Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%, giải quyết việc làm cho 160.000 lượt người/năm. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đạt trên lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 50%, trong đó tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc đạt 47%; tỷ lệ lao động tham gia BHXH tự nguyện đạt 3%; tỷ lệ lao động tham gia BH thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 40%; tỷ lệ bao phủ y tế đạt 95%.
TP Hà Nội đặt mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố; đồng thời duy trì 100% người thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định; Từng bước nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội và giảm độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội.
Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, Hà Nội tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chú trọng đào tạo lại và đào tại thường xuyên; Tổ chức các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, Hà Nội thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân; Tăng cường các giải pháp, biện pháp khắc phục tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH để đảm bảo các quyền lợi, chế độ về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động; Tập trung thực hiện kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT chặt chẽ; tăng cường phòng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Thành phố Hà Nội tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, từng bước giảm độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội, nâng mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ hàng tháng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách của Thành phố.
Thành phố sẽ phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đa dạng, linh hoạt cả về chất lượng và số lượng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu và khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế, người dân tốc thiểu số; Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi;Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội hằng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cáo chất lượng sống của nhân dân.
Thành ủy Hà Nội xác định, khóa XVII (2020-2025) có10 chương trình công tác, trong đó có 3 chương trình mới lần đầu thực hiện. Đó là Chương trình số 03 về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025", Chương trình số 07 về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025" và Chương trình số 08 về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025". Đây là 3 chương trình có phạm vi rộng hướng tới nâng chất lượng cuộc sống và con người phát triển toàn diện.