Phát huy lợi thế về biển, các tỉnh Nam Trung Bộ đã bứt phá vươn lên trở thành khu vực phát triển năng động về hạ tầng, nhất là hạ tầng về kinh tế, dịch vụ, du lịch ven biển. Nơi đây còn là vựa nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản lớn của cả nước. Tuy nhiên, cùng với phát triển, vùng biển và ven biển Nam Trung Bộ đang "hứng” lượng rác thải nhựa rất lớn từ sinh hoạt, sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản; cần phải có những giải pháp đồng bộ để giảm thiểu, đẩy lùi vấn nạn "ô nhiễm trắng" này.

Các tỉnh Nam Trung Bộ (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) có đường bờ biển dài 837 km, với đội tàu gần 17.000 chiếc. Hàng chục cửa biển, đầm, vịnh dọc bờ biển đã tạo một hệ sinh thái ven bờ phong phú đa dạng là điều kiện thuận lợi để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng khu vực này cũng là hạ nguồn của các dòng sông và trở thành “bể hứng” rác thải từ nhiều nguồn, gây ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân ven biển.

Rác thải nhựa dạt vào bờ, gây ô nhiễm môi trường biển bãi trước thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi có 6 cửa biển, mỗi nơi đều mang một vẻ đẹp riêng. Tuy nhiên, các cửa biển Sa Cần, Sa Kỳ, Sa Huỳnh trở thành điểm "nóng" bởi rác thải nhựa. Bãi trước bờ biển thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi bị bủa vây bởi hàng tấn rác thải đủ loại như túi nilon, xốp, vải vụn, xác chết động vật... kéo dài đến 500m. Nước biển khu vực ven bờ bốc mùi khó chịu.

Theo bà Nguyễn Tình, thôn An Vĩnh, rác thải sinh hoạt của người dân theo các dòng sông đổ về cửa biển Sa Kỳ, một phần bị cuốn ra biển, phần còn lại chìm xuống nước, hoặc bị thủy triều kéo dạt vào bờ biển thôn An Vĩnh. Vào ban đêm, nhiều hộ dân lén lút đổ rác ra biển. Hàng ngàn túi nilon từ các tàu cá ở Cảng cá Sa Kỳ không được thu gom mỗi ngày vẫn bị thải trực tiếp xuống biển.
 
Tại Bình Định, rác thải nhựa cũng đang là vấn đề nhức nhối tại xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn. Vốn là làng chài cổ có vẻ đẹp bình dị, nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Kỳ Co, Eo Gió. Nơi đây thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, lưu trú, trải nghiệm. Các hoạt động dịch vụ du lịch nở rộ. Tuy nhiên, việc xả rác thải sinh hoạt bừa bãi của người dân địa phương đã vô hình làm ô nhiễm bãi biển trong xanh ở đây, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống, sinh kế của người dân. Nhất là mùa gió bão, thủy triều lên, rác thải trôi dạt vào phủ kín bờ biển... Chịu thiệt thòi nhất vẫn là những hộ chuyên khai thác tôm hùm giống - loại hải sản có giá trị kinh tế cao, bởi lẽ, nghề này chỉ chờ nước biển dâng mới làm ăn được. Thay vì những mẻ lưới đóng đầy tôm hùm giống thì lại đầy rác.

Rác thải nhựa trôi dạt vào bờ vịnh Xuân Đài thuộc phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu (Phú Yên).

Còn ở Phú Yên, tại Khu phố Dân Phước và khu phố Vạn Phước, phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu trong nhiều năm qua, bờ biển nơi đây vẫn tồn tại hàng chục tấn rác thải nhựa, chủ yếu là bao nilon, xốp, chai nhựa, sắt thép hoen rỉ… bị sóng biển tấp vào bờ, nằm dài gần 2 km và bốc mùi hôi thối. Kèm với đó, nước thải từ hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản cũng đổ ra đây. Điều đáng nói, khu vực này nằm ngay sát khu dân cư với hàng trăm hộ dân sinh sống nhưng lượng rác thải không được thu gom, xử lý hằng ngày mà để tồn đọng trong thời gian dài.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Phú Yên Đào Thị Kim Chi cho biết, tại khu vực ven biển và các vịnh, đầm tỉnh Phú Yên đã tích tụ một khối lượng lớn rác thải, trong đó có rác thải nhựa từ hoạt động tàu thuyền, du lịch trên biển, nuôi trồng thủy sản ở đầm, vịnh và từ hoạt động dân sinh trên đất liền. Điều này đã làm cho môi trường biển bị xâm hại, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, nghiêm trọng hơn nữa là sinh kế của người dân.

