Danh hiệu Hà Nội - Thành phố vì hòa bình được UNESCO trao tặng cách đây 20 năm luôn được người dân, chính quyền thành phố vun đắp để xây dựng, lan tỏa.

Hơn 50 năm sau ngày Đại tá Hải quân Walter Eugene Wilber, cựu phi công Mỹ bị giam trong Nhà tù Hỏa Lò, con trai của ông là Thomas Eugene Wilber đã có mặt tại “Hilton Hà Nội” một cách gọi quen thuộc của các cựu chiến binh Mỹ về di tích này. Tại gian trưng bày chuyên đề mang tên “Nhật ký hòa bình” do Sở Văn hóa –Thể thao Hà Nội tổ chức, ông Thomas Eugene Wilber cùng các cựu tù binh và thân nhân khác bồi hồi trong cảm xúc về Hà Nội – một ngôi nhà thứ hai, một thành phố yêu hòa bình và thanh bình. 

“Nơi đây, bố tôi đã từng sống hơn 5 năm và bị giam chính trong nhà tù Hỏa Lò, ông đã được nhận sự đối xử nhân đạo của Chính phủ, cũng như người dân Việt Nam. Nhiều hiện vật của bố tôi đã được tặng lại nhà tù Hỏa Lò, nên mỗi lần đến Việt Nam và nhà tù Hỏa Lò, lúc nào tôi cũng có cảm giác thân thiện như gặp lại những người thân trong gia đình. Khi ngắm những hiện vật này, tôi tự hào vì nhìn được hình ảnh của cha mình", ông Thomas Eugene Wilber chia sẻ.

Jessica Choi, một nữ du khách Hàn Quốc khi tham quan, trải nghiệm du lịch phố cổ Hà Nội đã gọi tour chụp ảnh của mình là “Khám phá những viên ngọc ẩn của Hà Nội”. “Hà Nội là thành phố hơn ngàn năm tuổi với nhiều địa điểm cho bức ảnh tuyệt vời. Những thước phim về phố cổ Hà Nội đã mang lại cho tôi ấn tượng đẹp đẽ về thành phố này. Chương trình đã đưa tôi đến những nơi mà tôi chưa từng thấy trước đây. Ở đó, tôi đã có những bức ảnh đẹp nhất mà tôi từng chụp. Tôi còn được trải nghiệm những câu chuyện và lịch sử của mọi địa điểm” - Jessica Choi tâm sự.

Còn anh Chloe Zane (Mỹ) nhận xét  tour trải nghiệm cà phê phố cổ là chương trình tuyệt vời cho người yêu thích cà phê.  Không gian yên bình của phố cổ, cà phê với hương vị đặc trưng Việt Nam đã mang đến những trải nghiệm khó tả, giúp du khách không chỉ nếm thử mà còn được chứng kiến kỹ thuật chế biến và nghe kể những câu chuyện về các cửa hàng. “Tôi đã thử tổng cộng 4 loại cà phê trong tour: cà phê đen, cà phê nâu (cà phê với sữa đặc), cà phê dừa và cà phê trứng. Rất nhiều cà phê để thử trong vòng 4 giờ.  Đây là nét ẩm thực độc đáo của Hà Nội”.

Anh Nicklas Josh (Thụy Sỹ) chia sẻ: “Tôi đến Hà Nội để tìm hiểu thị trường. Khi trải nghiệm khám phá Hà Nội trên chương trình Bonbon, tôi ấn tượng với cách trang trí thời bao cấp của Việt Nam, sự hiếu khách của tài xế, người dân tại các điểm đến. Người lái xe chỉ dẫn tận tình và chỉ cho tôi những chỗ dừng để tôi chụp những bức ảnh đẹp về phố phường Hà Nội, điểm tham quan tại 2 bảo tàng và Văn Miếu trước khi trở về nhà. Tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm này cho bạn bè của tôi ở Thụy Sĩ và hy vọng tôi có thể trở lại Hà Nội để tham gia chuyến đi một lần nữa”. 

