Mong muốn được nhận lương hưu, ổn định cuộc sống nên tham gia BHXH tự nguyện là chia sẻ của nhiều người dân khi tham gia các hội nghị tuyên truyền về các chính sách BHXH.
Phát triển BHXH tự nguyện ở Tây Nguyên
Nhiều người dân ở xã Hoà Phú (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) lần đầu tiên biết đến BHXH tự nguyện khi tham gia hội nghị tuyên truyền do BHXH tỉnh và Bưu điện TP Buôn Ma Thuột tổ chức. Họ đều chung mong muốn được nhận lương hưu sau này để ổn định cuộc sống...
Bà Bạc Thị Kim Phượng (thôn 1, xã Hoà Phú, TP Buôn Ma Thuột) sau khi nghe tuyên truyền về BHXH tự nguyện tại hội trường của UBND xã Hoà Phú từ sớm đã cùng chồng tham gia BHXH tự nguyện. Một tháng, gia đình chị Phượng đóng 276.000 đồng tiền BHXH tự nguyện để tích lũy lương hưu khi về già.
"Trước đó, tôi không biết đến BHXH tự nguyện, nhưng được nhân viên bưu điện và BHXH tư vấn về lợi ích thiết thực của BHXH tự nguyện nên quyết định tham gia. Khi còn trẻ thấy những người già được nhận lương hưu, bạn bè mình được nhận lương hưu, tôi cũng mong muốn được đến ngày nhận. Nếu mình có lương hưu thì mình sẽ chủ động hơn trông một số chi tiêu, không phải xin con nữa, đỡ vất vả cho các con. Nếu tôi biết sớm hơn về chính sách BHXH tự nguyện thì sẽ tham gia sớm hơn", bà Phượng chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Thu Hạnh (xã Hoà Phú, TP Buôn Ma Thuột) cho biết: “Gia đình có 5/6 người đã tham gia BHXH và BHXH tự nguyện. Hiện còn duy nhất tôi chưa tham gia BHXH tự nguyện”.
Bà Hạnh hiện thu nhập mỗi tháng khoảng 3 triệu trở lên từ buôn bán nhỏ. “Lâu nay tôi tưởng chỉ có cán bộ đi làm mới có lương hưu, nên tôi không nghĩ đến ngày mình sẽ được nhận lương hưu", bà Hạnh chia sẻ.
Ngay tại hội nghị tuyên truyền, sau khi nghe tuyên truyền, phân tích những ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT, 30 người dân xã Hoà Phú đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện...
Theo bà Hoàng Thị Hòa, trưởng phòng kế hoạch kinh doanh Bưu điện tỉnh Đắk Lắk, đơn vị đang phối hợp với BHXH Đắk Lắk đẩy mạnh phát triển loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện. Năm 2018, toàn tỉnh mới có 2.000 người tham gia loại hình BHXH tự nguyện, năm 2019 tăng lên gấp đôi, đạt 4.000 người, năm 2020 đạt 10.000 người tham gia. Năm 2021, Bưu điện tỉnh dự báo có thể đạt xấp xỉ 20.000 người tham gia BHXH tự nguyện.
Để đạt con số này, Bưu điện tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cách làm khá sáng tạo để thu hút sự quan tâm của người làm việc trong khu vực phi chính thức, hướng họ đến việc dành một phần thu nhập gửi vào quỹ bảo hiểm xã hội, là lương hưu sau này, trong đó bưu điện đã tạo các "tệp khách hàng" theo lứa tuổi.
"Tiểu thương bán hàng có thu nhập nhưng không có thời gian để nghe thông tin về bảo hiểm, về lương hưu, vì thế chúng tôi mở những buổi truyền thông để họ hiểu hơn", bà Hoàng Thi Hòa chia sẻ.
Trên địa bàn Đắk Lắk có những người rất đặc biệt, dành số tiền lớn đóng bảo hiểm để có lương hưu. Đơn cử như bà Nguyễn Thị Lục ở phường Tự An (thành phố Buôn Ma Thuột) bắt đầu được nhận lương hưu từ tháng 5/2020, sau khi đóng 1 lần trên 150 triệu đồng để "chốt sổ". Bà Lục đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ. Bà Lục đã có 8 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đóng thêm 2 năm BHXH tự nguyện rồi đóng một lần để lĩnh sổ hưu.
"Khi tôi quyết định đóng trên 150 triệu một lần, nhiều người có ý kiến nhưng tôi và chồng tôi đều quyết định là đóng để có lương hưu, bảo hiểm y tế ổn định, không phải nhờ con cái", bà Lục chia sẻ.
