí”, ông Bảy nhớ lại.

Đến giờ, ông cũng vẫn còn nhớ như in những khoảnh khắc vào năm Mậu Thân 19, đeo cáp tai nghe mà máy bay trinh sát (L19) của địch bay vòng lượn trên đầu khi phát hiện ra từ trường của máy điện đài. Thời điểm đó tưởng chừng cái chết cận kề, nhưng trước khi ẩn nấp, ông cùng các đồng đội vẫn bình tĩnh thu vội dây ăng ten, cho máy vào thùng rồi nhận xuống nước giấu trong ụ đất đã đào sẵn để tránh địch phát hiện. Nhờ đó, mặc dù có những lúc đứt quãng, nhưng những dòng tin cổ vũ cách mạng, thông tin chỉ đạo của Khu, Trung ương Cục miền Nam vẫn được tiếp nhận kịp thời.

Cũng là những lúc vượt mưa bom bão đạn hoàn thành nhiệm vụ thông tin, ông Nguyễn Thanh Hà, nguyên điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Kiên Giang cũng có rất nhiều kỷ niệm khi nhắc về một thời làm "tít tít, te te" (chuyển tin tức từ vùng kháng chiến về Trung ương Cục miền Nam). Với ông, nhiệm vụ của người điện báo viên khó khăn nhất có lẽ vẫn những lúc máy móc hỏng hóc mà vẫn phải đảm bảo thông suốt thông tin.

Ông kể: “Vào khoảng mùa khô năm 1973, sau khi máy phát bị hỏng, tôi cùng hai đồng nghiệp đã phải đi gần 3 tháng theo tuyến biên giới giáp nước bạn Campuchia mới lên tới Trung ương Cục miền Nam (ở Tây Ninh) để nhận máy mới. Quãng đường thật sự gian nan khi đoàn bị quân địch chặn trên tuyến biên giới. Không thể đi theo tuyến dân sự, tôi cùng anh em chuyển qua đi theo tuyến quân sự. Tuyến này, ban ngày ngủ, ban đêm chúng tôi tiếp tục đi. Ròng rã hơn 3 tháng như vậy chúng tôi mới về lại vùng căn cứ U Minh Thượng”.

Dọc đường, ông Nguyễn Thanh Hà cùng anh em cũng có lúc phải bao phen vất vả mới thoát được vòng vây địch. Nhất là khi về tới vùng ven Rạch Giá, qua kênh xáng Cái Sắn để về vùng căn cứ, nhóm của ông gặp biệt kích bắn làm một người bị thương.

Sự nỗ lực, xả thân đó đã góp phần đảm bảo máy móc trong truyền tin. Sau đó, ông Nguyễn Thanh Hà cũng là người trực tiếp chuyển bức điện về Thông tấn xã Giải phóng trong ngày tỉnh Rạch Giá hoàn toàn giải phóng. Vào khoảng 7 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, các lực lượng giải phóng tiến vào thị xã Rạch Giá. Khi đến Tắc Ráng, nghe lời kêu gọi đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng của Tỉnh trưởng, phóng viên Phạm Xuân Yên viết tin và được ông Hà tức tốc chuyển về Thông tấn xã Giải phóng kịp phát tin.

Chú thích ảnh
Phóng viên, kỹ thuật viên VNTTX trong Phòng liên lạc Ban liên hợp quân sự bốn bên tại Trại Davis Sài Gòn, tháng 3/1973, thu và biên tập tin gửi về Tổng xã tại Hà Nội để cung cấp cho các cơ quan, báo chí trong và ngoài nước. (Từ trái qua): Kỹ sư Trương Việt Cường, điện báo viên Ngô Duy Phùng, phóng viên Như Kim và kỹ thuật viên Phạm Quang Khang. Ảnh: Tư liệu VNTTX

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi chiến sự vào lúc căng thẳng nhất, cũng là cũng là lúc các cán bộ kỹ thuật phải xả thân vào tận sâu trong lòng địch để ta có được những dòng tin nóng nhất phát ra trong và người nước.