Không chỉ để lại ấn tượng với du khách bởi sự an toàn, thân thiện hiếu khách và bề dày văn hóa truyền thống, Hà Nội còn là nơi mà không ít vị nguyên thủ của các quốc gia trên thế giới trải nghiệm không khí yên bình. Trong chuyến thăm đến Hà Nội, ngày 8/5/2019, Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree và Phu quân đã thư thái đi dạo phố khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm. Trước đó, Tổng thống Mỹ Obama đã đường hoàng dự một bữa “tiệc bún chả” trong một nhà hàng bình dân, và tạt vào quán trà đá ven đường khi đi ra sân bay.

Lùi về trước nữa, là cái  bắt tay thân thiện của Tổng thống Mỹ Bill Cliton vào tháng 11/2000 với người dân Hà Nội từ ban công một toà nhà đối diện Văn Miếu – Quốc Tử giám. Năm 2006, Tổng thống Mỹ George Bush cùng phu nhân tới cầu nguyện tại nhà thờ Cửa Bắc, trò chuyện cùng đội hợp xướng và những người dân tại nhà thờ. Người đứng đầu các quốc gia Nga, Đức… cũng từng tới thăm thủ đô Hà Nội, trải nghiệm những phút giây thư thái, đi dạo thăm Văn Miếu – Quốc Tử giám, các trường Đại học và trên đường phố Thủ đô. Những hình ảnh rất đời thường trên đã thêm những nét chấm phá thuyết phục về bức tranh thanh bình của Hà Nội - thành phố yêu hòa bình, an toàn và hiếu khách. Đây cũng là những lý do mà rất nhiều sự kiện quốc tế lớn đã được lựa chọn tổ chức tại Hà Nôi, gần nhất là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 diễn ra từ ngày 27-28/2/2019 được cả thế giới quan tâm.

Để có được những ấn tượng tốt đẹp về một điểm đến an toàn, thân thiện về thành phố Hà Nội, các lực lượng chức năng của Thủ đô đã đã bám sát, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và tăng cường quốc phòng đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục triển khai quy tắc ứng xử văn minh khi đi du lịch ở Hà Nội, góp phần xây dựng môi trường du lịch an ninh, an toàn, thân thiện, văn minh.

Bên cạnh đó, là sự hợp tác, đồng lòng của toàn thể quân và dân thủ đô, nhằm xây dựng một điểm đến văn minh, an toàn, thân thiện và hiếu khách.  Sự thiện cảm về không khí thanh bình, môi trường văn hoá đã đem tới các hiệu ứng tích cực. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 14,3 triệu lượt khách, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt hơn 3,3 triệu lượt khách, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (khách du lịch quốc tế có lưu trú ước đạt 2.319.2 lượt khách, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018). 

20 năm trước, ngày 16/7/1999, Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hoà bình”. Thủ đô Hà Nội là thành phố duy nhất của cả châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao danh hiệu này.

Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: Sáng kiến trao giải Thành phố vì hòa bình của UNESCO nhằm tôn vinh tấm gương của các thành phố có những hành động phấn đấu đẩy mạnh đoàn kết trong xã hội, cải thiện đời sống của người dân và xây dựng môi trường đô thị hòa bình. Giải thưởng này tôn vinh các thành phố đã có những nỗ lực to lớn trong việc xây dựng văn hóa hòa bình trong cộng đồng. 

 “Cá nhân tôi cho rằng, danh hiệu này, đối với con người và đất nước Việt Nam, đã khẳng định một điều rằng Hà Nội, cuộc sống tại Hà Nội đã trở thành một điều gì đó có ý nghĩa đặc biệt và giá trị với thế giới bên ngoài. Xét trên nhiều yếu tố khác nhau, tôi cho rằng danh hiệu này góp phần gia tăng hình ảnh, sự tự tin của thành phố - một sự tự tin giúp cho Hà Nội tích cực, chủ động hòa mình với khu vực và với thế giới”, ông Michael Croft phân tích.

