Ở Việt Nam, cây chè đã trở thành cây công nghiệp phát triển ổn định. Ngành chè đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống người dân miền núi, giúp xóa nghèo, cải thiện kinh tế gia đình và kinh tế địa phương. Tuy có những thành tựu vượt bật về canh tác sản xuất chè nhưng hiện nay, ngành chè vẫn tồn tại nhiều khó khăn, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè; đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chè Việt Nam, những năm gần đây, năng suất và sản lượng chè của Việt Nam liên tục tăng nhờ sự chuyển biến tích cực về giống, kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được các cấp từ trung ương đến địa phương ban hành nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ chè. Đặc biệt, có nhiều giải pháp đồng bộ được áp dụng trong vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trên sản phẩm chè đã cho những kết quả khả quan.
Các sản phẩm làm từ cây chè đang ngày càng đa dạng và phong phú, được đảm bảo sản lượng và chất lượng, phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng và được tiêu thụ tại nhiều thị trường trong và ngoài nước. Một số loại chè đang được ưa chuộng như: Chè sao lăn, chè xanh, chè ô long, chè hương, chè thảo dược...
Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Do đó, nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã chè nhiều địa phương đã chuyển hướng sản xuất sản phẩm chè theo hướng an toàn hữu cơ. Đây là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và hướng tới một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.
Sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh thay cho phân bón vô cơ; trồng cây che bóng để hạn chế sâu bệnh, đó chỉ là hai trong số rất nhiều những thay đổi trong quy trình trồng và chăm sóc chè… Với lối sống xanh của người tiêu dùng và nhu cầu thị trường thì việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp an toàn, không hóa chất là hướng đi tất yếu. Và những mô hình sản xuất chè hữu cơ đã phát triển ở các địa phương trồng chè, như: Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La…
Theo thống kê của Hiệp hội Chè Việt Nam, tính đến năm 2020, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích 123 nghìn ha, năng suất bình quân đạt gần 95 tạ/ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi.
Cây chè được phát triển chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước; kế đến là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích chè chiếm 7,0% và khu vực Đồng bằng Bắc Bộ 4,0%. Một số địa phương có diện tích chè lớn, như: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha)…
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường chính của chè Việt Nam là: Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia…
Việt Nam có đa dạng giống chè, theo thống kê có đến 170 giống chè các loại bảo đảm chất lượng và cho năng suất cao, với các hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng, như: Chè Shan, PH1, LDP1, LDP2, PT14… và các giống chè nhập nội, như: PT95, Kim Tuyên, Bát Tiên, Tứ Quý Xuân... Trong đó, chè Shan là giống chè quý, được phát triển lâu đời tại một số địa phương khu vực phía Bắc như: Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên… với khoảng hơn 24% tổng diện tích trồng chè cả nước.
Tổng giá trị sản phẩm chè năm 2022 ước tính 12.600 tỷ đồng, tương đương với 552 triệu USD. Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD; chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương với 325 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, tuy có những thành tựu vượt bật trong phát triển về canh tác sản xuất chè nhưng hiện nay, ngành chè đang tồn tại nhiều khó khăn. Trước hết, quy mô sản xuất chè còn nhỏ lẻ, ước tính bình quân khoảng 0,2 ha/hộ nên rất khó khăn trong việc tiếp cận với các thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại và chứng nhận chè an toàn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất chè Việt Nam còn hạn chế, chè có tưới chỉ chiếm lượng nhỏ khoảng 7% diện tích đất trồng chè cả nước cho nên chưa phát huy được tiềm năng của các giống chè mới (chiếm đến 54% diện tích cả nước).
Chất lượng chè Việt Nam và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đạt tiêu chuẩn (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của ngành chè dẫn đến chưa đáp ứng được các yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu của các nước phát triển, trong khi các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chè (MRL) tại thị trường EU, Mỹ và Nga thì càng ngày càng nghiêm ngặt hơn.