Kỹ sư Trương Việt Cường tự hào là một trong những người được tham gia làm sự kiện thông tin cho phái đoàn Liên hiệp quân sự bốn bên, hai bên ở “Trại David” (Doanh trại quân sự của Mỹ đặt trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất). Vào cuối năm 1972 đầu 1973, kỹ sư Trương Việt Cường cùng các cán bộ phóng viên, kĩ thuật viên đã làm được những việc vượt quá sức tưởng tượng khi xây dựng thành lập hệ thống thu phát tin ngay tại trại David. Chỉ trong 24 giờ, hàng tấn máy móc thiết bị thông tin đã được các kỹ sư và kỹ thuật viên đưa vào sào huyệt của địch, lập trạm thu phát tin của ta.

Ông Trương Việt Cường nhớ lại: “Tôi phải trèo lên tháp nước của trạm lắp đường dây ăng ten. Đây là việc vô cùng nguy hiểm vì lính dù của địch ở các căn cứ xung quanh có thể bắn hạ bất cứ lúc nào. Trong điều kiện bị cô lập, thiếu nhiều phương tiện, hệ thống thu phát tin của TTXVN tại ban Liên hợp quân sự đã hoạt động liên tục 483 ngày đêm cho tới ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những thông tin nóng nhất liên tục được phát ra ngoài kịp thời”.

Với tinh thần lao động hăng say, xả thân, không ngại gian khổ, lớp kỹ thuật viên GP10 đã góp phần làm nên những chiến tích đáng tự hào của Thông tấn xã Việt Nam. Vượt qua mưa bom, bão đạn, ở những nơi địch bắn phá nhiều nhất dòng tin vẫn liền mạch, không bị đứt đoạn.

Chú thích ảnh
Bộ phận điện vụ của TTXGP hoạt động trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tại chiến trường miền Nam, cán bộ, phóng viên, điện báo viên của TTXGP đã bám trụ kiên cường trên những địa bàn vô cùng khốc liệt, hoạt động trong điều kiện thiếu thốn mọi bề. Ảnh: Tư liệu TTXGP.

  

Vượt khó khăn, sáng tạo không ngừng

Để có một Thông tấn xã lớn mạnh, hiện đại như ngày hôm nay là kết quả của sự tiếp nối liền mạch công lao gầy dựng, nỗ lực lao động, sáng tạo của các thế hệ kỹ thuật viên Thông tấn; nhất là thế hệ kỹ thuật viên GP10 trong những năm kháng chiến vẫn luôn nỗ lực đi đầu về kỹ thuật thu- phát.

Là người có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật thu- phát, kịp thời phục vụ thông tin cho giai đoạn chiến tranh giải phóng miền Nam, ông Phạm Lộc, kỹ sư vô tuyến điện của Thông tấn xã Việt Nam thời ấy nhớ lại: “Đầu năm 1975, tôi được giao nhiệm vụ gấp rút chuẩn bị để cải tiến kỹ thuật phát sau khi đã thành công với kỹ thuật thu F4. Lúc đó kỹ thuật phát vẫn đang dùng phương thức A4 với máy 10kW nên chỉ các nước gần trong khu vực châu Á mới thu được, còn xa như châu Âu, châu Mỹ không thu được. Cơ quan mời đồng chí Trưởng khoa Vô tuyến điện của Đại học Bách khoa Hà Nội sang cùng tôi nghiên cứu cải tiến máy phát để có thể phát được bằng phương thức F4”.

Hai kỹ sư nghiên cứu ngày đêm và chỉ 10 ngày sau, đã làm ra được một bộ phụ, lắp trong chiếc hộp nhỏ có mạch điện nối sang phần kích thích của máy phát hiện tại để có thể phát F4. Khi chạy thử thành công thì cũng là lúc chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, kỹ sư Phạm Lộc mang kỹ thuật mới tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng, chuẩn bị làm thông tin giải phóng miền Nam.