Một khu vực trong khu bảo tồn vịnh Nha Trang, rạn san hô ở tình trạng chất lượng kém.

Còn tại Khánh Hòa, hầu hết các cảng cá như Vĩnh Lương, Vĩnh Trường (thành phố Nha Trang), đảo Bình Ba (xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh) và một số vùng nuôi trồng thủy sản trên biển ở huyện Vạn Ninh đều có dấu hiệu ô nhiễm môi trường nước. Ô nhiễm rác thải nhựa khiến việc nuôi tôm hùm, cá biển và các loại thủy sản khác ngày càng khó khăn. Chỉ tính riêng xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh với 821 hộ, khoảng 27.254 lồng nuôi thủy sản cùng trên 2.000 lao động, lượng rác thải nhựa xả ra hàng ngày rất lớn. Mỗi đợt cao điểm có thể gom được khoảng 1 tấn rác thải nhựa trên biển. Lượng rác thải nhựa lớn, song công tác thu gom hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Năm 2018, vùng nuôi tôm hùm, cá bớp tại huyện Vạn Ninh xảy ra nhiều đợt tôm, cá chết liên tục. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là do môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, mật độ nuôi dày đã khiến các loại bệnh lây lan.

Đặc biệt, gần đây, môi trường vịnh Nha Trang nói chung, rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun nói riêng đang có biểu hiện của suy thoái, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có rác thải nhựa. Theo khảo sát của các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa, hàng trăm m2 rạn san hô biển Hòn Mun chết, phủ trắng một vùng. Độ phủ san hô vào 7 năm trước đạt hơn 50 %, đến năm 2021 chỉ còn dưới 10%. Hiện nay, theo khảo sát của các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, thành phố Nha Trang, vẫn còn tình trạng rác thải phát sinh từ đất liền, khu vực đảo và các lồng bè nuôi thủy sản chưa được thu gom, xử lý triệt để gây ảnh hưởng xấu đến môi trường vịnh Nha Trang. Hệ thống thu gom rác thải trong thành phố chưa hoàn chỉnh nên vẫn còn sự cố nước thải, rác thải chảy ra vịnh, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và làm ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sinh kế, cuộc sống, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức cùng chính quyền các địa phương ở Nam Trung Bộ đang có nhiều hoạt động thiết thực đẩy lùi tình trạng "ô nhiễm trắng" vùng biển bằng nhiều mô hình, việc làm thiết thực. 

Một lần về thăm quê, anh Huỳnh Văn Thương (thành phố Quảng Ngãi) rất sửng sốt khi thấy biển Sa Cần bị "bóp nghẹt" bởi một lượng rác thải nhựa khủng khiếp và quyết tâm hành động hồi sinh vùng biển nơi đây. Một dự án cộng đồng đã ra đời. Sau khi tìm hiểu xác minh nguồn gây ô nhiễm, nắm bắt tâm tư của người dân thôn Hải Ninh, anh Thương đưa hình ảnh thực tế cửa biển Sa Cần lên trang Facebook cá nhân của mình cùng với lời kêu gọi "Tử tế với Sa Cần".

Nhóm dự án “Tử tế với Sa Cần” thu gom rác thải nhựa ở cửa biển Sa Cần, xã Bình Thạnh, Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Lời kêu gọi của anh Thương đã lan tỏa đến nhiều người, trong đó có phụ nữ, đoàn viên thanh niên, Bộ đội Biên phòng, người dân địa phương và cả những người chưa hề biết đến Sa Cần. Mọi người đã cùng nhau thu dọn túi nilon, rác thải nhựa để trả lại bờ biển cát vàng đẹp đẽ cho Sa Cần. Chỉ trong vòng 8 ngày, cộng đồng dân cư cùng các tình nguyện viên đã dọn sạch bãi biển 2 km. Khu dân cư thôn Hải Ninh được anh Thương vận động kinh phí lắp đặt camera giám sát, đồng thời duy trì hai tổ thu gom nhằm cắt đứt nguồn phát sinh rác thải từ khu dân cư. Anh đã kêu gọi người dân lưu vực sông Trà Bồng không thải rác xuống lòng sông.

