Thế giới ngày nay đang phải đối mặt với những thảm họa thiên nhiên ngày càng khốc liệt như các đợt lũ lụt, cháy rừng… nghiêm trọng xảy ra ở khắp mọi nơi. Hình ảnh miền Trung nước ta oằn mình trong mưa lũ những ngày qua là một minh chứng. Biến đổi khí hậu chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới những tình trạng này. Báo cáo của Liên hợp quốc mới đây cho thấy biến đổi khí hậu là nguyên nhân của hơn 7.000 thảm họa thiên nhiên trong vòng 20 năm qua.

Biến đổi khí hậu Trái Đất là sự thay đổi mang tính thống kê trong một giai đoạn nhất định của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển, băng quyển hiện tại và trong tương lai do các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo. Sự thay đổi những chỉ số gốc của một trong hai môi trường quan trọng là vật lý hoặc sinh học mang tính tiêu cực và có tác động xấu, khó có thể phục hồi được trong đời sống tự nhiên cũng như sinh hoạt chung của hệ động vật sinh thái và con người.
Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái Đất là do thay đổi bức xạ khí quyển, bao gồm các quá trình như biến đổi bức xạ mặt trời, độ lệch quỹ đạo của Trái Đất, quá trình kiến tạo núi, trôi dạt lục địa và thay đổi nồng độ khí nhà kính…

Băng trôi trên vùng biển phía đông Greenland, ngày 15/8/2019.

Biểu hiện dễ nhận thấy của biến đổi khí hậu là sự nóng lên toàn cầu; chất lượng khí quyển gây hại cho môi trường sống của con người và động vật; mực nước biển dâng cao dẫn đến ngập úng các vùng đất thấp; sự dịch chuyển của các đới khí hậu; sự thay đổi cường độ hoạt động của hoàn lưu khí quyển, chu trình sinh địa hóa và tuần hoàn nước trong tự nhiên, năng suất sinh học của hệ sinh thái, thành phần của sinh quyển, thủy quyển, địa quyển...

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu thường được gọi chung bằng hiện tượng nóng lên toàn cầu, mà hậu quả nhãn tiền của nó là hệ sinh thái bị phá hủy, mất đa dạng sinh học, ảnh hưởng kinh tế, dịch bệnh, hạn hán hay bão lụt, núi băng và sông băng đang bị “teo nhỏ”, hiệu ứng nhà kính, mực nước biển dâng… và chiến tranh - xung đột. Biến đổi khí hậu cũng gây ra những ảnh hưởng xấu đến thành phần, khả năng phục hồi hoặc sinh sản của các hệ sinh thái tự nhiên cũng như hoạt động của các hệ thống kinh tế - xã hội, sức khỏe và phúc lợi của con người.

Bởi những hệ lụy do biến đổi khí hậu gây ra nên những năm gần đây, vấn đề này luôn được xem là vấn đề quan trọng, cấp bách đòi hỏi con người phải có nhận thức rõ ràng về mức độ nguy hại của nó đến môi trường sống. Thậm chí, trong năm 2019, từ điển tiếng Anh uy tín hàng đầu thế giới Oxford đã chọn từ "Tình trạng khẩn cấp về khí hậu" là “cụm từ của năm 2019”, do biến đổi khí hậu không còn là mối nguy cơ, không còn là chuyện tương lai, mà là những gì người dân trên toàn thế giới, cả các nước phát triển lẫn nước nghèo, đã và đang phải hứng chịu hàng ngày. 

Người dân tránh nóng bên vòi phun nước tại Paris, Pháp, ngày 25/7/2019.
 

Có thể thấy rõ, loài người đang phải đối mặt với thực tế khủng khiếp không thể phủ nhận. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường dẫn đến nguy cơ các loài từ động vật đến thực vật bị tuyệt chủng hàng loạt; thảm họa thiên nhiên cũng ngày càng trở nên khốc liệt hơn với các đợt lũ lụt, cháy rừng nghiêm trọng xảy ra ở khắp mọi nơi. Thiên tai đã gây thiệt hại lớn với những con số đáng báo động. Tình trạng trên đều được cho là do tác động của biến đổi khí hậu.

Lửa cháy rừng bốc ngùn ngụt thiêu rụi nhiều ngôi nhà tại North Park, khu vực lân cận San Bernardino, bang California (Mỹ) ngày 31/10/2019.

Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc công bố ngày 12/10/2020 đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân của hơn 7.000 thảm họa thiên nhiên trong vòng 20 năm qua. Theo đó, từ năm 2000 đến 2019, thế giới đã ghi nhận 7.348 thảm họa thiên nhiên lớn khiến trên 1,2 triệu người thiệt mạng và ảnh hưởng tới 4,2 tỷ người. Báo cáo cũng cho biết, các thảm họa thiên nhiên trong vòng 20 năm qua đã gây thiệt hại kinh tế lên đến gần 3.000 tỷ USD. Trong đó, bão và lũ lụt chiếm tới 72% các thảm họa thiên nhiên lớn và số lượng các trận lũ lớn tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ qua. 

Cháy rừng thiêu rụi diện tích kỷ lục ở bang California, Mỹ:

Riêng năm 2019, năm được coi là năm nóng thứ hai trong lịch sử, thời tiết khắc nghiệt là một trong những hệ quả của biến đổi khí hậu đã tiến công mọi nơi trên thế giới. Từ Nam Phi đến Bắc Mỹ, từ châu Ðại Dương và châu Á đến châu Âu, lũ lụt, bão và hỏa hoạn đã gây ra sự hỗn loạn, tàn phá và hủy diệt. Báo cáo của Quỹ từ thiện Christian Aid của Anh cho biết thảm họa thiên tai đã khiến hàng triệu người mất nhà ở và cướp đi sinh mạng của nhiều người trên thế giới trong năm 2019. Còn theo báo cáo của Công ty tái bảo hiểm Munich Re của Ðức, trong năm 2019, khoảng 9.000 người được cho là đã thiệt mạng trong 820 thảm họa thiên nhiên trên thế giới. 

Người dân lấy nước uống tại một giếng nước ở bang Madhya Pradesh, Ấn Độ, ngày 16/6/2019.

Ngoài ra, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay còn làm đẩy nhanh tốc độ “biến mất” của các loài. Trong báo cáo với tiêu đề "Tình trạng tự nhiên" năm 2019, Liên hợp quốc từng cảnh báo 1 triệu loài động, thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng mà thủ phạm có liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu, nạn phá rừng, buôn lậu và săn bắn trộm, canh tác nông nghiệp thiếu bền vững và ô nhiễm.

Bước sang năm 2020, mặc dù thế giới đã và đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, song cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu chưa bao giờ lắng xuống. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, phát biểu tại phiên thảo luận bàn tròn cấp cao trực tuyến về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 tại New York (Mỹ) vào tháng 9 vừa qua đã cảnh báo, thế giới đang nóng lên ở mức báo động và khí thải nhà kính đang khiến thế giới đối mặt với ngày càng nhiều thảm họa từ cháy rừng, lụt lội, bão lũ đến mất an ninh lương thực và suy thoái kinh tế. 

Theo báo báo của Liên hợp quốc công bố tháng 9/2020, đại dịch COVID-19 hiện nay không hề khiến cuộc khủng hoảng khí hậu tạm ngừng, mà trái lại, mức khí thải nhà kính đã nhanh chóng cao trở lại như trước khi đại dịch xảy ra. Thậm chí, đại dịch COVID-19 còn là hồi chuông cảnh tỉnh về những thách thức thậm chí thảm khốc hơn có thể xảy ra trong tương lai, mà trước tiên là cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Bởi vậy, vấn đề cấp thiết toàn cầu hiện nay là cố gắng phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19 và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng ở bang Victoria, Australia, ngày 20/12/2019.

Báo cáo của Liên hợp quốc còn cho thấy nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển đã tăng lên mức cao kỷ lục mới trong năm 2020, khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan càng trở nên trầm trọng, trong đó phải kể đến các vụ cháy rừng, bão lớn, khô hạn và lũ lụt chưa từng có. Tác động của biến đổi khí hậu đã đẩy hàng trăm triệu người tới nguy cơ rơi vào cảnh ngập lụt. Ước tính, số người dân ở những vùng có thể bị ngập úng tính tới năm 2050 cũng tăng lên tối đa 3,2 tỷ người, cao hơn nhiều so với mức 1,9 tỷ người được đưa ra trước đó.

Một sinh viên trong trang phục gấu túi tham gia cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu tại Sydney, Australia, ngày 29/11/2019.

Trong khi đó, kết quả một nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI) cho thấy tác động của tình trạng biến đổi khí hậu tại châu Á có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới. MGI cho biết các quốc gia Đông Nam Á gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam dự báo sẽ chứng kiến nhiệt độ và độ ẩm gia tăng. Đến năm 2050, các nền kinh tế này có thể phải chịu thiệt hại tương đương 8 - 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do các tác động của hiện tượng nhiệt độ và độ ẩm tăng lên. Ở Indonesia, khả năng xảy ra mưa lớn có thể tăng từ 3 - 4 lần vào năm 2050. MGI cũng dự báo Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ thiệt hại từ 500 triệu đến 1 tỷ USD do một trận lụt lớn tác động trực tiếp tới cơ sở hạ tầng vào năm 2050, đi kèm với đó là chi phí dây chuyền có thể từ 1,5 - 8,5 tỷ USD.