Mặt khác, nhiều cơ sở chế biến chè tuy được cấp giấy phép hoạt động nhưng lại không có vùng nguyên liệu đáp ứng đủ nhu cầu, cùng với đó là trình độ tay nghề trong chế biến còn thấp, dẫn đến chất lượng chè không cao. Liên kết giữa các khâu sản xuất và chế biến vẫn còn khá lỏng lẻo. Cả nước chỉ có 10% số các công ty/nhà máy chế biến chè đã có vùng nguyên liệu riêng để phục vụ cho chế biến.
Hơn nữa, diện tích đất trồng chè ở nước ta ngày càng bị thu hẹp, giảm dần vì người dân sử dụng đất chè để trồng các cây công nghiệp khác có lợi nhuận cao hơn. Việc bảo tồn gìn giữ các giống chè Việt Nam quý hiếm vẫn chưa được quan tâm một cách đầy đủ.
Trước những bất cập trên, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững, thời gian tới, ngành chè cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm. Theo đó, cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè Việt Nam thông qua chuyển đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới; đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam; đa dạng hóa sản phẩm chè chế biến bằng công nghệ tiên tiến. Đây là hướng đi chủ đạo đúng đắn, trên thực tế đã có những đơn vị như Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) đã khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường nhờ hướng đi này.
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, Lào Cai hiện còn trên 1.000 cây chè cổ thụ tại 4 huyện Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà và Si Ma Cai. Trước thực trạng cây chè cổ thụ chưa được chú trọng phát huy hết giá trị, một số địa phương của Lào Cai đã bắt đầu để ý đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của những vùng chè cổ thụ này.
Địa phương đầu tiên xác định cây chè là cây trồng chủ lực trong kinh tế nông nghiệp nông thôn là huyện Mường Khương. Huyện đã mời các chuyên gia về chè trong và ngoài nước, “trải thảm đỏ” cho các doanh nghiệp chế biến chè của Việt Nam đến đầu tư và phát huy giá trị của cây chè cổ thụ tại địa phương.
Hiện tại, đã có hai công ty chế biến liên kết cùng với chính quyền xã Tả Thàng, bà con trồng chè để hướng dẫn người dân bảo vệ, chăm sóc, thu hái và chế biến sâu sản phẩm chè cổ thụ như: Công ty Tiên Thiên Trà, Công ty Chè Mường Hoa (xã Cao Sơn) đầu tư trồng chè Bát tiên để sản xuất trà Ô long, Công ty cổ phần Trà Cao Sơn trồng trà Shan tuyết cổ thụ Tả Thàng... Toàn bộ sản lượng được thu mua với mức giá cao hơn nhiều so với mức giá búp tươi trước kia nên người dân rất phấn khởi, quan tâm chăm sóc cây chè.
Tả Thàng có hơn 10 ha chè cổ thụ đã được chính quyền địa phương và người dân chung tay bảo vệ, chăm sóc và quản lý chặt chẽ. Chè cổ thụ Tả Thàng được người dân chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, không phun thuốc hay dùng phân hóa học để bón cho cây, mà chỉ phát dọn thực bì, tạo sự thông thoáng cho cây quang hợp và hút chất dinh dưỡng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết, địa phương đã và đang thực hiện bảo tồn để phát huy lợi thế cạnh tranh từ sản phẩm chè cổ thụ ở 4 thôn của xã vùng cao Tả Thàng.
Bát Xát cũng là một trong những địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, chăm sóc thật tốt diện tích chè hiện có. Bí thư Huyện ủy Bát Xát Nguyễn Trung Triều khẳng định, những cây chè Shan cổ thụ thực sự là báu vật của địa phương, là sản phẩm đặc sản riêng có và là tiềm năng, thế mạnh rất lớn của huyện Bát Xát. Địa phương đang phát triển và phục tráng giống chè cổ trên địa bàn để nâng cao giá trị vùng trồng chè; quảng bá, giới thiệu sản phẩm để chè để ngày càng có nhiều người biết đến và tin dùng, tạo thị trường tiêu thụ ổn định để giúp đồng bào ở đây có thu nhập cao hơn từ cây chè cổ thụ.