Việc Hà Nội vinh dự được UNESCO chọn là một trong năm thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á- Thái Bình Dương nhận giải thưởng UNESCO – Thành phố vì hòa bình có ý nghĩa chính trị đối ngoại rất lớn. Đây là vinh dự, một niềm tự hào không những đối với Hà Nội, mà còn đối với cả nước; là sự ghi nhận của quốc tế về bản chất đúng đắn và truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Khi nhận danh hiệu thành phố vì hòa bình, Hà Nội đang triển khai quy hoạch chung với mục tiêu xây dựng một thành phố hiện đại mà vẫn giữa nét đậm đà bản sắc và truyền thống nghìn năm văn hiến. Từ đó đến nay, Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội. Cùng với đó, việc mở rộng quy mô thành phố năm 2008 đã nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Thành phố tập trung xây dựng các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, một số quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị… Thành phố đang triển triển khai quy hoạch 20 khu chung cư cũ; lập phê duyệt quy hoạch 5 khu nhà ở xã hội tập trung… Thành phố khởi công xây mới 6 công viên hiện đại; duy tu hệ thống công viên, vườn hoa cây xanh, hồ nước, bổ sung cây xanh tạo cảnh quan đồng bộ ở các tuyến đường chính, cửa ngõ Thủ đô. Trong năm 2018, Hà Nội đã hoàn thành sớm chương trình 1 triệu cây xanh (dự kiến năm 2020) và tiếp tục trồng mới 600.000 cây trong 2 năm 2019-2020. Công tác chỉnh trang độ thị triển khai đồng bộ như hạ cáp ngầm, chỉnh trang hạ tầng đô thị với hơn 500 tuyến phố, tỷ lệ đường phố chiếu sáng đạt 98%, vận tải công cộng đến năm 2019 đạt hơn 17%...

Việc xây dựng, phát triển không gian đô thị đã đem lại những thay đổi tích cực và có những thành công nhất định. Các khu đô thị mới, hiện đại như Văn Quán, Mỹ Đình, Linh Đàm, Trung Hòa – Nhân Chính … tạo diện mạo, khang trang, hiện đại cho Thủ đô.

So với 20 năm trước, thành phố Hà Nội đã có diện tích rộng hơn, dân cư đông hơn. Tốc độ phát triển bình quân thời gian qua đạt 7,41%. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2017 tăng 1,9 lần so với năm 2008, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.000 USD/người, đóng góp 19,05% cho tổng thu ngân sách…

Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, bên cạnh phát triển kinh tế, thành phố đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển văn hóa nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. 

Hà Nội đã đầu tư thích đáng để đảm bảo an sinh xã hội như: Xây dựng, sửa chữa cho người nghèo, người có công. Các thiết chế thể thao văn hóa được quan tâm. Đến năm 2020, thành phố dự kiến dành hơn 1.300 tỷ đồng đầu tư xây dựng, đảm bảo tất cả các xã đều có nhà văn hóa… Về bảo tồn và phát triển văn hóa, toàn  thành phố có 5.922 di tích, trong đó tổng số lượt di tích được tu bổ, tôn tạo là 319 lượt với tổng kinh phí hơn 1.782 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa là 462 tỷ đồng. Hoàn thành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 1.793 di sản và xuất bản Atlat theo 6 loại hình; có 83 Nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Thành phố có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có 325/6 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra) và 3 xã của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018. Về nâng cao đời sống nông dân, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 46,5 triệu đồng/người/năm.