Tại Việt Nam, thiên tai năm 2019 không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 12 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3: 8 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới; ngoài ra còn có 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long… 

Lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực xã Thanh An, huyện Cam Lộ và phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Thiên tai trước đây diễn ra theo mùa, còn bây giờ xuất hiện quanh năm, kể cả trong những tháng được xem là hiếm có thiên tai như trước đây. Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường trên cả nước. Chưa bao giờ ngày 30 Tết, Mùng 1 Tết lại xuất hiện dông lốc, mưa đá diện rộng ở 14 tỉnh, thành phố phía Bắc. Từ đó đến nay có hơn 100 trận tại hàng chục tỉnh, thành phố. Chưa bao giờ, thời tiết tháng 4 ở miền Bắc lại rét như giữa mùa đông. Nhiệt độ ngày 24/4 tại Hà Nội xuống 16,5 độ C, thấp nhất 50 năm gần đây. Cùng với đó, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt tiếp tục diễn biến phức tạp tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ đầu tháng 10 tới nay, các tỉnh, thành phố miền Trung (từ Nghệ An đến Quảng Ngãi) liên tục chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai do bão và áp thấp nhiệt đới, kết hợp với các hình thế thời tiết cực đoan khác như rãnh thấp, không khí lạnh… gây ra mưa lũ kéo dài. Lũ lớn xuất hiện trên 14 tuyến sông chính, trong đó có 4 tuyến sông lũ đã vượt mức lịch sử. Khu vực miền núi nhiều nơi đã bị sạt lở đất nghiêm trọng. Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng "bão chồng bão, mưa lũ chồng mưa lũ", đã và đang tác động, ảnh hưởng đến tất cả các tuyến từ ngoài Biển Đông đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi trong thời gian dài. Nhiều địa phương thuộc các tỉnh, thành như Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Tĩnh đã ngập trong biển nước. Sạt lở tang thương cũng đã xảy ra tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế), hay tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quảng Trị)… Theo thống kê sơ bộ, số người chết do thiên tai chỉ trong tháng 10/2020 đã vượt con số của cả năm 2019 (133 người chết và mất tích do thiên tai năm 2019).

Lực lượng cứu nạn đưa người dân ra khỏi vùng lũ, đồng thời phát hàng cứu trợ cho người dân trong cơn hoạn nạn.

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ngày 15/5/2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thiên tai hiện nay diễn biến dị thường, trái quy luật, xảy ra khắp vùng miền cả nước, suốt cả năm, ngày càng trầm trọng. Hai năm qua, chúng ta luôn bị thiệt hại do thiên tai, lấy đi thành quả phát triển, tác động sâu sắc kinh tế - xã hội. Từ đầu năm đến nay, thiên tai hết sức khốc liệt. Do đó, công tác phòng, chống thiên tai là khó khăn, phức tạp, chưa bao giờ kết thúc. Đảng, Nhà nước, các địa phương thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác phòng, chống thiên tai.

Thủ tướng khẳng định: Cho dù Việt Nam hiện là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai gây ra và bình quân hàng năm, thiên tai vẫn lấy đi từ 1 - 1,5 % GDP của đất nước, tuy nhiên, Việt Nam sẽ không đầu hàng trước bất cứ loại hình thiên tai nào. Thủ tướng nhấn mạnh: Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến ngày càng khốc liệt, mà theo quy luật tự nhiên, "nắng nóng sẽ mưa nhiều" nên sau hạn hán kỷ lục, rất dễ xảy ra mưa lũ lớn. Tại nhiều địa phương, khả năng chống chịu thiên tai vẫn còn hạn chế, đó là các vị trí trên đê xung yếu và các hồ chứa có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ, đây sẽ là những quả bom nước hết sức nguy hiểm nếu các cấp, ngành địa phương không có phương án chủ động phòng ngừa. 

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại Thừa Thiên - Huế:

Thủ tướng nhấn mạnh, cấp địa phương là yếu tố quyết định tính mạng, tài sản của nhân dân, do đó cấp ủy, chính quyền phải tích cực làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, nghiên cứu quy hoạch; củng cố công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện, xã. Tổ chức truyền thông trong cộng đồng. Bộ Khoa học và Công nghệ, các công ty công nghệ nghiên cứu để tạo ra hệ thống cảnh báo thiên tai hiệu quả. Thủ tướng mong cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân luôn nỗ lực để thành công trong công tác phòng, chống thiên tai.