Ý tưởng của anh Huỳnh Văn Thương thành công, giúp người dân hình thành thói quen tốt, ứng xử đúng với rác sinh hoạt do mình xả ra. Không chỉ dự án "Tử tế với Sa Cần", anh Thương cùng cộng sự đang thực hiện nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như “Tử tế với Sa Kỳ", "Tử tế với Mỹ Khê”. Nhiều mô hình tử tế với môi trường được lan tỏa, hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh tại khu dân cư như “Tử tế với thôn Phước Thiện”, mô hình Làng du lịch cộng đồng không rác thải…

Còn tại Bình Định, từ tháng 8 - 10/2022, UBND thành phố Quy Nhơn triển khai thí điểm Dự án “Quản lý tổng hợp rác thải nhựa vịnh Quy Nhơn”(giai đoạn 1) tại 4 xã, phường gồm: Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng. Dự án có tổng mức đầu tư 795.000 USD từ nguồn vốn ODA tài trợ không hoàn lại và vốn đối ứng.

Từ khi dự án được thực hiện, những hộ dân sinh sống ở xã Nhơn Hải đã dần hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và coi đó như một thói quen. Những thùng rác với nhiều màu sắc khác nhau, ghi chú cụ thể giúp họ dễ dàng phân loại rác tại nguồn. Bắt đầu từ 15 giờ ngày hôm trước đến 2 giờ ngày hôm sau, mọi người cùng nhau đem rác đã phân loại ra thả vào các thùng rác được nhân viên Hợp tác xã dịch vụ du lịch thủy sản Nhơn Hải đặt dọc tuyến kè ven biển để Công ty môi trường thu gom, chở đi xử lý. 

Thu gom rác thải nhựa ở xã đảo Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, Bình Định.

Ông Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch - Thủy sản Nhơn Hải cho hay, là đơn vị được giao quản lý, bảo vệ 12,1 ha rạn san hô tại đảo Hòn Khô để làm du lịch cộng đồng nên nhân viên của đơn vị thường xuyên lặn xuống biển thu gom rác thải trôi tấp vào rạn san hô. Việc làm này góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển, khai thác tài nguyên du lịch bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND Xã Nhơn Hải thông tin, đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn xã thực hiện thu gom, phân loại rác tại nguồn. Môi trường, cảnh quan của xã ngày càng xanh - sạch - đẹp. Đây là một trong những tiêu chí giúp xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Du khách đánh giá rằng, Nhơn Hải là một điểm đến an toàn, thân thiện không thể bỏ qua khi đến Bình Định du lịch. Điều đó như động lực để xã tự tin hơn trong phát triển du lịch, đề ra mục tiêu đón khoảng 50.000 lượt khách trong năm 2023.

Mô hình "Đảo thanh niên xanh không rác thải nhựa" ở xã đảo Nhơn Châu với lực lượng nòng cốt triển khai là Đội Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường Đảo Cù Lao Xanh. Định kỳ 2 lần/tuần (thứ 5 và Chủ nhật), các thành viên đi tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn người dân dọc các bờ biển, điểm khách du lịch tham quan bỏ rác đúng nơi quy định; phân loại rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa; ra quân làm sạch biển và các hoạt động bảo vệ môi trường trên đảo... Mô hình này hướng đến mục tiêu nhân rộng ra toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa".

Đổi rác thải nhựa lấy quà tặng tại đảo Phú Quý (Bình Thuận).

Tại Phú Yên, ông Hồ Nam Yên, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, cho biết, ngoài thông báo quan trắc môi trường, cảnh báo mức độ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh hàng tháng, thị xã đang, triển khai một số mô hình thu gom rác thải nhựa, tuyên truyền thực hiện mô hình “Mỗi hộ nuôi trồng thủy sản một giỏ rác”. Các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản mặt nước biển bằng công nghệ lồng bè HDPE (màng chống thấm) và quy trình nuôi thân thiện môi trường… Từ đó, thị xã giảm thiểu được lượng rác thải nhựa xả ra môi trường tự nhiên từ hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên tổ chức “Ngày hội Hòn Yến xanh” kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ cảnh quan, rạn san hô Hòn Yến. Chuỗi hoạt động ra quân làm sạch bãi biển, vẽ tranh trên tường tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa, tổ chức các tour du lịch phân loại rác thải… đã nâng cao ý thức của người dân địa phương về việc chung tay bảo vệ môi trường biển, hạn chế xả rác thải nhựa ra môi trường tự nhiên.