Ông Nguyễn Sỹ Linh, Giám đốc Bưu điện thành phố Buôn Ma Thuột cho hay, việc tuyên truyền các chính sách BHXH và BHYT để người dân hiểu thêm về các chính sách này để tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hội gia đình là rất cần thiết. Thời gian qua, mỗi tháng, đơn vị phối hợp với cán bộ BHXH thành phố tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH tự nguyện, BHYT để người dân hiểu, từ đó tham gia để về già được có điểm tựa về tài chính. Thông qua các hội nghị này, đã có nhiều hộ dân, nhiều tiểu thương tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
"Trước đây, công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn vì người dân chưa quan tâm, rồi người dân nhầm lẫn BHXH tự nguyện với bảo hiểm thương mại. Hiện chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, và đa dạng hoá việc tuyên truyền. Chúng tôi đã nhờ chính những người đã tham gia BHXH được hưởng lương hưu, hoặc nhờ những người tham gia BHXH tự nguyện đã được hưởng lương hưu để tuyên truyền, vận động người dân chưa tham gia, nên người dân đã hiểu hơn, tham gia nhiều hơn", ông Nguyễn Sỹ Linh cho biết.
Theo ông Phạm Hùng Sơn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đăk Lăk, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. BHXH tỉnh còn đôn đốc BHXH các huyện, thị xã tích cực phối hợp với cơ quan Bưu điện rà soát, khai thác, phát triển số người tham gia BHXH thông qua dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp và thu BHXH, BHYT tự đóng qua Đại lý thu; thành lập Tổ kiểm soát thực hiện quản lý cơ sở dữ liệu hộ gia đình và mã số của người tham gia BHXH, BHYT...
Để chính sách đi vào cuộc sống
Trong năm 2020 này, không chỉ Đắk Lắk mà số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã tăng nhanh trên toàn quốc. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng thêm gần 400.000 người và dự báo sẽ còn tăng mạnh tiếp trong năm 2021, nhằm đảm bảo "lưới an sinh xã hội" cho người lao động.
Với mục tiêu ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động. Chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Sau 10 năm triển khai, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2018 đến nay, cùng với định hướng chính trị thực hiện “BHXH toàn dân” được khẳng định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, công tác phát triển BHXH tự nguyện đã có nhiều bứt phá.
“Bên cạnh việc được hưởng lương hưu hàng tháng khi về già, người lao động tham gia BHXH tự nguyện còn được hưởng chế độ tử tuất theo quy định tại Điều 80 Luật BHXH 2014, được cấp thẻ BHYT trong thời gian nhận lương hưu. Về trợ cấp mai táng, người lao động có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu khi chết thì người lo mai táng sẽ nhận được một khoản trợ cấp bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người theo quy định trên chết. Về trợ cấp tuất, người lao động đang đóng BHXH, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người đang hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần. Mức hưởng được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH” ông Đỗ Ngọc Thọ Trưởng ban thực hiện Chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho biết.
Có thể thấy, việc mở rộng phạm vi bao phủ BHXH nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động và người dân. Do đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW ban hành ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2021 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Song dự kiến đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH đạt 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm trên 2%.
Việc BHXH tự nguyện tiếp tục mở rộng trong bối cảnh gặp nhiều khó khắn do dịch COVID-19 cho thấy sự phổ cập thông tin về chính sách đang được mở rộng. Việc tham gia BHXH tự nguyện hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức của người dân.
Nhận xét về thành quả của hoạt động phát triển BHXH tự nguyện của ngành BHXH Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết: Nhìn tổng thể, các chính sách xã hội của chúng ta trong thời gian qua có chuyển biến tích cực. Một số lĩnh vực đạt kết quả vượt bậc. Đáng chú ý, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng như thiên tai bão lũ, song với những giải pháp truyền thông, vận động sáng tạo, phù hợp, nên công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp vẫn đạt được kết quả tích cực. Hết năm 2020, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt trên 33% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó có gần 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gần gấp đôi so với năm 2019, tăng 1,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW và tăng gấp 5 lần so với năm 2015.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, nhìn lại kết quả năm qua, có thể thấy toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đạt nhiều kết quả ấn tượng trên nhiều phương diện. Trong đó, nhiều kết quả đã tạo dấu ấn rõ nét, tiếp tục khẳng định vị thế ngành BHXH Việt Nam trong nước và quốc tế… Những kết quả mà ngành BHXH Việt Nam đạt được một lần nữa khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của toàn thể CCVC và NLĐ trong toàn hệ thống.
Bên cạnh những thành quả ấn tượng đạt được trong những năm qua, Thứ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cũng chỉ ra một số nguyên nhân khiến công tác mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Không ít lao động khu vực phi chính thức, nông dân chưa có thói quen tham gia BHXH để chủ động lo cho tuổi già. Để giải quyết khó khăn này, một mặt cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về sự cần thiết chủ động lo cho tuổi già đặc biệt trong bối cảnh xu hướng già hóa của Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất trên thế giới vào thời gian tới. Bên cạnh đó, trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH, Bộ LĐTBXH cũng sẽ chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam nghiên cứu cách thức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với người dân tham gia BHXH tự nguyện linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ BHXH để đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW đó là: thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%.
Bài và ảnh: Xuân Minh
Clip: Lê Phú
Trình bày: Xuân Lâm
31/03/2021 12:28