Với hầu hết người cao tuổi ở phương Tây, khi về hưu, theo truyền thống sẽ được tặng một chiếc đồng hồ vàng để ghi nhận một thời cống hiến của họ. Nhưng James Harrison thì xứng đáng hơn thế rất nhiều. Cụ ông được mệnh danh là “người có cánh tay vàng” này đã hiến máu gần như hàng tuần trong suốt 60 năm qua.
Hôm 11/5, sau hơn 60 năm và 1.173 lần hiến máu, ông Harrison đã lần cuối cùng trao đi giọt máu hồng trong cơ thể đã ở tuổi “gần đất xa trời” của mình. “Một ngày buồn với tôi, kết thúc một hành trình dài”, ông Harrison phát biểu trong lúc dòng máu chảy ra từ bên cánh tay phải của ông, luồn tới chiếc máy phân tách huyết tương.
Huyết tương của cụ ông 81 tuổi này có chứa một kháng thể cực mạnh, được sử dụng để tạo ra một liệu pháp điều trị rất ấn tượng, được gọi là Anti-D, nhằm bảo vệ những đứa trẻ trong bụng mẹ khỏi nguy cơ mắc chứng bệnh tan huyết D-Rezut (Rhesus D Haemolytic Disease –HDN, hay bệnh Rezut)
Khi một phụ nữ có thai, sở hữu nhóm máu âm tính với Rhesus (Rh) lại mang trong bụng em bé có máu dương tính với Rh (do thừa hưởng từ người cha), thì cơ thể người mẹ sẽ coi các tế bào hồng cầu của đứa con như là một mối đe doạ từ bên ngoài (giống như virus hay vi khuẩn xâm nhập), do đó sẽ sản sinh ra kháng thể để tiêu diệt “những kẻ xâm nhập”.
Quá trình này có thể gây ra hậu quả rất ghê gớm, như sảy thai liên tiếp, sinh non, tổn thương não, tổn thương ở gan, lá lách, thiếu máu và tử vong ở trẻ sơ sinh.
“Món quà” đặc biệt mà Harrison trao tặng khởi nguồn từ khi cậu bé Harrison mới 14 tuổi phải trải qua một ca đại phẫu thuật lồng ngực. Được cứu sống nhờ nguồn máu hiến tặng, từ đó Harrison tâm niệm sẽ trở thành một người chuyên hiến máu.
Vài năm sau, các bác sĩ phát hiện máu của Harrison có chứa loại kháng thể đặc biệt có thể sử dụng để tạo ra thuốc tiêm Anti-D. Từ đó ông trở thành một người chuyên hiến huyết tương máu để cứu giúp người.
“Cơ thể ông ấy sản sinh ra nhiều kháng thể Anti-D và càng hiến máu, cơ thể càng sản sinh nhiều hơn” - Jemma Falkenmire, thuộc Cơ quan Máu Chữ thập đỏ Australia, cho biết - “Có tới trên 17% phụ nữ ở Australia đứng trước nguy cơ gây bệnh Rezut con mình, vì thế James đã giúp cứu mạng được rất nhiều người”.
Chính các bác sĩ cũng không hiểu rõ tại sao Harrison lại có loại máu hiếm như vậy, nhưng họ nghĩ có thể nó bắt nguồn từ việc ông được tiếp nhận 14 đơn vị máu của những người khác trong ca phẫu thuật năm xưa. Hiện nay, Harrison là một trong không nhiều hơn 50 người ở Australia được biết là sở hữu kháng thể Anti-D này.
“Mỗi túi máu đều quý giá, nhưng máu của James Harrison thì đặc biệt khác thường. Máu của ông thực sự được dùng làm thuốc cứu mạng, được truyền cho những bà mẹ có nguy cơ tấn công đứa con trong bụng mình bằng kháng thể trong máu.”, bà Jemma Falkenmire khẳng định.
Anti-D, được sản xuất với kháng thể của Harrison, sẽ ngăn cơ thể các bà mẹ có máu dương tính với Rhesus khỏi tạo ra những kháng thể RhD (sẽ tấn công máu của đứa con) trong quá trình mang thai. Và kể từ năm 1967 tới nay, hơn 3 triệu liều Anti-D đã được cung cấp cho các bà mẹ Australia.
Ngay chính con gái ông Harrison cũng được tiêm loại thuốc này. “Kết quả là cháu trai thứ hai của tôi đã được sinh ra khỏe mạnh”, ông Harrison nói, “Bạn cảm thấy thật hữu ích khi cứu được một mạng sống, và khi bạn cứu được nhiều hơn nữa, điều đó thật tuyệt vời”.