Tại Khánh Hòa, mô hình thu gom rác thải nhựa trên biển của anh Trần Thiện Toàn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại và dịch vụ Thi Toàn đã thực hiện 3 năm dưới dạng đóng góp tự nguyện. Hàng tuần, đơn vị thu gom rác trên biển 3 lần/bè. Các hộ nuôi có số lượng lồng bè tùy vào ít, nhiều hỗ trợ kinh phí cho người thu gom. “Số tiền từ thu gom rác thải nhựa lồng bè được rất ít, hàng tháng phải bù thêm chi phí xăng dầu cho tàu thu gom. Tuy nhiên, tôi luôn tâm niệm phải duy trì mô hình này để bà con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển. Khi nào biển không còn rác thải nhựa, tình trạng cá chết và mùi hôi thối ở biển vào mùa hè mới giảm hẳn”, anh Trần Thiện Toàn cho hay.

Các tỉnh Nam Trung Bộ có lợi thế thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng từ kinh tế biển. Việc kiểm soát chặt môi trường, ngăn chặn, đẩy lùi ô nhiễm rác thải nhựa sẽ góp phần phát huy giá trị, lợi thế lớn từ biển mang lại.

Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, tại Việt Nam, khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường; 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới) nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng.

Những hoạt động cụ thể, thiết thực của tuổi trẻ để bảo vệ môi trường biển.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Nghị quyết đề ra mục tiêu, đến năm 2030 nước ta ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải đại dương đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Đây là khung pháp lý quan trọng để các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương gắn với thực tiễn địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, để góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, tỉnh đang có nhiều giải pháp chiến lược giảm thiểu, đẩy lùi rác thải nhựa. Ngày 31/8/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch này đề ra các mục tiêu: Giảm 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom. 70% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác vùng ven biển, hải đảo không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. 70% diện tích Khu Bảo tồn biển Lý Sơn không còn rác thải nhựa…

Cửa biển Sa Cần, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) được hồi sinh với làn nước trong xanh, bờ cát dài mịn màng không rác thải nhựa (chụp ngày 26/5/2023).

Trước mắt, Quảng Ngãi tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt. Trong đó, tỉnh đặc biệt tập trung vào các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ, đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện đồng bộ việc kết hợp các công cụ kinh tế một cách hiệu quả dựa. Việc này thực hiện trên nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả tiền và người được hưởng lợi phải trả tiền, người xả thải càng nhiều chất thải càng phải trả nhiều phí.

Quảng Ngãi xác định kiểm soát, xử lý rác thải nhựa tại nguồn, hạn chế tiến tới loại bỏ hoàn toàn chất thải nhựa, túi nilon khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Tỉnh chuẩn bị đầy đủ hạ tầng để thực hiện tốt kế hoạch phân loại rác tại nguồn, thu phí rác sinh hoạt thực hiện đồng loạt tại các địa phương, chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Đồng thời, tỉnh xây dựng, nhân rộng mô hình quản lý rác thải dựa vào cộng đồng tại tất cả khu dân cư ven biển của tỉnh và huyện đảo Lý Sơn, góp phần nâng cao công tác quản lý rác thải nhựa đại dương.

Biển Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) với làn nước trong xanh, cát trắng không rác thải nhựa là điều kiện thuận lợi để Quảng Ngãi thu hút khách du lịch.

Còn tại Phú Yên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên đã tham mưu UBND tỉnh kêu gọi nguồn lực hỗ trợ từ Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (Greenhub) triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm thải nhựa phát sinh vào môi trường.