Nhiều năm qua Hà Nội luôn xác dịnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ sau là trọng điểm ưu tiên trong chính sách phát triển. Các trường chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia được quan tâm xây dựng. Cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng chuẩn hoá, đồng bộ, hiện đại. Trong hai năm 2016, 2017, Hà Nội đã xây mới, cải tạo 177 trường, cải tạo, sửa chữa, xây mới 6.209 phòng học, công nhận mới 249 trường chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về cả số lượng và chất lượng giáo dục của Thủ đô. Năm học 2018 - 2019, Thành phố có 2.589 trường học, 1.986.509 học sinh (tăng 45 trường, tăng 109.930 học sinh so với năm trước). Tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học đạt 95,8%, THCS đạt 25,06%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%.  Hoàn thành chương trình THCS đạt 99,29%. Trong năm 2019, tại Hà Nội có 90 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ lên 66,2% (1.426.155 trường) vượt chỉ tiêu đề ra (80 trường) và tiếp tục đẩy mạnh việc công nhận lại trường chuẩn quốc gia. 

Thủ đô duy trì vị thế lá cờ đầu về giáo dục đào tạo toàn quốc, 100% giáo viên đứng lớp đạt chuẩn, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt cao, 80% giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn năng lực tiếng Anh. Tỷ lệ phổ cập giáo dục được duy trì; tiếp tục dẫn đầu về số lượng, chất lượng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế; hoạt động dạy học, thi cử , kiểm tra, đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thi và tuyển sinh có nhiều điểm mới, thực hiện thi tuyển sinh đầu cấp qua đăng ký trực tuyến internet; tiếp tục thực hiện phần mềm điện tử quản lý học sinh từ bước đầu thu được kết quả tốt. Thí điểm đào tạo chương trình song bằng: Tú tài THPT quốc gia Việt Nam và Tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A tại trường THPT Chu Văn An, tạo tiền đề cho việc hội nhập và quốc tế hoá chuẩn đào tạo THPT của Thành phố.

Theo Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) Khuất Văn Thành, đầu năm 2019, thành phố có 23.289 hộ nghèo, với 64.213 nhân khẩu, chiếm 1,16% tống số hộ dân. Mới đây, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết về việc quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống. Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ chi thêm 124 tỷ đồng/năm để hỗ trợ giảm nghèo phấn đấu đến cuối năm 2019  cơ bản không còn hộ nghèo.

Những năm qua, thành phố Hà Nội không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới đô thị thông minh, mang lại tiện lợi cho người dân. 

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết: Đến nay, thành phố Hà Nội đã hoàn thành kết nối mạng WAN đến 584/584 xã, phường, thị trấn; duy trì, mở rộng Trung tâm dữ liệu của Thành phố; phát triển cơ sở hạ tầng CNTT đến cấp huyện và cấp xã phục vụ yêu cầu giải quyết công việc và triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVC TT). Hệ thống họp trực tuyến của Thành phố (kết nối các sở, ban, ngành và cấp huyện) được triển khai hiệu quả, trong năm 2019 sẽ tiếp tục mở rộng đến 584/584 xã, phường, thị trấn. Đồng thời, thành phố đã giao các quận huyện thực hiện đề án triển khai đồng bộ hệ thống camera, để phục vụ giám sát ANTT và giao thông trên địa bàn Thành phố theo hướng quản lý, điều hành tập trung.

Về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành,  Hà Nội đã tập trung triển khai và hoàn thành 3/6 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi là Quản lý doanh nghiệp, bảo hiểm, dân cư. Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu về đất đai. Thành phố cũng đã thực hiện thành công công tác tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, có 95% gia đình đăng ký (gần 300.000 học sinh), giảm tiêu cực trong tuyển sinh.