Ngày 2/4, kỹ sư Phạm Lộc cùng đoàn phóng viên (trong đó có các phóng viên Lam Thanh, Văn Bảo, Phạm Vỵ, Trần Mai Hạnh, Nguyễn Hữu Chí và nhân viên vận hành sửa chữa máy nổ Phạm Văn Lược) do Tổng Giám đốc Đào Tùng dẫn đầu vào chiến trường miền Nam. Ông và các cán bộ kỹ thuật đã phát thử nghiệm tin, ảnh về Hà Nội và khẩn trương đào tạo cho đội ngũ kỹ thuật sử dụng thành thạo kỹ thuật phát mới F4.

Nhờ đó, những bức ảnh đầu tiên của phóng viên ảnh Văn Bảo cùng các bản tin của phóng viên Trần Mai Hưởng về giải phóng Sài Gòn đã kịp thời phát ra Hà Nội. Việt Nam Thông tấn xã là đơn vị đầu tiên truyền thông tin về giờ khắc chiến thắng đến với đồng bào cả nước.

Chú thích ảnh
Phòng thu - phát tin, ảnh của TTXGP tại chiến khu "R". Ảnh: Tư liệu TTXGP

Trong cuốn sách “Tiếp bước truyền thống vẻ vang” của Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, khi đề cập về sự ra đời của TTXGP còn ghi: “TTXGP lúc bấy giờ do đồng chí Tân Đức phụ trách, chỉ là một đơn vị kỹ thuật truyền tin với khoảng 10 người, trong đó có một số cán bộ và thanh niên yêu nước đến từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ như các đồng chí: Đoàn Văn Thiều (Tư Thiều), Phùng Văn Dựng (Hai Dựng), Đặng Văn Song, Võ Văn Khuê, Trương Văn Phia, Trần Văn Ấn,… Đơn vị này trực thuộc lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Xứ ủy trong đó có các đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Phan Văn Đáng (Hai Văn), Trần Bạch Đằng (Năm Quang), Nguyễn Văn Hiếu (Tư Châu) và đồng chí Dũng (Tư ốm)”.

Ông Đoàn Văn Thiều (Tư Thiều) được nhắc đến trong danh sách ấy là một điện báo viên - cán bộ kỹ thuật từng phải nỗ lực rất nhiều và thành công cũng không ít. Khi vào TTXGP, ông mới học hết lớp 6, vậy là cùng với việc học chuyên môn điện báo, ông còn được cơ quan tạo điều kiện học bổ túc văn hóa.
“Thời đó, với chiếc máy phát điện quay tay (gọi là máy ragono), cán bộ kỹ thuật, điện báo viên phải quay máy bằng tay rất vất vả để có được dòng điện thu - phát thông tin. Vì vậy, một bản tin chỉ cần dài 400 - 500 chữ cũng khiến người quay ragono mỏi nhừ đôi tay vì phải quay liên tục. Khi đó, tôi và đồng nghiệp khi đó đã có sáng kiến chế thêm giá đỡ, chỗ ngồi và tay nắm phía trên để chuyển máy sang đạp bằng chân, vừa đỡ tốn sức, đỡ mỏi, vừa có dòng điện ổn định hơn”, ông nhớ lại.

Những tháng ngày mới vào chiến khu, học phát tín hiệu morse, chỉ có một máy phát tín hiệu morse (máy ma-níp), do vậy để có thể có đủ máy cho các học viên như ông tập ngồi, tập phát tín hiệu, ông Tư Thiều cùng đồng nghiệp đã lấy cây rừng đẽo gọt làm ma-nip mô hình. Không có lò xo thép, anh em dùng dây thun cao su thay thế chức năng đàn hồi của lò xo cho máy mô phỏng.