Diện tích chè cổ thụ và chè trồng lâu năm đang được tỉnh Lào Cai quy hoạch, tạo thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất hàng hóa, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực, hứa hẹn sẽ phát huy được giá trị của những cây chè quý để nâng cao thu nhập cho người dân nơi rẻo cao Lào Cai.
Tại Sơn La, nằm ở độ cao khoảng 1.800 m so với mực nước biển, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, cảnh quan hùng vĩ, tươi đẹp. Nơi đây, còn được biết đến giống chè Shan tuyết với nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm cho hương vị chè đặc trưng không nơi nào có được. Với những giá trị đó, người dân, chính quyền địa phương đang nỗ lực để thương hiệu này được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
Tà Xùa hiện có hơn 200 ha chè Shan tuyết, trong đó gần một nửa là cây chè cổ thụ, tập trung ở các bản Bẹ, Tà Xùa, Chung Chinh. Do quanh năm mây phủ, độ ẩm cao và khí hậu trong lành mát mẻ nên cây chè Shan tuyết nơi đây có búp to, dưới lá chè có phủ một lớp lông tơ mịn, màu trắng như tuyết, người dân nơi đây thường gọi là chè tuyết.
Hiện sản phẩm chè Tà Xùa đã trở thành đặc sản của huyện Bắc Yên nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ông Mùa A Châu, bản Bẹ, xã Tà Xùa chia sẻ, búp chè tươi thu hái đến đâu thì được các công ty, hợp tác xã bao tiêu đến đó. Với hơn 2 ha chè của gia đình, sản lượng chè búp tươi đạt gần 10 tấn/năm, thu về hơn 300 triệu đồng. Nhờ cây chè mà đời sống của gia đình đã khấm khá hơn trước.
Sản phẩm chè búp khô Tà Xùa được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, với giá bán bình quân từ 500 - 800 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, hiện loại chè chè cổ thụ búp to, khi sao 5 kg chè tươi sẽ được 1 kg chè khô, giá bán trung bình từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg, riêng loại chè thượng hạng giá bán lên đến 2,5 triệu đồng/kg. Hàng năm, người dân xã Tà Xùa thu hái được hơn 300 tấn chè búp tươi, chế biến được hơn 60 tấn chè khô.
Thời gian qua, huyện Bắc Yên đã mời gọi các doanh nghiệp chế biến chè của Việt Nam đến đầu tư và phát huy giá trị của cây chè cổ thụ tại địa phương. Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân bảo vệ, chăm sóc, thu hái và chế biến sâu sản phẩm chè cổ thụ và xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh với Trà xanh mây Tà Xùa, Trà xanh thiện, Bạch trà. Ngoài ra, Hợp tác xã Nông nghiệp và Chè Tà Xùa đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 30 ha chè. Hiện du khách đến du lịch Tà Xùa ngày càng nhiều và sản phẩm chè nơi đây trở thành món quà đặc sản được nhiều người lựa chọn.
Bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết, thương hiệu chè Shan tuyết Tà Xùa ngày càng được nhiều người biết đến, giá bán sản phẩm được nâng lên, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người trồng chè. Thấy được giá trị từ cây chè mang lại, người dân đã thay đổi nhận thức từ chăm sóc, bảo vệ, thu hái, chế biến chè đúng kỹ thuật. Nhờ đó chất lượng sản phẩm được nâng lên, nhiều diện tích chè được công nhận VietGAP và hướng tới sản xuất chè sạch theo hướng hữu cơ.