Trước những con số biết nói về thiệt hại do thiên tai gây ra, các tổ chức quốc tế cảnh báo, nếu thế giới không thực hiện những hành động khẩn cấp để giảm khí thải, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm ít nhất 0,5 độ C trong 20 năm tới và tiếp tục tăng 2 độ C đến 3 độ C vào cuối thế kỷ XXI. Khí hậu toàn cầu trở nên cực đoan hơn sẽ khiến con người tiếp tục phải trả giá bằng những thiệt hại nặng nề.

Một nông dân tỉnh Ninh Thuận bất lực trước hạn hán kéo dài.

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015 yêu cầu các quốc gia sẽ cùng hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức “thấp hơn” 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, kể từ khi thỏa thuận được ký kết, lượng khí phát thải tiếp tục tăng và nhiều phân tích đã cảnh báo nền kinh tế toàn cầu cần được cơ cấu lại với ưu tiên tăng trưởng xanh. Khi nhiệt độ Trái đất mới chỉ tăng thêm 1 độ C, hành tinh của chúng ta đã phải đối mặt những trận cháy rừng, hạn hán và siêu bão thường xuyên và dữ dội hơn. 

Trong khi đó, thế giới đang đứng trước những thách thức, đó là tình trạng biến đổi khí hậu và sự bất bình đẳng trong phát thải khí carbon. Một thực tế đáng quan tâm là, 1% số người giàu nhất thế giới phát ra khí thải carbon cao hơn gấp đôi so một nửa số dân nghèo nhất toàn cầu, khoảng 3,1 tỷ người. Ngoài ra, các nước giàu cũng đã ngốn tới 1/3 “ngân sách carbon”, ngưỡng phát thải chấp nhận được để không gây biến đổi khí hậu ở mức nguy hiểm. Điều này không chỉ dẫn đến sự bất bình đẳng kinh tế cực đoan gây chia rẽ trong xã hội, mà còn làm trì hoãn các nỗ lực xóa đói nghèo trên thế giới, chưa kể cái giá phải trả là làm cạn kiệt “ngân sách carbon”. Một số nhà phân tích cho rằng, không thể giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu nếu không ưu tiên bình đẳng kinh tế. 

Tình trạng sạt lở bờ sông, sạt lở đê biển ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng.

Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) và tổng cộng 66 quốc gia đã lên kế hoạch đạt mục tiêu triệt tiêu carbon trước năm 2050. Các thành phố London và Paris cũng đã ban bố các cơ chế khẩn cấp khí hậu và sinh thái chính thức. Liên hợp quốc cũng đã lên kế hoạch cứu hệ sinh thái vào năm 2030, theo đó 30% diện tích đất liền và biển trên Trái Đất sẽ trở thành khu vực được bảo vệ vào năm 2030 nhằm bảo đảm khả năng sinh tồn của hệ sinh thái vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với nhân loại. Đây sẽ là một tiến trình tương tự với tiến trình đàm phán để đạt được Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. Kế hoạch trên của Liên hợp quốc đã nhận được sự hoan nghênh của giới chuyên gia và các nhà môi trường học trên thế giới.

Người dân sống bất an trong vùng sạt lở ở Long An:

Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 5 năm ký kết Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Dự kiến Liên hợp quốc và Anh sẽ đồng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu vào trung tuần tháng 12 tới, quy tụ các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, đại diện các lĩnh vực tư nhân và các tổ chức để cùng đẩy mạnh quyết tâm và thúc đẩy hành động nhằm tháo gỡ những thách thức khí hậu. Tại hội nghị này, các phái đoàn đại diện chính phủ các nước được yêu cầu đề xuất các kế hoạch về khí hậu chất lượng cao và tham vọng hơn. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nhân dịp này sẽ công bố chương trình dự kiến cho Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ (COP26) do Anh đăng cai tại Glasgow vào năm 2021 tới.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không còn là chuyện riêng của bất cứ quốc gia nào nữa, mà là vấn đề cấp bách toàn cầu, là trách nhiệm của mỗi con người. Bảo vệ Trái Đất, bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài khỏi nguy cơ tuyệt chủng… cũng chính là con người đang tự bảo vệ mình khỏi những thảm họa trong tương lai.

Bài: Trọng Đức - Phương Phương
Tổng hợp: Bảo An
Ảnh: TTXVN, TTXVN phát; Video: Vnews
Trình bày: Hà Nguyễn

24/10/2020 05:30