Theo các quan chức Australia, việc phát hiện ra kháng thể đặc biệt của Harrison là một nhân tố “thay đổi cuộc chơi”. “Tại Australia, cho đến khoảng năm 1967, có hàng ngàn trẻ em tử vong mỗi năm, các bác sĩ không hiểu tại sao, và điều đó thật kinh khủng. Nhiều phụ nữ liên tục sảy thai và trẻ em sinh ra đã bị tổn thương não” - bà Jemma Falkenmire từng phát biểu với CNN hồi năm 2015 - “Australia là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hiện ra một người hiến máu chứa kháng thể chống bệnh Rezut, điều này thực sự mang tính cách mạng vào thời điểm đó”.
“Cho đến năm 2015, toàn bộ các liều Anti-D từng được sản xuất tại Australia đều có chứa kháng thể của James”, bà Robyn Barlow, người điều phối chương trình Rh, từng tuyển dụng James Harrison làm người hiến máu đầu tiên của chương trình, cho biết. “Thật là quá vĩ đại. Ông ấy đã cứu mạng hàng triệu đứa trẻ. Chỉ nghĩ đến điều đó thôi tôi đã rơi nước mắt”, bà Robyn chia sẻ.
Hơn 2,4 triệu sinh mạng đã được bảo đảm an toàn khi chào đời và lớn lên khoẻ mạnh nhờ Harrison, ông được coi như một vị anh hùng dân tộc tại Australia. Ông đã giành nhiều giải thưởng nhờ công lao và tâm huyết của mình, trong đó có Huân chương Australia, một trong những sự tôn vinh cao quý nhất của đất nước.
“Mọi người cứ thốt lên ‘ồ, ông đã làm được điều này, điều kia, hay ông là người anh hùng. Nhưng đó chỉ là việc tôi có khả năng. Đó là một trong những tài năng của tôi, có thể là tài năng duy nhất - đó là tôi có thể là một người hiến máu”, Harrison khiêm tốn nói về mình.
Gần như hàng tuần, “người đàn ông có cánh tay vàng” hiến từ 500-800 ml huyết tương. Ông nghỉ hưu sau 1.162 lần hiến máu từ cánh tay phải và 10 lần từ cánh tay trái.
Trong nửa thế kỷ, Harrison chưa từng lỡ một buổi hẹn hiến máu nào. Cứ nửa tháng, máu của ông lại được lấy tại ngân hàng máu, sau đó huyết tương được phân tách khỏi hồng cầu; rồi hồng cầu lại được tiêm trở lại cơ thể ông để ngăn chứng bệnh thiếu máu. “Không phải là hiến máu 5 phút mỗi 10 năm, mà là nửa ngày hiến máu mỗi nửa tháng. Đó là một kỳ tích về sự tận tâm”, bác sĩ Robert Flower, thuộc Tổ chức Chữ thập đỏ Australia nói.
Sau khi phân tích các dữ liệu sinh đẻ quốc gia kể từ năm 1964, Cơ quan Máu Chữ thập đỏ Australia đưa ra tính toán cho thấy James Harrison đã giúp ngăn ngừa trên 2,4 triệu cái chết. Số trẻ em Australia tử vong vì bệnh HDN đã giảm xuống hơn 100 lần kể từ khi liệu pháp Anti-D được áp dụng.
Chuyên gia Robyn Barlow cho rằng: “Chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại trường hợp như ông nữa. James Harrison vẫn mạnh khoẻ, các mạch máu vẫn đủ khoẻ để liên tục hiến máu trong một thời gian quá dài như vậy là rất, rất hiếm”.
Chương trình Anti-D của Australia hiện nay chỉ có 160 người hiến máu. Trong khi đó, những nỗ lực tạo ra một phiên bản tổng hợp giống với kháng thể của ông Harrison đều thất bại. Cơ quan Máu Chữ thập đỏ gần đây đã khởi động dự án nghiên cứu kéo dài 3 năm để thu gom ADN của ông Harrison và xây dựng ngân hàng kháng thể đơn dòng của ông – một dự án báo trước giai đoạn mới đầy hứa hẹn trong chương trình Anti-D.
Theo luật pháp Australia, người bước sang tuổi 81 sẽ không được phép hiến máu. Vì thế, Cơ quan Máu Chữ thập đỏ Australia hy vọng, sau Harrison, sẽ có nhiều người khác có kháng thể tương tự như ông sẵn sàng trao đi giọt máu quý giá của mình.
“Tất cả những gì chúng tôi có thể làm lúc này là hy vọng sẽ có những người khác, đủ tâm huyết và hy sinh như cách mà ông ấy đã làm”, bà Jemma Falkenmire chia sẻ.
Bài: Thu Hằng
Trình bày: Trần Thắng
13/05/2018 10:51