Hiện nay thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các hệ thống thông thông tin trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, tài chính, xây dựng, giải quyết khiếu nại tố cáo…Triển khai thí điểm thành công một số ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực như: cung cấp thông tin về hệ thống quan trắc môi trường không khí, hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập trên Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố; Triển khai hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm bằng các thiết bị di động thông minh. Hà Nội đã có 1.272/1.796 thủ tục hành chính (TTHC) đã triển khai DVCTT mức độ 3, 4 (đạt 72%)…

“Thành phố đã ký kết biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác giữa UBND thành phố Hà Nội và Mạng tin tức truyền hình cáp CNN tuyên truyền quảng bá thành phố Hà Nội trên kênh CNN quốc tế giai đoạn 2019-2023 với hình ảnh là Thủ đô năng động, sáng tạo, bề dày văn hóa truyền thống. CNN sẽ tiếp tục giới thiệu về Hà Nội dựa trên các nền tảng giá trị văn hóa lịch sử và con người, trong đó khai thác mạnh hình ảnh một Hà Nội của tương lai - cửa ngõ kết nối các vùng đất khác của đất nước, trở thành thành phố công nghệ, sáng tạo”, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết.

“Năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình, để tạo bước đột phá mới trong việc xây dựng thương hiệu mới cho Thủ đô theo hướng thành phố sáng tạo, thủ phủ sáng tạo của Đông Nam Á, thành phố Hà Nội đang xây dựng Hồ sơ trình UNESCO để Hà Nội tham gia Mạng lưới Các thành phố Sáng tạo của UNESCO năm 2019”, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết.

Tham gia mạng lưới sáng sáng tạo, Hà Nội có cơ hội làm nổi bật đặc trưng văn hóa của Thủ đô đối với thế giới, phát hiện ra nhân tố thiết yếu của nền kinh tế và phát triển xã hội địa phương; xây dựng năng lực địa phương và kết hợp văn hóa địa phương vào kỹ năng thương mại, phát triển các sản phẩm văn hóa một cách đa dạng trong thương mại quốc gia và quốc tế.

Theo UBDN thành phố Hà Nội, có 3 chủ đề cốt lõi tập trung hướng tới để Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo. Trước tiên là tái tạo đô thị gồm khu đô thị thông minh Đông Anh, phố đi bộ, trung tâm triển lãm quốc gia, không gian văn hóa sáng tạo… hướng tới quảng bá kiến trúc, thiết kế, xây dựng thương hiệu Hà Nội như một “Thủ phủ sáng tạo của Đông Nam Á”.

Chủ đề thứ hai là giáo dục toàn diện với việc xây dựng các cơ sở giáo dục và học tập hàng đầu khu trên các lĩnh vực nhân văn, nghệ thuật, khoa học, thiết kế và công nghệ, trong đó hướng tới giáo dục toàn diện và coi trọng yếu tố sáng tạo; đồng thời quan tâm xây dựng các chương trình học bổng để nuôi dưỡng và hỗ trợ tài năng sáng tạo…

Chủ đề thứ ba là tổ chức các sự kiện văn hóa thông qua tổ chức triển lãm, biểu diễn, tuần văn hóa nghệ thuật, liên hoan âm nhạc… Hà Nội hướng tới trở thành tâm điểm các sự kiện văn hóa ở Đông Nam Á, vươn ra tầm châu lục.

Theo UNESCO, Hà Nội có hệ thống di sản văn hóa làng nghề, thủ công mỹ nghệ… nhưng đang dần mai một. Để đánh thức những thế mạnh vốn có và vươn ra quốc tế, Hà Nội cần nắm bắt cơ hội, xây dựng chiến lược, giải pháp cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn.  Hướng tới xây dựng thành phố sáng tạo không phải là cơ hội mà là đòi hỏi thực tiễn trong quá trình phát triển. UNESCO sẽ hỗ trợ vận động các tập đoàn kinh tế lớn gây dựng quỹ hỗ trợ việc xây dựng hồ sơ gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo.

Từ thành phố hòa bình đến thành phố sáng tạo, Hà Nội đang khẳng định sự phát triển bền vững. Những lợi thế này tạo nên hình ảnh điểm đến với các nhà đầu tư, du khách và từ đó tạo điều kiện để Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bài: Xuân Cường - Thu Trang
Ảnh: BBT ảnh TTXVN
Clip: Thu Trang - Lê Vân - Lê Phú
Trình bày: Nguyễn Hà

13/07/2019 06:10