Dự án “Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” tại Phú Yên thực hiện từ năm 2022 - 2025 do WWF-Việt Nam tài trợ. Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hình thành mô hình trường học không rác nhựa, mô hình phân loại rác chợ và khu dân cư. Greenhub hỗ trợ cung cấp các kiến thức về rác thải nhựa; hình thành mô hình “Chung tay bảo vệ Khu dân cư ven biển Xanh - Sạch - Đẹp” tại huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu; mô hình “Trạm làm đầy nước tẩy rửa sinh học - Giảm rác thải khu dân cư” tại huyện Phú Hòa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo chia sẻ: Đảng bộ và chính quyền tỉnh luôn quán triệt quan điểm phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn lợi từ biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển và xâm thực, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

Tỉnh Phú Yên đã tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện nhiều dự án về bảo vệ môi trường như: Tăng cường năng lực cộng đồng bảo tồn rạn san hô Hòn Yến; thu gom rác thải nhựa ngoài biển với sự đồng thuận của cộng đồng ngư dân. Tỉnh phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga hợp tác nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các hệ sinh thái... Tất cả đều hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững, gắn liền với việc bảo vệ môi trường.

Vẻ đẹp "khó cưỡng" của quần thể san hô Hòn Yến, huyện Tuy An, Phú Yên. 

Vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực ven biển nói chung và tại các vịnh, đầm trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói riêng đã được các cấp, ngành trong tỉnh sớm xác định cần giải quyết. Là cơ quan quản lý trực tiếp vấn đề môi trường, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền để xây dựng thêm nhiều mô hình phân loại, giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, Sở tiếp tục kêu gọi các tổ chức phi chính phủ quan tâm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, con người và tài chính nhằm quản lý tốt rác thải, nhất là khu vực ven biển.

Cũng với nỗ lực chung đó, tỉnh Bình Định và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý là nội dung kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải; kinh tế biển xanh, bao gồm quy hoạch không gian biển và quản lý tổng hợp đới bờ; thích ứng biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học... Đây là những lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh.

Trong chuyến thăm làm việc tại Bình Định năm 2022, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết, giải quyết vấn đề chất thải nhựa đại dương là vấn đề quan trọng đối với "sức khỏe" của đại dương, con người và hành tinh. UNDP kỳ vọng cơ sở thu hồi vật liệu (MRF) sẽ có thể xử lý 2 - 4 tấn nhựa mỗi ngày để tái sử dụng; giúp thành phố Quy Nhơn ngăn chặn việc phải chôn lấp rác thải nhựa hoặc rò rỉ ra biển. Bà hy vọng, dự án đang triển khai và dự án mới về quản lý rác thải nhựa đại dương cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định và các cơ quan liên quan có thể tạo thành hành động tập thể nhằm cải thiện quản lý chất thải và rác thải nhựa, làm giảm ô nhiễm nhựa ở Bình Định, sẽ là mô hình điểm để nhân rộng ra các tỉnh thành khác tại Việt Nam và khu vực ASEAN.

Du khách đến với Nha Trang, Khánh Hòa.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa Nguyễn Thị Lan cho rằng, để giải quyết vấn nạn rác thải nhựa trên biển, ý thức của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nilon, rác thải nhựa trên biển cần được thực hiện thường xuyên. Mặt khác, để bảo vệ môi trường trên biển cần có một chế tài đủ mạnh để người dân tuân thủ và thực hiện đúng theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng như cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung.

Việc bảo vệ môi trường phải được phân cấp đến các địa phương. Do đó, vai trò của các đơn vị, địa phương trong việc vận động, thu gom cần được làm thường xuyên, xuyên suốt. Việc đầu tư hạ tầng với công nghệ tiên tiến xử lý rác thải sinh hoạt nói chung, rác thải nhựa nói riêng để bảo vệ môi trường cũng cần được quan tâm, chú trọng; nuôi trồng thủy sản nên theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường theo định hướng của kinh tế biển xanh nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ô nhiễm rác thải nhựa vùng biển không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, hệ sinh thái mà còn tác động đến phát triển kinh tế, cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh lương thực. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, cùng sự chung tay hành động của người dân, doanh nghiệp, trong hạn chế rác thải nhựa, những nỗ lực trên đang góp phần để môi trường vùng biển Nam Trung Bộ thật sự xanh, sạch, đẹp.

Đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa:

Bài: Nhóm phóng viên CQTT TTXVN tại Nam Trung Bộ
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà

10/06/2023 05:55