Chính trên “những chiếc ma-níp gỗ” này, các điện báo viên tập sự đã tranh thủ luyện tập, gõ cho quen tay, nhanh, đều để không bị sai tín hiệu, nhanh chóng trở thành những điện báo viên thành thạo công việc. Ông nói bây giờ nghe thì đơn giản nhưng thực sự lúc đó, ở trong rừng, dụng cụ không có, ông và đồng nghiệp phải đi tìm, mượn cưa, đục của dân để đẽo, tiện rất tỉ mỉ, công phu.

Nhớ về những tháng ngày ở căn cứ, ông Tư Thiều không bao giờ quên kỷ niệm của thuở ban đầu vừa làm vừa “mò mẫm” tìm hiểu các thiết bị, máy móc. Có lần để thử điện ở chiếc máy phát 15W "huyền thoại", do không có dụng cụ hay đồng hồ điện để kiểm tra, ông đã liều lấy chính ngón tay mình rờ vào máy để kiểm tra xem có điện hay chưa. Điện giật, ông bị ngã bật ngửa người ra, mọi người hốt hoảng hét lên “chết Tư Thiều rồi!”.

Chú thích ảnh
Kỹ thuật viên TTXGP điều khiển dàn máy Teletype. Trong hơn 15 năm ra đời và phát triển dưới bom đạn kẻ thù (1960–1975), TTXGP phải sơ tán trụ sở chính hàng chục lần nhưng vẫn luôn duy trì “mạch máu” thông tin. Ảnh: Tư liệu TTXGP

 Trong 15 năm TTXGP ở chiến khu, ông Tư Thiều và đồng nghiệp đã trải qua rất nhiều lần hành quân, di chuyển trụ sở TTXGP để đảm bảo an toàn. Trên đường hành quân, để đảm bảo cho dòng thông tin không bị đứt đoạn, khi đến giờ thu - phát tin, mọi người lại dừng lại, đặt máy, thu phát thật khẩn trương rồi sau đó nhanh chóng thu dọn, tiếp tục khiêng vác máy phát, dụng cụ lỉnh kỉnh để kịp hành quân.

Cứ như thế, trên các chiến trường, lớp kỹ thuật viên TTXGP miệt mài lao động, sáng tạo. Những năm tháng chiến tranh gian khổ cũng là những năm tháng hào hùng nhất của đội ngũ kỹ thuật thông tin TTXVN. Các thế hệ đã xả thân lao động, mỗi người như những viên gạch nhỏ dần dần dựng nên ngôi nhà lớn, khí thế của họ đã góp phần xây dựng thương hiệu Thông tấn xã Việt Nam, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển lớn mạnh sau này.

Ngay khi “ngơi tay” sau giải phóng, đôi ngũ kỹ thuật TTXGP lại tiếp tục công việc, lại nỗ lực lao động, sáng tạo với những nhiệm vụ mới. Bất kỳ nhiệm vụ nào, họ cũng đều hăng hái lên đường.

Trên tuyến đầu thông tin, thế hệ các cán bộ kỹ thuật TTXGP của Thông tấn xã Việt Nam luôn nỗ lực, cống hiến hết mình. Mỗi thế hệ là những đóng góp không ngừng, không chỉ những ngày xây dựng cơ sở vật chất nền móng, mà cho đến sau này khi luôn bắt kịp công nghệ, liên tục cải tiến, đổi mới để hoà mình vào xu thế phát chung của thông tin với thế giới.

Nhờ tiếp nối những thành tựu của thế hệ đi trước; đến nay, cơ sở kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam đã đạt trình độ nhất nhì trong “làng Thông tấn” ở Đông Nam Á, xứng vai với các hãng Thông tấn quốc tế.​ Thông tấn xã đã trở thành ngân hàng tin ảnh và tư liệu báo chí của đất nước, giữ vai trò là trung tâm thông tin chiến lược, là nguồn thông tin chủ lực, chính thống, thể hiện quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với các vấn đề trong nước và quốc tế.

Bài: Tạ Nguyên- Chương Đài- Lê Sen- Thanh Trà – Minh Hưng – Hồng Nhung
Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trình bày: Tạ Nguyên

07/10/2020 10:33