Cùng đó, huyện Bắc Yên đã ban hành Đề án “Phục tráng vùng chè shan tuyết Tà Xùa”. Mục tiêu là quy hoạch, cải tạo, phục tráng diện tích chè hiện có, phát triển thêm diện tích mới, xây dựng thương hiệu hàng hóa chè đặc sản Tà Xùa. Ngoài ra, hỗ trợ các hộ dân, doanh nghiệp đưa thiết bị máy móc hiện đại vào việc sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản nhằm tăng giá trị sản phẩm chè, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của thị trường, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Tại tỉnh Thái Nguyên, chè là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn kinh tế ổn định cho người trồng chè, tuy nhiên, thương hiệu “Chè Thái Nguyên” hiện mới nổi danh trong nước, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Từ thực tế đó, ngành nông nghiệp Thái Nguyên đã tích cực triển khai xây dựng mã số vùng trồng trên cây chè. Đây được coi là chìa khóa quan trọng cho chè Thái Nguyên hội nhập quốc tế bền vững.
Xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích chè gần 4.500 ha. Xã có gần 40 hộ thuộc hai xóm Cầu Đá và Non Bẹo tham gia xây dựng mã số vùng trồng với diện tích 11,4 ha. Sản phẩm chè của Hoàng Nông chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Sau khi triển khai mã số vùng trồng trên cây chè, nhiều người dân ở Hoàng Nông đã hiểu được giá trị và lợi ích khi áp dụng mô hình này.
Ông Vũ Văn Tần ở xóm Cầu Đá chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 2 mẫu chè, bắt đầu tham gia áp dụng mã số vùng trồng từ tháng 2/2022, khi áp dụng phương pháp canh tác này, tôi nhận thấy cây chè khỏe hơn, lá mập, búp dày, ít sâu bệnh và cái mà người nông dân mừng nhất là môi trường sống trong lành hơn rất nhiều”.
Với năng suất mỗi năm thu hái từ 7 - 8 lứa chè, mỗi lứa được 3 tạ búp khô, giá bán bình quân khoảng 200.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông Tần cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây chè.
Cũng như ông Tần, gia đình ông Nguyễn Văn Sáu ở xóm Cầu Đá cũng áp dụng mã số vùng trồng trên cây chè từ tháng 12/2021. Ông Sáu mong muốn, sản phẩm chè được tiêu thụ mạnh hơn nữa, không chỉ ở trong nước mà xuất sang nhiều nước trên thế giới. Việc áp dụng mã số vùng trồng cũng không quá phức tạp, chỉ cần chú tâm là nhà nào cũng có thể triển khai được.
Điều kiện để được triển khai mã số vùng trồng không quá khắt khe, tuy nhiên phải đúng quy trình. Cụ thể: bà con cần áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, tuân thủ việc ghi chép, bảo quản nhật ký canh tác để phục vụ truy xuất nguồn gốc, đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo quy định của nước nhập khẩu… Ngoài ra, các vùng trồng phải nhận diện được GPS.
Theo bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hiệp hội chè Thái Nguyên, để có sản phẩm chất lượng cao và đạt các tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chè phải kiểm soát được quá trình canh tác và thu hái chè búp tươi từ vùng cung cấp nguyên liệu. Đồng thời, phải từng bước thực hiện số hóa trong quản lý sản xuất và thực hiện cấp mã số vùng trồng để kiểm soát nghiêm ngặt quy trình sản xuất và đảm bảo tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Từ năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng cho 17 vùng sản xuất với sự tham gia của gần 240 hộ thuộc 16 hợp tác xã và 1 công ty với tổng diện tích hơn 108 ha; trong đó, chủ yếu là cây chè. Hầu hết bà con đều thực hiện sản xuất theo đúng quy trình, đảm bảo phục vụ việc truy xuất nguồn gốc.
Có thể nói, việc triển khai mã số vùng trồng là giải pháp quan trọng nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản xuất khẩu, thúc đẩy sự liên kết và hình thành các chuỗi giá trị bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế và điều kiện sống an toàn cho người nông dân.
Phát triển thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa:
Bài: Hữu Quyết - Nguyễn Oanh - Thu Hằng - Phương Anh (tổng hợp)
Ảnh: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn
28/05/2023 05:55